Điểm mạnh điểm yếu các trường đại học năm 2022

Đến nay nhiều trường đại học đã thông báo điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức xét học bạ, với điểm tăng cao ngoài dự đoán của thí sinh.

CÓ NGÀNH LẤY HƠN 30 ĐIỂM

Trường đại học Luật Hà Nội công bố mức điểm chuẩn trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ từ 21-29,52 điểm, bao gồm cả điểm khuyến khích theo quy định riêng của trường.  

Còn Học viện Ngoại giao, Đại học Ngoại thương hay Đại học Văn hóa vừa cho biết có nhiều ngành lấy điểm chuẩn học bạ từ 30 trở lên, tăng mạnh so với các năm trước. Đặc biệt, điểm chuẩn học bạ hầu hết các ngành của Học viện Ngoại giao đều hơn 30 điểm. Chẳng hạn ngành truyền thông quốc tế với tổ hợp C00: Văn, Sử, Địa lấy tới 32,18, còn lại phổ biến 30-31 điểm. Mức này là tổng điểm trung bình 3 môn trong 3 học kỳ theo tổ hợp [tối đa 30] và điểm ưu tiên.

Ngoài ra Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng xét học bạ thí sinh trường chuyên với mức điểm chuẩn 28,5 gồm công nghệ thông tin [đại trà], logistic và quản lý chuỗi cung ứng [đại trà]. Xét học bạ với thí sinh trường top 200, công nghệ thông tin, logistic và quản lý chuỗi cung ứng [đại trà] ở mức 28,75. Xét học bạ với thí sinh các trường còn lại, một số ngành đại trà  điểm chuẩn ở mức 29,75 như: kinh doanh quốc tế, thương mại điện tử, công nghệ thông tin, logistic và quản lý chuỗi cung ứng…

Gần đây nhất, thí sinh xét học bạ THPT vào Học viện Ngân hàng đã được báo phải đạt từ 26 đến 28,25 điểm tùy ngành và đồng thời phải thỏa mãn điều kiện học lực năm lớp 12 đạt loại giỏi.

Theo các chuyên gia, đây là năm có điểm trúng tuyển bằng phương thức xét điểm học bạ THPT, của nhiều ngành ở nhiều trường đại học cao vượt ngưỡng 30. Những năm trước từng xảy ra hiện tượng vượt thang điểm 30/30 nhưng là với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm 2022 có rất nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, nhưng nhìn chung các trường đại học đều xét tuyển với 2 mục đích chính: tuyển được người học có chất lượng đầu vào tốt và tuyển đủ chỉ tiêu năm học của trường.

Mỗi trường sẽ quyết định chọn 1 trong 2 yếu tố để đặt lên cao hơn khi thực hiện kế hoạch tuyển sinh. Nếu đặt chất lượng tuyển sinh lên hàng đầu, nhà trường sẽ chọn phương thức xét tuyển có độ tin cậy cao. Đến thời điểm này, kết quả các kỳ thi được tổ chức quy mô lớn như: kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Trường đại học Bách khoa Hà Nội… đang được xem là có độ tin cậy nhất. Ngược lại, trường đặt nặng việc tuyển cho đủ chỉ tiêu tuyển sinh sẽ chọn lựa phương thức tuyển sinh dễ dàng hơn.

XÉT HỌC BẠ KẾT HỢP CẢ ĐIỀU KIỆN KHÁC

Liên quan đến điểm trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ, ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cho rằng, năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện lọc ảo chung trên một hệ thống, tất cả thí sinh dù trúng tuyển bằng phương thức nào cũng đều đăng ký trên hệ thống nên các trường không gọi vượt chỉ tiêu như các năm trước, dẫn đến điểm chuẩn tăng lên.

Ngoài ra một nguyên nhân khác khiến điểm chuẩn học bạ tăng là do điểm học bạ của thí sinh tăng mạnh. Không ít trường hợp điểm trung bình lớp 10 chỉ 6,0 nhưng trung bình lớp 12 lại đạt gần 9,0. Điểm học bạ do các trường phổ thông xác nhận nên các trường đại học chỉ căn cứ vào đó xét tuyển, kết hợp thêm các điều kiện khác nên mới dẫn đến tình trạng 29, 30 điểm học bạ mới đỗ đại học.

