Pragmatics la gì

"Tuyệt ở chỗ là nó không gây đau đớn gì cả," chàng nói. "Nhờ đó mà ta biết nó bắt đầu."

"Thật thế ư?"

"Thật mà. Dù sao anh rất ái ngại vì cái mùi hôi thối. Hẳn nó làm em khó chịu."

"Xin đừng!"

"Nhìn chúng kìa," chàng nói. "Giờ thì không biết cảnh tượng hay mùi hương, thứ nào đã lôi kéo chúng tới đây?"



[trích trong Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro- E.Hemingway]


Khi đọc đến đoạn văn này, ta thật sự không hiểu hai người đang nói gì với nhau. Ở 3 dòng đầu, ta có thể hiểu cả 2 đang đề cập đến một-cái-gì đó là nó, nhưng đến câu mệnh lệnh “Xin đừng!” thì ta không thể hiểu cô gái ấy muốn nói đến điều gì, về mùi hôi, về nó, hay về chàng trai.

Ta tự hỏi rằng cái gì đang diễn ra giữa hai người này, những mẩu đối thoại của họ làm ta không thể nào hiểu nổi, dù họ không nói sai văn phạm, dù ta vẫn hiểu từng từ họ nói, nhưng nhìn chung, ta vẫn không hiểu họ đang nói đến cái gì, đang diễn ra chuyện gì, và vì sao họ nói như vậy.

Thế thì, chúng ta có cần biết những gì họ nói hay không, có cần hiểu những gì họ nói hay không? Có, vì chúng ta là người nghe. Những chữ có nghĩa, những câu có nghĩa vẫn vào tai ta, nhưng ta vẫn không hiểu cuộc nói chuyện đang diễn ra đó mang một nội dung gì.

Họ đã nắm chìa khoá việc hiểu của chúng ta, hay nói đúng hơn, nếu chúng ta muốn hiểu đoạn đối thoại của họ, chúng ta phải được họ cung cấp một chìa khoá giải mã. Vấn đề đó được gọi là Pragmatics-Ngữ dụng học.

Ngữ dụng học đơn giản là việc sử dụng ngôn ngữ của một người.
Căn cứ vào tình huống ví dụ trên, ở vị trí người nghe, chúng ta sẽ không hiểu được họ-người nói nói gì nếu chúng ta không có một vài kĩ thuật nhận biết cùng với họ.

Nhưng trước hết, ta tìm hiểu sơ qua vì sao có một ngành nghiên cứu lĩnh vực này, lĩnh vực sử dụng ngôn ngữ của mỗi cá nhân.

Đây là bản đồ của Peirce:

Pragmatics la gì




Pragmatics la gì



Bản đồ này cho ta thấy rằng ở 3 đỉnh của tam giác là:
Đối tượng/vật [object]
Cái được biểu đạt [representamen]


Hiệu quả mà kí hiệu tác động lên đối tượng khác khi được giải thích [interpretant]
3 đỉnh này bao quanh 1 kí hiệu ở giữa, và toàn bộ hệ thống đó được gọi là kí hiệu học.
Để cho rõ hơn, ta sẽ có biểu đồ bên dưới


Pragmatics la gì



Có một con mèo được biểu đạt bằng tên Yojo, và khi nhắc đến nó, thì người nghe hình thành trong đầu hình ảnh/khái niệm một con mèo.

Vậy, biểu đồ này có liên quan gì đến Pragmatics?

Một người có tên là Charles William Morris đã phát triển biểu đồ này của ông Charles Sanders Peirce thành ba phương diện của kí hiệu học. Ông phân biệt như sau:

Nghiên cứu ý nghĩa của kí hiệu và hệ thống kí hiệu ta có ngành Ngữ nghĩa học-Semantics.
Nghiên cứu cấu trúc của kí hiệu và hệ thống kí hiệu được gọi là ngành Cú pháp học-Syntatics.
Và nghiên cứu mối quan hệ giữa kí hiệu và lí giải kí hiệu ta có ngành Ngữ dụng học-Pragmatics.
Đến đây, bạn đừng lấy 3 phương diện này đế áp lên cái biểu đồ con mèo hấp dẫn phía trên, vì nó không thể.

