Nhận xét những chính sách đô hộ Khúc bản hành

QUAN ĐIỂM CỦA GIÁO SƯ PHAN HUY LÊ VỀ SỰ NGHIỆP CỦA HỌ KHÚC TRONG CÔNG CUỘC DỰNG NỀN TỰ CHỦ VÀO NỬA ĐẦU THẾ KỶ X QUA       CÔNG TRÌNH “LỊCH SỬ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM – TIẾP CẬN BỘ PHẬN”

Phạm Đức Thuận

  1. Sơ lược về quá trình Khúc Thừa Dụ dựng quyền tự chủ và cải cách Khúc Hạo

Trong hai công trình sử học quan trọng thời phong kiến là Đại Việt Sử ký Toàn thư và Đại Việt Sử lược không chép về Khúc Thừa Dụ mà chỉ nói đến Khúc Hạo xưng Tiết Độ sứ năm 907, cụ thể “Đinh Mão [907]… người Giao Châu là Khúc Hạo chiếm giữ châu trị, xưng là Tiết độ sứ” [6, tr, 203] . Trong Đại Việt Sử lược chép “Khúc Hạo, năm đầu niên hiệu Khai Bình nhà Lương, làm Tiết Độ sứ thay Cổn” [2, tr. 13].  

Đến thế kỷ XVIII, trong Đại Việt sử ký Tiền biên đã bổ sung: “họ Khúc người Hồng Châu, đời đời là họ lớn, ông nội là Thừa Dụ, tính khoan hòa, mến người, được mọi người suy tôn kính phục. Tang Cổn đời Đường bỏ phủ thành chạy, Thừa Dụ xưng làm Tiết độ sứ, xin mệnh triều đình. Vua Đường nhân đó trao chức ấy. Hạo dựa vào cơ nghiệp cũ, giữ La Thành, cũng xưng làm Tiết độ sứ” [5, tr. 192].

Trong Việt sử tiêu án, Ngô Thì Sỹ viết: “Họ Khúc là người Hồng Châu, là họ to nối đời, tiên tổ là Thừa Dụ, tính khoan hòa, yêu người, được nhiều người qui phục, khi Tăng Cổn bỏ phủ thành, Thừa Dụ tự xưng là Tiết độ sứ, xin với triều đình Đường, vua Đường nhân thế nhận cho làm chức ấy. Ông Hạo nhờ cơ nghiệp cũ, chiếm giữ La thành, tự xưng là Tiết độ sứ, chia nước ra làm các xứ, phủ, huyện, châu, xã; đặt chức lịnh trưởng chánh và tá, chia đều thuế ruộng, tha không bắt dân làm nhân công; làm sổ hộ, biên ghi họ tên và niên canh, quán chỉ người dân, Giáp trưởng đốc xuất làm sổ ấy. Chính sự khoan hồng và giản dị, dân được yên ổn làm ăn” [8, tr. 30].

Trong khảo cứu của GS Phan Huy Lê thì Lê Quý Đôn dẫn theo Tư trị thông giám khẳng định: “Thừa Dụ là Khúc Tiên chủ. Khúc Hạo và Khúc Thừa Mỹ đều là con cháu Thừa Dụ” [5, tr. 192]. Khâm Định Việt sử thông giám cương mục viết: “Năm Bính Dần [906], tháng giêng mùa xuân, nhà Đường gia phong chức Đồng bình chương sự cho Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ là Khúc Thừa Dụ” [5, tr. 192].

Như vậy, qua các nguồn tư liệu xa xưa đều khẳng định Khúc Thừa Dụ là người tính tình khoan hòa có lòng thương người, có chí lớn, quê ở Hồng Châu [Cúc Bồ - Ninh Thanh - Hải Dương], là một hào trưởng địa phương có uy tín. Đến đầu thế kỷ thứ X, khởi nghĩa Hoàng Sào bùng nổ, Trung Quốc rơi vào đại loạn, một tướng của khởi nghĩa Hoàng Sào là Chu Ôn đầu hàng nhà Đường,cùng nhà Đường đánh bại khởi nghĩa Hoàng Sào, sau Chu Ôn đổi tên thành Chu Toàn Trung. Năm 907, Chu Toàn Trung phế Đường Ai Đế, lập ra nhà Hậu Lương, nhà Đường sụp đổ, các thế lực quân phiệt khắp nơi ở Trung Quốc cát cứ, tiêu diệt lẫn nhau, Trung Quốc rơi vào thời kỳ “Ngũ Đại Thập Quốc”[1].

