Giám sát thường xuyên là gì

Phân biệt giữa kiểm tra và giám sát của Đảng

Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng, là nhiệm vụ thường xuyên của toàn Đảng. Tổ chức đảng và đảng viên chịu sự kiểm tra giám sát của Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, sự đoàn kết, thống nhất và bảo đảm thực hiện dân chủ trong Đảng, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng; phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và xử lý nghiêm minh khi có vi phạm, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Công tác kiểm tra và công tác giám sát là hai công tác độc lập, có nhiều điểm tương đồng, do vậy cần phân biệt rõ nội dung, phương pháp của công tác kiểm tra và công tác giám sát để thực hiện có chất lượng, hiệu quả, góp phần thực hiện chức năng lãnh đạo của Đảng là một yêu cầu cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Trong phạm vi bài viết này, xin giới thiệu những nội dung cơ bản của kiểm tra, giám sát; sự giống nhau, khác nhau giữa công tác kiểm tra và giám sát của Đảng.

1. Công tác kiểm tra

Kiểm tra của Đảng là việc các tổ chức đảng xem xét, đánh giá, kết luận về ưu điểm, khuyết điểm hoặc vi phạm của cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước [Quy định 30-QĐ/TW]. Kiểm tra có 3 hình thức:

- Kiểm tra thường xuyên: Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp thường xuyên kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên để phát huy ưu điểm, kịp thời phát hiện ngăn chặn và khắc phục thiếu sót, khuyết điểm. Nội dung: là tất cả những vấn đề liên quan đến hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên [trong sinh hoạt, sơ kết, tổng kết, đánh giá cuối năm...].

- Kiểm tra định kỳ [theo chuyên đề]: Tùy theo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng đảng trong từng thời gian cụ thể mà xác định nội dung thời gian kiểm tra cho phù hợp. Về nội dung: có thể kiểm tra toàn diện đối với đảng viên, cũng có thể kiểm tra chuyên sâu một số nội dung cần thiết.

- Kiểm tra bất thường: Áp dụng khi có sự việc đột xuất xảy ra, cần phải tiến hành kiểm tra hoặc khi có yêu cầu của cấp trên. Nội dung: tập trung vào một số vấn đề nhất định; yêu cầu kiểm tra để kịp thời ngăn chặn, đòi hỏi phải xem xét, kết luận nhanh chóng.

2. Công tác giám sát

Giám sát của Đảng là việc các tổ chức đảng quan sát, theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động nhằm kịp thời tác động để cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên được giám sát chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước [Quy định 30-QĐ/TW]. Qua giám sát nếu phát hiện có khuyết điểm, sai phạm nghiêm trọng thì chuyển sang kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Giám sát có 3 hình thức sau:

- Giám sát trực tiếp: Là chủ thể giám sát thực hiện giám sát thông qua dự sinh hoạt thường kỳ, các cuộc họp, nghe báo cáo, trình bày hoặc theo dõi, xem xét hoạt động của đối tượng giám sát.

- Giám sát gián tiếp: Là chủ thể giám sát nghiên cứu các biên bản, văn bản báo cáo của đối tượng giám sát hoặc thông qua ý kiến phản ảnh của tổ chức đảng, đảng viên, các đoàn thể về tình hình hoạt động của đối tượng được giám sát.

- Giám sát chuyên đề: Căn cứ vào nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng đảng; chủ thể giám sát lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm hoặc những vấn đề nổi cộm để thực hiện giám sát.

3. Phân biệt giữa công tác kiểm tra và công tác giám sát

3.1. Giống nhau:

- Kiểm tra và giám sát đều là hoạt động thực hiện chức năng lãnh đạo của Đảng, do cấp ủy, tổ chức đảng và Uỷ ban Kiểm tra các cấp thực hiện.

- Nội dung kiểm tra và giám sát: Đều là việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- Đối tượng kiểm tra, giám sát: Đều là tổ chức đảng và đảng viên.

