Có bao nhiêu dấu hiệu pháp lý của các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người:

[Luận án 2017] Các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người theo pháp luật hình sự Việt Nam

THÔNG TIN LUẬN ÁN

  • Trường: Học viện Khoa học xã hội
  • Tác giả: TS. Vũ Hải Anh
  • Định dạng: PDF/Word
  • Số trang: 195 trang
  • Năm: 2017

1. Tính cấp thiết của đề tài

Các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, không chỉ xâm hại đến sự phát triển bình thường, lành mạnh của con người mà còn làm tổn thương tinh thần người bị hại cũng như gia đình của họ. Những hành vi này còn có tác động xấu đến xã hội, nhiều vụ án gây phẫn nộ, gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận. Hành vi xâm phạm nhân phẩm, danh dự con người không chỉ diễn ra trong cộng đồng hay tại nơi làm việc mà còn có thể diễn ra ngay chính tại gia đình người bị hại. Người phạm các loại tội này thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi khác nhau, không chỉ là người lạ mà những hành vi xâm phạm nhân phẩm, danh dự này còn có thể được thực hiện bởi chính những người quen của người bị hại, thậm chí là người thân trong gia đình. Trong thời gian qua, tính chất và mức độ của các hành vi xâm phạm nhân phẩm, danh dự con người ngày càng nghiêm trọng, báo động về sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận dân cư, ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự văn hóa – xã hội trong cộng đồng. Con người vì những cuộc tranh giành tiền bạc, hưởng thụ mà đôi khi sẵn sàng mưu tính mọi thủ đoạn, thậm chí hạ thấp nhân phẩm, danh dự của người khác để đạt được mục đích của mình như: bôi nhọ thanh danh, nói xấu, vu khống đối tác; lợi dụng và lừa gạt chính những người thân trong gia đình mình để bán ra nước ngoài nhằm trục lợi. Con người vì những ghen ghét, bất đồng phát sinh trong đời sống hằng ngày mà sẵn sàng bịa đặt và lan truyền những thông tin xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác trên facebook, các mạng xã hội để hạ thấp uy tín của người khác; sẵn sàng làm nhục người khác giữa những nơi đông người như đánh đập, xé quần áo rồi kéo lê người khác trên đường… để thỏa mãn sự ghen tuông, lòng đố kỵ đang trỗi dậy trong con người mình. Những nét đẹp tâm hồn, những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc ở đâu đó trong xã hội đang dần bị quên lãng, dần bị mai một. Có thể thấy tình hình các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người đang diễn biến ngày càng phức tạp. Đây là những hành vi không những gây thiệt hại cho nhân phẩm, danh dự của con người mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân, làm băng hoại đạo đức, gây mất ổn định trật tự xã hội và đang là một trong những vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm.

Ở phương diện pháp lý, Nhà nước ta luôn luôn nhất quán tôn trọng và bảo vệ nhân phẩm, danh dự của mọi công dân. Điều đó đã được pháp luật đề cập đến trong nhiều văn bản. Điều 20 Hiến pháp năm 2013 đã nêu rõ: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm…” hay Điều 37 Bộ luật dân sự cũng quy định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”. Trong những năm qua, các quy định của BLHS về các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người đã góp phần quan trọng vào công tác điều tra và phòng, chống loại tội phạm này. Trong BLHS năm 1999 có quy định 10 tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người trong Chương XII. Đó là các tội quy định từ Điều 111 đến Điều 116, từ Điều 119 đến Điều 122. Những quy định này là cơ sở pháp lý giúp giải quyết những vụ án xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người trong thực tế. Tuy nhiên, việc đấu tranh phòng, chống của các cấp, các ngành tư pháp đối với loại tội phạm này dù ngày càng được nâng cao song vẫn không tránh khỏi những khó khăn khi thực tiễn áp dụng pháp luật còn gặp nhiều vướng mắc. Nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc đó chủ yếu xuất phát từ những hạn chế, thiếu sót trong quy định của pháp luật hình sự về nhóm tội này. Những quy định của các điều luật về các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người khi áp dụng vẫn gặp phải những quan điểm, đường lối xử lý thiếu thống nhất, còn tùy nghi do cách hiểu, cách tiếp cận những quy định luật hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng. Trong một số trường hợp, các cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn còn lúng túng, chưa có quan điểm thống nhất hoặc mắc phải thiếu sót trong việc giải quyết các vụ án về nhóm các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người. Vì vậy, để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật hình sự về các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người, góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động áp dụng pháp luật nói chung và áp dụng các quy định của pháp luật về nhóm tội này nói riêng, điều cần thiết hiện nay là tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự về nhóm tội này.

Nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần của Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về “Một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tư pháp trong thời gian tới” và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” đòi hỏi phải hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự và thủ tục tố tụng tư pháp. Theo đó, những quy định của luật hình sự về các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người cần được tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu đề cao hiệu quả phòng ngừa, tăng cường tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, đồng thời tội phạm hóa những hành vi nguy hiểm cho xã hội mới xuất hiện trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội.

Mặt khác, với sự thay đổi của điều kiện kinh tế – xã hội, nhiều hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng gây thiệt hại đáng kể cho xã hội liên quan đến nhân phẩm, danh dự của con người mới phát sinh nhưng chưa đủ cơ sở pháp lý để giải quyết như: hành vi xâm hại tình dục giữa những người đồng tính, chuyển đổi giới tính; hành vi mua bán bộ phận cơ thể, nội tạng hay thai nhi v.v… Các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người đã và đang gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho xã hội trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, sức khỏe, đạo đức, tâm lý. của con người. Vì vậy việc nghiên cứu một cách khoa học, toàn diện, có hệ thống các vấn đề lý luận và thực tiễn về các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người như làm rõ các dấu hiệu pháp lý của các tội này, làm rõ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn xét xử cũng như những nguyên nhân dẫn đến những vướng mắc đó để đưa ra một số biện pháp góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật, bảo đảo áp dụng có hiệu quả các quy định của pháp luật hình sự về các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người là một đòi hỏi bức thiết của nước ta hiện nay. Do đó, tác giả đã chọn đề tài “Các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người theo pháp luật hình sự Việt Nam” làm đề tài nghiên cứu sinh của mình.

2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

2.1. Mục đích nghiên cứu

Trên cơ sở làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và pháp luật về các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người, thực tiễn áp dụng các quy định về nhóm tội này trong thời gian từ năm 2005 đến năm 2015; luận án đề xuất các biện pháp bảo đảm áp dụng đúng các quy định về các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người trong thời gian tới.

2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Để đạt được mục đích nghiên cứu nêu trên, luận án tập trung giải quyết những nhiệm vụ sau:

– Phân tích những vấn đề lý luận về các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người;

– Phân tích quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người.

– Đánh giá thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật về các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Nhằm đạt được mục đích nghiên cứu nêu trên, luận án lấy các quan điểm khoa học về dấu hiệu pháp lý hình sự của các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người; các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người; thực tiễn áp dụng pháp luật về các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người trên địa bàn cả nước trong thời gian từ năm 2005 đến năm 2015 để nghiên cứu những vấn đề thuộc nội dung nghiên cứu của đề tài.

3.2. Phạm vi nghiên cứu

– Về chuyên ngành nghiên cứu: Đề tài luận án được nghiên cứu dưới góc độ chuyên ngành luật hình sự và tố tụng hình sự.

– Về thời gian nghiên cứu: Từ năm 2005 đến năm 2015.

– Về địa bàn nghiên cứu: trên phạm vi cả nước.

4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

Luận án lấy chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm của Đảng và của Nhà nước ta về tội phạm và hình phạt, về đấu tranh phòng, chống tội phạm làm phương pháp luận nghiên cứu các vấn đề thuộc nội dung nghiên cứu.

Luận án còn sử dụng trong một tổng thể các phương pháp nghiên cứu cụ thể khác như phân tích, tổng hợp, thống kê, bảng biểu hóa, so sánh … để thực hiện đề tài luận án, cụ thể là:

Chương 1: Chương tổng quan tình hình nghiên cứu chủ yếu dùng các phương pháp nghiên cứu như: phương pháp phân tích, phương pháp tổng hợp, phương pháp so sánh để khái quát các vấn đề liên quan đến đề tài đã được nghiên cứu trong các công trình khoa học đã công bố để đưa ra những nội dung kế thừa cũng như khái quát các vấn đề mà luận án cần nghiên cứu.

Chương 2: Sử dụng phương pháp phân tích, phương pháp tổng hợp, phương pháp hệ thống hóa để làm rõ các khái niệm liên quan đến các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người.

Sử dụng phương pháp lịch sử cụ thể, phương pháp tổng hợp, phương pháp phân tích, phương pháp hệ thống hóa, phương pháp so sánh để làm rõ lịch sử lập pháp về các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người.

