Mái đình nghĩa là gì

Từ cái nôi văn hóa làng

Ðất làng Túy Loan không rộng, người làng Túy Loan không đông, nhưng tình người nơi đây quyến luyến. Ðầu xuân, đường làng đẹp hơn vì đang mùa trẩy hội. Làng mà phố. Phố trong làng. Cái mới, cái cũ cứ đan xen, hòa quyện. Về đây, gặp người làng, chừng như trong mắt họ, niềm tự hào về quê hương luôn thường trực. Hỏi các vị cao niên trong làng, ai cũng thuộc lòng đôi câu ca dao gắn liền với quê hương: Túy Loan trăm thứ đều ngon/Vừa vừa cái miệng kẻo chồng con hết nhờ.

Áo dài, khăn đóng chỉn chu, cụ Ðặng Công Tự vừa kéo đàn nhị, vừa nhâm nhi câu hát, rồi tủm tỉm cười: "Túy Loan không giàu tiền, giàu của, nhưng giàu nhất tình người và những giá trị văn hóa. Lớp con cháu ở làng bây giờ tiếp nối bước cha chú trong gia tộc, có nghĩa vụ đóng góp, xây dựng gia tộc. Từ làng mà vững bước chân ra phố, rồi từ phố biết phải trở về làng, về nơi chôn nhau cắt rốn...". Cụ Tự nhấp thêm chén trà đậm, mở đầu câu chuyện về làng với niềm tự hào là con cháu họ Ðặng, một trong bốn họ tộc lớn có công thành lập và khai sinh ra làng Túy Loan hôm nay. Sử sách của làng ghi lại rằng, đình làng Túy Loan được xây dựng vào năm Thành Thái thứ nhất [1889] với diện tích hơn một trăm mười mét vuông, nằm trong khuôn viên rộng hơn tám nghìn mét vuông. Văn bia đặt trong đình còn có bài ký của tam giáp Tiến sĩ Nguyễn Khuê, người Thanh Trì, Hà Nội, ghi lại sự việc lập đình, trong đó có đoạn viết: Ðình gồm một tòa chính tẩm, một tòa tiền đường đều làm bằng gỗ quý và lợp ngói. Trước sân có xây trụ biểu, bình phong khá sắc sảo. Bên trái đình là một ngôi từ đường thờ các vị tiền hiền. Văn bia ở nhà thờ ngũ tộc trong làng cũng ghi lại, vào năm Hồng Ðức [1470], năm vị tiền hiền của năm tộc Ðặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê nhận chiếu Vua Lê Thánh Tông đi khẩn hoang, mở mang bờ cõi và dừng chân chọn nơi đây để lập ấp và đặt tên cho làng là Túy Loan. Ðến hôm nay, Túy Loan là làng cổ gần 550 năm của TP Ðà Nẵng. Hiện có 20 sắc phong thần của Vua các triều đại, trong đó xa nhất là của Vua Minh Mạng, gần nhất là của Vua Khải Ðịnh, vẫn được gìn giữ cẩn thận tại đình làng. Những sắc phong này chỉ được mở ra bởi người được phong kiêm thủ sắc thần, nghĩa là người phải tốt về nhân cách, gia đình thuận hòa, con cái hiếu nghĩa.

