Chèm ở đâu

10/10/2010


Đình Chèm nguyên là đền Chèm, nằm trên địa bàn xã Thụy Phương [tức làng Chèm] thuộc huyện Từ Liêm, cách trung tâm Hà Nội 12km về phía Tây Bắc, trên trục đường 23 và cách bờ Nam cầu Thăng Long chừng 800m. Đình thờ Đức Thượng Đẳng Thiên Vương Lý Ông Trọng, người làng Chèm – một nhân vật có vóc dáng to lớn khác thường đã có công giúp An Dương Vương đánh thắng giặc ngoại xâm.

Ảnh: TIẾN THÀNH [nguồn VnMedia]

Lịch sử ghi lại Lý Ông Trọng được cử đi sứ sang Tần, tại đây ông đã có dịp giúp vua Tần đánh thắng quân Hung Nô tại Lâm Thao, được Tần Vương phong Tư Lệ Hiệu Úy. Tần Thủy Hoàng còn yêu mến gả con gái là Bạch Tĩnh Cung cho ông, phong tước Phụ Tín Hầu và cử ông trấn giữ đất Lâm Thao. Nhưng do lòng trung hiếu, vốn không màng vinh hoa phú qúy ở đất khách quê người, ông đã xin đưa vợ con về nước để phụng dưỡng mẹ già.

Ảnh: nguồn HNM

Sau khi qua đời, Lý Ông Trọng được vua sắc phong Thượng Đẳng Thiên Vương và cho lập đền thờ. Ngôi đền hiện nay được khởi dựng từ năm 715 trên nền nhà cũ của Lý Ông do Triệu Xương hưng công. Đến năm 866, lúc xuất binh dẹp quân Nam Chiếu và có dịp dừng chân đóng quân ở đền, Cao Biền đã cho tu sửa đền và tạc tượng Lý Ông bằng gỗ trầm hương. Đình đã qua nhiều đợt tu sửa và diện mạo như hiện nay là do đợt tu sửa toàn bộ năm Cảnh Thịnh thứ 5 [1797].

Đình Chèm được kiến trúc theo kiểu nội công ngoại quốc độc đáo với các chi tiết chạm trổ công phu. Trước cổng tam quan là 4 trụ biểu cao vút được mệnh danh “bốn cột đồng trụ” bên sông Nhị. Qua cổng tam quan là hai nhà bia bốn mái và nhà Phương đình hai tầng tám mái uốn cong phảng phất kiến trúc cung điện, tao nhã mà thanh thoát. Trong gian Hậu cung có hai pho tượng lớn là Lý Ông Trọng và hoàng phi Bạch Tĩnh Cung, ngoài ra còn có tượng lục vị vương tức sáu người con và quan Thái Y Nguyễn Công Chất là người chăm sóc bảo vệ Lý Ông.

Ảnh: TIẾN THÀNH [nguồn VnMedia]

Điểm đáng lưu ý là khi mới thành lập đình nằm trong đê, sau này để tránh nước dâng cao, đê đã được đắp lùi vào phía trong đình. Năm 1902, nước lũ đã dâng cao ngập đình đòi hỏi dân làng phải cấp tốc tìm biện pháp bảo vệ. Nếu tháo dỡ để di dời sẽ tốn kém và bị hư hỏng nhiều nên sau khi cân nhắc, dân làng đã chọn phương án “kiệu đình” của thợ cả Vương Văn Dịch với kinh phí 5.000 đồng Đông Dương, tương đương với công xá của 35.000 ngày công lao động. Các hiệp thợ đã theo nguyên tắc đòn bẩy, dùng gỗ làm đà “treo quang bỏ gạch” để kích nâng toàn bộ ngôi đình lên 2,4 mét. Kỳ tích này đã được Nghiêm Xuân Quảng [người làng Tây Mỗ, đỗ tiến sĩ khoa Ất Mùi - 1895] ghi lại trên bia đá hiện đặt ở sân đình.

