Việt Nam có nên phá giá tiền tệ để thúc đẩy xuất khẩu không

Vì sao Việt Nam không phải quốc gia thao túng tiền tệ?

ThS.Nguyễn Trần Minh Trí 18/01/2021 09:37
Baoquocte.vn. TGVN. Thời gian gần đây, dư luận khá quan ngại việc Việt Nam bị Mỹ cáo buộc là quốc gia thao túng tiền tệ với những hệ lụy tiêu cực có thể phát sinh.

Ngày 15/1, Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ [USTR] đã chính thức ban hành Báo cáo về việc điều tra theo Mục 301 đối với các hành vi, chính sách và hành động của Việt Nam liên quan đến vấn đề định giá thấp tiền tệ. Kết luận được nêu trong Báo cáo của USTR hoàn toàn không đề cập hoặc đề xuất việc Chính phủ Hoa Kỳ áp thuế hoặc sử dụng các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.​

Bài viết dưới đây của sẽ làm rõ căn cứ mà Mỹ đưa ra cáo buộc; các lập luận và luận chứng phản bác.

Thao túng tiền tệ [currency manipulation] là vấn đề chính thức được luật pháp Mỹ đưa thành Đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988.

Các tiêu chí để Mỹ xác định 1 quốc gia là thao túng tiền tệ được lượng hóa cụ thể, gồm: Thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD; Thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; Can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.

Việt Nam không phải là quốc gia thao túng tiền tệ. [Nguồn: BĐT]

Vì sao Việt Nam không thao túng tiền tệ?

Xét về tiêu chí của Mỹ nêu trên, cũng như thực tế kinh doanh và điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam nhiều năm qua, có thể khẳng định: Việt Nam không thao túng tiền tệ, bởi các lẽ sau:

Thứ nhất, Việt Nam không bao giờ chủ trương phá giá tiền tệ, trong cả các tuyên bố chính thức, cũng như trong chỉ đạo điều hành thực tế.

Những năm qua, Việt Nam thực hiện chính sách tỷ giá trung tâm trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung với mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chứ không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng. Tỷ giá trung tâm VND/USD cuối năm thường không vượt quá 1,5-2 % so với đầu năm.

Việt Nam không có động lực phá giá tiền tệ nhằm lợi thế xuất khẩu, bởi xuất khẩu và xuất siêu chủ yếu do các công ty FDI ở Việt Nam là động lực và hưởng lợi chính, trong khi cộng đồng DN trong nước thường nhập siêu.

Hơn nữa, Việt Nam cũng không có lợi khi phá giá đồng tiền do phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và nợ chính phủ cao.

Thứ hai, Việt Nam không can thiệp một chiều vào thị trường ngoại hối.

Cần khẳng định, hoạt động mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước [NHNN] về mặt bản chất là quá trình chuyển đổi ngoại tệ sang tiền VND từ các nhà đầu tư, xuất khẩu và người nhận kiều hối, để bảo đảm người có ngoại tệ không dùng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán trong nước. Hoạt động này theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp thông lệ như nhiều nước khác.

Việc NHNN mua ngoại tệ còn nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố dự trữ ngoại hối vốn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, cũng như thấp so với các khuyến cáo và thông lệ chung trên thế giới về mức dự trữ ngoại hối so với chi phí cho số tuần nhập khẩu của Việt Nam, để tăng cường an ninh tài chính tiền tệ quốc gia. Từ góc độ kiểm soát khủng hoảng, việc tăng tích trữ ngoại hối của Việt Nam là một động thái phòng ngừa khủng hoảng điển hình trong điều hành chính sách tiền tệ của bất kỳ quốc gia nào.

Nói Việt Nam đã mua ngoại hối can thiệp nhằm định ra giá trị tiền đồng dưới giá trị thật cũng là không có căn cứ thực tế, nhìn từ góc độ mức ngang giá tiền tệ của VND so với USD. Vì tất cả tiền tệ các nước trên thế giới hiện nay đều là tiền giấy, không còn bản vị vàng, nên mức ngang giá tiền tệ này phụ thuộc chủ yếu vào mức chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam với Mỹ.

Trong những năm gần đây, lạm phát bình quân của Việt Nam là 4% trong khi lạm phát của Mỹ chưa đến 2%, việc tiền đồng mất giá 1-1,5% là bình thường. Có nhiều năm lạm phát Việt Nam cao 5-6%, nhưng VND chỉ mất giá 1-2%.

