Luật xử lý hành chính năm 2013

Một số nội dung cần chú ý trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính

        Thể chế kịp thời, đầy đủ đường lối của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân và khắc phục những bất cập, vướng mắc trong thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, ngày 13/11/2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (gọi tắt là Luật năm 2020). Luật 2020 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung, trong đó có một số nội dung mới cần lưu ý như sau:

          1. Về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính

          Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định nguyên tắc “ Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm”. Tuy nhiên, để tránh trường hợp áp dụng không thống nhất (có nơi xử phạt từng hành vi, có nơi xử phạt 1 hành vi rồi áp dụng tình tiết tăng nặng) và khắc phục hạn chế này Luật năm 2020 đã sửa đổi, bổ sung nguyên tắc xử này như sau: “Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng”.

        2. Về thẩm quyền quy định xử phạt vi phạm hành chính

        Luật 2012 chỉ giao cho Chính phủ quy định hành vi vi phạm hành chính; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước; chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính và quy định mẫu biên bản, mẫu quyết định sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, Luật 2020 ngoài việc giao cho Chính phủ quy định thì thêm 02 nội dung, gồm Chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính và các Biểu mẫu sử dụng trong xử lý vi phạm hành chính được thực hiện, còn giao thẩm quyền cho Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước và đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

        3. Về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý hành chính

        Luật năm 2020 sửa đổi, bổ sổ sung trường hợp thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm đối với vi phạm về hóa đơn. Đồng thời sửa đổi quy định thời hiệu xử phạt 02 năm về thủ tục thuế thành: Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

          Về áp dụng biện pháp xử lý hành chính, Luật năm 2020 đã bổ sung thêm điểm đ khoản 2 Điều 6 của Luật năm 2012 như sau “Trong thời hạn được quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này mà cá nhân cố tình trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì thời hiệu được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.”.

          4. Về trách nhiệm quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

          Luật năm 2020 bổ sung thêm trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc quy định chế độ báo cáo, biểu mẫu thống kê số liệu trong xử lý vi phạm hành chính.

          5. Về mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực

          Mức phạt tiền tối đa trong một số lĩnh vực đã được quy định trong Luật năm 2012. Tuy nhiên, tại tời điểm hiện nay, mức phạt tiền này quá thấp so với sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời một số lĩnh vực cũng chưa có quy định, do đó Luật năm 2020 đã tăng mức xử phạt một số lĩnh vực như: giao thông đường bộ tối đa từ 40 triệu đồng lên 75 triệu đồng; lĩnh vực cơ yếu tối đa từ 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng; lĩnh vực giáo dục: từ 50 triệu lên 75 triệu; điện lực: từ 50 triệu lên 100 triệu… Đồng thời bổ sung mức phạt tiền tối đa đối với một số lĩnh vực như: lĩnh vực đối ngoại 300 triệu đồng; lĩnh vực hoạt động tố tụng 400 triệu đồng. ..

          6. Về biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên

          Luật năm 2020 bổ sung biện pháp giáo dục đưa vào cộng đồng là một trong các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên nhằm bảo đảm các quyền và lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên.

          7. Về tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn 

          Luật năm 2012 chỉ quy định về thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn nhưng không quy định nguyên tắc áp dụng. Do đó, khắc phục bất cập này, Luật năm 2020 bổ sung nguyên tắc áp dụng tước thời hạn giấy phép, chứng chỉ hành nghề như sau: Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề,đình chỉ hoạt động cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung thời gian tước,đình chỉ được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thời thời gian tước, đình chỉ có thể giảm xuống nhưng không được thấp hơn mức tối thiểu của khung thời gian tước,đình chỉ; nếu có tình tiết tăng nặng thì thời gian tước, đình chỉ có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung thời gian tước, đình chỉ.

          Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 01/01/2022. Luật này có tác động lớn đối với đời sống của người dân, vì vậy các cơ quan nhà nước cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến luật để người dân hiểu, nắm vững và chấp hành nghiêm túc pháp luật./.

 Hải Giang