Tace là gì

Các phương pháp can thiệp qua đường mạch máu điều trị ung thư gan nguyên phát

 Ung thư gan nguyên phát [thường đồng nghĩa với ung thư biểu mô tế bào gan] là một trong những loại ung thư phổ biến hàng đầu ở nước ta cũng như nhiều nước khác trên thế giới. Theo số liệu từ GLOBOCAN năm 2008 [một dự án của tổ chức nghiên cứu bệnh ung thư toàn cầu], ở nước ta ung thư gan còn đứng trên cả ung thư phổi và ung thư dạ dày cả về tỷ lệ mới mắc cũng như tử vong [hơn 20.000 người mỗi năm]. Con số này khủng khiếp hơn cả con số tử vong vì tai nạn giao thông hàng năm [khoảng 10.000 người]. Điều này đặt ra một gánh nặng rất to lớn đối với ngành y tế của nước ta trong công tác dự phòng, chẩn đoán và điều trị căn bệnh này.

            Ung thư gan nguyên phát có liên quan đến các yếu tố nguy cơ như viêm gan vi rút [viêm gan B, viêm gan C], nghiện rượu, nấm mốc Aflatoxin…Ở Việt Nam, yếu tố nguy cơ hàng đầu là viêm gan B. Ở các nước Âu, Mỹ, viêm gan C và nghiện rượu lại là các nguyên nhân phổ biến hơn.

            Đối với ung thư gan nguyên phát, cho đến nay phẫu thuật [bao gồm phẫu thuật cắt gan và phẫu thuật ghép gan] vẫn là phương pháp điều trị tối ưu, vì có thể mang lại hiệu quả sống thêm lâu dài cho người bệnh. Tuy nhiên điều trị phẫu thuật chỉ có thể áp dụng cho khoảng 1/3 số bệnh nhân tại thời điểm chẩn đoán ban đầu, do điều kiện khối u gan và chức năng gan không phù hợp với chỉ định phẫu thuật. Phẫu thuật chỉ phù hợp cho các trường hợp bệnh nhân bị bệnh giai đoạn sớm [kích thước khối u nhỏ, chức năng gan khá], thể trạng chung còn tốt và không có bệnh lý nặng khác kết hợp. Phẫu thuật ghép gan hiện nay ở nước ta mới chỉ bắt đầu ở một số Bệnh viện lớn [BV Việt Đức –HN, BV Chợ Rẫy-TP HCM], chi phí rất tốn kém [khoảng hơn 1 tỷ đồng cho 1 ca ghép] và thiếu thốn nguồn cho ghép. Phẫu thuật cắt gan cũng chỉ được thực hiện tại các cơ sở y tế lớn có các phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm. Tuy nhiên phẫu thuật cắt gan cũng có nhiều nguy cơ biến chứng lớn và tỷ lệ tái phát sau phẫu thuật vẫn còn cao.

            Đối với các trường hợp ung thư gan nguyên phát không phù hợp cho phẫu thuật [u gan kích thước lớn, u gan đa ổ, chức năng gan hoặc tình trạng toàn thân không cho phép phẫu thuật] thì có thể áp dụng các lựa chọn điều trị khác, trong đó các phương pháp can thiệp qua đường động mạch gan là những can thiệp xâm nhập tối thiểu, đã được áp dụng khá rộng rãi ở trên thế giới cũng như ở nước ta. Mặc dù những phương pháp này không thể điều trị triệt để, nhưng có thể cải thiện được triệu chứng và kéo dài thời gian sống thêm cho người bệnh.

1. Phương pháp tắc mạch máu nuôi khối u gan đơn thuần:

            Phương pháp này còn được gọi là nút mạch, thuyên tắc mạch hay dân dã hơn gọi là phương pháp “bỏ đói” khối u. Cơ sở sinh lý của phương pháp này là do khối u gan được nuôi dưỡng chủ yếu bằng dòng máu động mạch [khác với nhu mô gan lành là chủ yếu từ dòng máu tĩnh mạch]. Khi khối u gan bị cắt nguồn nuôi dưỡng sẽ bị chậm phát triển lại và có thể hoại tử. Tuy nhiên sau một thời gian dòng máu sẽ tái thông trở lại, hoặc khối u gan huy động nguồn mạch máu nuôi khác đến. Chính vì vậy phương pháp này không triệt để và thường phải làm lại nhiều lần. Người ta có thể dùng các loại vật liệu gây tắc khác nhau, luồn một ống thông qua động mạch đùi đến động mạch nuôi khối u gan và bơm gây tắc. Phương pháp tắc mạch đơn thuần hiện nay ít được áp dụng, mà thay thế bằng hóa tắc mạch.

