Cách phân biệt d và gi

Hệ thống chính tả của bất cứ thứ tiếng nào có sự liên quan giữa chữ viết và cách phát âm đều cố gắng giữ mối quan hệ giữa dấu hiệu và âm được mật thiết chừng nào hay chừng ấy. Tuy nhiên, không thể nào không có những trường hợp mà chính tả đi một đường và cách phát âm đi một nẻo. Trong phạm vi nhỏ bé của bài này, chúng tôi chỉ xin đề cập đến hai phụ âm đầu trong tiếng Việt có cùng một cách phát âm như nhau là gi– và d-, ví dụ như trong hai chữ giàydày. Trong một số trường Việt ngữ, có nhiều thầy cô đọc hai chữ trên đây khácnhau để giúp cho các em học sinh phân biệt được ý nghĩa và chính tả. Phụ âm gi– thì các thầy cô đọc là [z] [như trong những chữ tiếng Anh zone, zero v.v.], còn phụ âm d- các thầy cô đọc là [j] [như trong những chữ tiếng Anh young, year, v.v.]. Về mặt thực dụng, việc phân biệt cách đọc hai phụ âm đầu này là có ích vì nó giúp cho học sinh nhận ra chữ, hiểu nghĩa và viết đúng. Tuy nhiên, sự phân biệt này chỉ thấy trong các lớp học tiếng Việt mà hoàn toàn không có trong thực tế. Nói một cách tổng quát, trong đa số phương ngữ miền Bắc ngày nay, cả hai phụ âm đầu này đều được phát âm là [z], còn trong đa số phương ngữ miền Nam, hai phụ âm đầu này đều được phát âm là [j]. Xin mở ngoặc ở đây là các chữ dùng trong ngoặc vuông chính là những dấu hiệu ngữ âm quốc tế được dùng trong ngành ngữ âm học và âm vị học.

Trong lúc giảng dạy tiếng Việt, chúng tôi thường được các em sinh viên hỏi tại sao hai chữ viết khác nhau mà lại đọc giống nhau. Một số em đã học tiếng Việt ở các trường Việt ngữ lại bảo rằng thầy cô của các em đọc hai chữ khác nhau chứ không đọc giống nhau như chúng tôi. Chúng tôi trả lời các em bằng cách trước hết lấy một ví dụ trong tiếng Anh. Thứ tiếng nào cũng có những chữ đồng âm, dị nghĩa, có lúc chính tả giống nhau [như can—danh từ—nghĩa là ‘cái lon’, trong  khi can—động từ—nghĩa là ‘có thể’], có lúc cả chính tả cũng khác nhau [như site—danh từ—có nghĩa là ‘chỗ, nơi’, còn cite—động từ—nghĩa là ‘trích dẫn’]. Sinh viên gốc Việt ở đây nói tiếng Anh là chính, nên mỗi lần chúng tôi đưa ra một ví dụ tương tự như trong tiếng Việt để các em hiểu và dễ liên tưởng đến tiếng Việt, các em dễchấp nhận những trường hợp của tiếng Việt hơn.

Trở lại với hai phụ âm đầu gi-d-, nếu chấp nhận rằng trên thực tế, hai âm này đọc giống nhau [Bắc giống nhau theo một kiểu, Nam giống nhau theo một kiểu], thì những từ ngữ có hai phụ âm đầu này có thể tạo thành những cặp chữ đồng âm, dị nghĩa và khác luôn cả chính tả nữa: gia đình/da dẻ; giày dép/dày dặn; dây thừng/giây phút, v.v. Những từ ngữ thuộc loại này thường ẩn chứa một nguyên nhân lịch sử lý thú. Ngày xưa chúng được phát âm khác nhau, nhưng lâu ngày chày tháng, chúng bị gộp thành một cách phát âm giống nhau. Lấy lại một ví dụ trong tiếng Anh với cặp chữ site/cite, hai chữ này đều có nguồn gốc từ hai chữ La-tinh situs và citāre. Chữ s- trong tiếng La-tinh đọc là [s], nhưng chữ c- trong tiếng La-tinh lại đọc là [k]. Trải qua nhiều trăm năm của những biến đổi ngôn ngữ, hai phụ âm đầu [s][k] đã trở thành [s] cho cả hai chữ tiếng Anh gốc La-tinh này .