Trong lúc đó chính quyền đô hộ Trung Quốc ở nước ta suy yếu, nhân dân nổi dậy ở nhiều nơi. Thái thú Chu Toàn Dục bất lực, Thái thú Độc Cô Tổn tham lam tàn ác được cử thay thế chưa đầy 2 tháng đã bị đày ra ngoài Lĩnh Nam. Lợi dụng thời cơ đó Khúc Thừa Dụ lãnh đạo nhân dân nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền, tiến quân ra Tống Bình [Hà Nội]. Năm 906, nhà Đường buộc phải công nhận chính quyền của Khúc Thừa Dụ và phong ông làm Tĩnh Hải quân tiết độ sứ Đồng bình chương sự. Tuy vẫn nhận danh hiệu một chức quan của nhà Đường nhưng trong thực tế và về thực chất, chính quyền của Khúc Thừa Dụ là một chính quyền tự chủ, đặt cơ sở cho một nền độc lập lâu dài của dân tộc. Khúc Thừa Dụ làm Tiết độ sứ được 1 năm thì mất, con là Khúc Hạo lên thay.

Nối nghiệp cha, Khúc Hạo đề ra nhiều cải cách quan trọng nhằm xây dựng một nền tảng độc lập, thống nhất của dân tộc. Khúc Hạo chia cả nước thành 5 cấp hành chính: Lộ, Phủ, Châu, Giáp, Xã và Xã là cấp hành chính cơ sở đầu tiên được đặt ra với Quản giáp và phó tri giáp [cấp giáp], Chánh lệnh trưởng và Tá lệnh trưởng [cấp xã]. Cả nước có 314 giáp, suốt thời Bắc thuộc, chưa lúc nào bọn đô hộ nắm được các tổ chức cơ sở ấy. Có thể xem Khúc Hạo là người đầu tiên xây dựng hệ thống chính quyền thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Khúc Hạo còn sửa đổi chế độ điền tô, thuế má và lực dịch nặng nề của thời Bắc thuộc bằng chính sách “Quân bình thuế ruộng” và “tha bỏ lực dịch”, những chính sách này còn đồng thời “chấp nhận và tôn trọng quyền sở hữu trên ruộng đất của các công xã, quyền phân phối ruộng đất bình đẳng của công xã cho các gia đình, và trên cơ sở đó, mỗi hội đóng một khoản thuế đồng đều cho nhà nước thông qua công xã. Nội dung thực sự của chính sách “Quân bình thuế ruộng” là ở chỗ đó. Bằng chính sách ấy chính quyền họ Khúc đã khôi phục lại vai trò và truyền thống công xã, thực hiện một phương thức bóc lột phù hợp với kết cấu kinh tế - xã hội thực sự của nước ta lúc bấy giờ, tạo nên sự dung hợp thỏa đáng giữa Nhà nước và Công xã, tức giữa Nước và Làng” [5, tr. 204]. Mặt khác, chính sách “Quân bình thuế ruộng” đã bước đầu xác lập quyền sở hữu trên danh nghĩa của nhà nước đối với ruộng đất của công xã.

Năm 917, nhà Nam Hán thành lập, Khúc Thừa Mỹ được Khúc Hạo cử sang làm Hoan Hảo sứ với ý muốn dò xét thái độ nhà Nam Hán.

Trong năm đó, Khúc Hạo mất, Khúc Thừa Mỹ về nước kế nghiệp cha, ông xin lĩnh chức “Tiết Việt” của nhà Lương với ý thần phục, nhờ vậy mà đất nước có một thời gian yên bình. Đến năm 930, lấy cớ họ Khúc thần phục nhà Lương, vua Nam Hán đưa quân xâm lược bắt Khúc Thừa Mỹ về nước. Trong Tân Ngũ Đại sử, mục Nam Hán Thế gia viết: “Đại Hữu năm thứ 3 [930], [Vua Nam Hán] sai tướng Lý Thủ Dung, Lương Khắc Trinh đánh Giao Chỉ, bắt được Khúc Thừa Mỹ” [2, tr. 235].

Sự nghiệp của họ Khúc trong lịch sử Việt Nam được ghi chép trong các quyển sử của Việt Nam và Trung Quốc cho thấy vai trò rất quan trọng của dòng họ này trong bước ngoặt của lịch sử đất nước ở thế kỷ X.

  1. Quan điểm của Giáo sư Phan Huy Lê về sự nghiệp của học Khúc trong công cuộc dựng nền tự chủ vào nửa đầu thế kỷ X qua tác phẩm “Lịch sử và văn hóa Việt Nam – Tiếp cận bộ phận”
    • Về tác phẩm “Lịch sử và văn hóa Việt Nam – Tiếp cận bộ phận”

Năm 2007, Nhà xuất bản Giáo dục xuất bản một tuyển tập các luận văn khoa học của Giáo sư [GS] Phan Huy Lê với nhan đề “Lịch sử và Văn hóa Việt Nam – Tiếp cận bộ phận”. Năm 2017, công trình này được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ, đây là thành tựu đáng tự hào của ngành sử học Việt Nam nói chung và GS Phan Huy Lê nói riêng. Cùng với những nhà sử học lớn đạt giải thưởng này như Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh, Nguyễn Khánh Toàn, Trần Huy Liệu, Phạm Huy Thông, Hà Văn Tấn, Hoàng Xuân Hãn, GS Phan Huy Lê với công trình “Lịch sử và Văn hóa Việt Nam – Tiếp cận bộ phận” đã bổ sung vào nhận thức về lịch sử dân tộc với những góc nhìn khoa học rất độc đáo, đóng góp lớn vào công tác nghiên cứu khoa học lịch sử ở Việt Nam, nhất là thời kỳ cổ trung đại.

Về nội dung, trong công trình này, GS Phan Huy Lê với sự giúp đỡ của con gái mình là Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phan Phương Thảo đã tuyển chọn những bài viết mới sau năm 1998, bao gồm cả những báo cáo trong hội thảo quốc gia và quốc tế, đã công bố và chưa công bố, tất cả những bài viết đó được sắp xếp thành các chương sau:

Chương I: Tính đa tuyến toàn bộ, toàn diện của lịch sử Việt Nam

Chương II: Về những trung tâm văn minh và Nhà nước cổ đại trên lãnh thổ Việt Nam

Chương III: Bước ngoặt lịch sử vào nửa đầu thế kỉ X

Chương IV: Bước chuyển biến từ thời cuối Trần sang Lê Sơ

Chương V: Thắng lợi và thất bại của Tây Sơn

Chương VI: Một số vấn đề nông thôn và đô thị

Chương VII: Thành Thăng Long-Hà Nội và di tích Hoàng Thành mới phát lộ

Chương VIII: Một số sự kiện và nhân vật lịch sử

Chương IX: Sử học, Việt Nam học, Đông phương học, Quan hệ giao lưu văn hóa với thế giới.

Trong đó, những nội dung về Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo và Khúc Thừa Mỹ được trình bày ở chương III “Bước ngoặt lịch sử vào nửa đầu thế kỉ X”.

Về công trình này, chính GS Phan Huy Lê đã chia sẻ [5, tr. 6]:

Trong hơn nửa thế kỉ nghiên cứu và giảng dạy lịch sử Việt Nam, chủ yếu là lịch sử Việt Nam thời cổ đại và trung đại, tôi luôn luôn tự nhủ và tự răn mình là phải cố gắng giữ ngòi bút cho ngay thẳng, phải ra thức thu thập tư liệu, mở rộng các nguồn sử liệu và giám định, xử lí thật nghiêm túc để phục dựng lại những trang sử khách quan, trung thực theo khả năng cao nhất của mình…. Chỉ trên cơ sở lịch sử được nhận thức một cách khách quan, trung thực thì mới có thể đưa ra những phân tích, đánh giá có cơ sở khoa học và rút ra những bài học có giá trị thực tiễn cao. Trên con đường lao động và phấn đấu vì chức năng và nhiệm vụ của khoa học lịch sử, kết quả tìm tòi, khám phá của mỗi nhà sử học chỉ là những viên gạch, những hòn đá lát đường tiến tới chân lí lịch sử.