Ta quay lại ví dụ đầu bài, cận cảnh một đôi trai gái đang trò chuyện với nhau, Pragmatics cần ở đó hơn. Đối tượng ngành này quan tâm là người nói/sử dụng ngôn ngữ để lí giải sự việc, ngữ cảnh việc lí giải diễn ra, phần chìm sâu không bộc lộ trên bề mặt ngôn ngữ, và khoảng cách tương đối giữa người nói và người nghe hay nói một cách khác, sự gần gũi, bất luận về phương diện vật chất, xã hội, hay nhận thức, đều hàm ẩn một kinh nghiệm mà hai bên, người nói và người nghe cùng có được.

Điều đó cũng có nghĩa là nếu chúng ta là người ngoài cuộc, không phải là đích đến của một trong hai nhân vật trên, chúng ta sẽ không thể hiểu hai người đó đang thông báo với nhau điều gì, mặc dù họ dùng cùng một ngôn ngữ với chúng ta.

Thế thì nói qua một chút về Ngữ nghĩa học, Semantics- và Cú pháp học, Syntatics để cho thấy lí do vì sao ngành Ngữ dụng học có cơ sở xuất hiện trong ngôn ngữ.
Ta có một câu như sau:

Con vịt chạy đến Mary và liếm chân cô.

Ở câu này, ngành Cú pháp nói đúng, không có gì sai văn phạm, nhưng ngành Ngữ nghĩa học nói câu này không đúng, vì câu này có hai vế, vế trên, ‘Con vịt chạy đến Mary’, có nghĩa, nhưng ‘liếm chân cô’ thì không có nghĩa. Ngành Ngữ nghĩa học cho rằng chữ ‘và’ rất quan trọng, cả câu chỉ đúng khi p và q đều đúng. Lúc này ngành Ngữ dụng học mới phân vân rằng, liệu con vịt đó có phải là một biểu tượng con vịt ? hay nó còn có hàm ý khác, chẳng hạn con chó có tên là Vịt? Hình như ngành Ngữ dụng học không có câu nào sai hay đúng, mà là có hiểu được ý người nói hay không mà thôi.

Nó làm cho người nghe hiểu lờ mờ rằng con vịt này là đại diện cho cái gì đó, cái gì đó trong Ngữ dụng học gọi là chỉ xuất [deixis], chỉ xuất nếu đại diện cho một người/vật/con [thing] thì được gọi là chỉ xuất nhân xưng, còn có chỉ xuất thời gian, như tối nay, ngày mai, và chỉ xuất không gian, như đó và đây. Chỉ xuất không gian nói một cách chính xác như ‘Tôi đang đứng gần em’ thì luôn có một khoảng cách tâm lí [psychological distance], nghĩa là từ ‘gần’ luôn mang một nghĩa tượng trưng từ người nói và người nghe.

Giữa người nói và người nghe luôn có một hệ thống rất phức tạp.

Giả sử, chúng ta nói chuyện với bạn thân chúng ta, chúng ta sẽ nói khác, và nói chuyện với bạn mới quen, chúng ta sẽ nói khác. Tại sao có chuyện như vậy? Tại vì bạn thân quá hiểu những gì chúng ta nói. Thế thì sao bạn thân hiểu được chúng ta, mà bạn mới quen không hiểu được chúng ta?