- Mục đích kiểm tra, giám sát: Đều nhằm phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

- Cấp ủy định kỳ nghe và cho ý kiến thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát.

3.2. Khác nhau

3.2.1. Về mục đích:

Giám sát là việc làm thường xuyên, liên tục để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra vi phạm từ lúc mới manh nha. Giám sát giúp đối tượng giám sát thực hiện đúng Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế…; phát hiện, góp ý, phản ánh, đề xuất; giám sát để phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm là chính. Qua giám sát, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì mới tiến hành kiểm tra.

Còn mục đích của kiểm tra là để làm rõ đúng, sai. Sau khi kiểm tra phải kết luận và xử lý hoặc kiến nghị xử lý [nếu có vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật]. Có thể có vi phạm rồi mới kiểm tra, có vụ việc vi phạm đã qua nhiều năm mới kiểm tra để làm rõ nội dung, tính chất, mức độ, tác hại và nguyên nhân của vi phạm để xử lý [nếu có].

3.2.2. Về đối tượng:

Đối với kiểm tra: Đảng viên vừa là đối tượng kiểm tra vừa là chủ thể kiểm tra [đảng viên tự kiểm tra].

Đối với giám sát: Đảng viên chỉ là đối tượng giám sát và chỉ trở thành chủ thể giám sát khi được tổ chức đảng có thẩm quyền phân công [Ví dự như Chi bộ giao đảng viên chính thức theo dõi giúp đỡ, giám sát đảng viên dự bị].

3.2.3. Về phạm vi kiểm tra, giám sát:

Xuất phát từ mục đích của kiểm tra là giúp cho cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghị quyết, quy định, quy chế, kết luận của Đảng; khắc phục hạn chế, thiếu sót, xử lý vi phạm [nếu có], do vậy công tác kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm trong từng thời gian và những lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm.

Xuất phát từ mục đích giám sát là chủ động nắm chắc tình hình và đánh giá đúng hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý do vậy công tác giám sát phải mở rộng bao quát hết các nội dung giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng và hướng dẫn của Trung ương.

3.3.4. Về phương pháp và hình thức:

Giám sát không nhất thiết phải thẩm tra, xác minh, kết thúc cuộc giám sát [trực tiếp, gián tiếp, chuyên đề] ban hành Thông báo kết quả giám sát, không xem xét thi hành kỷ luật như một cuộc kiểm tra, nếu phát hiện có khuyết điểm, sai phạm nghiêm trọng thì chuyển sang kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức đảng, đảng viên. Thông qua giám sát, theo dõi để phát hiện vấn đề, phản ánh với tổ chức đảng và cá nhân, nhằm kịp thời chấn chỉnh, sữa chữa khuyết điểm, tránh để xảy ra vi phạm.

Còn phương pháp kiểm tra là tiến hành theo quy trình, coi trọng việc thẩm tra, xác minh, kết thúc cuộc kiểm tra phải ban hành Kết luận, phải đánh giá, nhận xét ưu điểm, khuyết điểm, vi phạm [nếu có] và xử lý hoặc kiến nghị xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên [nếu có vi phạm đến mức phải xử lý]; công tác kiểm tra, mà có chủ thể là đảng viên vừa có nhiệm vụ tiến hành tự kiểm tra, vừa là đối tượng kiểm tra.

Tuy nhiên, giữa công tác kiểm tra và công tác giám sát có mối quan hệ tác động với nhau: muốn thực hiện tốt việc giám sát thì chủ thể giám sát phải có quan sát, theo dõi, xem xét tình hình thực tế của đối tượng được giám sát; muốn thực hiện tốt việc kiểm tra thì phải thường xuyên thực hiện việc giám sát

Việc nhận thức và thực hiện đúng về nội dung công tác kiểm tra và giám sát trong Đảng, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.

Nguyễn Mạnh Tuấn
Phòng 15 VKSND tỉnh
Quay lại

Video liên quan

Chủ Đề