Hội Chèm hàng năm được tổ chức từ 14 – 16 tháng 5 âm lịch, có nghi thức rước Thánh lên làng Hoàng Xá, nơi thờ ông Chất cùng các trò chơi bơi thuyền thật hấp dẫn.

Mai Kim Thành

Page 2

10/10/2010


Đình Kim Liên hay đền Cao Sơn có tên đầy đủ là “Cao Sơn Đại Vương Thần Từ”, nằm trên địa phận phường Phương Liên, quận Đống Đa, cách trung tâm Hà Nội chừng 3km về hướng Tây Nam. Đình thờ thần Cao Sơn là Trấn Nam trong Thăng Long tứ trấn. Tương truyền Cao Sơn là một trong 50 người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ theo cha lên núi, là sơn thần đã giúp Sơn Tinh đánh thắng Thủy Tinh đồng thời cũng đã giúp vua Lê Tương Dực dẹp bạo loạn khôi phục lại Nhà Lê.

Đình Kim Liên -- Ảnh: nguồn Forumbongda.com

Đình được xây vào thời Lý với qui mô nhỏ, trải bao năm tháng do chiến tranh đã bị hư hỏng nhiều, mãi đến năm 2000 dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội mới được trùng tu tôn tạo theo mô hình cũ. Hiện vật quan trọng nhất còn lại là “Cao Sơn Đại Vương Thần Từ Bi Minh” bằng đá xám mịn cao 243cm, rộng 157cm, dày 22cm gồm hai mặt chạm rồng và hoa mây, nội dung gồm 47 dòng với khoảng 1000 chữ Hán được viết và khắc theo lối chân phương do Thượng thư Lê Tung soạn năm 1510 nói về công lao thần Cao Sơn đã ngầm giúp vua Lê giành lại ngai vàng từ tay ngoại thích. Đặc biệt bia này được rễ một cây đề cổ thụ đeo bám chằng chịt tạo nên sự thâm nghiêm thần bí, trái nghịch hẳn nét mới mẻ của ngôi đình Kim liên vừa mới được phục dựng.

Mai Kim Thành

Page 3

10/10/2010


Đình làng Tây Đằng được dựng vào khoảng cuối thế kỷ 16 trên địa phận thị trấn Tây Đằng thuộc huyện Ba Vì ngày nay, cách trung tâm Hà Nội chừng 60km về phía Tây. Đây là một trong những ngôi đình tiêu biểu cho phong cách kiến trúc xứ Đoài, thờ Tản Viên - Sơn Tinh là nhân vật theo truyền thuyết đã chế ngự được thiên nhiên và được dân chúng suy tôn vào hàng hiển thánh.

Đình làng Tây Đằng -- Ảnh: nguồn Landtoday.net

Là một kiến trúc cổ và không lớn lắm nhưng đình lại mang nét riêng khá độc đáo với cấu trúc kiểu chồng rường gồm 3 gian 2 chái. Trên một mặt bằng hình chữ nhật, bộ mái xòe rộng với những đầu đao vút cong được chống đỡ bởi bộ khung gồm 48 cột lớn nhỏ trông thật khỏe khoắn nhưng lại khá thanh thoát. Các đầu đao được gắn các hình long, lân, qui, phụng bằng đất nung tạo nên vẻ sinh động, bề thế. Các xà, đấu, kèo, cốn đều được khắc chạm tinh tế với các hình rồng mang phong cách đời Trần, hình chim phụng đang múa có đôi cánh xòe rộng, các loại hình lá, hoa…

Đình làng Tây Đằng -- Ảnh: nguồn nmchau.perso.sfr.fr

Điểm đáng ghi nhận ở đình Tây Đằng là nghệ thuật chạm khắc của các nghệ nhân thế kỷ 16 – 17, đã thể hiện cách sinh động các hoạt động đời thường như cảnh mẹ gánh con, trai gái chải tóc cho nhau, múa hát, uống rượu, đốn củi hay các trò chơi dân gian trong làng xã Việt Nam ngày trước…

Mai Kim Thành

Page 4

10/10/2010


Đền Phù Đổng hay đền Thánh Gióng được xây dựng tại xã Phù Đổng [làng Gióng] thuộc huyện Gia Lâm, cách trung tâm Hà Nội 17km về hướng Đông Bắc. Đây là quê hương của người anh hùng thần thoại mà theo truyền thuyết đã đánh tan giặc Ân thời vua Hùng thứ 6.

