Đạo đức khoa học là gì

GS.TS. Nguyễn Xuân Trạch

Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Kết quả nghiên cứu khoa học sẽ không có đóng góp gì nếu không ai biết hay không sử dụng được nó. Do đó, một công trình nghiên cứu chưa được coi là kết thúc nếu kết quả của nó chưa được công bố. Kết quả nghiên cứu thường được công bố dưới dạng bài báo khoa học gốc đăng trên các tạp chí chuyên môn. Tuy nhiên, trước khi viết bản thảo một bài báo khoa học để gửi đến một tạp chí, hay nói đúng hơn là trước khi bắt đầu làm nghiên cứu thì người làm nghiên cứu cần biết được những chuẩn mực cơ bản về đạo đức nghiên cứu và công bố kết quả nghiên cứu khoa học. Sau đây là những hiểu biết cần thiết về những chuẩn mực đạo đức cơ bản đó.

Tính chân thực và chính xác

Tính chân thực [authenticity] và chính xác [accuracy] là chuẩn mực quan trọng hàng đầu đối với một bài báo khoa học. Điều đó gần như được mặc nhận một cách quá hiển nhiên đối với công bố khoa học. Tuy nhiên, vẫn có một vài trường hợp có hiện tượng tác giả bịa ra số liệu mà không làm nghiên cứu thực tế. Rõ ràng, việc bịa số liệu như vậy là vi phạm đạo đức. Hư cấu [fiction] có thể là một hướng theo đuổi lớn, nhất là trong văn học-nghệ thuật, nhưng không có chỗ đứng trong nghiên cứu và công bố khoa học. Những dạng nhẹ hơn, và có lẽ là phổ biến hơn, là thiếu chính xác như: loại bỏ những điểm ngoại lệ trong số liệu công bố, trình bày dữ liệu theo cách gây hiểu nhầm những phát hiện mới hay những cách bóp méo khác.

Những người nghiên cứu thiếu đạo đức ngày nay có thể dùng các công cụ tạo hình điện tử để bịa ra kết quả, mặc dù ban biên tập các tạp chí cũng có thể có quy trình để phát hiện ra những trường hợp này. Vấn đề đặt ra là việc sử dụng hình ảnh điện tử như thế nào thì được chấp nhận trong khoa học? Đâu là ranh giới giữa khoa học và nghệ thuật khi sử dụng hình ảnh điện tử? Để nắm rõ điều này cần tham khảo các hướng dẫn sử dụng hình ảnh điện tử cho mục đích khoa học [Cromey, 2012].

Đối với những nghiên cứu có sử dụng phân tích thống kê, để đảm bảo tính tin cậy của kết quả thì cần sử dụng các phương pháp thống kê phù hợp, không sử dụng những phương pháp có thể làm sai lệch kết quả. Nếu nghi ngờ thì tác giả cần hợp tác với các chuyên gia thống kê và thiết kế thí nghiệm để được giúp đỡ. Nên tranh thủ ý kiến của các chuyên gia đó càng sớm càng tốt, ngay khi còn thiết kế thí nghiệm, để đảm bảo chắc chắn rằng sẽ thu được kết quả phù hợp; nếu không thì rất có thể làm lãng phí nguồn lực và thời gian vì số liệu thu được không có giá trị. Theo Fisher [1938], “Xin ý kiến của chuyên gia xử lý thống kê sau khi thí nghiệm đã kết thúc có khi lại chẳng khác nào là bảo người ta tiến hành kiểm nghiệm xác chết”.

Tính nguyên gốc

Tính nguyên gốc [originality] là một chuẩn mực bắt buộc đối với công bố khoa học. Những phát hiện được công bố trong một bài báo khoa học phải là mới, tức là lần đầu tiên được công bố. Trừ một số trường hợp rất hiếm hoi và rất cụ thể, những phát hiện đó không thể đã từng xuất hiện đâu đó trong các xuất bản gốc. Trong số các trường hợp ít ỏi mà việc công bố lại số liệu có thể được chập nhận, ví dụ như bài báo được xuất bản bằng một thứ tiếng khác hay trong một lĩnh vực rộng khác, thì bài báo nguyên gốc phải được trích dẫn rõ ràng để cho độc giả không hiểu sai rằng những số liệu cũ là mới. Để xuất bản lại một bài báo [bằng một thứ ngôn ngữ khác hay cho độc giả ở một lĩnh vực khác] thông thường phải được phép của tạp chí đã công công bố bài báo gốc đó [Gastel & Day, 2016].

