Bài viết về tấm gương nhà giáo vùng cao

Tối 17/11, tại Hà Nội, 63 thầy cô giáo người dân tộc thiểu số tiêu biểu của 26 dân tộc đã được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020. Đây là các tấm gương nhà giáo không chịu khuất phục trước những khó khăn để đưa con chữ đến với con em đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa  và cả sự thấu hiểu của các phụ huynh, gia đình.

Tìm sự thông cảm, gắn kết với các gia đình và học sinh trước khi thuyết phục bà con cho con em đi học là công việc mà các thầy cô giáo là người dân tộc thiểu số luôn đau đáu suy nghĩ và tìm mọi cách thực hiện để đưa các em đến trường.

Tìm sự thông cảm và gắn kết với các gia đình và học sinh trước khi thuyết phục bà con cho con em đi học. Là công việc chung mà các thầy cô giáo là người dân tộc thiểu số luôn đau đáu suy nghĩ và tìm mọi cách thực hiện để đưa các em đến trường. Mỗi người một cách, nhưng nhìn thấy học sinh vui vẻ đến trường hàng ngày là cả hành trình dài mà các thấy cô giáo nỗ lực thuyết phục gia đình đồng bào dân tộc, đặc biệt là đối với những dân tộc có quy mô dưới 10 nghìn người. 

Thầy K'Dĩnh, Tổng phụ trách Trường Tiểu học Tân Phúc 1 [Hàm Tân, Bình Thuận] thì chia sẻ tại địa phương, học sinh tiểu học thường ít khi bỏ học, nhưng qua cấp 2,ở lớp 7, lớp 8 thì bỏ học nhiều. Nhiều em có xu hướng không muốn đi học mà chọn đi làm công nhân ở các thành phố lớn. Trong những năm qua, thầy giáo K’Dĩnh đã luôn đổi mới hình thức sinh hoạt đội và phong trào thiếu nhi góp phần tạo thêm không gian sinh hoạt, vui chơi, khai phá tài năng bổ ích cho thanh thiếu nhi địa phương. 

Một tiết học tiếng Gia Rai tại Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt [xã Ia Vê, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai].

“Đi nhiều biết nhiều thấy hoàn cảnh khổ nhiều mình thêm gánh nặng, ưu tư nên muốn làm gì đó hỗ trợ giúp đỡ các em từ hoạt động vui chơi đến hoạt động văn hóa văn nghệ, tạo động lực để các em yêu thích đến trường. Các em ngay từ chăm sóc của gia đình không tới nơi tới chốn. tôi thấy rất tội cho ác em , nên luôn hỗ trợ giúp đỡ để các em có thể được tới trường, động viên ba mẹ chúng, rồi mình tới những nơi hay tập trung đông người, có những người có thể tiếp lửa cho các em đi học”, thầy giáo K’Dĩnh tâm sự.

Với lợi thế là người con địa phương nên cô giáo Đinh Thị Kem, dân tộc H’re, giáo viên Trường Tiểu học Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi hiểu rõ nỗi vất vả của những người dân còn thiếu thốn về vật chất và nhất là đời sống tinh thần nên  chưa thật sự quan tâm đến công tác chăm sóc và giáo dục trẻ..

Với suy nghĩ  muốn đời sống no ấm, hạnh phúc thì chỉ có một con đường duy nhất là  con em đồng bào được học chữ. Cô Đinh Thị Kem đã nỗ lực tới từng nhà, động viên phụ huynh cho con đi học và động viên từng em đến trường.

Các thầy cô giáo vùng cao Ba Chẽ, Quảng Ninh vẫn tiếp tục những chuyến vào bản, công việc vốn rất cần sự kiên nhẫn và tình yêu nghề để đưa các em tới trường.

“Tôi phải đến từng nhà một lần không được thì 2-3 lần. Có năm tôi dạy nhất là lớp 1, các em còn trong độ tuổi ham chơi, bước vào lớp lần đầu tiên các em không chịu đi, có em cô phải chạy theo đến tận nhà động viên để em đến trường. Kỷ niệm nữa là các em thường xuyên nghỉ học vì lý do lên nương theo bố mẹ, tôi cũng phải theo bố mẹ lên nương, trèo đèo lội suối để đón các về học. Đến bây giờ cũng đã thuyết phục được rồi”, cô Đinh Thị Kem nói.

Dạy học cách nhà hơn hơn 30km ở miền núi hiểm chở, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhưng cô giáo Pi Năng Thị Hải, dân tộc Raglai, giáo viên Trường mầm non Phước Bình, tỉnh Ninh Thuận vẫn kiên trì bám điểm trường để chăm sóc và dạy dỗ các em học sinh. 

