Số tiền xung quanh chiếu bạc xử lý thế nào

Bản án 45/2018/HS-ST ngày 21/06/2018 về tội đánh bạc sẽ là một ví dụ liên quan đến nội dung trên.

“Vào khoảng 12 giờ ngày 23/02/2018 sau khi ăn uống xong D sinh năm 1986, H sinh năm 1975 và Th sinh năm 1984 và Ph rủ nhau đánh xóc đỉa. Tỷ lệ đặt cược mỗi ván bạc từ 20.000 đồng đến 200.000 đồng ( tùy từng người chơi).

Đến 16 giờ 30 phút cùng ngày thì bị Công an huyện Yên Thành phát hiện bắt quả tang, thu giữ số tiền trên chiếu 2.750.000 đồng, số tiền trong người của D 3.500.000 đồng, của H 1.000.000 đồng, của Th 400.000 đồng.

Tại Cơ quan điều tra các đối tượng D, H, Th và Ph đều đã thừa nhận hành vi đánh bạc bằng hình thức xóc đĩa và đã chứng minh được số tiền sử dụng vào mục đích đánh bạc là 6.250.000 đồng. Cụ thể Nguyễn Xuân D sử dụng 4.500.000 đồng, Nguyễn Đình Th sử dụng 800.000 đồng, Nguyễn Xuân H sử dụng 500.000 đồng, Nguyễn Xuân Ph sử dụng 450.000 đồng.”

Điều 321, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định

“1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”

Vậy đánh bạc sẽ bị xử lý hình sự khi thua bằng tiền hay hiện vật trị giá:

+ Từ 5.000.000 đồng trở lên

+ Dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Như vậy mặc dù đánh bài ăn tiền với số tiền nhỏ nhưng người tham gia đã là người bị xử lý vi phạm hành chính hoặc đã từng bị kết án mà chưa xóa án tích về các tội danh đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc thì vẫn bị xử lý hình sự. Không thuộc các trường hợp nêu trên thì hành vi đánh bài ăn tiền nếu bị phát hiện sẽ xử lý theo pháp luật hành chính.

Theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi đánh bạc sau đây:

a) Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế hoặc các hình thức khác mà được, thua bằng tiền, hiện vật;

Làm thế nào để xác định được số tiền đánh bạc? Số tiền này là tổng số tiền trên chiếu bạc hay bao gồm cả tiền mà những người tham gia mang theo? Điều này được hướng dẫn cụ thể theo tại Khoản 3, Điều 1 Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP

3. “Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc” bao gồm:

a) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc;

b) Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc;

c) Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc.

Như vậy, căn cứ để xác định tội danh đánh bạc không chỉ là tiền được trực tiếp thu ngay tại chiếu bạc. Trong trường hợp số tiền, tài sản mang theo của từng người nếu cơ quan chức năng chứng minh được số tài sản đó sẽ được sử dụng vào việc đánh bạc thì vẫn bị coi là tài sản dùng để đánh bạc.

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:

12/07/2022 07:00

Các tính số tiền đánh bạc và căn cứ xác định khung hình phạt về tội đánh bạc là một trong những vấn đề phức tạp. Tội đánh bạc ngày càng đa dạng, thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau, vì vậy xác định rõ căn cứ tính tiền và định khung hình phạt có vai trò quan trọng trong việc xử lí chính xác, đúng đắn người có hành vi đánh bạc phi pháp. Mời bạn đọc theo dõi bài viết sau đây để cập nhật thêm những thông tin hữu ích về vấn đề này.