Một số tác giả phân vân liệu họ có thể gửi đăng cùng một bản thảo đồng thời tới hai hay nhiều tạp chí. Đó là một điều cấm kỵ đối với công bố khoa học. Gửi đăng đồng thời như vậy là một sự lãng phí nguồn lực và bị coi là vi phạm đạo đức khoa học. Bởi vậy, tác giả hãy bắt đầu bằng việc chỉ gửi bản thảo của mình cho tạp chí thứ nhất đã được lựa chọn. Nếu tạp chí đó không chấp nhận đăng thì tác giả có thể gửi tiếp cho tạp chí thứ hai trong danh sách các tạp chí có thể gửi đăng.

Tính nguyên gốc cũng có nghĩa là tránh “khoa học xúc xích”, nghĩa là thái mỏng các kết quả của một đề tài nghiên cứu như người ta có thể thái xúc xích nhằm xuất bản nhiều bài báo thay vì một hay một ít bài [Gastel & Day, 2016]. Những nhà khoa học nghiêm túc tôn trọng tính trọn vẹn nghiên cứu của mình và không chia quá nhỏ nó ra để công bố. Tương tự, các hội đồng tuyển dụng hay hội đồng nâng hạng chức danh nghiêm túc cũng sẽ nhìn vào nội dung của các bài báo đã xuất bản chứ không chỉ số lượng bài nên không để bị đánh lừa bởi kiểu khoa học salami như vây.

Trích dẫn và đạo văn

Nếu trong bài báo có những thông tin hay ý tưởng mà không phải của mình thì tác giả phải chắc chắn rằng mình đã ghi rõ trích dẫn [citation] từ nguồn tài liệu nào trong danh mục tài liệu tham khảo [references] ghi ở cuối bài báo. Nếu sử dụng nguyên lời văn của người khác thì phải để nó trong dấu ngoặc kép kèm theo chỉ dẫn nguồn tài liệu tham khảo. Sao chép bất cứ thứ gì của người khác mà không ghi rõ tác giả của nó đều bị coi là đạo văn [plagiarism]. Nói một cách khác, đạo văn là công bố lại câu văn, suy nghĩ, ý tưởng, số liệu hay cách diễn đạt của người khác như là của chính mình [Nguyễn Xuân Trạch & Đỗ Đức Lực, 2016]. Thậm chí xuất bản lại cùng dữ liệu đã công bố của chính mình mà không nêu rõ nguồn gốc cũng bị coi là tự đạo văn [Nguyễn Văn Tuấn, 2020].

Theo Merriam-Webster Dictionary [//www.merriam-webster.com], đạo văn nghĩa là: [1] Ăn cắp và hình thành những ý tưởng hay ngôn từ mới khởi nguồn từ ý tưởng của ai đó; [2] Sử dụng sản phẩm của một ai đó mà không công bố nguồn; và [3] Giới thiệu một ý tưởng hay sản phẩm mới được chuyển hóa từ một nguồn đã có từ trước.

Thậm chí mặc dù người viết đã dẫn nguồn nhưng vẫn bị coi là đạo văn trong những trường hợp sau: [1] Dẫn tên tác giả nhưng không điền thông tin nguồn trích dẫn cụ thể để dẫn chứng về đoạn dẫn nguồn tham khảo như năm xuất bản, trang, chương mục...; [2] Cung cấp thông tin sai sự thật liên quan đến các nguồn tham khảo, khiến đọc giả không thể tìm thấy được nguồn tài liệu chính xác; [3] Có dẫn nguồn nhưng không có dấu trích dẫn khi đoạn đó được sao chép nguyên văn; [4] Có chỉ dẫn nguồn ở một vài nội dung tham khảo nhưng không ghi nguồn trích dẫn tiếp khi sử dụng các nội dung khác của cùng một nguồn [Nguyễn Văn Tuấn, 2020].

Đạo văn được xem là hành vi thiếu trung thực về mặt học thuật, một hành vi vi phạm đạo đức rất nghiêm trọng; một số trường hợp đạo văn có thể cấu thành hành vi vi phạm bản quyền. Đạo văn được coi là lỗi nghiêm trọng, không có ngoại lệ hay bất cứ biện hộ nào được chấp nhận. Do đó, một khi đã có ý định trích dẫn thành quả nghiên cứu và lao động của người khác, tác giả phải ghi rõ nguồn tài liệu trích dẫn. Trong một số trường hợp tác giả cần phải xin phép, nhất là việc sử dụng hình ảnh.

Hiện nay có rất nhiều phần mềm phát hiện đạo văn online. Nhiều trường đại học quy định sinh viên phải nộp tiểu luận, luận văn hay luận án của mình qua một chương trình chống đạo văn nào đó. Chỉ có những sinh viên đã qua được “kiểm duyệt đạo văn” đó mới được phép gửi bài đến giáo viên hay đội đồng đánh giá qua hình thức điện tử hay bản in. Hầu hết các tạp chí khoa học hiện nay đều sử dụng phần chống đạo văn để kiểm duyệt bản thảo bài báo.

Để tránh đạo văn vô tình thì người viết phải ghi rõ nguồn tài liệu tham khảo mỗi khi sao chép hay tải về những gì người khác đã viết. Để tránh dùng nguyên văn của người khác thì không nên nhìn trực tiếp vào đoạn văn nguồn khi viết mà chỉ xem lại nó sau đó để kiểm tra tính chính xác của thông tin đã trích dẫn. Trong các bài báo trên các tạp chí khoa học ở hầu hết các lĩnh vực việc trích dẫn nguyên văn để trong ngoặc kép là rất hiếm. Thay vào đó, tác giả viết lại ý người khác theo văn của mình. Trong một số ít trường hợp hiếm hoi, chẳng hạn như khi một tác giả nào đó đã viết ra những khái niệm hay những câu nói rất nổi tiếng thì có thể trích nguyên câu văn đó. Ví dụ, nhà bác học Ivan Pavlov [1849-1936] đã từng nói “Bác sĩ nhân y cứu con người, còn bác sĩ thú y cứu cả loài người”. Để tự kiểm tra liệu mình có đạo nguyên văn hay không thì tác giả nên dùng một phần mềm chống đạo văn để tự kiểm tra bản thảo của mình trước khi gửi đăng.

Phúc lợi động vật

Nếu công trình nghiên cứu có sử dụng động vật thì hầu hết các tạp chí quốc tế đều yêu cầu phải có minh chứng những động vật thí nghiệm đó được đối xử nhân đạo và đảm bảo phúc lợi động vật [animal welfare]. Do đó, trước khi bắt đầu một thí nghiệm cần làm thủ tục xin phép cần thiết nếu có sử dụng động vật. Thông thường hiện nay trên thế giới người ta quy định là quy trình thí nghiệm phải được Hội đồng đạo đức nghiên cứu động vật [animal ethics committee] của cơ quan nghiên cứu/trường đại học thông qua và cấp phép. Trong bài báo cần viết rõ việc này [thường là trong mục Vật liệu và phương pháp] hay phải gửi giấy phép này kèm bản thảo đến Tạp chí [Gastel & Day, 2016]. Tốt nhất người nghiên cứu nên xem hướng dẫn tác giả của Tạp chí định đăng bài về việc này và tham khảo những bài báo tương tự của Tạp chí đó để làm mẫu.

Tác quyền và cảm tạ

Tác quyền hay quyền tác giả [authorship] xác nhận sự đóng góp về tri thức và cũng là trách nhiệm giải trình về trí tuệ đối với những người đứng tên là tác giả bài báo. Do đó, danh mục các tác giả bài báo nên bao gồm những người và chỉ có những người có đóng góp đáng kể thực sự cho công trình nghiên cứu. Thường thì một thành viên nghiên cứu được đứng tên trong danh mục tác giả bài báo khi hội tụ đủ 3 điều kiện sau: [1] Có đóng góp quan trọng trong việc hình thành ý tưởng nghiên cứu, xây dựng phương pháp nghiên cứu, thực hiện thí nghiệm, thu thập và quản lý dữ liệu, hay phân tích và diễn giải dữ liệu; [2] Đã soạn thảo bài báo hay kiểm tra nội dung của bài báo; và [3] Đồng ý với bản thảo cuối cùng để gửi cho Tạp chí [Gastel & Day, 2016].

Trên đây là những tiêu chuẩn có tính nguyên tắc, nhưng trong thực tế còn nhiều tranh luận và không phải tác giả nào cũng hội đủ tất cả các điều kiện đó, thậm chí còn có “tác giả danh dự”. Trước đây [và ngày nay đâu đó vẫn còn] có một xu hướng là đưa trưởng phòng thí nghiệm, trưởng nhóm nghiên cứu hay thậm chí thủ trưởng đơn vị làm đồng tác giả cho dù người đó có tham gia công trình nghiên cứu hay không. Trong trường hợp đó họ thường được đặt ở vị trí cuối cùng, cho nên vị trí cuối trong danh sách tác giả được coi như một vị trí danh giá.

Về mặt đạo đức khoa học, những người không có đóng góp đáng kể vào công trình nghiên cứu thì không nên đưa vào trong danh sách tác giả bài báo. Điều đó cũng có nghĩa là những người không có đóng góp đáng kể vào công trình nghiên cứu thì không nên nhận mình [không đồng ý] như là một tác giả của bài báo. Trên thực tế có người không hề biết hay giật mình mới biết có tồn tại bài báo mà mình là [đồng] tác giả. Cũng có một vài tác giả không tham gia đáng kể vào công trình nghiên cứu đã lấy làm tiếc vì đã đồng ý có tên trong danh sách tác giả khi công trình nghiên cứu bị phát hiện là có khiếm khuyết hay thậm chí là thiếu trung thực. Những nhà khoa học nghiêm túc không cho phép hòa loãng công trình nghiên cứu của mình hay để cho tên của mình bị làm hoen ố bởi việc cho thêm tên của những người có đóng góp nhỏ nhoi vào danh sách tác giả [Gastel & Day, 2016].