Nói cách khác, việc NHNN mua vào ngoại tệ suy cho cùng là thực hiện chức năng chuyển hoá các đồng ngoại tệ để giúp người dân tại lãnh thổ Việt Nam có thể dùng tiền đồng, tức việc mua vào này là bắt buộc.

Hơn nữa, sự thặng dư cán cân vãng lai ở Việt Nam thường chủ yếu do nhận tiền kiều hối từ nước ngoài về. Kiều hối về là yếu tố khách quan, không phải vì tỷ giá cao hay thấp. Nếu loại trừ kiều hối chuyển về hằng năm, cán cân vãng lai của Việt Nam còn thâm hụt hoặc thặng dư không lớn.

Thứ ba, thặng dư thương mại song phương với Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai là kết quả của hàng loạt các yếu tố liên quan tới các đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.

Xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ chỉ là do tương quan cơ cấu kinh tế đặc thù giữa hai nước và Việt Nam đã khai thác thành công khoảng trống trong nhu cầu tiêu dùng của người dân Mỹ để đẩy mạnh xuất khẩu.

Dữ liệu của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã tăng mạnh trong 4 năm qua: từ 38,3 tỷ USD năm 2017, lên 39,4 tỷ USD năm 2018; 55,7 tỷ USD năm 2019 và hướng đến đà kỷ lục 65 tỷ USD trong năm 2020.

Theo số liệu thống kê trong Cơ sở Thống kê dữ liệu Thương mại của Cơ quan Thống kê Liên hợp quốc [UNCOMTRADE], tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Mỹ trong năm 2017 đạt 1.784 tỷ USD ra thị trường thế giới, trong đó Việt Nam là nước nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 31 của Mỹ, chiếm 0,5% trong tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Mỹ.

Trong năm 2017, Mỹ nhập khẩu hàng hóa trị giá lên đến 2.407 tỷ USD từ tất cả đối tác thương mại, trong đó hàng hóa từ Việt Nam xếp vị trí thứ 12, chiếm tỷ trọng 2% trong tổng trị giá nhập khẩu của Mỹ.

Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, trong 25 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Mỹ đã tăng 168 lần, từ 450 triệu USD [năm 1995], lên gần 76 tỷ USD [năm 2019]; 9 tháng năm 2020 đạt hơn 65 tỷ USD, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2018, có gần 7,2 nghìn DN Việt xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, tăng 7,6% so với năm 2017. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, có nhiều DN Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ hơn số DN xuất khẩu sang thị trường này. Cụ thể, năm 2018, có đến 13,2 nghìn DN đã nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Mỹ, tăng 6,3% so với năm trước.

Sự tăng thặng dư thương mại với Mỹ năm 2020 là do Việt Nam khống chế thành công dịch Covid-19. Hơn nữa, Việt Nam vẫn duy trì hoạt động xuất khẩu phục vụ các thị trường quốc tế để phòng chống dịch, trong đó có Mỹ. Không thể biến sự thành công nổi trội trong phòng chống dịch Covid-19 cùng những nỗ lực của Việt Nam trong hỗ trợ các quốc gia khác ứng phó với dịch bệnh trở thành lý do ghép Việt Nam vào cáo buộc quốc gia thao túng tiền tệ.

Việt Nam có nhân lực đông, trẻ, rẻ và dễ đào tạo nên có lợi thế nhất định trong cạnh tranh thị trường quốc tế nói chung, với Mỹ nói riêng. Hơn nữa, cơ cấu kinh tế của hai nước là bổ sung cho nhau, chứ không cạnh tranh trực tiếp, nên các dòng hàng xuất-nhập giữa Việt Nam và Mỹ mang tính thị trường cao.

Mặt khác, phần thặng dư tăng lên trong các năm gần đây có thể là hệ quả không mong muốn từ chính sách của chính quyền Mỹ với Trung Quốc, khiến nhiều DN phải di dời, tìm nguồn cung ứng mới tại các nước, trong đó có Việt Nam và Việt Nam đã ít nhiều nắm bắt được cơ hội này. Ngay ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng Thuơng mại Mỹ [Amcham] tại Hà Nội cũng khẳng định: "Chính quyền của Tổng thống Donald Trump nên coi xu hướng này là bằng chứng về sự thành công của họ trong thực hiện chính sách đa dạng hoá chuỗi cung ứng ở châu Á-Thái Bình Dương".

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề