Gửi tiền ngân hàng lãi suất bao nhiêu mới nhất năm 2022

Áp lực thanh khoản mùa cao điểm đã qua, cùng diễn biến tăng trưởng tín dụng giảm nhẹ, mặt bằng lãi suất tiết kiệm ngân hàng tương đối ổn định trong những ngày đầu tháng 3/2022.

LÃI SUẤT TIẾT KIỆM ĐI NGANG

Đầu tháng 2/2022, do lo ngại dòng tiền huy động tiếp tục sụt giảm nếu lạm phát tăng, nhiều ngân hàng đã phải nâng biểu lãi suất. Điều này khiến lãi mặt bằng lãi suất huy động nhích nhẹ.

Theo tổng hợp của Công ty Chứng khoán Bảo Việt [BVSC], trung bình lãi suất huy động 6 tháng tăng nhẹ 0,003 điểm phần trăm lên mức 4,795%. Trong khi lãi suất huy động 12 tháng trung bình giảm nhẹ 0,006 điểm phần trăm xuống còn 5,545% vào cuối tháng 2.

Chi tiết hơn, ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn [vốn trên 5.000 tỷ đồng] là nhóm ngân hàng duy nhất nâng lãi suất đối với kỳ hạn 6 tháng, với mức tăng 0,02 điểm phần trăm, lên 4,56%/năm nhưng không thay đổi lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng, duy trì ở mức 5,307%/năm.

Ngược lại, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ [vốn dưới 5.000 tỷ đồng] giảm 0,02 điểm phần trăm đối với cả 2 loại kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng, xuống còn lần lượt 4,42%/năm và 6,04%.

Riêng nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục không điều chỉnh lãi suất trong tháng 2. Lãi suất trung bình kỳ hạn 6 tháng tiếp tục được duy trì ở mức 3,775%/năm trong tháng thứ 9 liên tiếp, đồng thời lãi suất kỳ hạn 12 tháng vẫn đang không thay đổi ở mức 4,95%/năm sau 7 tháng.

Hiện tại, mùa cao điểm về chi trả, thanh toán đã chính thức trôi qua, và dòng tiền chảy ra khỏi hệ thống hồi trước Tết Nguyên đán cũng dần quay trở lại.

Mặt khác, theo Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 25/2/2022, tín dụng tăng 2,52% so với cuối năm 2021. Trước đó, số liệu tăng trưởng tín dụng được cơ quan này ghi nhận vào cuối tháng 1 năm nay là 2,74%. Như vậy, tăng trưởng tín dụng đã giảm tốc trong tháng 2/2022.

Với các yếu tố như trên, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã bớt “căng”. Do đó, biểu lãi suất huy động tháng 3/2022 tại nhiều ngân hàng cũng không biến động nhiều so với tháng trước.

Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng, áp lực tăng lãi suất huy động chưa phải hoàn toàn hết. Thời gian tới, khả năng lạm phát của Việt Nam tăng là rất lớn khi giá nhiều loại nguyên vật liệu có xu hướng tăng mạnh, đặc biệt là giá xăng dầu. Áp lực này sẽ khiến ngân hàng tăng lãi suất huy động, duy trì mức lãi suất thực dương để hút lượng tiền từ thị trường.

Nhóm nghiên cứu tại BVSC dự báo, mặt bằng lãi suất năm 2022 khó giảm thêm so với cuối năm 2021, thậm chí còn tăng thêm khoảng  0,25%-0,5%.

LÃI SUẤT TIẾT KIỆM NGÂN HÀNG NÀO CAO NHẤT?

Bảng xếp hạng lãi suất tiền gửi cao nhất trong tháng 3/2022 hầu như không có nhiều biến động so với tháng trước đó. Duy chỉ có ngân hàng VIB là tăng nhẹ 0,01 điểm điểm phần trăm, từ mức cao nhất là 6,19%/năm lên 6,20%/năm.

Nhìn chung, mức lãi suất cao nhất đang dao động trong vùng từ 5,5%/năm đến 7,1%/năm tuỳ từng ngân hàng.

Trong đó, SCB dẫn đầu với mức lãi suất 7,6%/năm. Khách hàng muốn nhận được mức lãi suất này cần phải gửi khoản tiền 500 tỷ đồng cho kỳ hạn 13 tháng.

Tiếp đến là Techcombank với mức 7,1%/năm. Khách hàng muốn nhận được mức lãi suất này cần phải gửi khoản tiền từ 999 tỷ đồng trở lên tại kỳ hạn 12 tháng.