Một số tạp chí yêu cầu danh mục tác giả phải ghi rõ tác giả nào làm việc gì [như thiết kế thí nghiệm, thu thập số liệu, phân tích số liệu, viết bài…]. Một số tạp chí công bố danh sách này cùng bài báo, một số khác lưu giữ làm thống tin riêng của họ. Việc yêu cầu danh múc đóng góp này có ít nhất là hai lợi thế: một là, nó đảm bảo rằng mỗi người được đưa vào danh mục tác giả xứng đáng được như vậy, không ai xứng đáng bị bỏ sót, và hai là, nếu như danh mục đó được xuất bản thì có thể giúp cho độc giả biết liên hệ với tác giả nào liên quan đến loại thông tin nào.

Mặt khác, như đã đề cập ở mục 3.3.4, mọi nguồn giúp đỡ nhận được trong quá trình tiến hành nghiên cứu và chuẩn bị bản thảo bài báo cần được ghi trong lời cảm tạ [acknowledgements] ở cuối bài báo. Nhiều người thay vì đưa vào danh sách tác giả lại nên được cảm tạ thì đúng hơn. Trên thực tế có một xu hướng là tất cả những người trong phòng thí nghiệm đều được đưa vào danh sách các tác giả bài báo. Không nên và không cần thiết phải làm như thế mà nên có lời cảm tạ với họ vì đã hỗ trợ về kỹ thuật phòng thí nghiệm trong quá trình nghiên cứu.

Mẫu thuẫn lợi ích

Các tác giả bài báo khoa học đôi khi có thể có mâu thuẫn/xung đột lợi ích [conflict of interests]. Xung đột lợi ích theo nghĩa chung là tình huống trong đó một người hoặc tổ chức có liên quan đến nhiều lợi ích [như tài chính, quan hệ gia đình, các yếu tố xã hội…] nên việc phục vụ một lợi ích này có thể ảnh hưởng đến lợi ích khác. Trong nghiên cứu khoa học, điều đó có nghĩa là người nghiên cứu có thể có các yếu tố chi phối khác, ít nhất là trên lý thuyết, làm ảnh hưởng đến tính khách quan của nghiên cứu [Gastel & Day, 2016]. Ví dụ, người nghiên cứu có cổ phần trong một công ty sản xuất ra một phụ gia thức ăn chăn nuôi đang được nghiên cứu hay được một công ty như vậy cấp kinh phí cho nghiên cứu. Các tạp chí khoa học ngày nay thường yêu cầu tác giả bài báo tuyên bố rõ những mâu thuẫn lợi ích có thể có như vậy. Đó là một chuẩn mực đạo đức trong nghiên cứu và công bố khoa học. Quan trọng hơn là ở chỗ đạo đức khoa học đòi hỏi rằng những yếu tố chi phối khác không làm ảnh hưởng đến tính khách quan của công trình nghiên cứu. Cũng chính vì vậy mà, một số nhà khoa học tìm cách tránh tất cả mọi sự nguy cơ xung đột lợi ích để đề phòng thậm chí khả năng bị nghi là có vẻ thiên vị.

Tóm lại, mọi bài báo công bố khoa học đều phải đảm bảo các chuẩn mực chung về đạo đức nghiên cứu và công bố khoa học liên quan đến tính chân thực, tính chính xác và tính nguyên gốc của kết quả nghiên cứu, không vi phạm đạo văn và phúc lợi động vật, chịu trách nhiệm về quyền tác giả, có ghi nhận cảm tạ mọi sự giúp đỡ và tuyên bố xung đột lợi ích [nếu có].

Tài liệu tham khảo

Cromey D.W. [2012] Digital Images Are Data: And Should Be Treated as Such. In: Taatjes D., Roth J. [eds] Cell Imaging Techniques. Methods in Molecular Biology [Methods and Protocols], vol 931. Humana Press, Totowa, NJ.

Fisher R.A. [1938]. The statistical utilization of multiple measurements. Anals of Eugenics 8 [4]: 376-386.

Gastel B. and R.A. Day [2016]. How to Write and Publish a Scientific Paper [8th Edition]. Greenwood.

Nguyễn Văn Tuấn [2020]. Cẩm nang nghiên cứu khoa học - Từ ý tưởng đến công bố Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.

Nguyễn Xuân Trạch và Đỗ Đức Lực [2016]. Giáo trình Phương pháp phân tích số liệu thí nghiệm và công bố kết quả nghiên cứu chăn nuôi. NXB Đại học Nông nghiệp-Hà Nội.

Chủ Đề