Học bao lâu thi được hsk 3

Mình học tiếng Anh từ cấp 1 cho tới bây giờ chứ không phải dân tiếng Trung xịn ^^. Mình chỉ học tiếng Trung như là ngoại ngữ 2 vì mình thấy học một ngoại ngữ 2 sẽ có ích trong tương lai, vả lại đối với mình mỗi thứ ngôn ngữ lại có một cách tư duy riêng, học ngôn ngữ cũng chính là học tư duy và nền văn hóa của đất nước đấy luôn, suy ra càng tiếp cận nhiều ngôn ngữ thì càng cải thiện tư duy. Theo ý của mình thì tiếng Tàu là thứ tiếng đòi hỏi tỉ mỉ, cẩn thận, chăm chỉ học và nhớ nhiều hơn là tư duy logic vì chữ tượng hình rất nhiều nét lại ít quy luật để nhớ, tuy nhiên có một điểm rất lợi thế đấy là từ vựng Việt Nam có một bộ phận tương đối nhiều những từ mượn xuất phát từ Hán Việt nên đôi khi biết phiên âm chữ Hán của một chữ tiếng Trung có thể suy luận được ra các từ khác. Ngoài ra thì mình thấy ngữ pháp tiếng Trung ít quy luật hơn so với tiếng Anh [VD như không có chia động từ], điểm này thì cũng chỉ xin so sánh tương đối vì lượng kiến thức mà học được còn quá nhỏ bé để đưa ra khẳng định chắc chắn, tuy nhiên theo những gì mình đã học thì mình thấy thế ^^.

Trong post này mình muốn nói đến một vài kinh nghiệm cá nhân của mình trong kì thi HSK cấp độ 3 với tư cách là một người mới học tiếng trung tự ôn thi lấy về cấu trúc đề và một vài kinh nghiệm nho nhỏ làm bài. Lúc bắt đầu nhen nhóm ý tưởng là thi lấy chứng chỉ thì mình khá hoang mang khi không có nhiều thông tin tham khảo về việc làm bài thi từ những người đi trước, đến cả cô giáo mình cũng khuyên là muốn thi HSK 3 thì hãy đi học thêm để nắm được kinh nghiệm làm bài chứ không thể tự ôn được đâu. Mình thì cũng chẳng giỏi giang gì cho cam nhưng ngày đấy mình cứ mò mẫm mãi trên các diễn đàn mà chẳng có thông tin gì mấy nên mình cứ note lại biết đâu có thể giúp được bạn nào đó cũng có ý định thi mà không muốn bỏ thời gian đi học các lớp ôn luyện như mình ^^.

  1. Giới thiệu về HSK [Nguồn tham khảo: //tiengtrungnet.com/hsk-la-gi]

HSK là viết tắt của cụm từ Hanyu Shuiping Kaoshi [汉语水平考试]. Đây là cuộc thi nhằm kiểm tra trình độ ngôn ngữ Tiếng Trung cho người muốn đến Trung Quốc học tập và làm việc, được HANBAN –một tổ chức phi chính phủ liên kết với Bộ giáo dục Trung Quốc tổ chức. Đối tượng chủ yếu của các chương trình luyện thi HKS là người dân các nước khác ngoài Trung Quốc muốn đến Trung Quốc học tập và làm việc.

Ở Hà Nội, kỳ thi HSK được tổ chức 2 lần mỗi năm, vào khoảng tháng 5 và tháng 11. Đây là điều khá ngặt nghèo của HSK [và các ngoại ngữ khác trừ tiếng anh nói chung tại Việt Nam] vì nếu bạn lỡ mất kì thi đợt này thì phải chờ tận nửa năm tới mới được đăng ký thi tiếp nên các bạn chú ý check kĩ lịch thi và thời gian đăng ký nha [thông thường là đăng ký vào tầm tháng 9-10 cho đợt 1 và tháng 4-5 cho đợt 2]. Tại Hà Nội, Đại học Ngoại Ngữ – Đại học Quốc Gia Hà Nội được chọn là nơi duy nhất kỳ thi diễn ra. Do mình thi ở Hà Nội nên mình không biết rõ các địa phương khác như thế nào, để biết thông tin chính xác về lịch thi thì các bạn cứ google là sẽ ra ngay , chẳng hạn “lịch thi HSK 2015 tại Hà Nội”.

Chứng chỉ HSK có giá trị trên toàn thế giới. Nếu áp dụng điểm số này như là Chứng chỉ Năng lực tiếng Trung để nộp hồ sơ đầu vào của các trường ĐH hoặc Học viện thì hiệu lực của chứng chỉ là trong 2 năm kể từ ngày cấp. Tại Việt Nam vấn đề hiệu lực HSK không đè nặng nhiều như ở các quốc gia khác, chỉ cần bạn có chứng chỉ HSK thì khả năng bạn được tuyển dụng vào các công ty, doanh nghiệp Trung Quốc rất lớn.

HSK có 6 cấp tương đương với tiêu chuẩn Việt Nam [6 cấp]

Cấp độ Lượng từ vựng Hệ thống tham khảo chung Ngôn ngữ Châu Âu [CEF]
Cấp 1 150 A1
Cấp 2 300 A2
Cấp 3 600 B1
Cấp 4 1200 B2
Cấp 5 2500 C1
Cấp 6 >5000 C2

Tuy nhiên, kì thi HSK cấp 1, 2 coi như chưa có năng lực tiếng Hán sơ cấp và không được nhận chứng chỉ nên thi cấp 1,2 chỉ dành cho bạn nào muốn thi thử demo xem thi HSK nó ra sao thôi nhé, không phục vụ cho việc bằng cấp đâu :D.

Mình có nghiên cứu thông báo tuyển dụng của các công ty thì thông thường ở Việt Nam, các nhà tuyển dụng chỉ yêu cầu ngoại ngữ 2 trình độ B1 là ok, tức là thi HSK 3 là tương đối ổn nếu các bạn nào muốn lấy ngay chứng chỉ tiếng Trung mục đích tuyển dụng nhé. Còn với các bạn chuyên ngành tiếng Trung thì tất nhiên là càng cao càng tốt, mình thấy không ít bạn đã thi đến cấp 6 ấy.

  1. Đăng ký thi HSK 3 tại Hà Nội

Trước hết là việc đăng ký thi. Như mình có đề cập qua ở trên thì các bạn có thể theo dõi thông tin tổ chức thi HSK tại Hà Nội ở trang web của ĐH ngoại ngữ ĐH quốc gia Hà Nội [ULIS], sau đó tới đợt đăng ký thì mang 3 ảnh 3*4 có ghi tên mặt sau, 1 bản photo chứng minh thư và lệ phí thi tới phòng hợp tác quốc tế trên tầng 4 nhà A1 để đăng ký, sau khi nộp lệ phí và điền thông tin vào phiếu đăng ký thì sẽ được trả một tờ kiểu dạng như giấy hẹn. Lệ phí thi của mình năm ngoái [11/2014] là 650k, đợt thi tháng 5 năm nay cũng vẫn như vậy. Tới ngày nhận thẻ dự thi [thông thường là 1-3 ngày trước ngày thi chính thức], xem danh sách phòng thi và địa điểm thi trong giấy hẹn thì các bạn lại phải tới đó thêm một lần nữa để nhận thẻ dự thi [cái này tối quan trọng nha]. Đến ngày dự thi chính thức thì các bạn mang theo Chứng minh thứ hoặc hộ chiếu bản gốc [tùy vào bạn nộp bản sao cái gì lúc đăng ký thi], thẻ dự thi được phát [in trên giấy màu và toàn tiếng tàu], bút chì và tẩy là ok. Thông thường thì HSK 3 sẽ thi ở nhà C1, khu giảng đường khoa Pháp. Thời gian nhận bảng điểm sẽ có trong giấy hẹn, thời gian xem điểm là 1 tháng sau đó tại trang //www.chinesetest.cn/index.do. điền số báo danh của mình vào đó là sẽ có điểm.

