Bệnh suy thượng thận là gì

17-05-2022

Tuyến thượng thận là các tuyến nội tiết sản xuất nhiều loại hormone như Glucocorticoids, Mineralocorticoids, Androgen,… có vị trí nằm ở cực trên của 2 thận. Tuy chỉ là một tuyến nội tiết nhỏ nhưng tuyến thượng thận đóng vai trò rất quan trọng. 

Suy tuyến thượng thận là khi xuất hiện sự suy giảm chức năng vỏ thượng thận chủ yếu dẫn đến giảm tiết glucocorticoid và mineralocorticoid, gây rối loạn quá trình chuyển hoá trong cơ thể, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ. 
Vậy nguyên nhân nào dẫn đến suy tuyến thượng thận?
Suy tuyến thượng thận có thể do bệnh tại tuyến [nguyên phát] hoặc tiến triển từ bệnh lý, vấn đề sức khỏe khác [thứ phát]:

  • Viêm tuyến thượng thận tự miễn.
  • Xuất huyết tuyến thượng thận,….
  • Dùng corticoid trong thời gian dài. Những thuốc này thường dùng để điều trị viêm khớp, giảm đau, viêm họng, viêm xoang không do Bác sĩ kê đơn,… hoặc có trong các thuốc viên hoàn của Đông y.
  • Bị nhiễm trùng nặng [nhiễm nấm, virus,…]. 
  • Ung thư di căn. 
  • Bất thường tuyến yên. 
  • Có tiền sử phẫu thuật ở tuyến thượng thận. 

Dấu hiệu bệnh lý
Khi bị suy tuyến thượng thận, người bệnh sẽ có các triệu chứng sau:

  • Cảm thấy mệt mỏi, chán ăn. 
  • Rối loạn hoa mắt, chóng mặt, chán nản, bồn chồn khó ngủ...
  • Rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
  • Xuất hiện những cơn đau đột ngột ở lưng, dưới chân. 
  • Cơ thể bị lạnh, đổ mồ hôi.     
  • Huyết áp thấp, nhịp tim cao. 
  • Có thể gầy từ từ do cơ thể bị mất nước, kém ăn,…
  • Mặt tròn, chân tay teo nhỏ, bụng to, da mỏng... 
  • Rậm lông.

Cùng với đó là các chỉ số trên xét nghiệm cận lâm sàng mà khi thăm khám Bác sĩ chỉ định cho người bệnh. 
Điều trị suy tuyến thượng thận
Suy tuyến thượng thận không phải bệnh lý hiếm gặp và hầu hết người bệnh phải điều trị duy trì bằng thuốc suốt đời để bổ sung lượng hormone tuyến thượng thận thiếu hụt.
Dùng glucocorticoid thay thế hormone tuyến thượng thận. Liều lượng tùy thuộc vào mức độ của bệnh. Bác sĩ sẽ tính toán liều lượng thuốc tùy vào mức độ thiếu hụt hormone của từng người bệnh. Ngoài ra, liều lượng thuốc còn phụ thuộc vào mức độ đáp ứng của người bệnh.
Hai thuốc thường dùng: Hydrocortisone hoặc prednisone.
Bệnh cần được phát hiện và điều trị kịp thời, phù hợp để không gây nên những biến chứng như sốc, co giật, hôn mê thậm chí dẫn tới tử vong. 
Người mắc suy tuyến thượng thận cần chú ý điều gì về dinh dưỡng?
Để hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả, người bệnh cần có chế độ ăn uống hợp lý, khoa học:

  • Đồ ăn có hàm lượng protein cao như cá, thịt, trứng,…
  • Thực phẩm giàu vitamin C như xoài, táo, cam,… Nhóm chất này có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch cũng như thúc đẩy sản xuất cortisol cho cơ thể. 
  • Thực phẩm giàu vitamin B5, B6 như các loại đậu, bơ, yến mạch,… Đây là dưỡng chất tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất hormone tuyến thượng thận. 
  • Uống đủ nước. 
  • Ăn ít muối.
  • Tuyệt đối tuân thủ điều trị theo đơn của Bác sĩ, không tự ý tăng giảm liều, định kỳ xét nghiệm theo khuyến cáo. 

-----------------
Để được hỗ trợ cung cấp thông tin và tư vấn chi tiết, vui lòng liên hệ:
•    Bệnh viện Quốc tế Vinh
•    Số 99, đường Phạm Đình Toái, xã Nghi Phú, TP Vinh, Nghệ An
•    Số điện thoại 02383.968.888/0901.74.71.73

 

Suy tuyến thượng thận nguy hiểm thế nào? Các thuốc dùng để chữa

SKĐS - Suy tuyến thượng thận là tình trạng mà tuyến này sản sinh ra quá ít cortison làm rối loạn các quá trình chuyển hóa trong cơ thể, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

1. Vai trò của tuyến thượng thận

Nội dung

  • 1. Vai trò của tuyến thượng thận
  • 2. Nguyên nhân khiến tuyến thượng thận bị suy
  • 2.1 Suy tuyến thượng thận nguyên phát
  • 2.2 Suy tuyến thượng thận thứ phát
  • 3. Điều trị suy tuyến thượng thận thế nào?
  • 4. Cách dự phòng suy tuyến thượng thận

Mặc dù rất bé, nhưng tuyến thượng thận lại đóng vai trò rất quan trọng. Tuyến thượng thận gồm 2 phần:

- Phần tủy thượng thận tiết ra adrenalin và noradrenalin nhằm duy trì huyết áp và nhịp tim.