Khi ta nói chuyện với bạn thân, bạn ấy hiểu được cái chúng ta nói, vì ta và bạn có một hệ qui chiếu. Hệ qui chiếu này đặt tên cho các sự vật một kí hiệu qui ước giữa bạn và ta. Điều này rất là có lợi khi ta nói xấu ai đó trước mặt người ấy, nhưng không sợ bị lộ, vì ta đã đặt người bị nói xấu một cái tên khác chỉ có bạn và ta biết, không loại trừ sử dụng ngoại ngữ để đề cập. Nhưng, để cuộc nói xấu thành công, bắt buộc bạn và ta phải có suy luận. Quá trình suy luận đó dựa trên cái gì, dựa trên trong quá khứ ta và bạn đã từng đặt ra một cái nickname cho người bị nói xấu. Có nghĩa là, khi ta nhắc đến Con Vịt-tức người bị nói xấu- thì trong đầu bạn lập tức suy luận rằng ta đang đề cập đến ai, và bạn sẽ thực hiện một việc tra cứu trong trí nhớ hành động đặt nickname của bạn và ta. Bạn đang hồi chiếu [anaphor].

Vậy là bạn và ta có chung một quá khứ. Quá khứ đó rất quan trọng, vì sau này, khi ta đặt ra một giả định nào đó, tức là trước khi ta nói ra cái gì, thì bạn sẽ là người có cơ may hiểu ta nhiều nhất. Dẫn đến việc bạn truy xuất những gì ta nghĩ trong đầu và ta dẫn dắt sự việc. Đó là tiền giả định và dẫn ý.
Ví dụ, khi ta nói ‘Trời tối rồi’, bạn có thể hiểu ý của ta là ta đang nhắc khéo nên rời khỏi quán cà phê để về nhà, hay đó là một thông báo rằng đã quá trễ để làm một cái gì, hoặc giả đã đến lúc làm cơm chiều. Một hàm ý được hiểu bên dưới câu đơn với rất nhiều nghĩa.

Nhưng, nếu như ta chỉ có nói chuyện với bạn thân thì Ngữ dụng học đến đây là hết, nhưng, bạn thân đã từng là bạn không thân đúng không?
Vậy thì, giữa những người xa lạ người ta đã nói với nhau như thế nào?

Có một câu chuyện kể rằng:

Một người đàn ông hỏi người đàn bà Con chó của cô có cắn không? Người đàn bà trả lời Nó không cắn. Người đàn ông lấy tay vuốt lông con chó, con chó ngoạm một cái vào tay người đàn ông. Người đàn ông thét lên Sao cô nói nó không cắn! Đó không phải là chó của tôi. Người đàn bà trả lời.

Trong câu chuyện này lỗi của ai để dẫn tới tình trạng Người đàn ông bị chó cắn? Rõ ràng rằng ‘con chó’ hai người đề cập đến là hai con chó khác nhau. Ngữ dụng học phân tích rằng Người đàn bà đã thông báo ít hơn cái mà Người đàn ông mong đợi, ở đây được cho là bà nên nói ngay dòng cuối ra sau câu hỏi đầu tiên . Còn Người đàn ông đã hiểu nhiều hơn cái được thông báo, ở đây, ông ta ngầm hiểu rằng con chó này là con chó của Người đàn bà mà không có sự xác nhận của bà ta.

Để hạn chế bớt những lỗi như thế, có một nguyên tắc cộng tác [cooperative principle] đã được đặt ra: bạn phải cung cấp thông tin chính xác và vừa đủ so với câu hỏi, không được nhiều hơn, phần trả lời đó phải chân thực, dùng được, và rõ ràng.

Nhưng đôi khi người nói rơi vào tình trạng họ không chắc lắm về thông tin họ đưa ra. Ví dụ ‘Theo chỗ tôi được biết là họ đã lấy nhau’. Thế thì, khi nói câu này, người nói đã có được thông tin đó không được chính thức lắm và có thể không chính xác. Việc này được gọi là lời rào đón. Ngoài trường hợp không chính xác lắm các câu trả lời thì lời rào đón, trong một vài trường hợp, còn có một tính chất khác. Ví dụ ‘Miễn bàn’ để thông báo một sự việc mà người nói có thể biết chính xác câu trả lời.
Những lời rào đón như thế vi phạm nguyên tắc cộng tác đối thoại nghiêm trọng, nhưng vì thế mà nó mở ra một góc nhìn khác- hàm ý hội thoại [conversational implicature]. Bản thân từ hàm ý đã mang nghĩa ám chỉ nhiều hơn là điều được nói ra. Ví dụ ‘Anh có mang theo sách và viết không?’ ‘Anh có mang theo viết’. Đối thoại này cho thấy một vật không được nhắc đến xem như đương nhiên nó đã không được mang theo. Với hàm ý hội thoại, người trả lời đã rút ngắn câu của mình, thay vì đầy đủ là ‘Anh có mang theo viết còn sách thì quên rồi’.