  1. Cấu trúc đề thi HSK 3 và kinh nghiệm cá nhân

Để biết rõ hơn là khả năng của mình như thế nào, trước khi đăng ký thi các bạn nên làm thử sample test trên trang web chính thức của HSK, được cái là sample test cũng là đề đã thi của năm nào đó nên khá là sát và hoàn toàn có thể dùng để tham khảo trình độ. Tại thời điểm này thì mình mới học hết 3 quyển giáo trình của ĐH ngôn ngữ văn hóa Bắc Kinh [mình nghĩ quyển này khá là phổ biến với các bạn học cơ bản như mình], mình có mua quyển 4 để tự học ở nhà nhưng lười quá nên mình tự ôn thẳng lên HSK 4 bằng bộ đề luôn chứ không học sách ý nữa :]]. Hồi đang học quyển 3, mình có hỏi cô giáo tiếng tàu của mình là làm thế nào để biết được khả năng của mình đến đâu ở thang HSK thì nhận được lời khuyên rất chân thành của cô giáo là cứ từ từ bình tĩnh học đến ít nhất quyển 5 thì hẵng đi thi HSK 3, thi HSK không chỉ là thi kiến thức mà quan trọng hơn là thi kỹ năng làm bài nên mới học như mình không thi được đâu T.T. Tóm lại là để chính xác nhất thì các bạn cứ down bộ sample test kèm audio ở trang //www.chinesetest.cn/godownload.do [nhớ chọn đúng bộ HSK 3 nha], với lại hồi mình thi thì mình còn ôn theo bộ 5 mock tests ở trang //www.confuciusinstitute.manchester.ac.uk/hsk/hsk-learning-resources/past-papers-hsk-3/ , trong lúc viết post này google mình lại tìm ra thêm link này có khá nhiều đề mẫu nữa :]] //tiengtrungnet.com/download-mien-phi-tai-lieu-hsk-cap-3 . Ngoài ra, một điểm rất dễ ở HSK là mỗi cấp có một bộ từ vựng cụ thể, cấp 3 yêu cầu 600 từ, các bạn cứ search google rồi down bộ 600 từ vựng đấy về học thuộc mặt chữ [nếu có thể viết lại được là tốt nhất] là đảm bảo sẽ hiểu từ vựng trong đề thi ngon lành.

HSK 3 test 3 kỹ năng là nghe, đọc và viết với tổng thời gian làm bài là 85’ [bao gồm 5 phút tô đáp án phần nghe], tổng điểm là 300 với 100 điểm mỗi kỹ năng. Điểm đạt yêu cầu là 180/300. Sau đây thì mình sẽ nói về cấu trúc đề cụ thể:

  • Phần nghe gồm 40 câu, thời gian làm bài là 35 phút, mỗi câu được nghe 2 lần

Mở đầu phần nghe sẽ là một đoạn nhạc mở đầu hết sức Trung Hoa và rất ám ảnh cộng thêm lời chào hoan nghênh đến với kì thi HSK 3, sau đó là vài lời giới thiệu ngắn gọn, nếu đã làm quen test ở nhà thì đi thi các bạn nên skip phần này mà đọc đáp án các câu tiếp theo để tiết kiệm thời gian.

– Câu 1-10: nối các bức tranh cho sẵn A B C D E với các đoạn hội thoại phù hợp, không có câu hỏi. Phần này là phần ăn điểm, tương đối dễ và lại có tính loại trừ [nếu làm được 4 câu đương nhiên sẽ biết được đáp án câu thứ 5 hehe, coi như là kiểm tra lại luôn], cũng giống như phần nối tranh của TOEIC thì các bạn nên làm đúng hết cả 10 câu kẻo phí.

– Câu 11-20: mỗi câu các bạn nghe đoạn văn ngắn sau đó trả lời xem là câu được in trong đề đúng hay sai. Phần này các bạn chú ý nghe được từ khóa là được, tốc độ đọc khá vừa phải, hơn nữa lại đọc 2 lần nên các bạn đừng cuống nếu lỡ bỏ qua lần nghe đầu. 1 tip quan trọng nữa là các bạn nên tranh thủ lúc băng giới thiệu về ví dụ đọc các thông tin được in sẵn trong đề, như thế sẽ tiết kiệm thời gian hơn, tuy nhiên như mình đề cập, vì mỗi câu được nghe 2 lần nên thời gian là khá thoải mái, không hề gấp gáp.