Là Hội chủ làng, vừa là người được chọn thờ sắc phong làng, hơn 16 năm qua, ông Ðặng Công Nhơn, 78 tuổi, mà người dân làng Túy Loan vẫn gọi bằng cái tên thân mật là ông Chín Nhơn, vẫn không quản ngày đêm qua lại coi sóc đình làng. Gặp ông cùng các bô lão trong làng đang ngồi bên ấm trà nóng cùng bàn việc hội làng, mới hay, suốt lịch sử ngần ấy năm, trên mảnh đất Túy Loan này, biết bao thế hệ người làng đã cùng chắt chiu, gìn giữ để những giá trị văn hóa làng không mai một trước thời gian. Mấy ngày nay, ông Nhơn vừa tự tay gói bánh tét, rồi chọn cây tre thẳng đẹp, còn nguyên ngọn để dựng làm cây nêu treo cờ hội trước đình làng. Nét mặt cương nghị luôn toát lên vẻ uy nghiêm của một người chủ làng, nhưng nụ cười của ông với bao trăn trở về văn hóa làng. Ông kể rằng, năm nào cũng vậy, việc "hội" có thể giảm nhưng phần "lễ" ở đình làng thì phải trang nghiêm và tuân thủ theo phong tục truyền thống bao đời nay. Mâm cỗ lễ đình làng không thể thiếu bánh tét, thịt heo, bánh tráng, ngũ quả... đó là những sản vật được làm nên từ vùng đất Túy Loan. Ðình làng rất linh thiêng, mỗi năm cứ đến ngày mồng 9 Tết Âm lịch, bà con dòng tộc trong làng lại nô nức tổ chức lễ hội đình làng, vừa để cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vừa để nhắc nhớ con cháu hôm nay phải giữ được nét đẹp văn hóa làng. Mỗi người đóng góp một ít để ngày hội đình làng trở thành ngày đoàn tụ, ngày khai mở cho năm mới bình an, may mắn. "Người lớn không nghiêm thì con trẻ làm sao theo được? Tôi lớn tuổi rồi, nhưng đến mùa vẫn đi cày ruộng ào ào. Văn hóa cũng vậy, trao truyền cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ của những người già. Văn hóa làng không mai một đi cũng chính vì có mái đình che chở, giữ được cái nôi làng là giữ được văn hóa làng" - ông Nhơn bộc bạch.

Ðiều đáng trân trọng là những người dân làng Túy Loan đi làm ăn, sinh sống ở xa cứ đến Tết, lại tranh thủ về quê, dự lễ. Bởi đình làng Túy Loan được xem là cội nguồn văn hóa tâm linh của người dân nơi đây và cũng là di tích lâu đời của thành phố Ðà Nẵng. Thắp xong nén nhang cầu phước đầu năm tại đình làng, anh Nguyễn Mạnh Hùng, vừa từ TP Hồ Chí Minh về thăm quê, tâm sự: "Ði đâu rồi cũng phải trở về. Mấy năm trước do công việc bận rộn, tôi không sắp xếp về được, nhưng năm nay, cả gia đình đều về thăm quê nội. Thấy quê hương ngày càng đổi sắc, tôi mừng lắm. Cứ mong sao mỗi độ xuân về, lễ làng lại thêm đông người chung hội".

Theo chân anh Nguyễn Thành Duân, cán bộ phụ trách công tác mặt trận, thôn Túy Loan Ðông 2 của xã Hòa Phong, chúng tôi đã cùng hòa vào lễ hội đình làng Túy Loan. Với anh Duân, được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, đã là một hạnh phúc. Làng Túy Loan xưa hiện có bốn thôn, nhưng nhân dân trong các thôn đều sống với nhau chan hòa, đùm bọc. Mỗi năm được một lần chung niềm vui, niềm tự hào khi tham gia đoàn rước sắc phong từ nhà thờ tộc Ðặng về đình làng để tổ chức hành lễ. Phần lễ là của các vị cao tuổi trong làng, còn phần hội với những trò chơi dân gian như hát bài chòi, thi quạt bánh tráng, thi đập niêu đất, đua ghe... là của thanh niên, tuổi trẻ. Anh Duân hồ hởi: "Khi có hội, cả làng đều tham gia với tình đoàn kết tuyệt vời. Người trẻ học hỏi người già, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia để cùng nhau gìn giữ, phát huy và bảo tồn những giá trị văn hóa, các di tích lịch sử của làng. Ðây vừa là trách nhiệm của người trẻ, vừa góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau".