Hàm ý hội thoại vẫn dính đến quá trình suy luận để sau này tách ra thành hàm ý hội thoại chung, dựa trên nguyên tắc hội thoại, và hàm ý hội thoại riêng, dựa trên hệ qui chiếu của các cá nhân, và có mang cả tính thang độ, ví dụ ‘Để tốt nghiệp, tôi cần học năm môn, hiện giờ tôi đã qua ba môn’, câu đó đánh dấu rằng còn hai môn kia chưa đạt được, và hiển nhiên, kéo theo rằng tôi cũng chưa tốt nghiệp. Những từ đánh dấu hàm ý thang độ là từ thỉnh thoảng, thường xuyên, đôi khi, chỉ cụ thể vào một hành động và những hành động còn lại mang một ẩn ý là đã được phủ định. Rất gần với ngôn ngữ xã hội học [sociolinguistics]

Có một điều cảnh báo các bạn là chính vì hàm ý bản thân nó không được hiện ra trong câu chữ, cho nên nó rất dễ bị chối bỏ bởi người nói hoặc người nghe.
Nhưng đọc từ nãy giờ, các bạn đang thấy rằng mình phải nói như thế nào mà chưa quay về việc nói, diễn ngôn.

Thế nào là nói? Là phát âm, có giọng điệu, có từ và ngữ pháp, có hoàn cảnh để nói, có sự kiện để mô tả, và hướng đến đối tượng với mục đích.

Khi người nói sử dụng ngữ điệu đó là điều kiện người nghe phân loại câu nói của người nói. Điều này gần với ngôn ngữ tâm lí học [psycholinguistics], việc hình thành câu nói trong tâm lí của người nói.

Ngữ dụng học liệt kê ra 5 dạng tình huống của người nói.
Người nói gây ra tình huống: tuyên bố
Người nói tin vào tình huống: biểu hiện
Người nói cảm nhận tình huống: bộc lộ
Người nói muốn có tình huống: điều khiển
Người nói chủ định tình huống: hứa hẹn


Ví dụ: Người nói và li cà phê
Tôi đang có một li cà phê! [tuyên bố]
Đây là li cà phê của tôi. [biểu hiện]
Ồ, một li cà phê của tôi. [bộc lộ]
Mang cho tôi một li cà phê! [điều khiển]
Tôi sẽ đi lấy li cà phê.[hứa hẹn]

Trong những tình huống như thế nảy sinh người nói gián tiếp hoặc trực tiếp về đối tượng.

Bây giờ, không còn là cuộc nói chuyện giữa hai người quen nhau nữa, mà là cuộc nói chuyện giữa hai người xa lạ, bối cảnh có liên quan đến giao tiếp xã hội, có chú ý đến thái độ người nói, có nhận phản hồi của người nghe, có một sự tương tác diễn ra.

Vào một ngày đẹp trời, bạn bước vào một phòng đang diễn ra việc giao lưu giữa nhà văn và bạn đọc. Bạn quên mang viết. Bạn ngồi xuống ghế, rất nhẹ nhàng, bạn bỏ sổ tay ra bàn, bạn bắt đầu phân vân, liệu ta có nên hỏi ngay người bên cạnh việc mượn cây viết, hay ta giả vờ lục lọi túi xách để đến lúc nào đó có người sẽ chìa ra một cây viết? Hoặc ta nói gần nói xa ta đang cần một cây viết, hoặc chọn việc nhìn thẳng người bên cạnh, nói Đưa cho tôi cây viết? Bạn sẽ chọn câu nào để giữ thể diện cho mình? Thể diện muốn kết bạn với người bên cạnh bằng cách mượn cây viết làm quen, hay thể diện rằng tôi chỉ muốn mượn viết của bạn [còn chuyện khác tôi chưa/hoặc không nghĩ đến].

