Nêu và phân tích các phương pháp dạy học tập đọc

KẾ HOẠCH CHUYÊN ĐỀ

PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC PHÂN MÔN TẬP ĐỌC LỚP 5,

TÍCH HỢP GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG AN NINH, BIỂN ĐẢO, BVMT, KỸ NĂNG SỐNG

 Căn cứ công văn số 1315/BGDĐT, ngày 16/4/2020 V/v hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học;

 Căn cứ kế hoạch  số 170/KH-PHA, ngày 21/9/2020 kế hoạch nhiệm vụ năm học của Hiệu trưởng trường tiểu học Phước Hậu A;

Căn cứ kế hoạch số 210/KH-PHA ngày 7 tháng 10 năm 2020 kế hoạch hoạt động chuyên môn năm học 2020 - 2021 của trường Tiểu học Phước Hậu A.

Tổ khối Tổ 4-5 lập kế hoạch xây dựng và mở chuyên đề tập đọc lớp 5 như sau:

          I. ĐẶC ĐIỂM, TÌNH HÌNH

          1.1. Điểm mạnh:

          - Giáo viên có nhiều năm trong công tác giảng dạy, có nhiều kinh nghiệm, nhiệt tình.

          - Nhà trường có phòng nghe nhìn, máy tính xách tay, tập huấn cho cho giáo viên học ứng dụng phần mềm power point, violet…       

          - Giáo viên được bồi dưỡng về phân môn tập đọc qua các tiết dự giờ thăm lớp để học hỏi ở đồng nghiệp, được Ban giám hiệu trường tổ chức thao giảng, chuyên đề để rút ra kinh nghiệm cho bản thân.   

          - Đa số học sinh đã biết đọc trơn, đọc thầm, đọc lưu loát, phát âm tương đối tốt.

          - Một số em đã biết đọc diễn cảm.

          1.2. Điểm yếu:

          - Giáo viên chưa sử dụng nhiều phương pháp để dạy môn Tập đọc, trong các tiết dạy, giáo viên còn ít ứng dụng công nghệ thông tin để dạy môn Tập đọc.

          - Một số em đọc chưa thành thạo, phát âm chưa chuẩn, chưa lưu loát, mạch lạc, chưa biết ngắt, nghỉ hơi đúng chỗ, phát âm còn ảnh hưởng vùng miền, âm ngữ địa phương, đọc diễn cảm chưa tốt.

          1.3. Cơ hội:

          - Bản thân nghiên cứu, tìm hiểu trao đổi và đưa ra phương pháp dạy, được trình bày trước hội đồng sư phạm nhà trường trong tháng 10.

          - Học sinh được rèn luyện kĩ năng đọc. Các em sẽ ngày càng yêu thích môn Tập đọc. Từ đó sẽ góp phần nâng cao chất lượng học tập phản môn Tập đọc nói riêng và môn Tiếng Việt nói chung.

          1.4. Thách thức:

          - Học sinh ít quan tâm đến việc học các môn Tập đọc, Luyện từ và câu, Tập làm văn mà chỉ quan tâm đến việc học môn Toán.

          II. LÍ DO CHỌN CHUYÊN ĐỀ

Trên đất nước ta, mỗi dân tộc đều có một truyền thống văn hóa riêng, tiếng nói riêng. Trong đó tiếng việt là thứ tiếng phổ biến và hoàn thiện nhất, có khả năng đáp ứng được mọi nhu cầu giao tiếp và thẫm mỹ của xã hội- là tiếng nói phổ thông của cả nước, có vai trò quan trọng trong cộng đồng dân tộc Việt Nam nói chung và trong trường học nói riêng.

Bản thân tôi là một giáo viên dạy lớp 5, qua thực tế giảng dạy, tôi thấy môn tiếng Việt và cụ thể là phân môn tập đọc còn gặp nhiều khó khăn vì khả năng sử dụng Tiếng Việt của học sinh còn hạn chế, học sinh có vốn từ ít. Một số học sinh chưa chịu khó học tập nên kỹ năng nghe, nói, đọc, viết của các em chưa tốt.