Ðến khát vọng gìn giữ

Chợ Túy Loan ngày xưa là nơi giao thương của nhiều tàu, thuyền trên sông Túy Loan, ngày nay, chợ được xây dựng lại mới khang trang, rộng rãi. Như bao đời nay, người dân làng cổ Túy Loan vẫn giữ được những giá trị văn hóa tinh thần phong phú và không ngừng phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới. Không bị ảnh hưởng bởi xu thế đô thị hóa ngày càng lấn dần về ngoại ô Ðà Nẵng, người dân Túy Loan hôm nay vẫn thủy chung với nghề truyền thống là làm bánh tráng, mì Quảng Túy Loan. Ðây cũng là đặc sản quê nổi tiếng của Ðà Nẵng. Hiện ở đây còn sáu lò bánh, trong đó có lò bánh gia đình nhà bà Tĩnh với nghề gia truyền gần 50 năm. Trên con dốc đổ về làng Túy Loan, quán mì Quảng của bà Tĩnh lúc nào cũng đông chật khách. Vừa mang những tô mì Quảng gà nóng thơm phức ra bàn cho khách, chủ quán là con trai của bà Tĩnh cười vui: "Bây giờ ở Túy Loan nhiều quán mì Quảng mới mở nhằm phục vụ nhu cầu người dân. Nhưng mì của mỗi quán có một hương vị khác nhau. Ðặc trưng của mì Túy Loan là ở cách pha chế, nêm nước dùng, rau sống và không thể thiếu bánh tráng ngọt giòn. Gia đình tôi bao đời nay nối gót giữ nghề, để vừa phát triển kinh tế gia đình, cũng vừa là giữ lại những giá trị của một nghề truyền thống". Tìm hiểu thêm mới hay rằng, cũng từ những quán mì như thế này, các hộ gia đình nơi đây đã tích góp để xây dựng được nhà cửa khang trang, tạo thành một vệt phố trong làng. Thương hiệu bánh tráng, mì Quảng Túy Loan cũng đã được đăng ký bản quyền thương hiệu Việt.

Lễ rước sắc về đình làng Túy Loan vào ngày mồng 9 Tết Giáp Ngọ.

Trong các tua đưa khách du lịch về với làng cổ Túy Loan hôm nay, du khách sẽ được thưởng thức mì Quảng, được thăm các di tích cổ như đình làng Túy Loan, nhà cổ Tích Thiện Ðường... Phát triển kinh tế nhờ du lịch đó cũng là hướng đi đang được người dân làng Túy Loan khai thác. Nằm cách làng cổ Túy Loan không xa, ngôi nhà cổ Tích Thiện Ðường là điểm đến văn hóa thu hút ngày càng đông khách du lịch về làng. Cái đằm sâu của nét cổ kính lại như được khẳng định thêm bởi giá trị của ngôi nhà hơn 200 năm tuổi này. Nhờ bàn tay của những người thợ mộc tài hoa Kim Bồng đã xây dựng nên vẻ đẹp độc đáo của ngôi nhà. Anh Ðỗ Hữu Minh, chủ nhân ngôi nhà cổ đã mất khá nhiều thời gian, kinh phí và công sức để bảo tồn, tôn tạo ngôi nhà. Tất cả những kiến trúc xưa vẫn được giữ nguyên. Ngôi nhà bình yên với vườn rộng đầy cây trái, những lối đi quanh co đẹp đến nao lòng. Ðặc biệt là những cây cột gỗ cổ đã ngả mầu thời gian. "Ngôi nhà này từng là nơi nuôi giữ cán bộ cách mạng, từng ghi dấu bom đạn chiến tranh khốc liệt và cũng là minh chứng cho sự trường tồn của giá trị văn hóa truyền thống. Bây giờ gia đình tôi vẫn mở rộng cửa đón người dân và du khách đến thăm. Việc tự bỏ kinh phí tiền tỷ để tôn tạo, gìn giữ ngôi nhà cũng là muốn giữ lại một giá trị làm phong phú thêm cho văn hóa Ðà Nẵng", anh Minh cho biết. Phải chăng chính những việc làm tự thân của mỗi một người dân làng Túy Loan đã làm nên sự độc đáo, bản sắc của ngôi làng cổ này? Trong dòng chảy của cuộc sống hôm nay, đặc biệt, khi sức nóng của đô thị hóa đã và đang lan rộng về các vùng quê, thì những khát vọng gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống bằng những việc làm cụ thể lại là việc cần làm ngay, cần làm gấp.

Chúng tôi hòa vào dòng người đang chen kín bờ sông Túy Loan để hò reo cổ vũ cho các đội đua ghe. Phần hội của lễ hội đình làng Túy Loan đã bắt đầu.

Ðược xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngày 4-1-1999, sau nhiều lần trùng tu, sửa chữa, hiện nay đình làng Túy Loan đã trở lại vẹn nguyên như kiến trúc ban đầu. Trải qua hơn nửa thế kỷ, nhưng ngôi làng cổ Túy Loan hôm nay vẫn giữ nguyên giá trị văn hóa truyền thống lâu đời và chưa mai một trước cơn lốc văn hóa thị thành. Những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi, những món ăn đặc sản quê bình dị với tấm lòng chân chất của người dân nơi đây, đã làm nên một Túy Loan đẹp đằm sâu ở ngoại ô Ðà Nẵng...