GS Phan Huy Lê xem công trình này là “đóng góp nhỏ của một nhà sử học trên con đường vạn dặm của khoa lịch sử với cố gắng không biết mệt mỏi nâng cao dần nhận thức khoa học về lịch sử và văn hóa Việt Nam vô cùng phong phú, đa dạng do các lớp cư dân và dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam tạo lập nên qua biết bao bước thăng trầm đầy gian truân và rất hùng tráng, luôn luôn trường tồn cùng đất nước và dân tộc” [5, tr. 7].

  • Quan điểm của Giáo sư Phan Huy Lê về sự nghiệp của họ Khúc trong công cuộc dựng nền tự chủ vào nửa đầu thế kỷ X qua tác phẩm “Lịch sử và văn hóa Việt Nam – Tiếp cận bộ phận”
  • Khúc Thừa Dụ dựng quyền tự chủ

Trong công trình của mình, GS Phan Huy Lê khẳng định sự sụp đổ của nhà Đường và nạn cát cứ ở Trung Quốc tạo ra một thời cơ vô cùng thuận lợi cho cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta. Năm 905 khi viên Tiết độ sứ cuối cùng là Độc Cô Tổn bị gọi về nước thì cũng là lúc chính quyền đô hộ ở An Nam gần như mất hết quyển lực, không có người cầm đầu và hoang mang lo sợ cực độ vì không còn chỗ dựa và sự tiếp ứng của triểu đình nhà Đường. Trong bối cảnh lịch sử và thời cơ đó, Khúc Thừa Dụ đã nổi dậy giành lại chính quyền. Quan quân nhà Đường không dám chống cự và hào trưởng họ Khúc với sự ủng hộ mạnh mẽ của dân chúng đã giành thắng lợi dễ dàng.

GS Phan Huy Lê cho rằng “Họ Khúc nổi dậy trong bối cảnh suy sụp và cát cứ cuối đời Đường. Nhưng khác với những thế lực cát cứ ở Trung Quốc chỉ nhằm hùng cứ một phương, rồi bị lôi cuốn vào cuộc tranh bá đồ vương, cuộc nổi dậy giành chính quyền của họ Khúc mang tính chất cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Trong điều kiện lực lượng của chính quyền mới còn non trẻ, họ Khúc chưa xưng vương, xưng đế mà tự xưng Tiết độ sứ là một giải pháp chính trị ngoại giao mềm mỏng, khôn khéo để tránh sự đối đầu với các vương triều phong kiến phương bắc, tranh thủ thời gian xây dựng lực lượng” [5, tr. 195- 196].

  • Cải cách Khúc Hạo và chính sách ngoại giao của Khúc Thừa Mỹ

Năm 907, Khúc Thừa Dụ mất, con là Khúc Hạo thay cha, Khúc Hạo thực hiện cải cách quan trọng nhằm từng bước thoát khỏi ách cai trị của nhà Đường. Khúc Hạo chia cả nước thành 5 cấp hành chính: Lộ, Phủ, Châu, Giáp, Xã và Xã là cấp hành chính cơ sở đầu tiên được đặt ra với Quản giáp và phó tri giáp [cấp giáp], Chánh lệnh trưởng và Tá lệnh trưởng [cấp xã]. Cả nước có 314 giáp, suốt thời Bắc thuộc, chưa lúc nào bọn đô hộ nắm được các tổ chức cơ sở ấy. Có thể xem Khúc Hạo là người đầu tiên xây dựng hệ thống chính quyền thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Theo Phan Huy Lê thì việc đổi Hương thành Giáp là “Một cải cách quan trọng của chính quyền họ Khúc” [5, tr. 197].

