Hình ảnh bếp lửa được hình dung trong trí nhớ của tác giả như thế nào

Cảm nhận và phân tích hình ảnh bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt để thấy những kỉ niệm tuổi thơ có khói bếp thơm nồng rơm rạ, có dáng bà tảo tần sớm khuya thắp lên bao mơ ước ngày nhỏ. Hình ảnh bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa ấy còn gợi nhớ bao kí ức tuổi thơ bên những người thân yêu, điển hình là người bà chịu thương chịu khó… Những năm tháng tuổi thơ sẽ còn mãi trở thành niềm hoài vọng mà bất cứ ai cũng không khỏi bồi hồi khi nghĩa về. Hãy cùng DINHNGHIA.VN cảm nhận, phân tích hình ảnh bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt trong nội dung bài viết dưới đây. 

Mở bài: Ai cũng có một khoảng trời tuổi thơ. Có tuổi thơ với rất nhiều những trò chơi của con trẻ miền quê, có tuổi thơ đong đầy những lời ru câu hát của mẹ, có tuổi thơ gắn liền cùng những hình ảnh ấn tượng nào đó mà kí ức mãi khắc sâu. Với Bằng Việt, qua bài thơ “Bếp lửa”, niềm nhớ về một tuổi thơ đã xa lại được gợi hết qua hình ảnh bếp lửa. Đây cũng chính là hình ảnh gợi nhắc nhà thơ biết bao nhiêu những kỉ niệm đẹp tươi bên người bà thân thương của mình.

Đôi nét về tác giả Bằng Việt và bài thơ Bếp lửa

Để cảm nhận sâu sắc về hình ảnh bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa, người đọc cần nắm được những nét tóm tắt về tác giả cùng tác phẩm.

Những nét chính về nhà thơ Bằng Việt 

Bằng Việt tên thật là Nguyễn Việt Bằng. Ông sinh vào năm 1941 và có nguyên quán ở Hà Tây [nay là Hà Nội]. Sau khoảng thời gian tuổi nhỏ sống tại quê hương, khi là thiếu niên, Bằng Việt ra Hà Nội học trung học và có thời gian du học ở Liên Xô. Sau quá trình học tập ở nước ngoài, Bằng Việt trở về Việt Nam và có những đóng góp, hoạt động cho công tác văn hóa, văn nghệ. 

Ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng ở Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội trong nhiều năm liền. Ông cũng nhận được rất nhiều những giải thưởng danh giá  trong nước và quốc tế vì những đóng góp của mình cho văn học nước nhà có thể kể đến như: Giải nhất về thơ của Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội, Giải thưởng dịch thuật văn học quốc tế và giao lưu văn hóa quốc tế của Liên Xô, Giải thưởng Nhà nước về văn học, Giải thưởng văn học ASEAN.

Bằng Việt đến với văn hóa văn nghệ thông qua những tác phẩm thơ ca và ông là một trong số những nhà thơ trưởng thành từ thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Thơ ông thường để lại trong lòng người đọc ấn tượng và cảm giác gần gũi bởi sự trong trẻo, mượt mà và đặc biệt là thường đi vào khai thác những kỉ niệm và mơ ước của tuổi trẻ.

Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm Bếp lửa

Trước khi cảm nhận hình ảnh bếp lửa trong bài thơ bếp lửa, ta cần nắm được về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm. Bài thơ “Bếp lửa” được ra đời vào năm 1963 và lúc này nhà thơ đang là sinh viên đang du học tại Liên Xô và bắt đầu có những tiếp xúc đầu tiên với thơ ca. Thông qua những dòng hồi tưởng kết hợp với miêu tả, sự sự và bình luận, bài thơ là những dòng viết về tình cảm, cảm xúc chân thành của nhân vật trữ tình – người cháu và hình ảnh người bà giàu tình thương và đức hi sinh.

Hình ảnh bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa của tác giả Bằng Việt

Phân tích hình ảnh bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt 

Bếp lửa là ngọn nguồn xúc cảm, là những kỉ niệm tuổi thơ bên bà, là nỗi mong nhớ về người bà nơi xa… là những ý chính khi phân tích hình ảnh bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa của nhà thơ Bằng Việt. 