Cô Pi Năng Thị Hải mong muốn có nhiều chính sách khuyến khích giáo viên tới dạy vùng sâu, vùng xa, vùn đồng bào dân tộc.“Mong muốn sắp tới giáo viên sẽ được nhận nhiều chính sách ưu đãi hơn đặc biệt là giáo viên mầm non. Đây là ngành nghề có công việc đặc thù vất vả hơn so với các cấp khác. Cần đảm bảo đủ 2 cô một lớp trẻ, bởi như đầu năm tôi nhận lớp dạy thì 34 cháu với 1 cô giáo dạy, thì không thể đáp ứng được, bởi các cháu mầm non nghịch ngợm, thậm chí chọc bạn. Với vấn đề đó em nghĩ là cần đáp ứng đủ giáo viên để đảm bảo an toàn cho các cháu cũng như chăm sóc...”.

Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm nay, Ban tổ chức tuyên dương 63 thầy cô giáo người dân tộc thiểu số tiêu biểu của 26 dân tộc. Mỗi tấm gương thầy cô giáo người dân tộc thiểu số được tuyên dương trong Chương trình là một bông hoa đẹp trong vườn hoa thơm ngát, luôn nỗ lực, vượt qua khó khăn, vất vả, trau dồi kiến thức để gieo con chữ tới cho các em học sinh dân tộc, vùng sâu, vùng xa; cùng ngành giáo dục nâng cao trình độ, dân trí vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và đất nước./.

Chúng tôi về công tác tại Trường Trung học phổ thông Dân tộc Nội trú Quỳ Châu vào dịp đầu tháng 4/2013, trong khí thế bận rộn của thầy và trò vào những ngày cuối năm học. Ở đây, nhiều hình ảnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và cảm động đối với học sinh vùng cao được thể hiện. Trước hết đó là tấm gương của cô giáo Vũ Thị Tứ.

            Tháng 8 năm 2000 cô sinh viên trẻ Vũ Thị Tứ, rời quê hương Quỳnh Hồng, Quỳnh Lưu khăn gói lên huyện miền núi cao Qùy Châu dạy học trong sự đón tiếp nhiệt tình của thầy giáo hiệu trưởng Nguyễn Hải Ninh và Hội đồng sư phạm nhà trường. Với tấm bằng tốt nghiệp loại khá, Đại học Sư phạm chuyên ngành Sinh học, cô giáo Tứ luôn tự hứa với lòng mình sẽ cố gắng hết sức để đáp lại công lao của gia đình và thầy cô.

            Qua thời gian công tác, cô Tứ nhận thấy học sinh vùng cao còn rất nhiều thiệt thòi về điều kiện kinh tế, học tập và sinh hoạt. Là một đảng viên trẻ, khi nghiên cứu học tập về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cô giáo Vũ Thị Tứ luôn suy nghĩ phải làm được điều gì đó để giúp đỡ học sinh vùng cao. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể hàng ngày, phù hợp với điều kiện và khả năng của bản thân. Năm học 2010-2011, cô Tứ được phân công làm chủ nhiệm lớp 10C3 - lớp có 100% học sinh vùng sâu, vùng xa, có điều kiện gia đình gặp nhiều khó khăn. Trong quá trình thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cô giáo Tứ đã đăng ký nội dung “Giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh dặc biệt khó khăn cố gắng vươn lên trong học tập”.

            Vào học được vài tuần đầu năm học, lớp 10C3 có em Vang Thị Hồng Yến đã bỏ học. Yến là người dân tộc Thái ở bản Na Cống, xã Châu Hoàn, một trong những xã xa nhất của huyện Quỳ Châu. Qua tìm hiểu, cô giáo chủ nhiệm Tứ được biết, vì nhà quá nghèo nên Yến bỏ học, Cô đã gặp gỡ em và gia đình, phân tích, động viên gia đình cho em trở lại trường; đồng thời hứa sẽ giúp đỡ. Vũ Thị Tứ đem những suy nghĩ, băn khoăn và nguyên vọng của mình bàn bạc với chồng – cũng là giáo viên của trường. Rất phấn khởi, được chồng ủng hộ và động viên, cô Tứ đã chủ động gặp Ban lãnh đạo trường báo cáo về trường hợp của em Vang Thị Hồng Yến và đăng ký nhận nuôi em, vượt qua khó khăn để tiếp tục học tập. Từ ngày được cô giáo chủ nhiệm chăm nuôi, xem như con, Yến rất cảm động và chăm ngoan, học tập tiến bộ. Học kỳ 1 năm lớp 10 Yến đạt học sinh tiên tiến của trường. Sau khi con gái trở lại trường học tập và tiến bộ, bố của Yến đã đến gặp cô giáo chủ nhiệm nói lời “biết ơn Cô giáo nhiều lắm” và cảm động rơi nước mắt. Sang năm lớp 11 Yến được nhận học bổng vì có thành tích học tập tốt. Hiện nay Yến là hạt nhân của lớp trong mọi hoạt động. Sau khi cô giáo Tứ sinh cháu thứ hai, Yến ra sinh hoạt và ăn ở tại ký túc xá của Trường, nhưng hàng ngày vẫn nhận được sự chăm sóc ân cần của cô giáo. Ba năm học vừa qua Yến luôn là học sinh tiên tiến. Khi gặp chúng tôi, Yến kể về những ngày đã bỏ học và trở lại trường trong sự đùm bọc, thương yêu của gia đình cô giáo Tứ cũng như bạn bè và thầy cô khác… và em đã khóc vì sung sướng. Vang Thị Hồng Yến, nói với chúng tôi “Em sẽ học tập, tu dưỡng tốt và thi đạt kết quả cao, để không phụ lòng của Cô giáo…”