Khúc Hạo còn sửa đổi chế độ điền tô, thuế má và lực dịch nặng nề của thời Bắc thuộc bằng chính sách “Quân bình thuế ruộng” và “tha bỏ lực dịch”, những chính sách này còn đồng thời “chấp nhận và tôn trọng quyền sở hữu trên ruộng đất của các công xã, quyền phân phối ruộng đất bình đẳng của công xã cho các gia đình, và trên cơ sở đó, mỗi hội đóng một khoản thuế đồng đều cho nhà nước thông qua công xã. Nội dung thực sự của chính sách “Quân bình thuế ruộng” là ở chỗ đó. Bằng chính sách ấy chính quyền họ Khúc đã khôi phục lại vai trò và truyền thống công xã, thực hiện một phương thức bóc lột phù hợp với kết cấu kinh tế - xã hội thực sự của nước ta lúc bấy giờ, tạo nên sự dung hợp thỏa đáng giữa Nhà nước và Công xã, tức giữa Nước và Làng” [5, tr. 204]. Mặt khác, chính sách “Quân bình thuế ruộng” đã bước đầu xác lập quyền sở hữu trên danh nghĩa của nhà nước đối với ruộng đất của công xã.

Những cải cách của Khúc Hạo đã tạo điều kiện cho chính quyền trung ương có khả năng kiểm soát tất cả các vùng trong địa phương, củng cố sự thống nhất về mặt lãnh thổ, xóa bỏ chế độ nô dịch hà khắc, mang lại sự yên vui cho nhân dân, thể hiện rõ tinh thần của một quốc gia độc lập và tự chủ. Phan Huy Lê cho rằng: “chính quyền tự chủ do họ Khúc xây dựng mang tính dân tộc cao và là sản phẩm trực tiếp của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân” [5, tr. 198].

Cùng quan điểm này, GS Đào Duy Anh nhận xét: “Những cải cách của Khúc Hạo cho phép chúng ta suy đoán rằng trong tình trạng suy yếu của nhà Đường, các hào trưởng địa phương không những đã nhân cơ hội  nổi lên chiếm lại ruộng đất  cua quan lại địa chủ Trung Hoa, mà còn cướp cả ruộng đất của các xã , do đã đã ít nhiều thủ tiêu tàn tích thị tộc, nhất là ở đồng bằng. Họ Khúc đặt ra xã quan là cốt nắm lấy việc hành chính ở cấp xã trước kia vốn vẫn thuộc quyền của tộc trưởng. Cuộc kinh dịch của họ Khúc như thế là đã mở ra một bước phát triển mới cho xã hội phong kiến mà các triều đại tự chủ sau này sẽ thúc đẩy thêm” [1, tr. 163].

GS Lê Thành Khôi nhận xét: “Sự khô khan của các sử biên niên khi ghi lại sự kiện này không thể khiến chúng ta coi nhẹ tầm quan trọng của việc cai trị của Khúc Hạo. Các biện pháp ông dùng cho thấy quyền uy của nhà Đường đã biến mất hoàn toàn và nên hành chính mới của Việt Nam bao trùm toàn bộ đất nước và xuống tận cấp xã vốn nằm ngoài tầm với của người Trung Quốc cho tới lúc này… Từ mảnh vỡ của đế chế Trung Hoa, một quốc gia mới ra đời” [7, tr. 139]

Sau khi Khúc Hạo mất, Khúc Thừa Mỹ kế nghiệp, tuy nhiên chính sách ngoại giao sai lầm đã khiến cho công cuộc dựng quyền tự chủ của họ Khúc bị gián đoạn. GS Phan Huy Lê cho rằng cuộc kháng chiến chống Nam Hán lẩn thứ nhất thất bại có nhiều nguyên nhân, một phần do quân đội họ Khúc mới gây dựng còn non trẻ, chưa được tôi luyện trong chiến trận, nhưng chủ yếu do vai trò tổ chức và lãnh đạo của Khúc Thừa Mỹ.