Địa phương: các em phát âm theo tiếng địa phương, chưa phân bệt rõ, âm, vần, dấu thanh trong một số trường hợp còn có sự nhầm lẫn dẫn đến hiểu sai câu văn, đoạn văn, phải luyện đọc nhiều, nên mất thời gian. (Ví dụ: HS phát âm sai r/g, tr/ch, v/d/gi …) Chính vì vậy, để giúp học sinh đọc tốt, hiểu bài và nhớ lâu về nội dung và ý nghĩa của các bài đã học, người giáo viên cần đặt ra các phương pháp dạy học phù hợp với HS địa phương để hình thành và phát triển các kỹ năng sử dụng Tiếng Việt như nghe, nói, đọc, viết và cung cấp những kiến thức sơ giản gắn trực tiếp với việc học Tiếng Việt để học tập ở Tiểu học và các bậc học cao hơn và dùng Tiếng Việt để giao tiếp trong các môi trường phù hợp lứa tuổi.

          III. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

Phân môn Tập đọc giúp HS:

          1. Củng cố và phát triển kĩ năng đọc trơn, đọc thầm đã được hình thành ở các lớp dưới; tăng cường tốc độ đọc, khả năng đọc lướt để chọn thông tin nhanh; khả năng đọc diễn cảm.

 2. Phát triển kĩ năng đọc – hiểu lên mức cao hơn: nắm và vận dụng được một số khái niệm như đề tài, cốt truyện, nhân vật, tính cách … để hiểu ý nghĩa của bài và phát hiện một vài giá trị nghệ thuật trong bài văn, bài thơ.

 3. Mở rộng vốn hiểu biết về tự nhiên, xã hội và con người để góp phần hình thành nhân cách của con người mới.

* Ngoài việc giáo dục cho học sinh các kĩ năng trên người giáo viên cần tích hợp một số nội dung sau:

 - Giáo dục bảo vệ môi trường: Cung cấp cho học sinh những hiểu biết về đặc điểm sinh thái môi trường, sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên. Giáo dục lòng yêu quý con người, ý thức bảo vệ môi trường, có hành vi đúng đắn với môi trường xung quanh.

          - Giáo dục kĩ năng sống cho học sinh: Nhằm giúp học sinh bước đầu hình thành và rèn luyện cho học sinh các kĩ năng sống cần thiết, phù hợp với lứa tuổi, giúp các em nhận biết được những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống, biết tự nhìn nhận, đánh giá đúng về bản thân để tự tin, tự trọng và không ngừng vươn lên trong cuộc sống; biết ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ với người thân, với cộng đồng và với môi trường tự nhiên; biết sống tích cực, chủ động trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.

- Giáo dục quốc phòng an ninh : Tập trung vào một số chủ đề chính sau: tinh thần yêu nước, truyền thống lịch sử của dân tộc Việt Nam trong dựng nước và giữ nước; truyền thống lịch sử của quân đội và công an; một số kỹ năng sống phù hợp với sự phát triển của xã hội; giáo dục tình yêu quê hương, yêu hòa bình và yêu Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

IV. PHẠM VI THỰC HIỆN

Trường Tiểu học Phước Hậu A là một trường tiên tiến hiện đại. Điều kiện đi lại học tập của các em tương đối thuận lợi, hầu hết các bậc phụ huynh đều quan tâm đến việc học tập của con cái. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn có một số học sinh học môn tiếng Việt còn yếu do phát âm, vốn Tiếng việt còn hạn chế (Do thói quen phát âm theo vùng miền, địa phương, gia đình…). Cho nên việc dạy phân môn Tập đọc đòi hỏi người giáo viên cần áp dụng nhiều phương pháp trong một tiết dạy. Vì không có phương pháp nào là phương pháp vạn năng nên việc xây dựng chuyên đề này nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, giúp cho việc dạy học tập đọc ở lớp 5

          V. BIỆN PHÁP DẠY HỌC

1. Hướng dẫn đọc:

a) Đọc thành tiếng:

GV có thể hướng dẫn HS đọc thành tiếng bằng các biện pháp sau:

- Đọc mẫu: Việc đọc mẫu ở lớp dưới thường do Gv đảm nhận. Đến lớp 5, kĩ năng đọc của HS đã được nâng cao, nhiều HS có thể đạt tới trình độ chuẩn trong những trường hợp nhất định. Do vậy, tùy trường hợp cụ thể, Gv có thể chỉ định một số HS khá, giỏi đọc làm mẫu trước. GV chỉ nên đọc mẫu toàn bài khi cả lớp đã hoàn thành các bước luyện đọc trơn, tìm hiểu bài và trước khi chuyển sang bước luyện đọc diễn cảm. Các hình thức đọc mẫu bao gồm:

          + Đọc từ, cụm từ nhằm hướng dẫn cách phát âm đúng, trong trường hợp nhiều HS phát âm sai.

