Chính sách đào tạo nghề cho người khuyết tật

Hợp tác xã Vụn Art là nơi những người khuyết tật ngày ngày miệt mài "thổi hồn" vào những mảnh lụa vụn để tạo thành những sản phẩm độc đáo trang trí lên áo, túi, ghép tranh... [Nguồn: TTXVN]

Sự chung tay chăm sóc người khuyết tật từ các cơ quan chức năng, gia đình, cộng đồng đã góp phần tạo động lực giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, để người khuyết tật tự tin vươn lên bằng khả năng của bản thân họ, thì các chính sách trợ giúp cần được tích cực điều chỉnh phù hợp với thực tế.

Dỡ bỏ những rào cản

Cả nước hiện nay có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có gần 29% là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Hiện gần 3 triệu người đã được cấp giấy chứng nhận khuyết tật.

Đảng, Nhà nước và cộng đồng luôn dành cho người khuyết tật sự quan tâm, chăm lo sâu sắc. Đặc biệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 có ý nghĩa quan trọng đến đời sống kinh tế, văn hóa và vị thế của người khuyết tật.

Sau 8 năm thực hiện chương trình, hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra đã được thực hiện và cơ bản hoàn thành. Chương trình đã thay đổi nhận thức, quan điểm, trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể và xã hội đối với vấn đề khuyết tật và người khuyết tật.

Nổi bật là cả nước đã hình thành hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập ở 20 tỉnh, thành phố, phát triển được mạng lưới giáo viên dạy trẻ khuyết tật ở 63 địa phương; biên soạn và cung cấp một số giáo trình, tài liệu phục vụ việc học tập của học sinh khuyết tật, số lượng học sinh khuyết tật được đi học trong giai đoạn 2012-2020 đã tăng gấp khoảng 10 lần so với giai đoạn 2000-2010, đồng thời, chất lượng học tập của trẻ khuyết tật được nâng cao, trên 45,8% trẻ khuyết tật được xếp loại học lực trung bình trở lên, tỷ lệ lưu ban, bỏ học ở trẻ em khuyết tật đã giảm đáng kể.

Cả nước có 1.912 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổng số giáo viên tham gia dạy nghề cho người khuyết tật là 3.359 người. Bình quân mỗi năm có từ 17.000 - 20.000 người khuyết tật được dạy nghề theo Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn.

Những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện chương trình trợ giúp người khuyết tật đã khẳng định tính tất yếu và hiệu quả thiết thực mang lại, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước ta đối với người khuyết tật, được xã hội đồng tình và đánh giá cao, người khuyết tật phấn khởi đón nhận và tham gia tích cực.

Với việc triển khai tốt các chính sách, người khuyết tật được hỗ trợ bằng nhiều hình thức, nhiều người được học nghề, có việc làm, có thu nhập, đời sống được cải thiện đáng kể. Nhiều rào cản môi trường cũng như xã hội đã và đang từng bước được dỡ bỏ, tạo cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phát huy khả năng của mình, tự lực trong cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.

Mô hình liên kết chăn nuôi gà với Công ty Japfa Việt Nam của Trịnh Tiến Toàn [xã Thanh Hương, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam] cho thu lãi hơn 300 triệu đồng/năm. [Nguồn: TTXVN]

Đáng chú ý, theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, năm 2021, dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song các mặt hoạt động công tác người khuyết tật luôn được triển khai đồng bộ, chủ động, với sự quan tâm và phát huy trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức hữu quan.

Điều đó thể hiện qua việc ngân sách nhà nước đã bố trí 18.546 tỷ đồng thực hiện trợ cấp hàng tháng và mua thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội và trên 356 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đối với người khuyết tật.

Đến nay, cả nước có gần 1,1 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, khoảng 10 vạn gia đình, cá nhân nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng và hàng triệu người khuyết tật, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội.

Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các tổ chức của người khuyết tật đã tích cực huy động nguồn lực xã hội để cải thiện đời sống và điều kiện sinh hoạt của người khuyết tật.

Trong năm qua, cả nước có gần 1.000 người khuyết tật được hỗ trợ đào tạo nghề. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã tổ chức dạy nghề thủ công mỹ nghệ, mây tre đan, cắt may, dệt thêu thổ cẩm cho 120 người khuyết tật. Hội Người mù Việt Nam đã mở được 66 lớp cho 850 học viên học nghề xoa bóp bấm huyệt, tin học, chăn nuôi, thủ công, làm hương, đan lát.

Triển khai Nghị định số 61/2015/NĐ-CP và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP của Chính phủ, năm 2021, đã có 1.138 dự án của lao động là người khuyết tật được vay vốn, tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động là người khuyết tật. Riêng Hội Người mù Việt Nam đã cho vay 513 dự án, trong đó có 458 dự án của người khuyết tật, tạo việc làm cho 553 hội viên.