Tương truyền mẹ Thánh Gióng vốn tuổi cao nhưng vẫn chưa có con, một hôm ra thăm vườn dẫm phải một vết chân lớn mà thụ thai sinh ra Thánh Gióng. Đó là vào thời vua Hùng thứ 6, lúc này đất nước đang bị giặc Ân phương Bắc xâm lược, đóng binh ở núi Châu Sơn đất Vũ Ninh [Bắc Ninh cũ]. Nhà vua đã phải cho thông tri cầu người giúp nước.

Đền Phù Đổng -- Ảnh: CHẾ TRUNG HIẾU [nguồn Panoramaio]

Thánh Gióng tuy đã 3 tuổi vẫn chưa thấy nói cười, vậy mà khi nghe báo mõ đã bật dậy đòi mẹ mời sứ giả vào và yêu cầu về tâu với vua xin đúc ngựa sắt roi sắt để ông đi giết giặc.

Khi ngựa sắt roi sắt được đem đến, Thánh Gióng vươn vai đứng đậy, người cao lớn khác thường, nhảy lên ngựa mang roi sắt đi đánh giặc. Ông hăng hái xông vào trận tiền, khi roi sắt bị gãy liền nhổ bụi tre đánh tiếp, tướng sĩ giặc Ân thua chạy. Sau khi dẹp giặc xong, Thánh Gióng cỡi ngựa lên đỉnh núi Vệ Linh [Đa Phúc], cởi áo giáp để lại rồi biến mất.

Để ghi nhớ công ơn người anh hùng, nhà vua đã ra lệnh lập đền thờ ở quê làng Gióng, trên nền nhà cũ và phong “Phù Đổng Thiên Vương”.

Đền Phù Đổng -- Ảnh: CHẾ TRUNG HIẾU [nguồn Panoramaio]

Đến thế kỷ 11, khi dời đô về Thăng Long, Lý Công Uẩn đã cho tu bổ đền Phù Đổng và ban hành tổ chức hội Gióng vào ngày 9 - 4 âm lịch hàng năm. Đền cũng đã qua nhiều lần tu sửa và những gì hiện thấy như Bái đường, Hậu cung, nhà thủy đình giữa ao trước đền để tổ chức múa rối nước đều do đợt sửa chữa lần cuối vào năm 1888. Tại đền có pho tượng Thánh Gióng khá lớn, đặt giữa hai dãy tượng các vị tướng hầu cận. Nơi đây còn có cỗ ngai vàng được chạm trổ công phu, đôi chóe sứ tương truyền do bà Đặng Thị Huệ, vợ chúa Trịnh cung tiến vào năm 1660. Ngoài ra còn có đôi rồng đá và đôi sư tử đá tại bậc cửa với nét khắc chạm thật khỏe và phóng khoáng đã tôn thêm vẻ đẹp cho ngôi đền.

Đền Phù Đổng được gọi là đền Thượng vì cách đó không xa phía ngoài chân đê cũng có một ngôi đền khác dựng từ năm 1693 thờ mẹ của Thánh Gióng được gọi là đền Mẫu hay đền Hạ.

Hội Gióng [6 – 12 tháng 4 âl] là dịp tụ hội dân 4 làng vùng này tham gia diễn xướng ca múa nhạc. Tuy là một nghi thức thờ tự anh hùng dân tộc nhưng cũng đồng thời thể hiện tính lạc quan yêu đời, sức chiến đấu bền bỉ của người dân nước Việt.