          + Đọc câu, đoạn, bài nhằm hướng dẫn cách đọc diễn cảm.

- Dùng lời nói kết hợp chữ viết, kí hiệu và đồ dùng dạy học, hướng dẫn HS cách nghỉ hơi, tốc độ, giọng đọc thích hợp.

- Tổ chức cho HS đọc cá nhân, đọc nhóm đôi (đọc trong nhóm, đọc trước lớp), đọc đồng thanh (cả nhóm, cả tổ, cả lớp); nhận xét cách đọc của HS, sửa lỗi phát âm hoặc lỗi thể hiện nội dung qua giọng đọc cho HS. Ở HS lớp 4-5 nên hạn chế dần số lần đọc đồng thanh và tăng cường hình thức đọc cá nhân.

b) Đọc thầm:

Các biện pháp có thể áp dụng là:

- Giao nhiệm vụ để định hướng rõ yêu cầu đọc thầm cho HS (đọc câu nào, đoạn nào; đọc để trả lời câu hỏi hay để ghi nhớ, thuộc lòng; để trả lời câu hỏi nào).

- Giới hạn thời gian để tăng dần tốc độ đọc thầm cho HS. Cách thực hiện biện pháp này là từng bước rút ngắn thời gian đọc của HS và tăng dần độ khó của nhiệm vụ (đọc lướt để tìm từ ngữ hay chi tiết, hình ảnh nhất định trong 2 phút, 1 phút; đọc lướt để nêu nội dung chính của đoạn, của bài trong 2 phút, 1 phút)

2. Hướng dẫn tìm hiểu bài

a)Giúp HS hiểu nghĩa của từ ngữ mới

- Đối với những từ ngữ đã được giải thích trong SGK: Giáo viên không nhất thiết phải yêu cầu HS giải thích tất cả các từ ngữ này mà có thể chọn một số từ ngữ khó để giải thích cho rõ. Biện pháp thực hiện là tổ chức cho HS đọc thầm nội dung chú thích trong SGK rồi trình bày lại.

- Đối với những từ ngữ đã được giải thích trong SGK mà HS vẫn chưa nắm chắc nghĩa hoặc những từ ngữ khác trong bài còn khó hiểu, GV có thể hướng dẫn HS giải thích bằng các biện pháp như sau :

          + Dùng các từ đông nghĩa, trái nghĩa hoặc từ ngữ thông dụng ở địa phương để giải thích từ ngữ đó.

          + Đặt câu với từ ngữ đó.

          + Miêu tả sự vật, hoạt động trạng thái, đặc điểm hoặc tính chất được gọi tên bằng từ ngữ đó.

b) Giúp HS nắm vững câu hỏi (bài tập) tìm hiểu bài

Các biện pháp có thể áp dụng là:

- Cho HS đọc thầm câu hỏi (bài tập) rồi trình bày lại yêu cầu câu hỏi (bài tập) đó.

- GV giải thích thêm cho rõ yêu cầu, câu hỏi (bài tập)

- Tách câu hỏi, bài tập trong SGK thành một số câu hỏi (bài tập) nhỏ hoặc bổ sung câu hỏi phụ để HS dễ thực hiện. Chú ý tránh đặt thêm những câu hỏi không phù hợp với chủ điểm học tập hoặc vượt quá khả năng nhận thức của HS.

- Tổ chức cho HS trả lời hay thực hiện làm mẫu một phần của câu hỏi (bài tập) để cả lớp nắm được yêu cầu của câu hỏi (bài tập) đó.

c) Tổ chức cho HS tìm hiểu bài

Các biện pháp có thể áp dụng là:

- Tổ chức cho HS làm việc cá nhân hoặc theo cặp, theo nhóm để trả lời câu hỏi hoặc thực hiện bài tập.

- Tổ chức cho HS báo cáo kết quả bằng nhiều hình thức khác nhau (có thể thông qua bằng 1 trò chơi).

- Trao đổi với HS, sửa lỗi cho HS hoặc tổ chức để HS giải đáp thắc mắc cho nhau, góp ý cho nhau, đánh giá nhau trong quá trình thực hiện tìm hiểu bài.