Bài và ảnh : NGUYỄN THỊ ANH ĐÀO

.

Cập nhật lúc: 06:23, 20/01/2020 [GMT+7]

Người Việt dù đi muôn nơi vẫn giữ truyền thống ly hương nhưng không ly tổ. Đi đến đâu, họ cũng mang theo cả tập tục sinh hoạt của mình đến đó, mà dấu ấn rõ nhất là đình làng. Những mái đình trong lòng thành phố Đà Lạt, nhỏ nhắn, khiêm nhường và đã nhuốm màu xưa cũ, nhưng chứa đựng trong đó là cả câu chuyện lịch sử, văn hóa của những lưu dân đến định cư từ xa xưa.

Những ngày tết cổ truyền đang đến thật gần, mái đình nào cũng được dọn dẹp, chăm chút để đón chào một năm mới. Đi đến đâu, dù là đình Thái Phiên ở Phường 12, đình Nghệ Tĩnh ở Phường 8, đình Ánh Sáng hay đình Đà Lạt ở Phường 1, hễ mở miệng nói là đều gặp được đồng hương. Những tiếng nói nhẹ nhàng xứ Bắc hay trọ trẹ miền Trung vang giữa những ngày tháng Chạp, giữa thơm nức mùi gừng, mùi kiệu, ngỡ như quê nhà những ngày giáp tết đang ở thật gần.

Cổng đình làng Thái Phiên

1. Thời điểm này, làng hoa Thái Phiên đang tất bật cho vụ hoa lớn nhất trong năm. Mặc dù Festival Hoa Đà Lạt 2019 đã kết thúc gần một tháng, nhưng dấu ấn của lễ hội hoa thì vẫn còn vương lại ở đây khi lối dẫn vào đình vẫn rực rỡ sắc hoa và các tấm pano quảng bá. Người dân ở đây đi lên từ hoa, nhờ những cúc, lyly, cát tường,... mà xây dựng cuộc sống ấm no, mà phát triển kinh tế. “Cuộc sống từ những ngày đầu khai hoang lập ấp nương nhờ vào nông nghiệp, nên người dân luôn coi trọng đời sống tâm linh, cầu cho mưa thuận gió hòa để an cư lạc nghiệp” - ông Nguyễn Hữu Trúc, Trưởng Ban Quản lý đình Thái Phiên chia sẻ khi dẫn chúng tôi thăm đình. Người đàn ông năm nay đã 80 tuổi, vẫn nhanh nhẹn, khỏe mạnh đùa rằng: “Bây giờ, người ta gọi là Trưởng ban quản lý, còn ngày xưa chúng tôi gọi là Trưởng làng - nghe nó giản dị, gần gũi và thân thiết hơn nhiều, như đang ở làng, ở quê mình”.

Được xây dựng từ tháng 2/1968 và hoàn thành một năm sau đó, đi qua bao mùa nắng mưa, đình Thái Phiên nay đã nhuốm màu thời gian với mái ngói bạc màu, rêu phong và cánh cửa cũ kỹ. Đình rộng 3 gian, có hình dáng chữ Nhất, quy mô vừa phải và mang dáng dấp đặc trưng của kiến trúc đình làng Việt. Ở đó, xen giữa kiến trúc, họa tiết rất Huế, rất Quảng là những bóng liễu, bóng thông đặc trưng của Đà Lạt, như một sự giao thoa giữa các vùng miền. Và là một không gian mở, không có tường, không có hàng rào bao bọc xung quanh, như một sự kết nối vô hình với người dân.

Hàng năm, vào dịp Xuân Thu nhị kỳ [16/2 và 16/7 Âm lịch], con cháu ở vùng đất Thái Phiên hay những người đi làm ăn xa lại tề tựu về để cùng tổ chức nghi lễ thờ cúng tổ tiên, thần bảo hộ, các vị tiền hiền và hậu bối đã có công mở đất lập làng. Hơn 40 năm đứng tế, xướng văn, ông Trúc bảo rằng đó là thành quả của bao nhiêu năm nghiên cứu sách vở mà ông cha để lại hay học hỏi từ những người đi trước. Bây giờ, lại có những người trung niên đứng hai bên hầu rượu vào mỗi dịp tế lễ. Đó sẽ là thế hệ thừa kế và tiếp nối ông Trúc một ngày ông không còn mạnh khỏe như bây giờ. 