Mai Kim Thành

Page 5

10/10/2010


Đền Thủ Lệ được dựng trên đất phường Thị Trại xưa [tức trại Thủ Lệ], nay nằm trong công viên Thủ Lệ, thuộc quận Ba Đình, cách trung tâm Hà Nội 6km về hướng Tây. Cổng đền có đắp hình hai con voi qùy phục nên quen được gọi là đền “Voi Phục”.

Đền Thủ Lệ -- Ảnh: NGÔ VĂN PHÚ [Anninhthudo – 27.1.2008]

Đền thờ Linh Lang Đại Vương, là Trấn Tây trong Thăng Long tứ trấn của kinh thành ngày xưa. Theo thần phả còn lưu ở đền thì Linh Lang có tên là Lý Hoàng Chân, sinh năm Giáp Thìn [1064], là hoàng tử thứ hai của vua Lý Thánh Tông, mẹ là cung phi Hạo Nương.

Tương truyền lúc còn nhỏ tuổi, Hoàng Chân đã nổi tiếng kiếm cung, văn võ song toàn. Tháng giêng năm Bính Thân [1076] và mùa xuân năm Đinh Tỵ [1077], dưới sự thống lĩnh của Thái Úy Lý Thường Kiệt, hoàng tử Hoàng Chân lúc đó mới 12 - 13 tuổi đã chỉ huy đội tượng binh và kỵ binh, rồi thủy binh, góp phần đánh tan giặc Tống xâm lược.

Đền Thủ Lệ -- Ảnh: NGÔ VĂN PHÚ [Anninhthudo – 27.1.2008]

Chiến thắng trở về, vua muốn nhường ngôi nhưng hoàng tử khước từ, chỉ xin về sống với mẹ ở ngôi nhà ngoài Thị Trại. Sau đó ít lâu bị bệnh rồi mất; vua cho lập đền thờ ngay trên ngôi nhà hoàng tử ở và phong Thượng Đẳng Phúc Thần, ngoài ra còn miễn lao dịch cho dân trại để họ có thể chuyên tâm lo việc cúng tế tại đền, nên Thị Trại đã đổi thành Thủ Lệ với ý nghĩa “giữ lệ cúng tế”.

Mai Kim Thành

Page 6

10/10/2010


Nằm trong khu vực phố cổ, tại số 76 Hàng Buồm thuộc quận Hoàn Kiếm, cách trung tâm Hà Nội hơn 1km về hướng Bắc, đền Bạch Mã thờ Thần Long Đỗ, là Trấn Đông trong “Thăng Long Tứ Trấn” và cũng là thành hoàng của kinh thành Thăng Long xưa.

Đền Bạch Mã -- Ảnh: nguồn VGP

Tương truyền khi dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long năm 1010, vua Lý Thái Tổ đã có ý đắp thành nhưng thành đắp lên cứ bị sụp lở mãi. Vua bèn cho người cầu khấn thần Long Đỗ thì thấy một con ngựa trắng từ trong đền đi ra, chạy một vòng quanh khu vực đắp thành rồi trở về đền biến mất. Vua cho lần theo vết chân ngựa mà đắp thì thành trụ vững được. Từ sự kiện này nhà vua phong thần Long Đỗ làm thành hoàng của kinh thành Thăng Long, còn người dân thì quen gọi tên đền là “Bạch Mã”.

Tượng "Ngựa Trắng" đền Bạch Mã -- Ảnh: nguồn vietbao.vn

Theo một bộ sách soạn từ thế kỷ 14 thì Cao Biền – vị quan Trung Hoa cai trị mảnh đất này trong thời gian 866 - 875, đã bị thần Long Đỗ cảnh cáo và vì sợ hãi mà lập đền. Trải qua bao biến thiên, diện mạo đền như hiện thấy là do đợt sửa chữa đầu thế kỷ 20, nhưng vẫn mang phong cách kiến trúc như thế kỷ 19, khỏe khoắn với cổng tam quan, Phương đình, Đại bái. Hiện đền còn 15 tấm bia đá ghi lại sự tích thần đền, các nghi thức thờ cúng cùng quá trình trùng tu tôn tạo.