            Một trường hợp khác, em Vi Văn Bằng - xã Châu Phong, bố mẹ li dị khi em còn nhỏ. Sau đó, em theo mẹ về ở với bố dượng. Cuộc sống khó khăn khi mẹ sinh em bé, gia đình bắt em nghỉ học. Bằng ý thức rằng, muốn thoát nghèo thì phải học, để đạt ước mơ của mình em phải tự mưu sinh: vừa đi học, vừa đi làm thêm để có tiền trang trải các chi phí học tập. Khó khăn chồng chất hơn khi em bước vào lớp 10, không những phải chi phí tiền học, mà còn tiền ăn, tiền trọ, tiền đi lại  trong khi việc làm thêm không nhiều, em đã quyết định bỏ học, bán chiếc xe đạp mưu sinh lấy tiền làm lộ phí đi làm ăn xa. Cô giáo Vũ Thị Tứ không thể để những học sinh như thế bỏ học, nên đã khuyên em ở lại trường tiếp tục học tập. Cô đã vận động sự giúp đỡ của tập thể lớp, sự đóng góp từ thầy, cô giáo và các bạn học sinh trong trường. Đặc biệt, Cô giáo chủ nhiệm đã tranh thủ sự chia sẻ đáng quý của các bậc phụ huynh trong lớp 10C3. Đó là sự lan tỏa tinh thần tương thân tương ái đến tập thể lớp, đến phụ huynh học sinh, hiện nay em Bằng được một phụ huynh của lớp ở xã Châu Bình giúp đỡ các chi phí học tập và sinh hoạt.

            Ngoài việc chăm lo cho em Vang Thị Hồng Yến hay Vi Văn Bằng, cô giáo Vũ Thị Tứ còn quan tâm chăm sóc đến những em khác trong lớp. Không những thế, mà cô giáo còn tổ chức những việc làm tạo nên những nghĩa cử tốt đẹp, giáo dục tình tương thân, tương ái, giáo dục đạo đức cho học sinh. Cô giáo chủ nhiệm Vũ Thị Tứ cùng các học sinh của lớp đã mua một con lợn đất, gây quỹ tiết kiệm để giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Hàng tuần cô trò cùng nhau tiết kiệm, tùy theo điều kiện, người 500 đồng hay dăm ba nghìn bỏ vào “nuôi lợn”, cuối tháng “mổ lợn” giúp đỡ những bạn nghèo, khó khăn. Những việc làm trân trọng biết bao, vừa giúp đỡ được những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vừa là bài học giáo dục đạo đức cho các em.

            Cô giáo Hiệu trưởng Hồ Thị Phương Thảo cho biết: Tứ là một tấm gương điển hình về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Trường THPT DTNT Quỳ Châu được đi dự và báo cáo tham luận tại Hội nghị biểu dương của Đảng bộ huyện Quỳ Châu. Hiện tại, noi gương cô giáo Vũ Thị Tứ, nhiều giáo viên của Trường THPT DTNT Quỳ Châu đã có những việc làm cụ thể, thiết thực. Xem hồ sơ đăng ký “làm theo” tấm gương đạo đức của Bác của cán bộ giáo viên nhà trường, chúng tôi càng trân trọng đối với các thầy, cô giáo nơi đây.

            Chia sẻ với chúng tôi về những việc làm của mình, cô giáo Vũ Thị Tứ chỉ mỉm cười, nói rằng: “Những việc làm của em là từ tấm lòng và bản thân cũng chưa làm được gì nhiều…”. Chúng tôi đã động viên chia sẻ với cô giáo Tứ - những nghĩa cử, việc làm cụ thể ấy chính là học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ đấy. Cô chỉ mỉm cười bẽn lẽn: “Hạnh phúc đôi lúc cũng thật đơn giản phải không Thầy?”

            Rời Trường THPT DTNT Quỳ Châu, để lại trong lòng đoàn công tác chúng tôi những kỷ niệm đẹp, khó quên và mong sao có nhiều tấm gương như cô giáo Vũ Thị Tứ./.

                                                                                                            Vinh, tháng 4 năm 2013

Trần Hữu Hy [Sở Giáo dục và Đào tạo]

Video liên quan

Chủ Đề