2. Phương pháp bơm hóa chất qua đường động mạch gan: còn được gọi là hóa chất nội động mạch. Kỹ thuật can thiệp cũng như phương pháp tắc mạch, chỉ khác không gây tắc mạch máu mà chỉ bơm hóa chất chống ung thư vào trong khối u gan. Hoặc thông thường hơn người ta đặt cổng truyền hóa chất [ống thông đưa đến mạch máu gan, đầu ngoài gắn với cổng truyền cấy dưới da tại vị trí bẹn]. Phương pháp này cho phép tập trung nồng độ hóa chất cao hơn trong khối u trong khi không làm gia tăng độc tính toàn thân do hóa chất gây ra. Phương pháp này được chỉ định cho các trường hợp ung thư gan thể lan tỏa, hoặc nhiều khối u mà không thể gây tắc mạch được. Hiệu quả của phương pháp này cũng rất hạn chế. Nhật Bản và một số nước châu Á khác [Hàn Quốc, Trung Quốc] áp dụng nhiều hơn so với các nước Âu Mỹ. Ở Việt Nam cũng chỉ một số cơ sở y tế áp dụng.

3. Phương pháp hóa tắc mạch: Hay còn gọi tắc mạch hóa dầu, thuyên tắc hóa dầu, nút mạch hóa chất [viết tắt tiếng Anh: TOCE hoặc TACE]. Đây là phương pháp can thiệp qua đường động mạch phổ biến nhất hiện nay để điều trị ung thư gan nguyên phát. Phương pháp này kết hợp cả bơm hóa chất vào khối u gan và gây tắc mạch. Khối u gan sẽ bị tiêu diệt bởi 2 cơ chế: do tác động trực tiếp của hóa chất và do thiếu máu nuôi dưỡng. Kỹ thuật tương tự 2 phương pháp trên. Hiệu quả đã được chứng minh là có thể kéo dài thời gian sống thêm cho người bệnh, trong khi thực hiện nhẹ nhàng, ít tai biến biến chứng, chi phí điều trị ít tốn kém. Tuy nhiên phương pháp này cũng có nhược điểm là không hoàn toàn triệt để và thường làm nhiều lần, có thể gây suy giảm chức năng gan và cũng có nguy cơ tác dụng phụ toàn thân do hóa chất.

4. Phương pháp hóa tắc mạch với hạt vi cầu tải hóa chất: còn gọi là hóa tắc mạch vi cầu. Thực chất đây là phương pháp hóa tắc mạch cải tiến: sử dụng các hạt vi cầu [các hạt nhựa có đường kính nhỏ cỡ hàng trăm micro mét] vừa là chất mang hóa chất vào trong khối u gan, vừa gây tắc mạch máu nuối khối u. Nhờ tính chất đặc hiệu của các hạt vi cầu mà hóa chất được lưu giữ lâu hơn và được giải phóng một cách ổn định bên trong môi trường khối u, do đó hiệu quả tiêu diệt tế bào ung thư tốt hơn trong khi làm hạn chế tổn thương gan và độc tính toàn thân do hóa chất. Các hạt vi cầu này cũng gây tắc mạch sâu sắc hơn. Hiệu quả cuối cùng là tăng khả năng tiêu diệt khối u hơn so với hóa tắc mạch thông thường. Phương pháp này được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, chỉ mới một số cơ sở y tế lớn triển khai áp dụng trong vài năm gần đây [BV TƯQĐ 108, bệnh viện Bạch Mai] và kết quả báo cáo ban đầu rất an toàn và hiệu quả tốt. Tuy nhiên giá thành chi phí cho một lần can thiệp đắt hơn so với hóa tắc mạch thông thường [khoảng 40 triệu đồng].