Liền sau là ngân hàng MSB với mức ấn định 7%/năm và điều kiện số tiền gửi áp dụng từ 200 tỷ đồng trở lên tại hai kỳ hạn là 12 tháng và 13 tháng.

LienVietPostBank hiện đang xếp ở vị trí thứ tư với lãi suất là 6,99%/năm. Điều kiện để khách hàng nhận được mức lãi suất này là phải có khoản tiền gửi có kỳ hạn 13 tháng và 60 tháng, trong đó giá trị tiền gửi ở kỳ hạn 13 tháng phải từ 300 tỷ trở lên.

Bên cạnh đó, khách hàng có thể cân nhắc lựa chọn gửi tiền ở một số ngân hàng khác cũng có lãi suất tiết kiệm tương đối cạnh tranh như MBBank [6,9%/năm], Ngân hàng Việt Á [6,9%/năm], HDBank [6,85%/năm], BacABank [6,8%/năm]... Nhưng, các ngân hàng này đều có những tiêu chuẩn riêng để đạt được mức lãi suất như trên, chứ không cào bằng cho mọi khoản tiền gửi.

Tại nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước [Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV] trong tháng này chỉ Vietcombank là có điều chỉnh giảm lãi suất tại một số kỳ hạn ngắn. Tuy nhiên điều này không ảnh hưởng đến mức lãi suất cao nhất đang được huy động tại ngân hàng này. Trong đó, mức lãi suất ngân hàng cao nhất là 5,6%/năm tại VietinBank; ba ngân hàng còn lại có chung mức 5,5%/năm.

Nhiều người dân đã gửi tiết kiệm tại ngân hàng thay vì đầu tư vào lĩnh vực khác. [Ảnh: CTV/Vietnam+]

Từ đầu năm đến nay nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã tăng từ 0,3%-0,7% lãi suất huy động các kỳ hạn 6 tháng trở lên nên nguồn tiền nhàn rỗi của người dân đã quay trở lại hệ thống ngân hàng khi tăng trưởng tiền gửi 2 tháng đầu năm lớn hơn cả năm 2021. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng lo ngại lãi suất cho vay khó giữ được "bình tĩnh" trước nhu cầu vốn ngày càng tăng cao để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh.

Niềm tin giúp ổn định nền kinh tế

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố số liệu về tổng phương tiện thanh toán, tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng đến cuối tháng 2/2022.

Cụ thể, tổng phương tiện thanh toán cuối tháng Hai đạt hơn 13,6 triệu tỷ đồng, tăng 1,81% so với cuối năm 2021. Tiền gửi của khách hàng đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 1,38% so với đầu năm. Mức tăng trưởng này chủ yếu đến từ nhóm khách hàng dân cư.

[Nhiều ngân hàng bứt phá mạnh về lợi nhuận và tăng trưởng tín dụng]

Tiền gửi dân cư tiếp tục duy trì đà tăng trong tháng Hai, đạt 5,46 triệu tỷ đồng, tăng hơn 56.400 tỷ đồng so với cuối tháng Một và tăng hơn 159.600 tỷ đồng so với cuối năm 2021 [tăng 3,01%]. Có thể thấy mức tăng này còn cao hơn mức tăng trưởng tiền gửi của người dân trong năm 2021 là 158.623 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, tiền gửi của các tổ chức kinh tế ghi nhận giảm 0,16% so với cuối năm 2021, tương đương giảm 8.869 tỷ đồng. Trước đó, trong tháng Một, tiền gửi của tổ chức kinh tế sụt giảm hơn 68.000 tỷ đồng chủ yếu do yếu tố mùa vụ khi đây là thời điểm các doanh nghiệp thực hiện chi trả tiền lương, thưởng cho người lao động.

Các chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng việc tiền nhàn rỗi đổ về ngân hàng ngay những tháng đầu năm có thể là do các tổ chức tín dụng đã đẩy mạnh thu hút tiền gửi từ tháng 12/2021 bằng việc tăng lãi suất huy động dành cho các khách hàng cá nhân và tung nhiều chương trình ưu đãi dành cho người gửi tiết kiệm.

Theo quan sát, lãi suất tại nhiều ngân hàng đã tăng 0,3%-0,7% trong 3 tháng trở lại đây, mặt bằng được nâng lên đáng kể.

Xét về mức lãi suất huy động cao nhất tại mỗi ngân hàng, Techcombank đang dẫn đầu với 7,8%/năm. Tiếp sau đó là Ngân hàng Sài Gòn với 7,6%/năm, Ngân hàng Nam Á 7,4%/năm. ACB, MSB hay VietCapitalBank cũng có mức lãi suất cao nhất từ 7%-7,1%/năm... Tuy nhiên để được hưởng mức lãi suất này tại một số ngân hàng, khách hàng cần đáp ứng điều kiện gửi tiền từ vài trăm tỷ đồng trở lên.