Ông Phạm Thái Sơn thông tin thêm, hiện hàng loạt các trường đại học, trong đó có cả những trường top đầu đều đã công bố điểm trúng tuyển  bằng phương thức xét điểm học bạ kết hợp với các điều kiện khác. Tùy từng trường, từng ngành học và hệ đại trà, chất lượng cao, liên kết… mà các trường quy định ngưỡng điểm chuẩn khác nhau.

Cũng có ý kiến, PGS. TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ, sử dụng phương án xét tuyển nào là quyền tự chủ tuyển sinh của mỗi trường. Tuy nhiên, để đảm bảo công bằng giữa các thí sinh, trường đại học cũng cần có thêm các tiêu chí khác để xét tuyển, không chỉ căn cứ vào mỗi học bạ THPT. Chẳng hạn, có thể đối sánh giữa điểm thi tốt nghiệp và điểm học bạ như cách Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm nhưng ở cấp độ cụ thể từng thí sinh, nếu quá chênh lệch thì hủy kết quả xét tuyển học bạ. Điều này cũng giúp đảm bảo chất lượng đầu vào của nguồn tuyển - yếu tố quan trọng để giữ vững và nâng cao thương hiệu đào tạo của nhà trường.

Đưa ra nhận định riêng, ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu vấn đề, việc điểm chuẩn tăng cao cũng phần nào thể hiện đánh giá ở bậc phổ thông đang làm giảm độ tin cậy của nguồn tuyển này đối với các trường đại học. Trong điều kiện nước ta hiện nay, việc quản lý chất lượng giáo dục đại học cũng đang còn vấn đề chứ chưa nói là quản lý chất lượng của hệ thống các trường phổ thông rất lớn, cồng kềnh. Nếu dựa vào kết quả của điểm học bạ rất dễ nảy sinh tình trạng xin điểm rồi tiêu cực hơn nữa là mua điểm.

“Thực tế điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ tăng cao bất thường như năm nay thì ngoài phải xem lại cách kiểm tra, đánh giá ở bậc phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần tiến tới có một hình thức như trung tâm khảo thí độc lập, để thí sinh được đánh giá trên một chuẩn chung ở phạm vi toàn quốc”, ông Lê Viết Khuyến nói.

Điểm chuẩn xét học bạ nhiều trường đại học năm nay tăng mạnh so với năm trước, thậm chí có không ít ngành điểm chuẩn vượt... 30 điểm.

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển học bạ vào một trường đại học tại TP.HCM - Ảnh: M.G.

L.T.N.T. - học sinh Trường THPT Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM - đăng ký xét tuyển học bạ vào hai ngành marketing và kinh doanh quốc tế Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM. Điểm trung bình ba môn xét tuyển của T. đạt 24,5 điểm, cao hơn 2 điểm so với điểm chuẩn học bạ năm trước của ngành này nên T. tin có thể đậu.

Tăng từ 2 đến 8,5 điểm

Kết quả là T. rớt cả hai ngành, vì điểm chuẩn năm nay tăng vọt lên 26,5 và 26 điểm. T. hụt hẫng cho biết điểm chuẩn học bạ những ngành này nhiều năm qua hầu như xoay quanh mức 22 điểm, không biết vì sao năm nay lại tăng mạnh như vậy.

Không chỉ các ngành này, phần lớn các ngành khác tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đều có điểm chuẩn xét học bạ tăng từ 2 đến 4 điểm khiến thí sinh rớt như “sung”.

Đây không phải là trường cá biệt có điểm chuẩn xét học bạ tăng cao ngất ngưởng như vậy. Nhiều trường như ĐH Cần Thơ, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế, ĐH Văn hóa Hà Nội, ĐH Thủy Lợi... cũng có điểm chuẩn xét học bạ đợt 1 tăng chóng mặt so với năm trước. Nhiều ngành thí sinh gần như phải đạt điểm tuyệt đối mới trúng tuyển.