- Phần vỏ thượng thận bài tiết ra 3 hormon chủ yếu là: Mineralocorticoid, glucocorticoid và androgen, có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh trung gian chuyển hóa và đáp ứng miễn dịch thông qua glucocorticoid, huyết áp, thể tích tuần hoàn và điện giải thông qua mineralocorticoid và đặc tính sinh dục thứ phát ở nữ thông qua androgen.

Trục dưới đồi - yên thượng thận đóng vai trò quan trọng trong đáp ứng với stress thông qua tăng nồng độ cortisol nhanh chóng khi bị stress.

Các hormone ở tuyến thượng thận rất quan trọng để duy trì sự sống của con người. Do đó, nếu bất kỳ phần nào của tuyến thượng thận bị suy sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều bộ phận khác trong cơ thể.

Tuyến thượng thận rất bé, hình chóp nón nằm áp sát cực trên của quả thận hai bên.

2. Nguyên nhân khiến tuyến thượng thận bị suy

Nguyên nhân chính gây ra suy tuyến thượng thận, bao gồm:

2.1 Suy tuyến thượng thận nguyên phát

- Người có tuyến thượng thận hoạt động không bình thường; tuyến thượng thận bị tổn thương khiến chúng không sản xuất đủ các hormone quan trọng cho cơ thể.

- Bệnh nhân mắc bệnh Addison có nguy cơ bị suy tuyến thượng thận nếu không được điều trị đúng, kịp thời.

2.2 Suy tuyến thượng thận thứ phát

- Người sử dụng corticoid trong thời gian dài, ngừng thuốc đột ngột mà không có lộ trình. Thời gian dùng thuốc càng dài thì nguy cơ suy tuyến thượng thận càng cao.

- Do tổn thương trục dưới đồi - tuyến yên như u tuyến yên, nhiễm lao, viêm, cắt bỏ tuyến thượng thận một bên do khối u; do điều trị cường vỏ thượng thận, phẫu thuật tuyến yên do u tuyến yên.

- Do dùng thuốc kháng đông máu gây chảy máu ở tuyến thượng thận.

Nếu bị suy tuyến thượng thận do nguyên phát, bệnh nhân sẽ bị sạm da và niêm mạc, nhất là ở vùng da hở, vùng cọ sát nhiều, vùng sẹo, nếp gấp, quầng vú, mặt trong má, lưỡi, môi. Bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng mệt mỏi, ban đầu có tính gián đoạn, về sau tình trạng mệt mỏi kéo dài liên tục, kèm theo suy nhược tinh thần và suy giảm ham muốn tình dục. Chức năng của dạ dày bị suy giảm nên bệnh nhân sẽ bị sụt cân và chán ăn, kèm theo hạ huyết áp; rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy… Nếu bệnh nặng có thể dẫn tới rối loạn ý thức, lú lẫn hoặc hôn mê. Ngoài ra còn gây ra một số triệu chứng liên quan đến khớp như: đau khớp, đau cơ, chuột rút…

Nếu vỏ thượng thận bị suy do thứ phát thìcác triệu chứng thường nhẹ hơn, với các biểu hiện điển hình: mệt mỏi, đau cơ, khớp; hạ huyết áp…

Suy tuyến thượng thận là một bệnh rất nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời. Nếu bị bi suy cấp có thể dấn đến các triệu chứng: Sốc, co giật, hôn mê, thậm chí là tử vong.

Do đó cần phát hiện tình trạng suy tuyến thượng thận sớm để kịp thời điều trị, giúp bệnh nhân có thể sống khá bình thường.

Tùy từng thể bệnh sẽ có phác đồ điều trị khác nhau. Nhìn chung, điều trị thay thế bằng glucocorticoid và mineralocorticoid. Bệnh nhân suy thượng thận thứ phát chỉ cần điều trị glucorticoid thay thế.

- Liệu pháp glucorticoid thay thế ở liều sinh lý được điều trị cho cả bệnh nhân mắc suy tuyến thượng thận thứ phát và suy tuyến thượng thận nguyên phát.

Các thuốc này bao gồm hydrocortison [cortisol]; prednisolon [có thể sử dụng thay thế hydrocortison], thuốc này có tác dụng mạnh hơn hydrocortison khoảng 5 lần; dexamethason cũng là thuốc tổng hợp có tác dụng mạnh.