Mai Kim Thành

Page 7

10/10/2010


Đền Quán Thánh nằm ngay đầu đường Thanh Niên trên địa bàn quận Ba Đình, cách trung tâm Hà Nội 2,5km về hướng Tây Bắc. Đền được lập từ đời Lý Thái Tổ [1010 - 1028] thờ Huyền Thiên Trấn Vũ vốn là hình tượng trộn lẫn giữa các nhân vật thần thoại Trung Quốc [thánh coi giữ phương Bắc] và Việt Nam [thánh giúp An Dương Vương trừ yêu ma khi xây thành Cổ Loa].

Đền Quán Thánh -- Ảnh: nguồn Badinh.gov.vn

Vừa đến cổng tam quan, 3 chữ Hán “Chấn Vũ Quán” hẳn gây nơi khách nhiều ngạc nhiên. Thật ra cổng này chỉ mới được xây lại vào năm 1840, còn trước đó đền có tên là “Trấn Vũ Quán”; cả như ngôi đền hiện tại cũng chỉ mới có do lần tu sửa năm 1893.

Trong gian Hậu cung nổi bật tượng Thánh Trấn Vũ bằng đồng đen cao 3,48m, nặng gần 4 tấn, có chu vi 3,78m được đúc từ năm 1677, cùng lúc với đại hồng chung cao 1,50m hiện treo ở gác tam quan. Tượng có hình dáng một vị đạo sĩ trong tư thế ngồi ung dung, tay bắt quyết, tay chống gươm lên lưng rùa. Đây là một công trình nghệ thuật độc đáo thể hiện nét tài hoa của người thợ đúc Việt Nam cách đây hơn 3 thế kỷ.

Tượng Thánh Trấn Vũ -- Ảnh: nguồn Forumbongda.com

Tại nhà Bái đường, một bức tượng nhỏ được đặt trong long khám. Tương truyền đây là tượng trùm Trọng, người đã đúc pho tượng Trấn Vũ, được học trò ông tạc dựng để ghi nhớ công thầy.

Mai Kim Thành

Page 8

10/10/2010


Đền Hai Bà Trưng hay đền Đồng Nhân còn được gọi là chùa Viên Minh nằm trên phố Đồng Nhân thuộc quận Hai Bà Trưng, cách trung tâm Hà Nội 1,5km về hướng Nam. Đền thờ Trưng Trắc và Trưng Nhị, hai vị nữ anh hùng đầu tiên của Việt Nam đã khởi binh chống quân Hán xâm lược từ đầu thế kỷ thứ nhất.

Đền Hai Bà Trưng -- Ảnh: nguồn Vietnam.vn

Một huyền tích lưu truyền được Vũ Tòng Phan ghi lại trên bia đá lập năm 1840 hiện còn đặt tại sân đền đã cho biết: không hiểu do từ đâu mà vào một đêm đầu tháng Hai âm lịch năm 1142, hai pho tượng hai Bà đã trôi xuôi theo dòng sông Hồng, đến đoạn trước bãi Đồng Nhân thì tỏa sáng – dân làng đã dùng vải đỏ rước hai tượng vào bờ. Vua Lý Anh Tông biết chuyện đã truyền lập đền thờ hai Bà ngay tại bãi Đồng Nhân. Năm 1819, do bãi đất bị lở, một phần dân làng phải chuyển đến cư trú phía trong đê, ngôi đền cũng được di dời, dựng trên nền Võ Sở [nơi luyện võ] thuộc làng Hương Viên tức vị trí như hiện nay, đối diện hồ Hương Viên.

Tượng hai Bà được thờ trong Hậu cung, hai bên có tượng 12 nữ tướng là những cận thần. Hàng năm lễ hội đền Đồng Nhân tổ chức vào ngày 5 tháng 2 âm lịch, tương truyền là ngày rước tượng hai Bà từ dưới sông lên. Ngoài phần lễ còn có nhiều trò chơi dân gian thú vị khác.