Còn gi-d- trong tiếng Việt thì sao? Hai phụ âm đầu này cũng trải qua một quá trình biến đổi tương tự như trường hợp nêu trên. Trong tiếng Việt thời xưa ở miền Bắc, phụ âm đầu gi- được phát âm là [3] [như chữ ‘s’ trong các chữ tiếng Anh Asia, measure, television, etc.], còn phụ âm đầu d- được phát âm là [z] [như zoo, zero, zest, etc.]. Chính vì thế mà khi các vị cố đạo người Âu châu nghe hai âm khác nhau này, họ đã dùng hai cách viết khác nhau để phân biệt. Ngày nay, có thể còn một số ít các nơi ở miền Bắc còn giữ được sự phân biệt này, nhưng đa số người nói đã nhập hai âm lại thành một là âm [z]. Âm không còn khác, nhưng chính tả thì vẫn còn là vậy.

Khi tiếng Việt theo chân một số người Việt tiến về phương nam, có lẽ những người này không còn giữ sự phân biệt giữa hai phụ âm gi-d- nữa, mà chỉ còn có một lối phát âm [z] cho cả hai. Có một điểm thú vị là từ Huế trở vào, người Việt không dùng âm [z] nữa mà thay thể nó bằng âm [j] [như chữ ‘y’ trong các chữ tiếng Anh you, yarn, yam, etc. —đây là sự biến đổi cách phát âm bằng cách dùng phần giữa lưỡi thay vì phần đầu lưỡi cho âm xát]. Nói tóm lại, hai phụ âm đầu gi-d-, một là cùng phát âm là [z] cả [như ở miền Bắc], hai là cùng phát âm là [j] cả [như ở miền Nam]. Nếu cố tình phát âm sao cho hai âm này khác nhau thì đó chỉ là một cách phát âm “nhân tạo”, không tự nhiên, không phải là tiếng Việt trong thực tế.

Như vậy thì sẽ có những thầy cô nêu thắc mắc: Nếu cách phát âm khác nhau giúp cho học sinh phân biệt chính tả, tại sao lại không nên dùng? Xin thưa, trong lớp các em có thể viết đúng chính tả nhờ cách này, nhưng khi ra ngoài thực tế, các em chỉ nghe có một cách phát âm cho cả hai cách viết. Khi nghe chữ mới có một trong hai phụ âm này cũng chịu, không biết phụ âm nào là phụ âm nào. Vả lại, chúng ta cũng có thể giúp các em phân biệt hai lối chính tả bằng cách dựa vào ý nghĩa của từ ngữ. Ví dụ, giày để mang vào chân thì viết là gi-, còn dày có nghĩa là ‘không mỏng” thì viết là d-. Lâu dần các em sẽ quen. Tiếng Anh cũng dùng lối dựa vào nghĩa để phân biệt chính tả của những chữ đồng âm. Ví dụ “ở đó” thì viết là there, “họ là” thì viết là they’re và “của họ” thì viết là their.

Tóm lại, dạy một ngôn ngữ nói chung, và tiếng Việt nói riêng, là truyền đạt tất cả những nét tự nhiên, sống động của nó. Nếu phải dùng một phương pháp để hỗ trợ việc dạy và học mà biến một phần nào đó của ngôn ngữ trở thành giả tạo, gượng gạo thì chúng ta đã vô tình làm mất đi một chút vẻ đẹp của tiếng Việt.

  Trần C. Trí

Câu hỏi: Phân biệt R, D và GI

Trả lời:

- R/d/gi xuất hiện khi nào?

- GI và D không cùng xuất hiện trong một từ láy.