Dexamethason thường không dùng ở trẻ em, vì thuốc có tác dụng mạnh nên khó điều chỉnh liều.

Cần làm xét nghiện định lượng cortisol trong điều trị suy tuyến thượng thận.

Khi điều trị, để hạn chế tác dụng phụ của thuốc, cần sử dụng liều thấp nhất rồi tăng dần cho đến khi đạt hiệu quả điều trị. Vì thế, trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần được theo dõi các biểu hiện lâm sàng và sinh hóa để điều chỉnh liều. Nếu tình trạng sạm da tăng lên, các biểu hiện lâm sàng ít cải thiện, nồng độ ACTH cao là chưa đủ liều, cần tăng liều.

Ngược lại nếu xuất hiện các biểu hiện lâm sàng của hội chứng Cusching như: béo thân, mặt tròn đỏ… xét nghiệm thấy nồng độ ACTH giảm là biểu hiện của điều trị quá liều.

- Mineralocorticoid: Bệnh nhân suy thượng thận tiên phát cần điều trị mineralocorticoid thay thế với fludrocortison đường uống hằng ngày. Việc điều trị cũng cần theo dõi dò liều để tăng hoặc giảm cho đến khi đạt hiệu quả với liều thấp nhất.

Trong điều trị, nếu bệnh nhân vẫn có các biểu hiện mất nước, thèm ăn muối, hạn natri và tăng kali, tăng PRA và renin… tức là điều trị thay thế không đầy đủ mineralocorticoid, cần phải điều chỉnh tăng liều.

Với suy tuyến thượng thận trẻ em, cần có phác đồ riêng, phù hợp từng tình trạng sức khỏe cũng như cân nặng của mỗi trẻ.

Trong quá trình điều trị, nếu bệnh nhân bị stress, cần phải tăng liều glucocorticoid nhằm tránh những hậu quả nặng nề. Trong trạng thái bị stress, người bệnh thường không dung nạp với corticoid đường uống, do đó cần phải sử dụng thuốc đường tiêm bắp.

Với bệnh nhân bị suy thượng thập cấp, cần chẩn đoán nhanh chóng, để điều trị mất muối cấp và các dấu hiệu đe dọa tính mạng. Truyền dịch, điện giải cần phải được thực hiện ngay, đồng thời tìm nguyên nhân và điều trị những nguyên nhân dẫn tới suy thượng thận cấp. Những bệnh nhân không được chẩn đoán suy thượng thận trước đó cần lấy máu định lượng cortisol và ACTH trước khi điều trị bằng corticoid.

Bệnh nhân suy thượng thận thứ phát điều trị thay thế bằng glucocorticoid với liều thấp nhất có thể, tránh quá liều. Thường không cần sử dụng mineralocorticoid vì những bệnh nhân này vẫn tiết mineralocorticoid bình thường. Bệnh nhân suy thượng thận thứ phát có thể thiếu các hormone khác ở tuyến yên, vì thế có thể phải điều trị thay thế. Luôn phải mang theo thuốc bên mình và thông báo với bác sĩ điều trị nếu đang gặp phải tình trạng nhiễm trùng nặng hoặc chuẩn bị thực hiện phẫu thuật.

4. Cách dự phòng suy tuyến thượng thận

Từ nguyên nhân gây suy tuyến thượng thận, cần lưu ý những vấn đề sau:

- Hiện nay rất nhiều người tùy ý sử dụng corticoid trong điều trị, nhất là bệnh nhân xương khớp. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến suy tuyến thượng thận thứ phát. Do đó dù mắc bất kỳ bệnh gì, cũng không nên tự ý sử dụng thuốc này khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

- Bệnh nhân buộc phải sử dụng corticoid lâu dài, cần đi khám bệnh thường xuyên để kịp thời phát hiện bệnh và bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị kịp thời.

- Đối với bệnh nhân đã có suy tuyến thượng thận, thì cơn suy tuyến thượng thận cấp là một trường hợp cấp cứu, rất nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì thế, cần phải dùng thuốc điều trị suốt đời và đặc biệt cần phải luôn mang theo thuốc dự trữ bên mình. Đặc biệt là với những trường hợp bệnh nhân mắc suy thượng thận đang điều trị khi gặp stress, nhiễm trùng nặng hoặc phẫu thuật… cần lưu ý đặc biệt về viêc dùng thuốc, bởi bác sĩ sẽ phải hiệu chỉnh lại liều cho bệnh nhân.

- Suy thượng thận có thể được phòng tránh hoặc làm giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách duy trì lối sống khoa học, phù hợp với thể trạng sức khỏe người bệnh. Ngoài ra, với những người có bệnh lý liên quan đến thận cần được điều trị kịp thời dứt điểm để tránh tình trạng biến chứng thành bệnh nguy hiểm.

Mời độc giả xem thêm video:

Nguy hiểm: Người mắc Omicron có nguy cơ tái nhiễm COVID-19 cao gấp 5 lần

Chủ Đề