Công văn 154 xử lý thuốc lá

Những vấn đề cần trao đổi trong xử lý hình sự đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo và thuốc lá ngoại nhập lậu

Để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, Bộ luật hình sự đã quy định rất cụ thể về nhóm tội phạm này. Tuy nhiên, trong thực tiễn điều tra, truy tố và xét xử, còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập khi áp dụng pháp luật liên quan đến các tội “Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm” quy định tại Điều 155 BLHS 1999, và tại các Điều 190, Điều 191 BLHS năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2016), đã khiến cho các cơ quan tiến hành tố tụng gặp nhiều lúng túng trong xử lý.

Từ trước đến nay, pháo và thuốc lá luôn đi kèm với những tác hại khó lường, ảnh hưởng xấu đến tính mạng, sức khỏe của con người, đến trật tự quản lý kinh tế và trị an xã hội. Do đó, Nhà nước đã quy định cụ thể: “pháo các loại” và “thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác” thuộc Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh tại Nghị định số 59/2006/NĐ – CP ngày 12/06/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 43/2009/NĐ – CP ngày 07/5/2009 và hợp nhất theo Văn bản số 19/VBHN – BCT ngày 09/5/2014). Tại Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKNDTC-TANDTC ngày 25/12/2008 giữa Bộ công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo đã quy định hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo có số lượng từ 10kg trở lên hoặc dưới số lượng đó, nhưng đã bị xử phạt hành chính, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Gần đây nhất, ngày 19/11/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 124/2015/NĐ – CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thương mại. Theo đó, hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên, sẽ bị xử lý về hình sự.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật đầu tư năm 2014 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015) thì “pháo các loại” và “sản phẩm thuốc lá” lại thuộc Danh mục “ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện” (Phụ lục 04 - Luật đầu tư năm 2014). Từ đó dẫn đến một bất cập là: Luật đầu tư năm 2014 và Luật thương mại năm 2005 chồng chéo nhau về đối tượng điều chỉnh. Vấn đề đặt ra: Từ ngày 01/7/2015, pháo và thuốc lá rút cục có còn là hàng cấm hay không ? Theo đó, liệu các cơ quan tiến hành tố tụng có thể xử lý hình sự đối với những người có hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán pháo và thuốc lá ngoại nhập lậu theo quy định tại các Điều 153, 154 và 155 BLHS 1999 hoặc Điều 190, Điều 191 BLHS năm 2015 hay không ?

Thực tiễn cho thấy, tại một số địa phương đã có việc nhận thức và áp dụng pháp luật không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Cụ thể: Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đều thống nhất quan điểm cho rằng: Hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo và thuốc lá ngoại nhập lậu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật thương mại năm 2005, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật đầu tư năm 2014, nên vẫn tiến hành khởi tố, điều tra, truy tố đối với những người có hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo và thuốc lá ngoại nhập lậu nếu đủ số lượng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKNDTC-TANDTC ngày 25/12/2008 và Nghị định s 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015; Tuy nhiên, ngày 26/01/2016, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hànhCông văn số 06 hướng dẫn các Tòa án địa phương xử lý các tội danh trêntheo hướng: khi xác định có hành vi vận chuyển, buôn bán pháo và thuốc lá ngoại nhập lậu qua biên giới thì xử lý theo Điều 153, Điều 154 BLHS năm 1999 nếu đủ các yếu tố cấu thành tội phạm (vẫn xác định là hàng cấm với số lượng lớn); nhưng nếu chỉ thực hiện hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo và thuốc lá ngoại nhập lậu trong nội địa thì không xác định là hàng cấm và dừng việc xét xử. Do đó, một số Tòa án địa phương đã gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, thậm chí hoãn phiên tòa, không đưa ra xét xử đối với một số vụ án mà Cơ quan điều tra đã kết thúc điều tra và Viện kiểm sát đã truy tố để tiếp tục chờ văn bản giải thích của Cơ quan có thẩm quyền.

Điều này làm nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến thời hạn chuẩn bị xét xử và thời hạn tạm giam các bị can, bị cáo để chuẩn bị xét xử của Toà án, một số Tòa án địa phương đã hủy bỏ biện pháp tạm giam đối với các bị can, bị cáo có hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo và thuốc lá ngoại nhập lậu trong thời gian chờ đợi văn bản hướng dẫn của Cơ quan có thẩm quyền. Mặt khác, do dừng việc xét xử của Toà án nên đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới công tác đấu tranh xử lý đối với các hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo và thuốc lá ngoại nhập lậu trong nội địa khi các đối tượng bị bắt giữ.

Song, vấn đề không chỉ dừng lại ở đó. Ngay cả khi giữa các ngành có được sự thống nhất về mặt nhận thức, rằng: Có thể xử lý hình sự đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán pháo và thuốc lá ngoại, thì vẫn còn một bất cập khác phát sinh từ quy định của Bộ luật hình sự năm 2015. Cụ thể: Theo quy định tại Điều 190 và Điều 191 Bộ luật hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2016), thì hàng cấm bị thu giữ (ngoài các loại hàng cấm là hoá chất, kháng sinh....)được quy định tại điểm a khoản 1 các Điều 190 và Điều 191) phải có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên (trường hợp hàng cấm bị thu giữ trị giá dưới 100.000.000 đồng thì các đối tượng phải có tiền án, tiền sự về những hành vi thuộc nhóm tội phạm này) hoặc từ 50.000.000 đồng trở lên nếu buôn bán, vận chuyển qua biên giới, mới có thể xử lý hình sự. Vấn đề đặt ra: Dựa vào căn cứ nào để có thể định giá thuốc lá ngoại nhập lậu và đặc biệt là định giá các loại pháo, trong khi các mặt hàng cấm không được kinh doanh, buôn bán trên thị trường nên không có quy định về giá ? Nếu không định giá được hai mặt hàng này, thì không thể xử lý hình sự đối với các hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm theo quy định tại Điều 190 và Điều 191 BLHS năm 2015 đang chuẩn bị có hiệu lực.

Từ thực tiễn và các vướng mắc nêu trên, để đáp ứng kịp thời yêu cầu đấu tranh, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ chính trị tại địa phương, bảo đảm trật tự trị an cho xã hội, các cơ quan tiến hành tố tụng cần thống nhất về nhận thức và áp dụng pháp luật. Đồng thời đề nghị Cơ quan có thẩm quyền (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) sớm ban hành văn bản giải thích pháp luật để phân biệt rõ đối tượng, phạm vi điều chỉnh giữa Luật thương mại và Luật đầu tư; đồng thời Nhà nước cần có cơ chế cho phép định giá tài sản trong tố tụng hình sự đối với hai mặt hàng pháo và thuốc lá ngoại nhập lậu, làm căn cứ để xác định giá trị hàng cấm; từ đó xác định rõ hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo và thuốc lá ngoại trong nội địa có đủ căn cứ xử lý hình sự về tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm theo quy định tại các Điều 190 và Điều 191 BLHS năm 2015 hay không ? Nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội.

                                                                           VKS TP Móng Cái