Chương 3: Sử dụng phương pháp thống kê, phương pháp so sánh, phương pháp tổng hợp, phương pháp phân tích, phương pháp logic, phương pháp tiếp cận đa ngành – liên ngành để làm rõ các quy định của BLHS hiện hành về các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người cũng như thực tiễn áp dụng các quy định này.

Chương 4: Sử dụng phương pháp phân tích, phương pháp tổng hợp, phương pháp logic, phương pháp tiếp cận đa ngành – liên ngành để đưa ra một số giải pháp bảo đảm áp dụng đúng các quy định của pháp luật hình sự về các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người.

Việc thực hiện luận án cũng được tác giả sử dụng một số phương pháp đặc thù của lĩnh vực luật học như: phương pháp tiếp cận quy phạm được sử dụng để hệ thống hóa và giải thích các quy định của pháp luật, các văn bản hướng dẫn về các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người; phương pháp nghiên cứu lịch sử pháp luật được sử dụng để thể hiện sự gắn kết và tiếp nối về mặt thời gian của những quy định pháp luật; phương pháp nghiên cứu luật pháp trong mối quan hệ với chính trị hoặc trong mối quan hệ với xã hội học…

5. Đóng góp mới về khoa học của luận án

Về quan điểm tiếp cận: Dựa vào phép biện chứng của triết học Mác-xít, luận án nghiên cứu các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người dưới nhiều hướng tiếp cận khác nhau nhưng trọng tâm là hướng tiếp cận liên ngành [tác giả đặc biệt chú trọng tiếp cận dưới góc độ xã hội học pháp luật] và hướng tiếp cận trên cơ sở bảo vệ quyền.

Về phương pháp: Các phương pháp được sử dụng trong luận án này như đã nêu tại mục 4 phần mở đầu luận án này vừa có tính bổ trợ cho nhau, vừa có tính độc lập cho phép nghiên cứu làm rõ những vấn đề lý luận và pháp luật về các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người. Những phương pháp này cũng được sử dụng để đánh giá thực tiễn áp dụng pháp luật về các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người để từ đó luận án đề xuất những biện pháp đảm bảo áp dụng đúng các quy định này trong thời gian tới.

Về tổng quát: Luận án là công trình nghiên cứu có tính chuyên sâu của hình sự về các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người trên địa bàn cả nước. Luận án đã thiết lập được hệ thống lý luận và pháp luật về các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người. Và để hệ thống lý luận và pháp luật đó phát huy tác dụng là vũ khí sắc bén đấu tranh với các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người trong thời gian tới, luận án đã xây dựng các biện pháp bảo đảm áp dụng đúng các quy định về nhóm tội phạm này một cách đầy đủ, có cơ sở khoa học và mang tính khả thi cao.

6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án

– Luận án đã làm sáng rõ những vấn đề lý luận cũng như phân tích rõ những quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người. Nhìn nhận các quy định của pháp luật về các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người dưới nhiều cách tiếp cận khác nhau [tiếp cận đa ngành và liên ngành] để thấy được vai trò, mục đích của pháp luật trong phát triển con người và bảo vệ con người. Do đó, luận án có thể được sử dụng làm tài liệu phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực luật hình sự và những lĩnh vực có liên quan.

– Luận án có thể làm tài liệu tham khảo khi các cơ quan lập pháp, các tổ chức xã hội và công dân tham gia vào việc đóng góp ý kiến nhằm tiếp tục sửa đổi, bổ sung các quy định trong BLHS và Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam.

– Luận án cung cấp những cơ sở lý luận và thực tiễn trong áp dụng pháp luật về các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người để từ đó đưa ra một số biện pháp góp phần bảo đảm áp dụng đúng các quy định của pháp luật về nhóm các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người. Vì vậy, kết quả nghiên cứu của luận án có thể được sử dụng để thống nhất về nhận thức các quy định của pháp luật về các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người, góp phần khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật, qua đó giúp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm nói chung, các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người nói riêng.

Đây là công trình khoa học đầu tiên ở cấp độ tiến sỹ tiếp cận một cách toàn diện và có hệ thống về các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người.

7. Kết cấu của luận án

Ngoài phần mở đầu và kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, luận án được kết cấu gồm 4 chương, như sau:

Chương 1. Tổng quan tình hình nghiên cứu

Chương 2. Những vấn đề lý luận và lịch sử về các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người;

Chương 3. Quy định của Bộ luật hình sự 1999 và thực tiễn áp dụng các quy định về các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người;

Chương 4. Các biện pháp bảo đảm áp dụng đúng các quy định của pháp luật hình sự về các tội xâm phạm nhân phẩm, danh dự của con người.

Video liên quan

Chủ Đề