Tại Trường ĐH Cần Thơ, hầu hết các ngành có điểm chuẩn học bạ tăng từ 2-4 điểm so với năm trước, cá biệt có ngành tăng đến 5 điểm.

Nếu như năm 2021 điểm chuẩn cao nhất là 29 và chỉ có hai ngành ngoài sư phạm đạt mức điểm này thì năm nay có đến năm ngành có điểm chuẩn từ 29 trở lên, trong đó có ba ngành 29,25 điểm.

Tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nếu như năm 2021 phương thức xét học bạ chỉ có hai ngành đạt 29 điểm thì năm nay có đến bốn ngành có điểm chuẩn 29,75 và cả chục ngành có điểm chuẩn trên 29.

Tại ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Kinh tế và Trường ĐH Sư phạm là hai trường có điểm chuẩn học bạ tăng mạnh so với năm trước.

Trong đó giáo dục công dân tăng 6,5 điểm, sư phạm sinh học tăng 7,5 điểm, sư phạm lịch sử và sư phạm địa lý tăng 6,75 điểm, sư phạm khoa học tự nhiên tăng 8 điểm...

Tương tự, các ngành sư phạm tại Trường ĐH Sư phạm [ĐH Huế] năm nay có điểm chuẩn xét học bạ dao động từ 23 đến 27 điểm.

Trong đó, một số ngành điểm tăng rất nhiều so với năm trước như sư phạm hóa học tăng từ 18 lên 26,5, vật lý từ 18 tăng lên 25,5 điểm, sư phạm sinh học tăng từ 18 lên 23...

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển bằng phương thức xét học bạ vào một trường đại học tại TP.HCM - Ảnh: M.G.

Nguyên nhân do đâu?

Theo nhiều cán bộ tuyển sinh các trường, điểm chuẩn học bạ tăng là do các yếu tố sau: số hồ sơ nộp vào tăng, thí sinh có thêm nhiều điểm cộng từ các yếu tố kết hợp, trường không dám gọi vượt nhiều vì năm nay sử dụng phần mềm xét tuyển chung.

Ngoài ra, một nguyên nhân đáng chú ý khác cũng được đề cập là điểm học bạ của thí sinh tăng. Ông Trương Đại Lượng - trưởng phòng đào tạo, quản lý khoa học và hợp tác quốc tế Trường ĐH Văn hóa Hà Nội - cho biết ngoài yếu tố điểm học bạ của thí sinh tăng, lượng thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế khá nhiều [được cộng điểm khi xét tuyển] nên điểm chuẩn tăng.

Còn ông Trần Thanh Thưởng - trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cũng cho rằng có ba nguyên nhân khiến điểm chuẩn học bạ của trường năm nay tăng.

“Lượng hồ sơ xét học bạ tăng 1,5 lần so với năm trước. Trường có thêm phương thức xét tuyển điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM nên trường phải chia bớt chỉ tiêu, và phần nào đó là điểm học bạ của thí sinh cao hơn” - ông Thưởng nói.

Để thấy mức độ điểm học bạ tăng, có thể so sánh điểm chuẩn học bạ của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM năm nay. Với phương thức xét năm học kỳ [trừ học kỳ II lớp 12], điểm chuẩn ngành cơ khí chế tạo máy chỉ 20 điểm.

Tuy nhiên với phương thức xét điểm trung bình lớp 12, điểm chuẩn ngành này đã tăng vọt 22,5, ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa cũng tăng từ 21,5 lên 23,5.

Cũng xét điểm theo hai phương thức này, điểm năm học kỳ của ngành an toàn thông tin từ 25 đã tăng lên 26,5 khi chỉ xét điểm trung bình lớp 12. Nhiều ngành khác cũng có điểm chuẩn chênh lệch từ 1 đến 1,75 điểm.

Ông Phạm Thái Sơn - giám đốc trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - đánh giá điểm chuẩn học bạ tăng có nguyên nhân chính là do điểm học bạ của thí sinh tăng mạnh. Không ít trường hợp điểm trung bình lớp 10 chỉ 6,0 nhưng trung bình lớp 12 lại đạt gần 9,0.

