Quản lý nhà nước về lễ hội là gì

[TG] - Để làm tốt công tác quản lý, tổ chức lễ hội, cần phải nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của các cơ quan quản lý, không đùn đẩy, né tránh; phân công trách nhiệm rõ ràng; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm trong xử lý những hiện tượng tiêu cực... Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch TRỊNH THỊ THỦY trả lời phỏng vấn của Tạp chí Tuyên giáo xung quanh nội dung này.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy

NGHỊ ĐỊNH 110/2018/NĐ-CP - HÀNH LANG PHÁP LÝ QUAN TRỌNG TRONG QUẢN LÝ, TỔ CHỨC LỄ HỘI

- Trong những năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch [Bộ] đã ban hành các văn bản chỉ đạo về quản lý và tổ chứclễ hội,được các địa phương kịp thời triển khai thực hiện, đáp ứng yêu cầu về tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn cả nước.

Năm 2018, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29-8-2018 quy định về quản lý và tổ chức lễ hội [Nghị định]. Đây là lần đầu tiên có một văn bản quy phạm pháp luật dưới hình thức Nghị định của Chính phủ về công tác quản lý và tổ chức lễ hội; là hành lang pháp lý quan trọng để các cấp, ngành và địa phương làm căn cứ tổ chức thực hiện.

Với những quy định cụ thể, phù hợp với thực tiễn về trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội; trách nhiệm của ban tổ chức lễ hội; quyền và trách nhiệm của người tham gia lễ hội, Nghị định là căn cứ để Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn và quản lý.

Có thể khẳng định, với sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của chính quyền các cấp, sự tuân thủ nghiêm túc các quy định tại Nghị định, ý thức trách nhiệm của ban tổ chức và người tham gia lễ hội trong thời gian gần đây đã được nâng lên rất nhiều. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã đi vào nền nếp, hiệu quả, đảm bảo đúng mục đích, nội dung, giá trị văn hoá, lịch sử của lễ hội; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tính nhân văn đối với xã hội và mỗi người dân; tăng tính hiệu quả trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc.

Nhìn chung, các hoạt động lễ hội trên địa bàn cả nước trong những năm gần đây được tổ chức an toàn, đáp ứng nhu cầu tinh thần trong đời sống của nhân dân. Ý thức tham gia lễ hội của cộng đồng thực sự có những chuyển biến tích cực.

*

- Trước khi Nghị định số 110/2018/NĐ-CP được ban hành, trong các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ cũng đã có những nội dung liên quan tới quản lý và tổ chức lễ hội, tuy nhiên chưa có một Nghị định riêng biệt hoặc mới chỉ dừng ở hình thức Thông tư. Nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm tới việc chỉ đạo tổ chức thực hiện đối với hoạt động này, thực tế đó đòi hỏi phải có các quy định mang tính vừa nhất quán, vừa nguyên tắc, vừa có hướng dẫn cụ thể để các địa phương làm căn cứ triển khai thực hiện các hoạt động quản lý lễ hội trên địa bàn.

Từ khi Nghị định được ban hành, công tác tổ chức, quản lý lễ hội đã được thực hiện hiệu quả hơn. Các địa phương đã nâng cao vai trò trách nhiệm của cơ quan quản lý. Các lễ hội đảm bảo đúng mục tiêu giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, tính nhân văn cho người dân. Tuy nhiên, hoạt động lễ hội thường diễn ra trong thời gian ngắn, không gian chật hẹp, người tham gia lại quá đông nên vẫn không tránh khỏi những hiện tượng bất cập.

Công tác tổ chức lễ hội tại một số nơi vẫn chưa được chỉ đạo, quan tâm đúng mức. Vì vậy, vẫn còn hiện tượng tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, giành lộc tại một số lễ hội; đốt đồ mã, vàng mã vẫn còn diễn ra nhiều tại các di tích, đền, phủ, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí, nguy cơ hỏa hoạn. Hiện tượng bày và đổi tiền hưởng chênh lệch vẫn diễn ra; công tác vệ sinh môi trường, ùn tắc giao thông, đặt tiền giọt dầu, thu gom tiền công đức tại một số di tích chưa được xử lý kịp thời...

Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng nhìn chung những hiện tượng tiêu cực như bói toán, đốt vàng mã tràn lan, biến tướng lễ hội… vẫn chưa được khắc phục ở không ít nơi, làm ảnh hưởng không nhỏ tới bản sắc lễ hội truyền thống.

Thứ trưởng TRỊNH THỊ THỦY

Để khắc phục những hiện tượng nêu trên, Bộ đã ban hành Quyết định số 848/QĐ-BVHTTDL ngày 8-3-2019 phê duyệt Kế hoạch tuyên truyền, khuyến nghị người dân không đốt đồ mã, vàng mã tại di tích, cơ sở thờ tự và lễ hội; Quyết định số 1983/QĐ-BVHTTDL ngày 4-6-2019 phê duyệt Đề án Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội giai đoạn 2020-2021; Quyết định số 3020/QĐ-BVHTTDL ngày 30-8-2019 ban hành Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa mê tín dị đoan, loại bỏ hủ tục lạc hậu, văn hóa phẩm đồi trụy trái với thuần phong mỹ tục giai đoạn 2020-2022. Đồng thời, Bộ cũng giao trách nhiệm cho Cục Văn hóa cơ sở, Cục Di sản văn hóa, Thanh tra Bộ, hằng năm, thành lập các đoàn kiểm tra đến các địa phương để đánh giá thực trạng, những bất cập, vướng mắc, từ đó tham mưu đề xuất nội dung, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội.