Mai Kim Thành     

Page 9

10/10/2010


Chùa Trấn Quốc tọa lạc trên đảo Cá Vàng [Kim Ngư] giữa hồ Tây thuộc quận Tây Hồ, cách trung tâm Hà Nội 3km về hướng Tây Bắc. Nơi đây là chốn tổ của phái thiền Tào Động do Trịnh Trí Giác Thiền sư thời Hậu Lê truyền dẫn.

Chùa Trấn Quốc -- Ảnh: nguồn dothi.net

Tương truyền chùa được lập từ thời Lý Nam Đế [544-548] trên thửa đất sát bờ sông Cái có tên là Khai Quốc [mở nước]. Qua đời Lê Thái Tông [1433-1442], chùa được đổi tên thành An Quốc. Đến đời Lê Kính Tông [1600-1619], do bãi sông bị lở, chùa được dời vào đảo Cá Vàng, nơi đã từng tồn tại cung Thúy Hoa [đời Lý] và điện Hàm Nguyên [đời Trần].

Chùa mang tên Trấn Quốc là vào đời Lê Hy Tông [1676-1705] và đến năm 1842, khi vua Thiệu Trị nhà Nguyễn ra Bắc, đã đổi tên chùa thêm một lần nữa thành Trấn Bắc.

Chùa Trấn Quốc -- Ảnh: nguồn Vatgia.com

Năm 1920 khi người dân đắp đập Cổ Ngư [nay là đường Thanh Niên] ngăn một góc hồ Tây để nuôi cá [sau thành hồ Trúc Bạch], thì một con đường cũng được đắp nối đập với đảo Cá Vàng, tạo thuận tiện cho việc đi lại thăm viếng chùa.

Tại sân chùa có một cây bồ đề được chiết từ gốc cây bồ đề tổ Phật ở Tây Trúc, do tổng thống Ấn Độ đem sang tặng năm 1959.

Hiện chùa còn lưu giữ nhiều bia đá trong đó có bia Dương Hòa do Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chinh soạn vào năm 1639 đã giới thiệu việc đại tu chùa trong năm này.

Mai Kim Thành     

Page 10

10/10/2010


Trong số những công trình trọng điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, có tượng đài Thánh Gióng xây dựng trên đỉnh núi Đá Chồng nằm trong quần thể đền Sóc - chùa Non - Học viện Phật giáo Việt Nam thuộc huyện Sóc Sơn hình thành một khu du lịch tâm linh, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc


Tượng đài Thánh Gióng -- Ảnh: Nguồn VGP [21.9.2010]

Được khởi công từ tháng 7-2004, trong giai đoạn 1 nơi đây đã xây dựng đường lên và xuống nối với khu vực dự kiến xây dựng tượng đài. Đến tháng 10-2007, trong chủ trương xã hội hóa, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định giao cho Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm chủ đầu tư xây dựng công trình, với sự tham gia giám sát và kiểm định của Viện Khoa học Hình sự [Bộ Công An] nhằm bảo đảm chất lượng và thần thái của pho tượng.

Hình tượng Thánh Gióng trong khoảnh khắc cưỡi ngựa sắt về trời được miêu tả bằng chất liệu đồng với chiều cao 11,2m, dài 16m, trọng lượng lên tới 85 tấn đã được lắp ráp thành công vào ngày 1-8-2010. Bằng nguồn kinh phí huy động trong xã hội lên tới 50 tỷ đồng, chỉ riêng phần đúc tượng đã chiếm đến 30 tỷ. Công trình được tiếp tục hoàn thiện với sân hành lễ rộng 1.000m², xây nhà phương đình, hệ thống cây xanh… và đã được khánh thành vào cuối tháng 9-2010, kịp mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Mai Kim Thành     

Video liên quan

Chủ Đề