+ Những từ láy vần, nếu tiếng thứ nhất có phụ âm đầu là l thì tiếng thứ hai có phụ âm đầu là d [lim dim, lò dò, lai rai, líu ríu,…]

+ Từ láy mô phỏng tiếng động đều viết r [róc rách, rì rào, réo rắt,…]

+ Gi và r không kết hợp với các tiếng có âm đệm. Các tiếng có âm đệm chỉ viết với d [duyệt binh, duy trì, doạ nạt, doanh nghiệp,…]

+ Tiếng có âm đầu r có thể tạo thành từ láy với tiếng có âm đầu b, c, k [gi và d không có khả năng này] [VD: bứt rứt, cập rập,…]

+ Trong từ Hán Việt, tiếng có thanh ngã [~], nặng [.] viết d; mang thanh hỏi [?], sắc [/] viết với gi.

- Mẹo phân biệt d / gi / r:

+ Phụ âm r không bao giờ xuất hiện trong một từ HV.

+ Các chữ HV mang dấu ngã [~] và dấu nặng [.] đều viết d [ dã man, dạ hội, đồng dạng, diễn viên, hấp dẫn, dĩ nhiên, dũng cảm].

+ Các chữ HV mang dấu sắc [/] và hỏi [?] đều viết gi [giả định, giải thích, giảng giải, giá cả, giám sát, tam giác, biên giới]

+ Các chữ HV có phụ âm đầu viết là gi khi đứng sau nó là nguyên âm a, mang dấu huyền [] và dấu ngang [Gia đình, giai cấp, giang sơn].

[Ngoại lệ có: ca dao, danh dự].

+ Chữ HV mang dấu huyền hoặc dấu ngang, âm chính không phải là nguyên âm a [mà là một nguyên âm khác] thì phải viết với d [dân gian, tuổi dần, di truyền, dinh dưỡng, do thám].

Ngoài ra, các em cùng Top lời giải tìm hiểu thêm về các kiến thức hữu ích khác nhé!

1.PHÂN BIỆT ÂN/ÂNG

- Ân/ Âng xuất hiện khi nào?

+ Một số từ có vần Ân: mân mê, sân khấu, phân vân, chân thành, hân hoan, tận cùng, lấn chiếm, phấn đấu, cái cân, khẩn cầu

+ Một số từ có vần Âng: bâng khuâng, lâng lâng, dâng hiến, vầng trăng, tầng lớp

2. PHÂN BIỆT ƯƠN/ ƯƠNG

- Ươn/ ương xuất hiện khi nào?

+ Một số từ bắt đầu bằng Ươn: vươn lên, con lươn, vay mượn, xương sườn

+ Một số từ bắt đầu bằng Ương: giọt sương, vấn vương, phương hướng, cá nướng, tướng quân, ngân lượng, thịnh vượng

3. PHÂN BIỆT UÔN/ UÔNG

- UÔN/ UÔNG xuất hiện khi nào?

+ Một số từ có chứa phụ âm đầu Uôn: buồn bã, chuồn chuồn, luôn luôn, khuôn phép, muôn năm, cuốn sách, mong muốn

+ Một số từ có chứa phụ âm đầu Uông: luống cuống, lên xuống, chiếc xuồng, trần chuồng, oan uổng

4. PHÂN BIỆT ÊT/ ÊCH

- Êt/ Êch xuất hiện khi nào?

+ Một số từ chứa vần Êt: lê lết, mệt mỏi, thêu dệt, nết na, chết chóc, liên kết, con rết, mê mệt

+ Một số từ chứa vần Êch: con ếch, chênh lệch, trắng bệch, nhếch nhác

5. PHÂN BIỆT IÊU/ IU

- Iêu/ Iu xuất hiện khi nào?

+ Một số từ chứa vần Iêu: buổi chiều, kì diệu, trị liệu, phiêu du, tiêu khiển, biểu ngữ, trăm triệu, cái kiệu

+ Một số từ chứa vần Iu: hiền dịu, bận bịu, ríu rít, phụng phịu, ỉu xìu

Video liên quan

Chủ Đề