Hình ảnh bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa đã khơi nguồn cảm xúc 

Ngay từ những dòng mở đầu của bài thơ, người đọc đã thấy sự hiện diện của hình ảnh bếp lửa đầy ấm áp và thân thương:

 “Một bếp lửa chờn vờn sương sớm

Một bếp lửa ấp iu nồng đượm”

Trong cái “chờn vờn sương sớm”, hình ảnh bếp lửa hiện lên thật gần gũi và thân thuộc trong mỗi gia đình từ bao đời nay. Ai cũng có một gia đình để gắn bó và yêu thương mà khi đi xa có lẽ hình ảnh mái nhà với những cuộn khói mỗi sớm mỗi chiều phảng phất trên mái sẽ là một trong những hình ảnh đọng lại rất sâu sắc trong tâm trí của mỗi người, nhất là khi họ phải đi xa. 

Từ hình ảnh thân thuộc với gia đình, bếp lửa cứ thế tự nhiên trở thành hình ảnh của hồn quê, đất nước. Bên cạnh việc mở ra trong tâm trí tác giả hình ảnh về không gian thân thuộc của mái nhà, làng quê, bếp lửa còn mang cái “ấp iu” và chính điều này đã gợi đến hình ảnh của con người bên bếp lửa ấy. Đó là cái “ấp iu” của một bàn tay kiên nhẫn, khéo léo và tấm lòng chi chút của người nhóm lửa. 

Và không để người đọc phải chờ đợi lâu, ngay câu thơ tiếp theo, nhà thơ đã để người nhóm lửa hiện diện với một tình cảm thương yêu vô ngần:

“Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”

Người nhóm lửa ấy chính là người bà thân thương, người bà có cuộc đời nắng mưa không biết đếm sao cho hết. Từ ngọn khói buổi sớm, từ cách nhen lửa chăm chút, bếp lửa đã gọi về trong tâm tưởng người cháu hình ảnh của bà một cách thật nhẹ nhàng và tự nhiên để rồi sau đó, miền kí ức thân thương của một thời đã qua hiện về rất sống động, rõ ràng từng chi tiết. Điều này sẽ được thể hiện qua những khổ thơ tiếp theo.

Bếp lửa gắn với những kỉ niệm tuổi thơ bên người bà yêu thương 

Sau những cảm xúc bắt nguồn từ hình ảnh bếp lửa, cả một thời thơ ấu bên bà đã được gợi lại. Đó là một tuổi thơ không ít những gian khổ, thiếu thốn và nhọc nhằn của những ngày lên bốn:

“Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi

Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy”

Mạch cảm xúc được triển khai theo thời gian tuyến tính. Mở đầu cho nỗi nhớ về tuổi thơ là hình ảnh của những năm tháng tăm tối của nạn đói năm 1945. Đây là khoảng thời gian đầy ám ảnh bởi sinh mạng của hàng triệu người Việt Nam đã bị cướp đi một cách khủng khiếp. Những người may mắn thoát chết cũng sống dật dờ, lay lắt trông đến thảm thương. 

Người cháu trong tác phẩm cũng cùng chung cảnh ngộ ấy, chịu đói nghèo khổ sở và xa mẹ vắng cha [vì “mẹ và cha công tác bận không về”]. Thế nhưng, đứa trẻ lại không hề đơn độc vì có sự cưu mang, che chở của người bà. Chính bếp lửa của bà đã giúp cháu vượt qua được những năm tháng của nạn đói kinh hoàng ấy. 

Lời kể giản dị nhưng lại giúp nhân vật bộc lộ nên được những hoài niệm thiết tha. Phải chăng vì cái đói nên đứa trẻ phải theo sát từng bước chân bà, thường ngồi bên bếp lửa để được bà nấu cho những bữa ăn nên “Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói”. Hình ảnh ấy chính là một phần kí ức khó phai mờ trong tâm trí nên thời gian dầu đã trôi qua ít nhiều nhưng nghĩ lại những lúc “khói hun nhèm mắt” thì cháu lại thấy “sống mũi còn cay!”.

Thời gian thấm thoát trôi đến thời điểm đã “tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa”, bà không chỉ dành cho cháu những bữa ăn mà còn cho cháu một tuổi thơ đầy yêu thương. Tình cảm bà dành cho cháu ấm áp như ngọn lửa bà nhen. Bà là một chỗ dựa tinh thần, là sự cưu mang đùm bọc đầy chi chút. Dù không được sống bên bố mẹ nhưng cháu vẫn lớn lên nhờ có “bà kể chuyện những ngày ở Huế”, “bà bảo cháu nghe”, “bà dạy cháu làm”, “bà chăm cháu học” Nhờ sự dạy dỗ, bảo ban ấy của bà mà cháu có thể trưởng thành hơn và tự lập hơn mỗi ngày.