Ngoài ngôi đình chung Thái Phiên, Phường 12 còn có 4 đình làng riêng là Phước Yên, Nam Phò, Thanh Lương và Kế Môn. Những ngày này, mọi ngôi đình đã bắt đầu được dọn dẹp và trang hoàng để 30 Tết, các bô lão trong làng làm lễ đón ông bà, thần linh về ăn tết. Thái Phiên là vùng hoa, nên hoa được dâng lên đình cũng là hoa do bàn tay người dân ở đây trồng nên, trên chính mảnh đất này. Đó như là một lời cảm tạ chân thành và ý nghĩa nhất đối với những vị hiền nhân đã có công lập ấp, lập làng.

Đình Thái Phiên

2. Nằm lặng lẽ sau lưng những dãy nhà san sát, trong cái nắng tháng Chạp vàng như mật, đình Nghệ Tĩnh hôm chúng tôi đến thơm lừng mùi mứt, bởi những nhà dân quanh đó đã rộn ràng chuẩn bị đón tết. Cụ bà Lãng đang đảo mẻ mứt cà rốt trên bếp than, hướng mặt về phía mái đình khoe rằng: Dù tên là đình Nghệ Tĩnh, nhưng không riêng gì người Nghệ An, Hà Tĩnh, mà ai cũng có thể đến đây thắp nhang, nhất là vào dịp tết. Sáng mồng Một, sau khi đi chùa, viếng mộ, bà con lại lên đình để cầu cho một năm mưa thuận gió hòa. Điều đó đã trở thành một truyền thống của người dân nơi đây.

Đình Nghệ Tĩnh được xây dựng vào năm 1940, ngoài thờ cúng thổ thần, các vị tiền hiền có công khai hoang vùng đất như các đình khác, nơi đây còn thờ các vị anh hùng liệt sĩ hy sinh trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và Đức thánh Trần Hưng Đạo. Ngoài ra, đình còn có gian thờ các nam vong linh và nữ vong linh - là những người con tha phương, sinh sống, làm ăn và nằm lại trên chính mảnh đất mà họ chọn làm quê hương thứ hai này.

Là người nắm rõ lịch sử của đình Nghệ Tĩnh, cụ Nguyễn Trung năm nay đã 93 tuổi, mắt đã mờ, chân đã run và giọng nói thều thào, nhưng cụ vẫn say sưa nhắc về những thăng trầm của đình làng. Rằng lúc lập ấp, người dân dù còn khó khăn nhưng vẫn góp công, góp của xây đình để cúng tế và tập hợp bà con trao đổi cung cách làm ăn. Và cụ vẫn luôn tự hào rằng những người lập ấp Nghệ Tĩnh đều là những đảng viên yêu nước. Tuổi già sức yếu, giờ đây, cụ chỉ đứng đằng sau để hướng dẫn thế hệ sau lo hết mọi việc cúng bái, mà cụ thể ở đây là ông Trần Đức Chúc - người dẫn chúng tôi thăm đình.

Sinh ra, lớn lên và lập nghiệp ngay tại nơi này, ông Chúc - năm nay 78 tuổi, tự hào khi mình là thế hệ thứ hai của ấp Nghệ Tĩnh, và đã gắn bó cả cuộc đời với mái đình này. Tuổi thơ của ông Chúc là những ngày lên đình học chữ khi chưa có trường học. Thế nên, đình Nghệ Tĩnh đã trở thành nơi gắn bó, gần gũi và thân thiết với ông và con cháu trong ấp từ ấu thơ cho đến bây giờ. 

Ông Trần Đức Chúc vẫn thường xuyên đến quét dọn trong đình Nghệ Tĩnh dù đó không phải chức trách của mình

3. Theo các tài liệu, dấu tích việc “lập ấp, đẻ làng” ở Đà Lạt là ngôi đình Đa Lạc [Đà Lạt], xây dựng năm 1920. Khi tới Đà Lạt để mưu sinh, những người con xa quê hương phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống. Luôn mang nặng hình ảnh làng quê Việt Nam với “cây đa, giếng nước, sân đình”, đình Đà Lạt ra đời như là điểm tựa về tinh thần cho người dân.