Những điều chỉnh phù hợp với thực tế

Theo đánh giá của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, việc bảo vệ quyền của người khuyết tật và thực hiện các chính sách trợ giúp người khuyết tật luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm sâu sắc, thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế, ưu tiên bố trí nguồn lực bảo đảm thực hiện các chính sách, chương trình, đề án trợ giúp người khuyết tật; một số chính sách trợ giúp người khuyết tật được tích cực điều chỉnh phù hợp với thực tế.

Tuy vậy, thực tế là vẫn còn rào cản xã hội do nhận thức của cộng đồng, gia đình và bản thân người khuyết tật vẫn chưa đúng và chưa đầy đủ. Một bộ phận người khuyết tật chưa tự tin vượt lên số phận, chưa được hỗ trợ kịp thời để vươn lên hòa nhập cộng đồng và chưa cố gắng tham gia các nội dung để hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã ban hành đối với người khuyết tật.

Các đại biểu tham dự hội thảo "Thành phố thông minh không rào cản cho người khuyết tật – Vì một tương lai không ai bị bỏ lại phía sau", ngày 29/3 tại TP. Hồ Chí Minh. [Nguồn: TTXVN]

Theo đánh giá của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, giao thông vẫn là một trong những vấn đề khó khắc phục nhất, hạ tầng tại các thành phố lớn, đô thị mặc dù được cải tạo rất nhiều nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Việc xác nhận và cấp giấy chứng nhận người khuyết tật cho người khuyết tật nhẹ đạt kết quả thấp; mức trợ cấp xã hội cho người khuyết tật thấp.

Số lượng người khuyết tật được các cơ sở trợ giúp xã hội còn ít, cơ sở vật chất lại thiếu thốn. Việc xây dựng chương trình đào tạo nghề cho người khuyết tật hầu như không được hỗ trợ bằng nguồn kinh phí nhà nước, trong khi đòi hỏi chi phí rất lớn. Nhiều người khuyết tật chưa được học nghề, tư vấn hỗ trợ tìm việc làm và vay vốn để phát triển sản xuất; phương pháp tiếp cận đối tượng học nghề chưa phù hợp…

Trước tình hình đó, để giúp người khuyết tật tự tin hòa nhập cộng đồng, theo Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, thời gian tới, Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam và Bộ sẽ tiếp tục phát triển, hoàn thiện chính sách, pháp luật về người khuyết tật và công tác trợ giúp người khuyết tật.

Cơ quan chức năng tích cực rà soát để kịp thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung, khắc phục những vướng mắc, bất cập, tạo cơ hội bình đẳng và giảm thiểu rào cản đối với người khuyết tật trên mọi lĩnh vực, bảo đảm phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật; chú trọng những chính sách đột phá để tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định, tự chủ cho người khuyết tật.

Trong xây dựng và triển khai mô hình sinh kế cho người khuyết tật, sẽ tập trung thực hiện mô hình đào tạo nghề gắn với việc làm tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; mô hình đào tạo nghề gắn với sinh kế cho người khuyết tật; mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng...

Nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác trợ giúp người khuyết tật, đảm bảo an sinh xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030. Theo đó, từ nay đến năm 2030, sẽ tăng thêm 3 nhóm hoạt động là nhóm đối với phụ nữ khuyết tật; Hội Người khuyết tật; trợ giúp cho người khuyết tật sống độc lập thông qua trợ giúp về phương tiện.

Thống kê hiện nay, cả nước có khoảng 6,2 triệu NKT, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có 58% là nữ; 28,3% là trẻ em; gần 29% là NKT nặng và đặc biệt nặng. Tính đến cuối năm 2020, đã có gần 3 triệu NKT được cấp giấy chứng nhận khuyết tật.

Thực hiện công tác giáo dục, đào tạo cho người khuyết tật, trong năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Giáo dục đặc biệt Quốc gia; thúc đẩy thành lập và hoạt động hiệu quả Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, Phòng Hỗ trợ giáo dục hòa nhập trong các cơ sở giáo dục tại các địa phương; xây dựng và tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.

Người khuyết tật được quan tâm hỗ trợ giải quyết việc làm

Xây dựng tài liệu bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp nhân viên hỗ trợ giáo dục người khuyết tật; biên soạn giáo trình, tài liệu phục vụ đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, cao học và tiến sĩ Giáo dục đặc biệt; xây dựng chương trình đào tạo sinh viên là người điếc và đào tạo trình độ cao đẳng cho người điếc; phát triển chương trình giáo dục học sinh khuyết tật trên cơ sở Chương trình giáo dục phổ thông mới đáp ứng nhu cầu và khả năng học hòa nhập. Nghiên cứu thống nhất thuật ngữ và phương pháp nhận diện người khuyết tật trong giáo dục theo chuẩn quốc tế; xây dựng cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý giáo dục người khuyết tật và luận cứ cho quy hoạch hệ thống các cơ sở chuyên biệt đối với người khuyết tật và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập; Hướng nghiệp, dạy nghề, phát triển kỹ năng đặc thù cho người có dạng, mức độ khuyết tật đơn lẻ; Mô hình can thiệp sớm, mô hình hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật tại gia đình và cộng đồng.