VI. QUY TRÌNH DẠY HỌC

1.Kiểm tra bài cũ: 

2. Bài mới :

a) Giới thiệu bài

-  Nhiệm vụ của hoạt động giới thiệu bài là nêu nhiệm vụ cần thực hiện trong tiết học và gây hứng thú học tập cho HS. Riêng đối với bài tập đọc mở đầu một chủ điểm mới, trước hết GV cần giới thiệu vài nét chính về chủ điểm.

- Có thể nhiều cách giới thiệu bài, ví dụ: : gợi mở bằng câu hỏi hoặc tranh ảnh, băng hình, vật thật (nếu cần thiết) hay diễn giảng băng lời. Tuy nhiên dù theo cách nào, phần giới thiệu bài cũng cần ngắn gọn, không làm mất thời gian luyện đọc và tìm hiểu bài.

b) Hướng dẫn HS

       1. Luyện đọc:

- Một học sinh khá giỏi đọc thành tiếng (hoặc hai HS khá, giỏi nối tiếp nhau đọc) toàn bài.

   - HS đọc thành tiếng từng đoạn (khổ thơ):

   + Đọc nối tiếp nhau trước lớp: mỗi HS đọc một đoạn theo trình tự các đoạn trong bài (lặp lại 2-3 vòng, sao cho nhiều HS trong lớp được đọc). GV kết hợp giúp HS hiểu nghĩa các từ ngữ khó trong bài, sửa lỗi cách đọc cho các em.

   + Đọc theo cặp : đọc một đoạn theo trình tự các đoạn trong bài

   + Đọc theo nhóm.

2. Tìm hiểu bài : Hoạt động cá nhân/ hoạt động lớp/ nhóm đôi/ nhóm lớn

GV hướng dẫn HS đọc và trả lời từng câu hỏi trong SGK (hoặc các câu hỏi được chia tách, bổ sung của GV) theo các hình thức dạy học thích hợp.

Hướng dẫn HS chốt lại nội dung chính hoặc ý nghĩa của bài tập đọc.

     3. Đọc diễn cảm

     -  Hướng dẫn kĩ cách đọc một đoạn văn (khổ thơ):

          + GV dùng lời nói hoặc lời nói kết hợp ghi bảng, sử dụng đồ dùng dạy học để hướng dẫn HS cách đọc.

          + GV đọc mẫu

          + HS luyện đọc (theo cặp) đoạn đã được GV hướng dẫn cách đọc. GV sửa lỗi cho các em.

+ HS thi đọc diễn cảm trước lớp.

- HS thuộc lòng (HTL) đối với những bài có yêu cầu thuộc lòng

          + HS tự nhẩm học thuộc lòng các khổ thơ hay đoạn văn theo chỉ định trong SGK. Đối với những lớp yếu, GV có thể áp dụng một số biện pháp giúp HS học thuộc lòng như ở lớp 3, VD : xóa dần các chữ trong mỗi dòng, mỗi câu, mỗi khổ thơ hay ngược lại, chỉ viết chữ đầu, chữ cuối của mỗi dòng, mỗi câu, mỗi khổ thơ,...

+ GV tổ chức cho HS thi đọc thuộc lòng các khổ thơ, bài thơ hay đoạn văn vừa học thuộc.    

c) Củng cố - dặn dò:

- Giáo dục học sinh, liên hệ thực tế, tích hợp...

- Nêu nhận xét về tiết học.

- Dặn dò.

*Một số điều cần lưu ý khi dạy phân môn Tập đọc lớp 5:

- Đây là tiết dạy mất nhiều thời gian (Hay trễ giờ).

- Ít nhất 2/3 số HS trong lớp được đọc mới đạt yêu cầu.

- Ít tổ chức được các trò chơi để tạo sinh động, hấp dẫn trong tiết học vì đặc thù của phân môn tập đọc là luyện đọc.

 VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

- Căn cứ vào kế hoạch chuyên đề Tập đọc tổ khối 4, 5 xây dựng, giáo viên lớp 5/4  có kế hoạch báo cáo chuyên đề phân môn Tập đọc lớp 5 và thực hiện tiết dạy minh họa.

TIẾT DẠY MINH HỌA CHUYÊN ĐỀ PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC PHÂN MÔN TẬP ĐỌC LỚP 5

Nêu và phân tích các phương pháp dạy học tập đọc