Đây là sơ đồ Cách mượn một cây viết của người khác theo Penelope Brown và Stephen Levinson [hai nhà ngôn ngữ học] xây dựng vào năm 1987 trong cuốn Politeness: Universals in Language Usage

§Cách mượn một cây viết từ người khác​

Pragmatics la gì


Pragmatics la gì





Bạn nào đọc xong ví dụ này, thấy Ngữ dụng học rõ là nhiều chuyện, chỉ mỗi mượn một cây viết thôi mà cũng có hẳn một sơ đồ vẽ lại hành động đó. Nhìn vào sơ đồ này, ta biết được tính ý của mỗi người. Có người sẽ chỉ lục túi xách và im lặng, thực hiện việc ta và người: không nói gì cả, có người nói bóng gió, mà không đề cập việc mình mượn viết. Có người trước khi hỏi mượn, ướm thử xem người kia có bao nhiêu cây viết, có thể cho mình mượn không, vui vẻ cho mượn hay bực bội cho mượn.
Nếu ai cũng giống nhau, nếu chúng ta đặt cạnh nhau, thì sẽ chẳng có gì gọi là ngôn ngữ, không có gì gọi là Ngữ dụng học. Vả lại, bản chất của ngôn ngữ mang tính cá nhân.

Vậy là, ta đành ngó lại những người khác ta, xem họ sẽ cư xử như thế nào trong một đám đông.
Khi chỉ có hai người nói chuyện với nhau, chúng ta sẽ theo một nhịp điệu: bạn nói-tôi nói-bạn nói-tôi nói. Nhịp điệu này giữ cho lượt nói được bình đẳng. Nhưng xét trong một đám đông có nhiều người, thì quyền được nói [floor] là hàng quí hiếm. Nó sẽ đụng chạm đến quyền lợi ai là người được quyền nói, ai nghe, nói gì, phản hồi ra sao, khi nào kết thúc. Người nói trong một đám đông có nhiều quyền hơn trong một cuộc trò chuyện 2 người. Lúc này, người nói đang nắm giữ khoảng cách nghỉ của nhóm, lượt lời [turn] của mình, và đang thực hiện nhận lượt nói [turn-taking] theo một hệ thống điều hành thoả thuận trong nhóm [local management system]. Cũng như một cá nhân, một nhóm có những tính chất để nhận biết. Có nhóm theo kiểu trao đổi rất nhanh, các lượt nói chồng lên nhau, có khi người này kết thúc lượt nói giùm người kia, khoảng thời gian dừng giữa các lượt nói, chờ phản hồi, gối đầu gần như không có, gọi là kiểu trao đổi can thiệp. Nhưng có nhóm hoạt động theo kiểu ngược lại, kiểu trao đổi thận trọng. Trao đổi chậm, thời gian dừng lâu, không ngắt lời nhau…Hai kiểu này là một cách thể hiện khác của lịch sự dương /âm tính. Điều này hoàn toàn tuỳ thuộc vào hệ thống điều hành của nhóm, một thoả thuận chung/ngầm giữa các thành viên trong nhóm.

Chỉ lưu ý nhỏ rằng, đặc tính hoạt động của nhóm sẽ ảnh hưởng lên cá tính của cá nhân trong nhóm đó theo một thói quen. Điều này dẫn đến tình trạng nếu thành viên hai nhóm ngồi nói chuyện với nhau, thì người hoạt động theo kiểu can thiệp nhiều [A] thường lấn át người hoạt động theo kiểu thận trọng nhiều. Kéo theo xạ ảnh trong mắt người A sẽ thấy người B chậm lụt, hậu đậu, còn người B sẽ thấy người A nhanh nhẩu, mất lịch sự, giành quyền nói của người khác.

Nếu không biết các loại hoạt động cá nhân của nhau, việc dẫn đến hiểu lầm mong muốn của người nói là việc dễ xảy ra.