Cách tính số tiền đánh bạc và xác định khung hình phạt tội đánh bạc

Mục Lục

  • Cấu thành tội đánh bạc theo quy định Bộ luật Hình sự 2015
  • Căn cứ tính số tiền đánh bạc
  • Tính số tiền đánh bạc trong các trường hợp cụ thể
    • Trường hợp nhiều người cùng tham gia đánh bạc
    • Trường hợp đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa…
  • Căn cứ xác định khung hình phạt về tội đánh bạc
    • Khung hình phạt cơ bản
    • Tình tiết tăng nặng
    • Tình tiết giảm nhẹ

Cấu thành tội đánh bạc theo quy định Bộ luật Hình sự 2015

Đánh bạc là hành vi tham gia vào một trò chơi mà kết quả của việc thua hay thắng được quy đổi thành giá trị vật chất cụ thể để tham gia trò chơi. Tuy nhiên không phải trường hợp nào đánh bạc cũng là hành vi phạm tội. Để xác định hành vi đánh bạc có cấu thành tội phạm hay không, cần căn cứ vào Điều 321 Bộ luật hình sự năm 2015, luật sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS 2015) như sau:

  • Khách thể của tội phạm:

Người phạm tội đánh bạc xâm phạm đến khách thể chung mà BLHS bảo vệ là an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo Điều 8 BLHS 2015. Cụ thể, khách thể loại được xác định là xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng (chương XXI).

  • Mặt khách quan của tội phạm.

Người phạm tội thực hiện hành vi đánh bạc bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong nhiều trường hợp, pháp luật vẫn cho phép các trường hợp tham gia các hoạt động thua bằng tiền hay hiện vật dưới hình thức lô tô, xổ số,… tuy nhiên đây là những hình thức chính thống được công nhận. Vì vậy, hành vi của người đánh bạc phải là hành vi đánh bạc trái phép.

“Đánh bạc trái phép” là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp.

  • Chủ thể của tội phạm

Thứ nhất, “người nào” theo như mô tả cấu thành tội phạm trên được hiểu là tất cả những người đủ tuổi và đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại Điều 12 BLHS 2015, người đủ 16 tuổi trở lên chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Đồng thời tội đánh bạc không rơi vào trường hợp tội rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng nên người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không là chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự cho tội này.

Thứ hai, nếu đánh bạc mà giá trị tài sản dưới 5.000.000 đồng thì người có hành vi hành đánh bạc phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi đánh bạc hoặc hành vi tổ chức đánh bạc,gá bạc hoặc đã bị kết án nhưng chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì mới là chủ thể của tội phạm này.

  • Mặt chủ quan của tội phạm

Người phạm tội thực hiện hành vi đánh bạc là do lỗi cố ý. Họ nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc để mặc cho hậu quả xảy ra dù không mong muốn.

>>>Xem thêm: Tội gá bạc bị xử lý như thế nào? Thủ tục nhờ luật sư bảo vệ

Căn cứ tính số tiền đánh bạc

Số tiền đánh bạc là một trong những căn cứ quan trọng để xác định cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, hành vi đánh bạc trái phép thường xảy ra nhiều lần, mỗi lần có quy mô khác nhau. Cách tính số tiền đánh bạc được quy định chi tiết tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP, về cơ bản dựa trên hai căn cứ sau:

Thứ nhất, số tiền đánh bạc phải căn cứ vào tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc (gọi chung là số tiền) của từng lần đánh bạc để xem xét, không dựa vào tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc. Số tiền này sẽ được xem xét, đánh giá để quy trách nhiệm hình sự dựa trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (5.000.000 đồng) và các căn cứ khác như nhân thân người phạm tội, tình tiết tăng nặng, định khung tăng nặng,… Cụ thể:

  • Số tiền từng lần đánh bạc đều dưới 5.000.000 đồng và không thuộc trường hợp đã bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc, gá bạc chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì chịu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc;
  • Số tiền dùng đánh bạc của lần đánh bạc nào từ 5.000.000 đồng trở thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc đối với lần đánh bạc đó
  • Đánh bạc từ hai lần trở lên mà giá trị của từng lần đều từ 5.000.000 đồng trở lên thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần”
  • Đánh bạc từ năm lần trở lên mà giá trị của từng lần đánh bạc đều từ 5.000.000 đồng trở lên và lấy tài sản thu được làm nguồn sống chính thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết định khung “có tính chất chuyên nghiệp”.

Thứ hai, tiền hoặc hiện vật dùng làm căn cứ tính số tiền đánh bạc được xác định trên nhiều vị trí khác nhau bao gồm:

  • Thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc;
  • Thu giữ trong người các con bạc được xác định có căn cứ đã hoặc sẽ dùng để đánh bạc;
  • Tiền hoặc hiện vật có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc được thu giữ ở bất kỳ nơi nào khác.