“Hai năm học trực tuyến nên có thể thầy cô nương nhẹ dẫn đến điểm học bạ khá ảo. Từ học bạ của thí sinh cho thấy điểm lớp 10, 11 không cao nhưng điểm năm lớp 12 rất cao. Khá nhiều thí sinh có điểm trung bình lớp 12 chênh lệch rất lớn so với hai lớp trước. Đây là điểm học bạ do các trường xác nhận nên trường cũng chỉ biết căn cứ vào đó xét tuyển” - ông Sơn cho biết thêm.

Đại diện một trường đại học cho biết điểm chuẩn học bạ tăng ngoài lý do điểm học bạ của thí sinh “đẹp” hơn và lượng thí sinh xét nhiều hơn, còn có lý do khác là các trường sợ bị bộ phát hiện tuyển vượt chỉ tiêu năm khi toàn bộ việc xét tuyển đợt 1 phải dựa vào phần mềm tuyển sinh chung do bộ quản lý.

Ông này lý giải những năm trước với việc xét học bạ, các trường có thể chủ động gọi vượt, thậm chí vượt rất nhiều so với chỉ tiêu và việc xét tuyển chung chỉ thực hiện với kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Năm nay, toàn bộ các phương thức xét tuyển sớm và xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT đều xét tuyển chung đợt, thí sinh trúng tuyển sớm xét học bạ cũng phải đăng ký trên hệ thống.

Điều này giúp bộ biết trường tuyển bao nhiêu thí sinh trong đợt này. Do đó các trường không dám “manh động” tuyển vượt chỉ tiêu như các năm trước, dẫn đến điểm chuẩn tăng lên.

Thí sinh và phụ huynh tìm hiểu thông tin để xét tuyển vào đại học năm 2022 - Ảnh: M.G.

Chưa phản ánh đúng thực lực học sinh

Trong khi đó, ông Lê Trường Tùng - chủ tịch hội đồng trường Trường ĐH FPT - cho biết trường có xét tuyển top 40 schoolrank nên phải phát triển các tiêu chí đo lường kết quả học tập của thí sinh bậc phổ thông và có điều chỉnh cho phù hợp.

Theo ông, từ năm 2015 đến nay, mỗi năm điểm trung bình học bạ của học sinh cả nước tăng khoảng 2%.

Như vậy, qua 5 năm, học bạ của thí sinh tăng 1 điểm. Đó là mức chấp nhận được vì các điều kiện học tập của học sinh ngày càng tốt hơn.

Hằng năm nhà trường có tham khảo đối sánh kết quả thi tốt nghiệp THPT và kết quả học bạ học sinh của Bộ GD-ĐT để điều chỉnh điểm khi xếp hạng schoolrank với những trường có kết quả quá chênh lệch.

Đó là chưa kể điểm trung bình 9,0 ở tỉnh này sẽ không tương đồng với 9,0 ở tỉnh khác. Kết quả học phổ thông không có thang đánh giá chung nên kết quả rất khác nhau ở mỗi trường, từng tỉnh thành khác nhau.

"Kinh nghiệm cho thấy các tỉnh vùng sâu, vùng xa thường có kết quả thi tốt nghiệp THPT chênh lệch nhiều so với kết quả học bạ và so với thành phố lớn.

Do đó chúng tôi chủ động điều chỉnh giảm điểm học bạ của thí sinh các tỉnh này khi xét tuyển. Thường những học sinh đạt 4 điểm thì thầy cô có thể nâng lên 5 điểm để đạt trung bình. Em 5 điểm sẽ được nương để lên 6, em 6 sẽ lên 7...

Cứ như vậy mà nâng cho cả lớp để có sự... công bằng! Nguyên tắc xét tuyển đại học bằng học bạ theo cách lấy từ cao xuống thấp tưởng chừng công bằng nhưng đó là phương thức chạy theo số lượng bởi kết quả học tập bậc phổ thông ở nhiều nơi nhiều khi chưa phản ánh đúng thực lực học sinh" - ông Tùng lý giải thêm.