Như Saussure đã nói, ngôn ngữ không chỉ bao gồm chữ viết hoặc lời nói, mà còn bao gồm cả một hệ thống kí hiệu. Ngữ dụng học cũng không bỏ qua việc nhắc nhở này, bởi vì chính nó là một phần trong hệ thống kí hiệu. Khảo sát ở việc dụng ngữ không dùng lời nói, tức là người nói giờ chuyển sang người viết, thì việc đầu tiên yêu cầu người viết phải mạch lạc[coherence].
Mạch lạc nghĩa là gì? Mạch lạc nghĩa là rõ ý, sự rõ ý này liên quan đến kinh nghiệm chung ở nhiều người, thường là một cộng đồng hoặc một dân tộc.

Lấy ví dụ một dòng tin ngắn ghi như thế này: Kẻ trộm cướp ngân hàng với thanh kẹo dâu.
Tin này đập vô mắt người đọc sẽ được suy luận như sau: kẻ trộm này đang ăn kẹo dâu trong khi cướp ngân hàng, kẻ trộm này để lại hiện trường là thanh kẹo dâu [mà người ta nghi ngờ là của hắn], kẻ trộm này cướp ngân hàng bằng cách làm thanh kẹo dâu giống cây súng, vân vân. Thế thì tại sao có nhiều giả thiết đặt ra trong đầu người đọc vậy? Có phải chăng trí tưởng tượng của mỗi người mỗi khác? Hay nói cách khác, một kiến thức nền của người đọc [đặt mình vào vị trí tên trộm và thanh kẹo dâu sẽ làm] đã định hình suy nghĩ của họ?

Những lược đồ [schema/schemata] có trong kinh nghiệm của chúng ta đã được dùng để giải thích một kinh nghiệm mới. Điều này liên quan đến văn hoá của người viết và người đọc.
Ngữ dụng học cũng quan tâm đến việc người nước ngoài sử dụng ngôn ngữ bản xứ như thế nào được gọi là Ngữ dụng học liên ngôn ngữ [interlanguage pragmatics].

Lúc này, ta cũng biết sơ qua những gì mà ngành Pragmatics nghiên cứu. Trong các cuộc đối thoại giữa hai người, Ngữ dụng học chia làm hai loại, thân và không thân. Với 2 người thân nhau, họ sẽ có chung hệ qui chiếu, sử dụng hồi chiếu, suy luận, chỉ xuất để diễn tả đối tượng họ đề cập. Ở mức độ xã giao hơn, họ sẽ sử dụng nguyên tắc cộng tác để đảm bảo tính dễ hiểu/ truyền đạt của người nói và người nghe, dùng lời rào đón để nắm bắt ý, dùng hàm ý để ngắn gọn hội thoại. Bên cạnh đó, hai người không thân nhau khi giao tiếp với nhau cũng dùng đến lịch sự trong việc diễn ngôn để giữ thể diện của mình và người khác. Và trong một cuộc hội thoại, việc giữ thể diện diễn ra ở điểm người nói tuân theo hệ thống điều hành của nhóm, áp dụng các kiểu hội thoại để các bên tiến đến hiểu nhau hơn. Và cuối cùng, nền tảng của Ngữ dụng học là kiến thức nền của mỗi cá nhân, có dính đến bộ lọc khái niệm để dùng những lược đồ đó giải thích cho kinh nghiệm mới.

12.12.10
Nhu Huinh

Tài liệu tham khảo:
Chính: George Yule (2003), Dụng học, nxb Đại học quốc gia Hà nội.
Thêm: Đỗ Hữu Châu (2003), Đại cương Ngôn ngữ học (II), nxb Giáo dục.
Viện Thông tin Khoa học Xã hội(1986), Ngôn ngữ học (II), nxb Khoa học Xã hội
Daniel Chandler(2007), The Basics Semiotics, Routledge
Nguyễn Đức Dân(1998), Ngữ dụng học (I), nxb Giáo dục.