Tính số tiền đánh bạc trong các trường hợp cụ thể

Trường hợp nhiều người cùng tham gia đánh bạc

Theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP, khi nhiều người cùng tham gia đánh bạc với nhau thì việc xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc đối với từng người đánh bạc là tổng số tiền, giá trị hiện vật của tất cả người tham gia theo từng lần (từ lúc bắt đầu đến khi bị bắt) đánh bạc như căn cứ chung đề cập ở trên. Tất cả những người tham gia trong cùng một lần đó sẽ bị truy cứu TNHS nếu tổng số tiền trên đủ định lượng.

Chẳng hạn, một chiếu bạc có 10 người tham gia. Khi bị phát hiện, tại thời điểm đó tổng số tiền bị thu trên chiếu bạc tổng là 5.000.000 đồng thì từng người tham gia đều bị truy cứu TNHS với số tiền đánh bạc được tính là 5.000.000 đồng cho lần đánh bạc đó, bất kể họ tham gia với số tiền bao nhiêu. Số tiền thực tế của mỗi người tham gia chỉ là căn cứ để xem xét mức phạt chứ không là căn cứ để định tội.

Trường hợp đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa…

Trong trường hợp này thì một lần chơi số đề hay cá độ bóng đá hay các hình thức tương đương khác được hiểu bao gồm cả nhiều đợt trong một lần chơi đó. Số tiền đánh bạc được tính để quy trách nhiệm hình sự cho một người trong một lần đánh bạc được tính là tổng giá trị tài sản đã dùng để chơi trong các đợt thuộc lần chơi đó. Đồng thời, nếu tham gia nhiều đợt, số tiền tham gia mỗi đợt từ 2.000.000 đồng trở lên thì cũng không xem là phạm tội nhiều lần. Để hướng dẫn cho trường hợp này, Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐTP đưa ra ví dụ sau:

Ví dụ: Ngày 20-7-2010, trong khoảng thời gian từ 10 giờ đến 16 giờ, B mua ba số đề trong một lô đề cụ thể là: mua số 17 với số tiền là 500.000 đồng, mua số 20 với số tiền 2.100.000 đồng, mua số 25 với số tiền 3.000.000 đồng; trong trường hợp này, chỉ coi B đánh bạc một lần.

Cách tính số tiền đánh bạc trong trường hợp này khá phức tạp, được xác định dựa trên hướng dẫn tại khoản 5 Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP.

Đối với người chơi:

  • Trúng số đề, thắng cược cá độ: số tiền dùng đánh bạc được tính là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ cộng với số tiền thực tế mà họ được nhận từ chủ đề, chủ cá độ.
  • Không trúng số đề, không thắng cược cá độ hoặc bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả mở thưởng: số tiền dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ.

Đối với người chủ đề, chủ cá độ:

  • Có người chơi trúng số đề, thắng cược cá độ: số tiền dùng đánh bạc là toàn bộ số tiền thực tế đã nhận của những người chơi và số tiền mà họ phải bỏ ra để trả cho người trúng (có thể là một hoặc nhiều người).
  • Không có người chơi nào trúng số đề, thắng cược cá độ hoặc đã bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả: số tiền dùng đánh bạc là tổng số tiền mà chủ đề, chủ cá độ đã nhận của những người chơi.

>>>Xem thêm: Đánh bạc bao nhiêu tiền thì phải chịu trách nhiệm hình sự

Tính số tiền đánh bạc trong các trường hợp cụ thể

Căn cứ xác định khung hình phạt về tội đánh bạc

Khung hình phạt cơ bản

Khung hình phạt cơ bản của tội đánh bạc được quy định tại khoản 1 Điều 321 BLHS 2015. Khung hình phạt này được áp dụng đối với người phạm tội theo những cấu thành cơ bản, là mức vi phạm thông thường, không có các tình tiết tăng nặng định khung. Theo đó, khung hình phạt này bao gồm các hình phạt chính sau:

  • Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng
  • Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm;
  • Phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Theo đó, mức phạt tiền nhẹ nhất trong khung hình phạt này là 20.000.000 đồng và nặng nhất là 100.000.000 đồng. Mức phạt tiền cụ thể sẽ được quyết định căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội.