Các địa phương cũng cần phải nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm của các cơ quan quản lý, không đùn đẩy, né tránh; tăng cường phối hợp liên ngành; có phân công trách nhiệm rõ ràng cho các đơn vị tham gia. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm trong xử lý những hiện tượng tiêu cực, bói toán, đốt vàng mã tràn lan, biến tướng lễ hội…

Bên cạnh việc tạo ra những hành lang pháp lý cho các hoạt động lễ hội phát triển, cũng cần phải quan tâm hơn nữa đến những chính sách bảo tồn các lễ hội truyền thống, khuyến khích người dân tham gia lễ hội với cách hành xử văn minh, lịch sự, góp phần xây dựng nhân cách hướng thiện của con người. Đồng thời, công tác tuyên truyền về lễ hội cần phải được thông tin đầy đủ, đúng mực, khách quan - coi đây là một trong những giải pháp thiết thực, góp phần giúp người dân hiểu đúng bản chất, giá trị, ý nghĩa nhân văn của các lễ hội truyền thống.

Chúng tôi cho rằng, bất cứ một hoạt động mang tính chất cộng đồng nào cũng luôn phải có sự định hướng, quản lý để tạo điều kiện cho hoạt động đó phát triển theo chiều hướng tích cực, mang lại giá trị tốt đẹp cho xã hội và mỗi người dân. Muốn vậy, công tác định hướng, quản lý phải được thực hiện nghiêm túc, sát sao, thường xuyên, liên tục; phải phát huy được sức mạnh tổng thể của các kênh thông tin, tuyên truyền...

NÂNG CAO Ý THỨC TỰ GIÁC VÀ TÍNH CHỦ ĐỘNG CỦA NGƯỜI DÂN

*

- Ngay sau khi có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn tham mưu, ban hành 5 công điện, 1 công văn chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh này trong lĩnh vực hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch.

Bộ thường xuyên chỉ đạo sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; sở Văn hóa và Thể thao; sở Văn hoá, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tại địa phương để thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình dịch bệnh, kịp thời thông tin đầy đủ, chính xác đến người dân và du khách; đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại lễ hội và di tích về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus SARS-CoV-2 gây ra.

Nhìn chung, công tác tham mưu, xây dựng và ban hành văn bản chỉ đạo ở Trung ương và địa phương đã kịp thời đáp ứng công tác phòng, chống dịch bệnh SARS-CoV-2 trong hoạt động văn hóa, thể và du lịch; tránh để tình trạng dịch bệnh lây lan, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Trong đó có nhiều nội dung như chủ động dừng tổ chức lễ hội chưa khai mạc, giảm hẳn các hoạt động hội đang diễn ra ở địa phương, tạm dừng, lùi thời gian tổ chức các hoạt động thể dục thể thao; hướng dẫn đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân hạn chế tập trung đông người, không tiếp xúc với người nghi mờ mắc bệnh, người mắc bệnh, không đi du lịch tới các vùng đang có dịch, chủ động khai báo sức khỏe, khai báo với cơ quan y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh do SARS-CoV-2 gây ra...

Việc dừng tổ chức lễ hội vẫn đảm bảo nhu cầu tinh thần - tâm linh của người dân, bởi chỉ dừng tổ chức các hoạt động hội tập trung đông người, còn phần nghi lễ vẫn được tổ chức theo nghi lễ truyền thống với đại diện cộng đồng tham gia. Quan trọng nhất là nhờ có công tác tuyên truyền được thực hiện đồng bộ, sâu rộng, nên ý thức tự giác và tính chủ động của người dân được nâng cao.

*

- Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về lễ hội, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, thời gian tới, Bộ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện những những nội dung quan trọng, cơ bản sau:

triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản của Đảng và Nghị định của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; phân công trách nhiệm, cơ chế phối hợp quản lý nhà nước đối với sở, ban, ngành trong công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn, đảm bảo lễ hội được tiến hành trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.

đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật cho chủ thể văn hóa và công chúng tham gia về việc bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp của lễ hội truyền thống và việc thực hiện nếp sống văn minh khi thực hành và tham gia lễ hội; đẩy mạnh vai trò truyền thông của các cơ quan báo chí trong việc giới thiệu nguồn gốc, nhận diện giá trị của lễ hội, di tích; giới thiệu, định hướng những hành vi ứng xử văn hóa khi tham gia lễ hội. Đồng thời, thực hiện công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học đối với lễ hội truyền thống tiêu biểu để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

kiên quyết, kiên trì hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra... nhằm hạn chế tới mức thấp nhất, tiến tới triệt tiêu các hành vi tiêu cực như chen lấn, tranh cướp, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, cờ bạc trá hình, ăn mày, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch… diễn ra trong lễ hội.

Bộ cũng sẽ tiếp tục xây dựng các giải pháp khắc phục hiện tượng lợi dụng tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, lợi ích nhóm và thương mại hóa lễ hội. Chỉ đạo Ban Quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội bố trí lực lượng thu gom kịp thời các loại tiền lễ, tiền giọt dầu đặt không đúng nơi quy định; sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch và đúng mục đích; không đưa hiện vật không có trong hồ sơ xếp hạng vào di tích, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích theo đúng Luật di sản văn hoá.

tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc; phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử di tích, lễ hội; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.

thực hiện tốt công tác khen thưởng trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội; đa dạng hóa các hình thức động viên, khích lệ; kịp thời biểu dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác tổ chức và tham gia hoạt động lễ hội.

Công tác quản lý và tổ chức lễ hội luôn cần có sự chung tay góp sức của các ngành, các địa phương, đặc biệt là vai trò tuyên truyền định hướng dư luận của truyền thông và sự vào cuộc của cộng đồng để đưa hoạt động lễ hội ngày càng đi vào nền nếp; góp phần gìn giữ, phát huy và quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của lễ hội tới mọi tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế./.

Song Hoàng - Duy Phong

Video liên quan

Chủ Đề