Đến khi đã trưởng thành và đủ nhạy cảm để nhận thấy “tiếng tu hú sao mà tha thiết thế”, cháu lại thấy trỗi dậy trong lòng mình biết bao những hoài niệm và nhớ mong. Mỗi độ hè về, tiếng chim tu hú cất lên trên những cánh đồng quê nghe sao giục giã và tha thiết như khắc khoải một điều gì đó, cháu nhận ra lại một năm nữa trôi qua thật êm đềm bên bà. 

Thế nhưng, sự êm đềm cháu có được bao nhiêu lại là bấy nhiêu những khó nhọc đời bà nặng gánh vì cháu. Thế nên, chim tu hú tha thiết với tiếng gọi hè, cháu cũng tha thiết thương yêu một người bà đáng kính:

“Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà

Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?”

Cháu nhớ luôn cả những năm tháng giặc Pháp càn quét qua làng để ở chốn làng quê yên bình ấy chỉ còn lại sự mất mát thương đau:

“Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi

Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi”

Trong cảnh ấy, bà cháu đã sống bên nhau trong “túp lều tranh” nhưng cũng trong cảnh sống cơ cực đó, cháu đã được nhận từ bà những bài học làm người dù mộc mạc nhưng trong cái mộc mạc cháu lại thấy tấm lòng bao dung rộng lớn của bà. Bài học ấy được thể hiện qua lời căn dặn của bà với cháu:

“Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,

Mày có viết thư chớ kể này, kể nọ,

Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!”

Lời bà dặn đã cho thấy, đối với con cháu, bà là người mẹ và người bà rất bao dung, chu đáo. Ngày xưa bà chăm bố và giờ đây bà lại chăm cháu mà không hề than vãn, nề hà. Bà không muốn bố bận tâm về tuổi tác, sức khỏe của chính mình, càng không muốn bố đi chiến đấu nhưng bồn chồn, lo lắng về đứa con. Bà muốn bố có thể yên tâm, vững lòng làm nhiệm vụ. Trong cảnh ngộ đất nước có biến cố, gia đình bị chia li, bà là động lực của bố và là chỗ dựa cho cháu, đồng thời cũng là người truyền cho cháu niềm tin về một tương lai tươi sáng hơn.

Bếp lửa cùng với những suy ngẫm và niềm nhớ mong gửi đến bà

Ở phần kết của bài thơ, vẫn là sự xuất hiện của hình ảnh bếp lửa, nhà thơ đã gửi gắm những suy tưởng và đặc biệt là tâm tình đến người bà một đời tần tảo sớm hôm. Người bà ấy dù đã “mấy chục năm rồi” nhưng “đến tận bây giờ” vẫn giữ thói quen dậy sớm nhóm bếp. Mỗi lần bà nhóm bếp, cháu lại được đón nhận từ bà rất nhiều điều khác chứ không chỉ là những món ăn ấm nóng:

“Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi

Nhóm nồi xôi, gạo mới sẻ chung vui

Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ”

Trong bà luôn có một tình yêu thương dạt dào như ngọn lửa ấm nóng được ủ sẵn để củ sắn củ khoai bà đun trở nên ngọt bùi, để bát cơm chén xôi bà nấu dẻo thơm. Và tất cả những tình yêu thương chất chứa trong những món ngon đơn giản ấy giờ đây lại chứa một niềm tin dai dẳng để tiếp bước cho quá trình trưởng thành của cháu. Với niềm tin được tiếp sức từ tình yêu của bà, cháu dù có đi xa đến nơi “có ngọn khói trăm tàu”, “có lửa trăm nhà”“niềm vui trăm ngả” nhưng làm sao cháu có thể quên được hình ảnh bếp lửa “kì lạ và thiêng liêng” của bà, làm sao quên được hình ảnh bà nhóm bếp mỗi sớm mai…

Trong tác phẩm, có rất nhiều lần tác giả nhắc đến hình ảnh bếp lửa và hiện diện bên bếp lửa là hình ảnh của người bà với biết bao vẻ đẹp của sự tảo tần, nhẫn nại và đầy yêu thương. Ngày ngày, bà có thói quen nhóm lên bếp lửa và đồng thời cũng nhen lên trong lòng cháu con và mọi người niềm vui, sự sống và tình yêu thương. Bà chính là hình ảnh của người nhóm lửa, giữ lửa và cũng là người truyền lửa cho mọi người. Đó là ngọn lửa của sự sống và niềm tin cho các thế hệ tiếp nối nhau.