Trước đây, Khúc Hạo đã cho Khúc Thừa Mỹ làm Hoan hảo sứ sang Quảng Châu để giao hảo và thăm dò tình hình Nam Hán. Khúc Thừa Mỹ lên nắm chính quyển, năm 919 lại sai sứ sang nhà Hậu Lương [907-923] ở trung nguyên để xin nhận chức tước với ý định dựa vào Hậu Lương để khống chế Nam Hán. Nhà Hậu Lương đã phong họ Khúc làm Tiết độ sứ cai quản Giao Châu, nhưng trên thực tế, nhà Hậu Lương ở tận trung nguyên làm sao khống chế được Nam Hán, hơn nữa thế lực Hậu Lương đang suy yếu và năm 923 thì sụp đổ, bị nhà Hậu Đường [923-935] thay thế. Đây là một tính toán sai của Khúc Thừa Mỹ về mặt đối ngoại. Không một tài liệu nào ghi chép về diễn biến cuộc kháng chiến của Khúc Thừa Mỹ, chỉ biết họ Khúc bị thất bại nhanh chóng và hầu như không có sức kháng cự. Đây lại là một sai lầm nữa của Khúc Thừa Mỹ: thiếu quyểt tâm chống giặc và không biết dựa vào dân để chống giặc [5, tr. 206].

Quan điểm của GS Phan Huy Lê đã xác lập vai trò rất quan trọng của họ Khúc trong lịch sử Việt Nam: GS Phan Huy Lê được xem là nhà sử học đương đại hàng đầu của Việt Nam , cùng với Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng và Đinh Xuân Lâm hợp thành “tứ trụ sử học” huyền thoại của Việt Nam. Ông được nhà nước giao phó trọng trách là Tổng chủ biên của bộ “Quốc sử” đang được triển khai, GS Phan Huy Lê đã cần mẫn làm việc, cống hiến cho đến khi qua đời [tháng 6/2018]. Những quan điểm của GS Phan Huy Lê về họ Khúc trong công trình “Lịch sử và văn hóa Việt Nam – Tiếp cận bộ phận” được xem là nền tảng để nghiên cứu về họ Khúc trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trong công trình này, GS Phan Huy Lê đã khẳng định tầm quan trọng của họ Khúc, đây là dòng họ đã có công rất lớn kết thúc hơn 1.000 năm Bắc thuộc với nghệ thuật chính trị, quân sự, ngoại giao kiệt xuất mà dấu ấn lớn nhất là công lao của Khúc Thừa Dụ và Khúc Hạo. Khởi nghĩa Dương Đình Nghệ sau đó và chiến công của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng năm 938 là sự kế thừa, tiếp nối truyền thống, nền tảng mà họ Khúc đã để lại, GS Phan Huy Lê nhận xét họ Khúc đã: “tập hợp được lực lượng yêu nước dưới ngọn cờ cứu nước của họ Khúc” [5, tr. 205]

Quan điểm của GS Phan Huy Lê đã chứng minh họ Khúc và công cuộc dựng quyền tự chủ của họ Khúc là một điểm sáng trong lịch sử Việt Nam nói riêng và lịch sử chế độ quân chủ Đông Á nói chung: GS Phan Huy Lê đã cho rằng, công cuộc dựng quyền tự chủ của Khúc Thừa Dụ đặt trong bối cảnh chung của Đông Á mà đế chế nhà Đường là chủ đạo có những nét đặc trưng. Cụ thể Khúc Thừa Dụ không chọn giải pháp như những Tiết Độ Sứ khác ở phía Tây và phía Nam Trung Hoa thực hiện là thiết lập sự cát cứ, lập quốc gia riêng, hình thành cục diện “Ngũ Đại – Thập Quốc” mà lựa chọn giải pháp mềm dẻo hơn, linh hoạt trong sách lược để tránh những xung đột chiến tranh hết sức căng thẳng. Khúc Thừa Dụ đã khôn khéo vừa duy trì sự ràng buộc của nhà Đường và sau đó là Hậu Lương, vừa từng bước kiến tạo nền tảng để con là Khúc Hạo tiến hành cải cách để công cuộc dựng quyền tự chủ được chắc chắn hơn. Có thể nhận thấy trong bối cảnh chung của lịch sử Đông Á, giải pháp mà Khúc Thừa Dụ và sau đó là Khúc Hạo thực hiện có những nét rất tiến bộ, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của hai nhà chính trị kiệt xuất Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo. Đồng quan điểm với GS Phan Huy Lê, GS Lê Thành Khôi cho rằng: “Từ mảnh vỡ của đế chế Trung Hoa, một quốc gia mới ra đời]. Vê sau nhà Tống thực hiện chinh phạt xuống phía Nam kết thúc tình trạng “thập quốc” nhưng đã thất bại trong cuộc chiến tranh với Đại Cồ Việt thời Tiền Lê do Lê Hoàn lãnh đạo, thành tựu đó của nhà Tiền Lê chắc rằng có nền tảng vững chắc mà họ Khúc đã để lại. Nhà nước Đại Cồ Việt và Đại Việt sau đó là một triều đại quân chủ có vị thế ở Đông Á, dù trải qua nhiều biến động nhưng luôn bảo vệ được thành quả đấu tranh giành độc lập của mình.