Theo các chuyên gia kinh tế, động thái tăng lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng trong giai đoạn này là dễ hiểu khi nhu cầu vay vốn đang tăng cao. Tính từ đầu năm đến hết 31/3, tín dụng tăng 5,04%, cao gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Con số này phản ánh nhu cầu về vốn đang tăng mạnh trở lại để phục vụ sản xuất kinh doanh sau thời gian dài đình trệ vì dịch bệnh, đồng thời cũng lý giải phần nào cho áp lực thanh khoản kể trên, đẩy lãi suất liên ngân hàng và lãi suất huy động liên tiếp nhích tăng.

Tăng/giảm tiền gửi tại hệ thống các tổ chức tín dụng hàng tháng. [Đơn vị: Tỷ đồng]

Lãi suất cho vay có gặp thách thức?

Việc lãi suất huy động tăng ở một số kỳ hạn và lạm phát có xu hướng tăng khiến doanh nghiệp lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng theo. Đã có doanh nghiệp tỏ ra lo lắng khó sẽ chồng khó bởi ngoài việc lãi suất cho vay có khả năng sẽ tăng thì kênh huy động bằng trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ ngày một siết chặt, tâm lý của nhà đầu tư trở nên e dè hơn sau những ồn ào của Tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa qua.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc một công ty sản xuất bao bì tại Hải Dương cho biết nhu cầu về bao bì giấy trên thị trường gia tăng trở lại nên doanh nghiệp đang tăng tốc nhập hàng để cung ứng cho các đối tác. Tuy nhiên, do nguồn tài chính gặp khó khăn vì COVID-19 nên doanh nghiệp phải tìm đến nguồn tín dụng ngân hàng nhiều hơn trước.

“Việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động cũng khiến cho chúng tôi rất lo lắng sẽ ảnh hưởng đến lãi suất cho vay, như vậy cũng tác động đến nguồn tiền của doanh nghiệp, trong đó có cả những khoản vay cũ,” ông Sơn chia sẻ.

Báo cáo vĩ mô của Công ty Chứng khoán Vietcombank [VCBS] dự báo CPI tháng Tư nhiều khả năng sẽ tiếp tục đà tăng 0,3%-0,4% so với tháng trước, tương ứng với mức tăng 2,21%-2,31% so với cùng kỳ năm trước do giá xăng dầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Mặc dù vậy việc giảm thuế bảo vệ môi trường góp phần làm chậm lại đà tăng giá.

Chuyên gia VCBS cho rằng áp lực lạm phát đã phần nào khiến cho Ngân hàng Nhà nước không thể quá mạnh tay trong việc duy trì trạng thái thanh khoản dồi dào. Do đó, lãi suất liên ngân hàng liên tục tăng và giữ ổn định ở mức cao trong quý 1. Các rủi ro mang tính chất địa chính trị đi kèm với xu hướng trung hoà dần chính sách tiền tệ nới lỏng là các yếu tố chính tạo nên mặt bằng lợi suất liên ngân hàng cao hơn 1%-1,2% so với cùng kỳ.

"Trong giai đoạn tới, khi quan sát được các yếu tố, sự thuận lợi đủ mạnh để kéo giảm trở lại lãi suất liên ngân hàng, chúng tôi cho rằng mục tiêu giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cũng như nền kinh tế phục hồi sau dịch sẽ gặp thách thức lớn, tuy nhiên sẽ có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất huy động," chuyên gia VCBS nêu quan điểm.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, sẽ có sự phân hóa tại các ngành nghề đặc biệt giữa nhóm ưu tiên và nhóm được kiểm soát chặt chẽ tín dụng. Gần đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra thông điệp về việc nâng cao chất lượng tín dụng và hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán. Bên cạnh đó, định hướng giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch là mục tiêu xuyên suốt.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực thì cho rằng cho đến hiện tại, việc lãi suất huy động của các ngân hàng vẫn chưa tác động đến mặt bằng lãi suất cho vay.

“Để tiếp tục giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng đang cố gắng đa dạng hóa hoạt động, đặc biệt là thúc đẩy chuyển đổi số để thu hút thêm lượng tiền gửi không kỳ hạn, góp phần điều hòa chi phí huy động vốn, tiếp tục tiết giảm chi phí,” ông Lực nói./.

Thúy Hà [Vietnam+]

Video liên quan

Chủ Đề