30 điểm vẫn trượt

Phương thức xét học bạ để vào đại học được nhiều thí sinh lựa chọn - Ảnh: M.G.

Đáng chú ý là tại Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, tính theo thang điểm 30 có đến ba ngành có mức điểm chuẩn vượt trần bao gồm báo chí, luật và quản trị dịch vụ du lịch - lữ hành. Cả ba ngành đều có điểm chuẩn 30,5.

Chuyên ngành văn hóa truyền thông cũng có điểm chuẩn 30. Ông Trương Đại Lượng - trưởng phòng đào tạo, quản lý khoa học và hợp tác quốc tế nhà trường - cho biết đây là phương thức xét tuyển học bạ kết hợp quy định của trường.

Những thí sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, cấp tỉnh, có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, trường chuyên... sẽ được cộng từ 3 - 10 điểm vào điểm xét tuyển. Điểm chuẩn tăng cao nhất 3 điểm so với năm trước.

* Phó hiệu trưởng một trường THPT: Không có chuyện "làm đẹp" học bạ của học sinh

Phần lớn học sinh của trường trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm, trong đó có xét học bạ. Tuy nhiên, ở trường tôi không có tác động chủ quan của trường và giáo viên để “làm đẹp” học bạ cho học sinh nhằm phục vụ xét tuyển đại học.

Trong thời gian dịch COVID-19, chương trình giáo dục được trường xây dựng giảm tải và được Sở GD-ĐT phê duyệt, học sinh ở nhà có nhiều thời gian học hơn thay vì lên trường phải tham gia nhiều hoạt động.

Trong thời gian học sinh không đến trường, nhiều bài kiểm tra được giáo viên cho học sinh thực hiện tại nhà, làm online. Nếu không có biện pháp giám sát kỹ, học sinh có thể thiếu trung thực trong quá trình làm và điều này tác động đến điểm số, kết quả học tập.

* Ông Huỳnh Thanh Phú [hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM]: Điểm học bạ nhảy như "tôm càng xanh"

Hiện nay có thực trạng đánh giá không đúng thực chất học sinh. Nhiều học sinh thi không đậu trường công lập đã theo học trường tư.

Tôi từng dạy trường tư thục nên biết đầu vào những học sinh này khá thấp, giáo viên dạy rất cực nhưng cuối cùng điểm học bạ nhảy vọt như “tôm càng xanh”. Dĩ nhiên cũng có những em học tốt chứ không phải tất cả đều như vậy.

Để đảm bảo tính công bằng và đánh giá đúng thực lực học sinh, trước đây Sở GD-ĐT ra đề kiểm tra chung sẽ có thang đánh giá khách quan hơn là để các trường tự ra đề thi, kiểm tra như hiện nay.

Mỗi trường ra đề mức độ khó dễ khác nhau, nhưng cuối cùng điểm số trong học bạ là chuẩn chung. Để tránh tình trạng này, cần có trung tâm khảo thí độc lập với sở cung cấp đề cho các trường cũng như giám sát thực hiện đúng để đánh giá đúng thực chất học sinh.

Ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH - CĐ năm 2022 tại TP.HCM và Hà Nội

Theo lịch của Bộ GD-ĐT, dự kiến ngày 24-7 bộ sẽ công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT. Cùng ngày, hai ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH - CĐ 2022 sẽ diễn ra đồng thời tại Trường ĐH Bách khoa [ĐH Quốc gia TP.HCM] và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Ngày hội do báo Tuổi Trẻ phối hợp Vụ Giáo dục đại học [Bộ GD-ĐT] và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp [Bộ LĐ-TB&XH] tổ chức, với sự tham gia của hầu hết các trường ĐH, CĐ, trung cấp trên cả nước.

Ngày hội tư vấn xét tuyển năm nay cung cấp thông tin để hướng dẫn thí sinh tìm hiểu trước khi đưa ra quyết định đăng ký và xử lý nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Đại diện Bộ GD-ĐT sẽ có mặt tại ngày hội này để giải đáp chi tiết về quy chế tuyển sinh ĐH...

Theo tuoitre.vn

Theo tuoitre.vn

Video liên quan

Chủ Đề