– Câu 21-30: mỗi câu các bạn sẽ được nghe một đoạn hội thoại, sau đó phải chọn 1 trong 3 đáp án A B C cho câu hỏi được nêu ra, chú ý là câu hỏi sẽ không được in trong đề mà chỉ được đọc nên các bạn cần chú ý nghe câu hỏi nhe. Đến phần này thì việc đọc lướt qua đáp án trước khi băng chạy đến sẽ giúp các bạn nắm được tổng thể. HSK 3 phần nghe vẫn chưa mang tính lừa lọc lắm nên mình thấy gần như [gần như thôi nhé] đáp án nào có từ hoặc cụm từ mà các bạn nghe thấy trong đoạn hội thoại sẽ là đáp án đúng.

– Câu 31-40: phần này tương tự câu 21-30, có điều đoạn hội thoại dài hơn nên các bạn cần chú ý nắm bắt được đúng thông tin đang nói đến, nghe cả 2 lần để xác nhận đáp án nha.

Kinh nghiệm chung của mình cho phần nghe là phần này thời gian khá thoải mái nhưng tuyệt đối cần tập trung, nếu nghe lần 1 chưa hiểu thì đừng cuống vì còn lần 2, nếu nghe cả 2 lần chưa hiểu thì chọn đáp án có từ nào mà nghe được ở trong đoạn băng đã nêu sẽ có xác suất chính xác cao hơn cả, băng chạy qua câu nào thì bỏ qua câu đấy luôn chứ đừng suy nghĩ nhiều dù chưa nghĩ ra đáp án vì sẽ làm phân tán tập trung của câu hỏi tiếp theo. Theo quy định, sau khi phần nghe kết thúc sẽ có 5’ để tô đáp án cho bài nghe vào tờ đáp án trắc nghiệm, hồi thi H3 mình có lợi dụng 5’ này để làm sang phần đọc luôn [mình tô đáp án ngay từ khi nghe], tuy nhiên lúc mình thi H4 thì giám thị không cho phép làm thế, phải đợi hết 5’ thì mới được lật tiếp sang bài đọc.

  • Phần đọc gồm 30 câu, thời gian làm bài là 30 phút

– Câu 41-50: các bạn nối các câu A B C D E với 5 câu cho trước sao cho nội dung có liên hệ với nhau. Lúc đi thi và lúc ôn mình ghét nhất phần này vì nhiều lúc đọc tới đọc lui vẫn không biết ghép sao cho hợp =]], tuy nhiên có một lợi thế lớn mà các bạn nên lợi dụng là các bạn có thể loại trừ trong trường hợp không nghĩ ra đáp án vì 5 đáp án ứng với 5 câu, nếu điền được chắc chắn 4 đáp án vào 4 câu thì đáp án còn lại hiển nhiên sẽ chọn được. Phần này đôi khi chỉ cần đọc đúng từ khóa thôi là sẽ nối được [ví dụ đọc được từ “khí hậu” thì cứ tìm câu nào có liên quan tới chủ đề ý mà tương], tuy nhiên thời gian không gấp gáp nên nếu các bạn đọc được đủ câu thì hơn :3.

– Câu 51-60: điền vào chỗ trống với các từ cho trước, 5 câu đầu yêu cầu điền vào các câu đơn còn 5 câu sau yêu cầu điền từ vào các đoạn hội thoại. Phần này cũng tương đối đơn giản, quan trọng là bạn hiểu đúng nghĩa của từ, nội dung không hề lắt léo và có thể loại trừ, cố gắng ăn điểm tối đa phần này.

– Câu 61-70: đây là phần khó nhất của nội dung đọc, các bạn phải đọc một đoạn thông tin sau đó trả lời câu hỏi. Tip là đọc câu hỏi trước rồi mới đọc đoạn văn sau vì đôi khi câu trả lời nằm ngay ở câu đầu của đoạn văn rồi, không cần phải đọc hết. Các bạn cần học kĩ mặt chữ để có thể đọc nhanh được, đôi khi chỉ cần lướt qua là biết thông tin có nằm ở câu đó không, nếu không có thì next sang câu tiếp theo luôn. Phần này còn đòi hỏi các bạn phải tỉnh táo một chút vì mình nói thật là đọc nhiều câu liên tiếp tương đối buồn ngủ, các bạn cũng có thể tranh thủ lúc đầu óc minh mẫn bằng cách làm phần này trước tiên rồi sau đó làm các câu từ 41-60 [đơn giản hơn nhiều] khi mà đã bắt đầu mệt hơn rồi :D.