Quan điểm của GS Phan Huy Lê mở ra những nhận thức mới cần tiếp tục nghiên cứu để làm rõ hơn về lịch sử Việt Nam và vai trò của họ Khúc trong giai đoạn bước ngoặt ở thế kỷ X: Trong nghiên cứu của GS Phan Huy Lê về họ Khúc, GS Phan Huy Lê đã chỉ ra những vấn đề rất quan trọng của cải cách Khúc Hạo, nhấn mạnh nội dung “cải cách hành chính” và “bình quân thuế ruộng”, những nghiên cứu của ông cho phép chúng ta suy nghĩ về hình thái kinh tế xã hội Việt Nam thế kỷ X trong tương quan với trạng thái kinh tế - xã hội của nhà nước phong kiến Trung Hoa. Phải chăng bên cạnh nghệ thuật quân sự, chính trị,  ngoại giao tài ba của họ Khúc thì chính những giá trị làng xã và đặc điểm văn hóa riêng biệt là “vũ khí” quan trọng để chúng ta tồn tại trước ách cai trị khắc nghiệt kéo dài hơn 1.000 năm. Những nghiên cứu, gợi mở này đòi hỏi khoa học lịch sử phải tiếp tục suy nghĩ, tìm tòi, nghiên cứu để làm sáng tỏ hơn, từ đó bổ sung vào kho tàng lịch sử dân tộc những tư liệu mới, giàu tính khoa học và giáo dục thế hệ mai sau truyền thống đáng tự hào mà tổ tiên đã để lại.

GS Phan Huy Lê với công trình “Lịch sử và văn hóa Việt Nam – Tiếp cận bộ phận”đã có những nghiên cứu rất quan trọng về lịch sử Việt Nam nói chung và vai trò của họ Khúc nói riêng trong lịch sử Việt Nam. Những quan điểm mà GS Phan Huy Lê thể hiện trong công trình này về vị trí của họ Khúc là mẫu mực và là nền tảng để có những nghiên cứu sâu hơn về họ Khúc và vai trò của họ Khúc trong lịch sử Việt Nam thế kỷ X. GS Phan Huy Lê tuy đã đi xa nhưng những cống hiến, tài năng và đức độ của ông vẫn là niềm cảm hứng cho những nhà nghiên cứu sử học Việt Nam tiếp tục trên con đường nghiên cứu sử học nước nhà.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đào Duy Anh [2013], Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

2. Khuyết danh [1993], Đại Việt sử lược [Nguyễn Gia Tường dịch, Nguyễn Khắc Thuần hiệu đính], Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh

3. Châu Hải Đường [dịch và biên soạn] [2018], An Nam Truyện, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội

4. Cát Kiếm Hùng [2005], Bước thịnh suy của các triều đại phong kiến Trung Quốc – nhà Đường- Tống – Nguyên, Phong Đảo dịch, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.

5. Phan Huy Lê [2012], Lịch sử và văn hóa Việt Nam – Tiếp cận bộ phận, Nxb Thế giới, Hà Nội.

6. Ngô Sĩ Liên, Phan Phu Tiên, Phạm Công trứ, Lê Hy [2004], Đại Việt Sử ký toàn thư – tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

7. Lê Thành Khôi [2014], Lịch sử Việt Nam – từ nguồn gốc đến thế kỷ XX, Nxb Thế giới, Hà Nội.

8. Ngô Thì Sỹ [1991], Việt Sử tiêu án, Hội nghiên cứu văn hóa Á Châu dịch năm 1960, bản điện tử. 

Video liên quan

Chủ Đề