5. Phương pháp tắc mạch xạ trị: hay còn được gọi là xạ trị chiếu trong chọn lọc. Đây là phương pháp điều trị khá hiện đại và đang áp dụng chủ yếu ở các nước phát triển. Về kỹ thuật can thiệp cơ bản cũng như hóa tắc mạch là luồn ống thông đến mạch máu nuối khối u gan. Tuy nhiên ở đây người không bơm hóa chất mà bơm các hạt vi cầu [có kích thước nhỏ hàng chục micro mét] có gắn dược chất phóng xạ vào trong khối u gan. Các hạt vi cầu mang phóng xạ sẽ nằm lại trong các vi mạch máu bao quanh khối u gan và phát xạ tiêu diệt tế bào ung thư, giống như hình thức chiếu xạ từ bên trong khối u. Phương pháp này có ưu điểm hơn so với hóa tắc mạch là có thể mở rộng chỉ định cho cả các trường hợp ung thư gan có xâm lấn mạch máu trong gan, và hiệu quả tiêu diệt khối u là rất cao. Phương pháp này còn có thể áp dụng cho ung thư gan thứ phát [như ung thư đại trực tràng di căn gan]. Tuy nhiên đây là phương pháp tốn kém, công tác chuẩn bị rất cẩn thận và cần phối hợp nhiều chuyên khoa, chỉ có các cơ sở y tế lớn có đủ điều kiện và trang bị mới có thể triển khai. Hiện nay ở nước ta, BV TƯQĐ 108 là nơi đầu tiên triển khai áp dụng kỹ thuật này trong điều trị cho các trường hợp ung thư gan nguyên phát không còn chỉ định phẫu thuật từ tháng 10/2013. Đến nay kỹ thuật đã được thực hiện thành công ở 8 ca bệnh với kết quả đáp ứng khả quan. Hy vọng trong tương lai gần, chi phí điều trị giảm thấp hơn và có nhiều cơ sở Bệnh viện khác trong cả nước triển khai áp dụng, để có thể bổ sung một lựa chọn điều trị khác cho các bệnh nhân ung thư gan không còn chỉ định phẫu thuật.

            Nói chung đây là các phương pháp điều trị hiện đại, can thiệp xâm nhập tối thiểu nên ít gây tai biến và tác dụng phụ nặng nề cho người bệnh, thời gian nằm viện ngắn [có thể áp dụng cho bệnh nhân ngoại trú]. Tuy nhiên, để thực hiện kỹ thuật cần có các bác sỹ có kinh nghiệm và ở các bệnh viện có trung tâm can thiệp mạch [được trang bị máy chụp mạch số xóa nền]. Điều cần lưu ý là việc lựa chọn điều trị phụ thuộc vào tình trạng bệnh của từng bệnh nhân cụ thể. Cũng không thể không nói đến điều kiện kinh tế của bệnh nhân [nhất là đối với tắc mạch xạ trị].

            Ngoài các phương pháp điều trị can thiệp qua đường động mạch, các phương pháp can thiệp qua da [như tiêm cồn, đốt nhiệt sóng cao tần hoặc nhiệt lạnh…] cũng được coi là các phương pháp can thiệp tối thiểu điều trị ung thư gan. Hiện nay hầu như tất cả các phương pháp điều trị ung thư gan trên thế giới đều đã được áp dụng thành công tại Việt Nam. Do vậy, thiết nghĩ nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư gan không cần đi ra nước ngoài để điều trị vì chi phí tốn kém hơn nhiều so với điều trị trong nước. Vấn đề quan trọng nhất là phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh [tiêm vắc xin phòng viêm gan, hạn chế rượu bia] và nên có chương trình khám sàng lọc cho các đối tượng có nguy cơ cao để có thể phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, hiệu quả điều trị chắc chắn sẽ tốt hơn. Bạn nên đến khám, các bác sỹ sẽ tư vấn các phương pháp điều trị cụ thể cho Bạn. Cảm ơn Bạn!



Ths.Thái Doãn Kỳ

Khoa A6 - Bệnh viện TƯQĐ 108

Video liên quan

Chủ Đề