Cùng với đó, đã tổ chức tập huấn cho 600 cán bộ quản lý và 1.700 giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông cốt cán cấp tỉnh của 63 tỉnh, thành phố về quản lí và kĩ năng giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật; tập huấn nâng cao năng lực về phát hiện sớm, can thiệp sớm nhằm nâng cao nhận thức về vai trò và một số kĩ năng về phát hiện sớm và hỗ trợ trẻ khuyết tật học hòa nhập, triển khai sử dụng bộ công cụ AQS-3 theo dõi sự phát triển của trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non. Phối hợp Hội người mù Việt Nam mở các lớp xóa mù chữ, phục hồi chức năng, học tiếng Anh, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, học nghề,… giúp đỡ trẻ em mù ở lứa tuổi học đường được đến trường và tạo điểu kiện tốt nhất để các em được tham gia học tập tại các cơ sở giáo dục. Tổ chức Bồi dưỡng cấp chứng chỉ nghiệp vụ Giáo dục đặc biệt cho 500 giáo viên tại các trường đại học và các địa phương; Tổ chức tập huấn xây dựng và vận hành phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập tại các trường tiểu học hòa nhập; Phối hợp với các Bộ, ngành và Mạng lưới Cha mẹ trẻ tự kỉ Việt Nam tổ chức thành công Ngày hội thể thao cho trẻ tự kỉ Việt Nam.

Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, nhiều người khuyết tật đã được học nghề, tạo việc làm ổn định

Trong công tác giáo dục nghề nghiệp và tạo việc làm, năm 2020, Bộ Lao động – TBXH đã tập trung hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương tổng kết Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, trong đó có đối tượng là người khuyết tật; thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên, đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2020, trong đó người khuyết tật là đối tượng ưu tiên. Hướng dẫn, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương mở rộng tuyển sinh tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp, cao đẳng, trung cấp; sơ cấp theo hình thức vừa làm vừa học; đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn; Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ từ các Bộ, ngành, địa phương, trong năm 2020, cả nước đào tạo được khoảng 1,6 triệu người học nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, trong đó, khoảng 950 nghìn lao động nông thôn được học nghề, 350 nghìn lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề. Số lao động nông thôn là người khuyết tật được hỗ trợ học nghề khoảng 3.000 người. Tổ chức Hội nghị giao ban nghiệp vụ với các địa phương, cơ sở, trong đó có đánh giá kết quả thực hiện trong năm 2020 cũng như đề xuất kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021 – 2025 về đào tạo nghề cho người khuyết tật.

Triển khai Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2017 của Chính phủ về Chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm, Ngân hàng Chính sách xã hội đã và đang triển khai thực hiện Chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm, trong đó có cho vay ưu đãi đối với người khuyết tật và các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật. Năm 2020 đã hỗ trợ cho 2.422 NKT vay vốn để tạo, duy trì và mở rộng việc làm khoảng 6.047 NKT. Riêng Hội người mù Việt Nam được giao hơn 51 tỷ nguồn vốn trung ương và 40 tỷ từ nguồn địa phương triển khai tại 51 tỉnh, thành phố cho gần 10.000 hộ người mù tạo việc làm ổn định cho trên 13.000 lao động là NKT. Hiện có 393 cơ sở trong đó 251 cơ sở xoa bóp, 142 cơ sở sản xuất thủ công, 178 tổ nhóm sản xuất thủ công dưới 10 người thu hút 5.031 lao động, năm 2020 Hội đã phối hợp với Văn phòng Ủy ban quốc gia về người khuyết tật tổ chức thành công Hội thi tin học cho người mù toàn quốc lần thứ II.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm cho NKT, trong thời gian tới, Bộ Lao động– TBXH phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến NKT để kịp thời sửa đổi, bổ sung, khắc phục những vướng mắc, bất cập cho phù hợp với thực tế của đất nước và với Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT; chú trọng những chính sách đột phá để tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định, tự chủ cho NKT; Văn bản hướng dẫn giáo dục nghề nghiệp đối với NKT. Xây dựng chương trình, tài liệu; đào tạo và tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực của cán bộ, nhân viên và cộng tác viên trợ giúp NKT các lĩnh vực: chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, đào tạo nghề nghiệp, giáo dục hòa nhập cho NKT... Tiếp tục xây dựng và triển khai mô hình sinh kế cho NKT; mô hình khởi nghiệp; mô hình đào tạo nghề gắn với việc làm tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; mô hình đào tạo nghề gắn với sinh kế cho NKT; mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng...

Hồng Phượng

Video liên quan

Chủ Đề