Trong trường hợp người phạm tội đánh bạc đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng, nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly khỏi xã hội thì sẽ được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ theo quy định tại Điều 36 BLHS 2015.

Tình tiết tăng nặng

Mức xử phạt của người phạm tội đánh bạc được xác định theo căn cứ tại khoản 1 Điều 50 BLHS 2015. Theo đó, Toà án phải căn cứ vào quy định của BLHS, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự khi quyết định hình phạt.

Người phạm tội đánh bạc có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự ở Điều 52 BLHS 2015 (không thuộc các tình tiết được quy định là tình tiết tăng nặng định khung) sẽ làm thay đổi mức độ nguy hiểm trong vụ án. Tình tiết tăng nặng phổ biến của tội đánh bạc là đánh bạc từ hai lần trở lên, trong đó giá trị tài sản dùng đánh bạc của từng lần đều từ 5.000.000 đồng trở lên. Trong trường hợp này, ngoài những cấu thành cơ bản mà người phạm tội có thêm tình tiết này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” theo khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP. Tình tiết tăng nặng này được Nghị quyết trên quy định theo điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS 1999, tương ứng với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội từ 02 lần trở lên” theo điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS 2015. Trong trường hợp này, người phạm tội sẽ phải chịu mức phạt nặng hơn trong khung hình phạt áp dụng, tuy nhiên sẽ không cao hơn mức cao nhất của khung hình phạt đó

Tình tiết giảm nhẹ

Khi vi phạm tội đánh bạc, người phạm tội có các tình tiết giảm nhẹ cũng sẽ phải chịu mức phạt thấp hơn so với thông thường. Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là các tình tiết được quy định tại Điều 52 BLHS 2015, thể hiện sự ngăn chặn, hạn chế tác hại của người phạm tội. Một số tình tiết giảm nhẹ có thể được xem xét khi phạm tội đánh bạc như:

  • Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
  • Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
  • Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
  • Người phạm tội là phụ nữ có thai;
  • Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;

Ngoài những tình tiết giảm nhẹ được quy định cụ thể trên, BLHS 2015 cũng quy định khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ kèm theo đó phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.

Bên cạnh đó, pháp luật hình sự cũng thể hiện sự khoan hồng đối với người phạm tội khi quy định tại Điều 54 BLHS 2015 rằng, trong trường hợp người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS 2015, Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn.

Với tội đánh bạc, BLHS chỉ quy định hai khung hình phạt cơ bản và tăng nặng, vì thế căn cứ khoản 3 Điều 54 BLHS 2015, người phạm tội đủ điều kiện trên mà thuộc định khung cơ bản thì có thể được Tòa án quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Nếu người phạm tội phải chịu trách nhiệm theo khung tăng nặng tại khoản 2 Điều 321 BLHS 2015 thì có thể được xem xét hình phạt dưới mức thấp nhất của khung này nhưng sẽ trong khung hình phạt cơ bản ở khoản 1 Điều này (khung hình phạt liền kề nhẹ hơn).

Ngoài các hình phạt được quy định theo từng khung, người phạm tội còn có thể bị xử phạt bổ sung từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp không bị áp dụng hình phạt chính là phạt tiền.

Căn cứ xác định khung hình phạt tội đánh bạc

>>>Xem thêm: Mức hình phạt tội đồng phạm đánh bạc công nghệ cao

Bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn đọc các thông tin về cách tính số tiền đánh bạc và căn cứ xác định khung hình phạt về tội đánh bạc. Nếu Quý khách hàng có nhu cầu đặt lịch tư vấn hay giải đáp các thắc mắc khác, vui lòng liên hệ với Công ty Luật Long Phan qua số hotline 1900.63.63.87 để được TƯ VẤN LUẬT HÌNH SỰ hoặc trao đổi trực tiếp với LUẬT SƯ HÌNH SỰ. Xin cảm ơn!