Đình Đà Lạt được xây dựng từ năm 1920, nhưng đến năm 1936 đã thực hiện đại trùng tu và giữ nguyên dáng vẻ của đình cho đến bây giờ. Nét văn hóa về tâm linh và tinh thần vẫn được giữa vẹn nguyên . Ông Nguyễn Đức Đôn - Trưởng Ban Trị sự đình Đà Lạt, người đã tròn 60 năm rời làng quê Huế để gắn bó với mảnh đất lạnh này, chia sẻ: Ở đây, hầu như gia đình nào cũng có bàn thờ gia tiên. Ngày tết, ngày giỗ [kỵ] vẫn được duy trì đều đặn, trước hết là để tưởng nhớ đến người đã khuất, sau đó là dịp để tụ tập anh em, họ hàng. Tương tự các ngôi đình khác ở Việt Nam, nếu ngày mai cúng tế, chiều hôm trước, mọi người trong làng ấp phải dọn sạch sẽ các gian đình, bệ thờ, hương hoa đèn nến. 

Trước đây là thư ký của Ban trị sự, rồi khi ban cố vấn tiền nhiệm đã qua đời hết, ông Đôn lại thay họ đảm nhận công việc Trưởng Ban trị sự đình Đà Lạt. Tuổi cao và đôi chân không còn mạnh, nhưng vì mong muốn gìn giữ truyền thống để con cháu đời sau được tiếp nối, ông vẫn hàng ngày lui tới mái đình, bằng cả sự nhiệt tâm và tinh thần trách nhiệm của một người con xa quê luôn hướng về cội nguồn.

Một góc mái đình Nghệ Tĩnh

4. Không chỉ là một ngôi nhà cộng đồng của bà con làng xóm, đình làng đã trở thành một nơi thân quen gần gũi, nơi che chở, điểm tựa tâm linh của những người dân. Qua bao thăng trầm của thời gian và lịch sử, nét văn hóa ấy vẫn được gìn giữ và lưu truyền để những người con dẫu đi muôn phương vẫn quay trở về, quây quần, tề tựu cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa.

Ông Hồ Thanh Hoàng - cán bộ Phòng Văn hóa thông tin TP Đà Lạt, cho biết: Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Đà Lạt hiện có 86 đình, đền, nhưng chỉ có 4 đình được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Các đình đa phần đều đã xuống cấp và đang xin kinh phí để tu bổ, sửa chữa. Đó là nơi để người dân sinh hoạt đời sống văn hóa tinh thần, để những người con từ mọi miền về lập nghiệp có dịp ôn lại truyền thống cội nguồn của dân tộc.

Sự hiện hữu của những ngôi đình với những giá trị lịch sử - văn hóa có ý nghĩa rất lớn trong tiến trình lịch sử xây dựng vùng đất Đà Lạt. Chúng đã góp phần đánh dấu sự giao thoa, hội nhập văn hóa của người Kinh trong nền văn hóa đa dạng của cộng đồng các dân tộc Cil, Lạch nơi đây. Với những giá trị này, UBND tỉnh đã lần lượt công nhận đình Thái Phiên, đình Nghệ Tĩnh, đình Trường Xuân [xã Xuân Trường] và đền thờ Quốc tổ Hùng Vương [Phường 6] là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Cùng với những công trình, lễ hội của những dân tộc sống lâu đời tại Lâm Đồng… sự tồn tại của những ngôi đình, việc duy trì lễ cúng đình, tế Xuân của người dân thành phố hoa có ý nghĩa đặc biệt, nó vừa giáo dục về truyền thống, lịch sử, vừa củng cố sợi dây liên lạc thiêng liêng giữa tất cả các thành viên trong cộng đồng. Và trên tất cả, những mái đình giữa phố như một chốn bình yên, tĩnh lặng, nơi chốn để nhớ thương, để đón đợi khi quay về.

Những ngày cuối tháng Chạp, chúng tôi đã đến và rời đi với lời mời tháng 2 trở lại trong dịp tế Xuân, để được thấy văn hóa Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nghệ An, Hà Tĩnh... vẫn thấm đẫm trên những làng hoa lâu năm, để được gặp đồng hương với tình cảm thân thương của những người con xa xứ.

Ghi chép: VIỆT QUỲNH - HỒNG THẮM

Video liên quan

Chủ Đề