Nhận xét khi phân tích hình ảnh bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt

Phân tích hình ảnh bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa sẽ thấy thông qua việc xây dựng hình tượng này, bằng cảm xúc hồi tưởng, suy ngẫm và trên hình thức một bài thơ tự sự – trữ tình, bài thơ đã thể hiện nội dung mang tính triết lí sâu sắc: Tình yêu thương và lòng biết ơn dành cho bà chính là một biểu hiện cụ thể của tình yêu gia đình, quê hương. Tình yêu gia đình và quê hương được bồi đắp trong mỗi người lại chính là sự khởi đầu cho tình yêu đất nước, con người. Những tình yêu tốt đẹp ấy trong mỗi người là điều có thể nâng bước dắt dìu con người vững bước trên hành trình cuộc đời.

Kết bài: Tác phẩm mở ra với hình ảnh bếp lửa, diễn giải nội dung với rất nhiều lần hình ảnh bếp lửa xuất hiện và khép lại cùng với hình ảnh người bà bên bếp lửa. Có thể thấy, bếp lửa đã trở thành hình tượng, là điểm tựa để từ đó người cháu đi xa nhưng có những hồi tưởng về gia đình, bộc lộ những cảm xúc về tình bà cháu và đồng thời cũng thể hiện một tình yêu đất nước sâu kín.

Dàn ý phân tích hình ảnh Bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt 

Từ việc cảm nhận hình ảnh bếp lửa cùng người bà thân thương, DINHNGHIA.VN sẽ giúp bạn khái quát lập dàn ý hình ảnh bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt. 

Mở bài cảm nhận hình ảnh bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa 

  • Giới thiệu tác giả Bằng Việt cùng tác phẩm Bếp lửa.
  • Đi từ những kỉ niệm tuổi thơ là miền kí ức nhớ mong khôn nguôi với mỗi người…

Thân bài phân tích hình ảnh bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa 

  • Ngọn nguồn xúc cảm bắt nguồn từ hình ảnh Bếp lửa.
  • Những kí ức tuổi thơ bên bà có hình ảnh Bếp lửa gắn bó.
  • Nỗi nhớ mong bà da diết của người cháu nơi xa cùng những suy ngẫm về bếp lửa. 

Kết bài cảm nhận hình ảnh bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa

  • Tóm tắt giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của bài thơ.
  • Ý nghĩa xúc động của hình ảnh bếp lửa cũng như người bà thân thương. 
  • Khẳng định kỉ ức tuổi thơ là hành trang với mỗi người, đồng thời bày tỏ suy ngẫm của bản thân khi cảm nhận hình ảnh bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt. 

Như vậy, bằng ngôn ngữ mộc mạc dung dị cùng với tình cảm chân thành nhiều xúc động, tác giả Bằng Việt đã khơi dậy miền kí ức tuổi thơ qua hình ảnh bếp lửa. Một người bà mưa nắng tảo tần nhóm lên những ngọn lửa khát vọng, nhóm lên tình yêu thương vô bờ với đứa cháu nhỏ thơ. Lời thơ nhẹ nhàng mà dạt dào xúc cảm, ý thơ chân phương giản dị đã khắc họa thành công hình ảnh bếp lửa tuổi thơ và hình tượng về người bà điển hình cho biết bao người phụ nữ Việt Nam. Có thể thấy, tình cảm gia đình chính là “nơi dựa tinh thần” – là “điểm tựa” vững chắc nhất cho mỗi người vững bước trong cuộc đời. 

DINHNGHIA.VN đã giúp bạn có được những ý văn hay bổ sung cho bài viết của mình về chủ đề phân tích hình ảnh bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt. Chúc bạn luôn học tập tốt!. Đừng quên để lại nhận xét bên dưới nếu có bất kỳ câu hỏi hay đóng góp gì cho chủ đề bài viết “phân tích hình ảnh bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa”!

Xem thêm:

Please follow and like us:

Video liên quan

Chủ Đề