Quan trọng nhất của phần này là thuộc mặt chữ và hiểu đúng nghĩa, các bạn không cần phải nắm được từ ý viết lại như thế nào nhưng phải đảm bảo là nhìn vào là biết từ đấy có nghĩa gì.

  • Phần viết gồm 10 câu, thời gian làm bài là 15 phút

– Câu 71-75: sắp xếp các từ, cụm từ đã cho thành câu hoàn chỉnh. Phần này thông thường mình sai từ 1-2 câu, đôi khi thì không sai câu nào, mình thấy tỷ lệ này là ok, đừng sai nhiều quá vì phần này điểm một câu sẽ cao hơn 2 phần đọc và nghe. Chú ý là phần này các bạn phải tự viết lại vào tờ đáp án thi chứ không được in sẵn nên các bạn chú ý viết đủ nét, sạch sẽ. Mình cũng không rõ tiêu chí chấm chữ viết phần này là như thế nào nhưng mình nghĩ là cơ bản phải viết chữ đủ nét như đề thi chứ đừng viết kiểu thư pháp quá. Vì đề thi đã in sẵn các từ gợi ý nên các bạn không cần lo chuyện quên mặt chữ, cứ chép nguyên lại là ok. Kinh nghiệm nho nhỏ của mình là hồi đi thi mình viết nắn nót quá, may mà vừa viết xong thì hết giờ, các bạn cứ viết tốc độ vừa phải là được nhé :]].

VD: 小船    上      一      河    条      有

=> 河上有一条小船。

– Câu 76-80: gần đi đến đoạn cuối của bài thi rồi hehe. Ở phần này, các bạn phải tự nghĩ ra 1 chữ duy nhất để điền vào câu văn cho sẵn dựa trên phiên âm của từ đó mà đề cho sẵn :]]. Kinh nghiệm của mình là các từ mà các bạn cần điền có thể sẽ xuất hiện ở phần đọc và phần nghe trước đó [đã được in trong đề], nếu bạn nhớ mặt chữ để tự viết lại thì quá tốt.

VD: 一[ yuán ]是 10 角,一角是 10 分。

Từ cần điền: 元

Hồi mình đi thi, lúc bắt đầu có hiệu lệnh làm bài hoặc trước khi làm bài đọc, mình giở trang cuối thật nhanh [tức là phần này] đầu tiên để xem 5 từ cần điền là gì, sau đó mình note lại ra nháp xem từ nào mình không nhớ cách viết rồi quay lại làm bài đọc và nghe, có một vài từ mình không nhớ chính xác hoặc không chắc chắn về cách viết nhưng may thay lại được in trong đề phần bài đọc, ten ten, cứ thế khoanh tròn đánh dấu lại tí mở ra chép vào thôi =]]. Chú ý là đây chỉ là kỳ thi cấp 3 nên các từ mà đề yêu cầu bạn điền không hề phức tạp và nhiều nét đâu, những từ nào quá nhiều nét [VD: trứng gà jidan] thì các bạn chỉ cần nắm được mặt chữ để nhận biết nó lúc làm bài đọc nghe là được, nhớ được cách viết thì tốt mà không nhớ cũng chẳng sao đâu :3.

Trên đây là vài kinh nghiệm nho nhỏ của mình với kì thi HSK 3, chúc các bạn, đặc biệt là các bạn mới học tiếng trung và tự ôn thi như mình làm bài tự tin, may mắn và đạt điểm cao nhaa. Đêm đã muộn mà mình viết dài quá nên nếu có gì mà mình nhớ ra thêm mình sẽ bổ sung sau vậy. Nếu lần sau có thời gian mình sẽ viết tiếp bài review kinh nghiệm cá nhân kì thi HSK 4 và cấp cao hơn [nếu có thể :]]]. Các bạn có gì thắc mắc có thể để lại câu hỏi ở dưới, nếu giúp được mình sẽ cố gắng trả lời :P,

Video liên quan

Chủ Đề