Thái bình tu trí lực có nghĩa là gì

QPTD -Thứ Bảy, 30/07/2016, 13:47 [GMT+7]

“Thái bình tu trí lực” - Tư tưởng giữ nước từ sớm, từ xa của nhà Trần

Theo Sử ký toàn thư, sau khi chiến thắng quân Nguyên - Mông lần thứ hai [1285], trên đường rước xa giá hai vua Trần trở lại Kinh thành, Thượng tướng thái sư Trần Quang Khải đã cao hứng sáng tác bài thơ "Tụng giá hoàn kinh sư”, thể ngũ ngôn tứ tuyệt theo âm Hán-Việt có nội dung như sau: “Đoạt sáo Chương Dương độ/Cầm Hồ Hàm Tử quan/Thái bình tu trí lực/Vạn cổ thử giang san” [dịch là: Chương Dương cướp giáo giặc/Hàm Tử bắt quân thù/Thái bình nên gắng sức/Non nước ấy ngàn thu]. Bài thơ được nhiều người bình cùng một ý nghĩa: nói về võ công hiển hách thời kỳ chiến tranh và nhiệm vụ của thời bình. Trong đó, hai câu thơ đầu nhắc đến chiến công vang dội kế tiếp nhau của quân nhà Trần ở trận Hàm Tử quan và Chương Dương độ. Hai trận đánh lớn này, ta đã bắt sống được hàng vạn quân giặc, giết chết tướng Toa Đô, còn tướng Ô Mã Nhi tháo chạy. Hai câu tiếp theo thể hiện khát vọng mãnh liệt của quân dân nhà Trần về một nền thái bình thịnh trị, và đó cũng là chủ trương xây dựng đất nước sau “cơn binh lửa” mang tính quy luật của các triều đại nhà nước phong kiến Đại Việt.

Đình Cao Đài xã Mỹ Thành [Mỹ Lộc, Nam Định] thờ Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải và phu nhân là Phụng Dương Công chúa.

[Ảnh: baonamdinh.vn]

Từ phân tích trên, chúng ta không chỉ thấy được cái hay, “cái thần” của bài thơ nổi tiếng đã ghi vào sử sách, mà còn thấy tài năng, tư tưởng giữ nước từ sớm, từ xa của Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải - Nhà chính trị, quân sự kiệt xuất triều đại nhà Trần. Nét đặc sắc của bài thơ là ở chỗ, chỉ bằng bốn câu, Ông đã khái quát những chiến công huy hoàng và đề cập toàn diện về cuộc chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai, từ quá trình chuẩn bị cho đến thắng lợi cuối cùng. Và như vậy, có thể coi bài thơ "Tụng giá hoàn kinh sư” như một bản tổng kết chiến tranh và định hướng thời gian tới của vị tướng văn võ song toàn này. Hai trận đánh nêu trong bài thơ là trận khởi đầu cho quá trình phản công tiêu diệt địch của nhà Trần; thắng lợi của những trận đánh này là cơ sở để Quân đội nhà Trần quyết định tiến công giải phóng Thăng Long, sau đó là truy kích, đuổi giặc ra khỏi đất nước. Tâm trạng hân hoan cùng đoàn quân chiến thắng rước xa giá vua Trần trở lại Kinh thành, trong đầu Ông dường như tái hiện toàn bộ cuộc chiến; trong đó hẳn có tư duy về cội nguồn của chiến thắng và Ông đã phát hiện ra. Nếu hai câu thơ đầu chỉ ra trận đánh then chốt quyết định dẫn đến thắng lợi của quá trình phản công quân địch, thì hai câu thơ sau chỉ rõ nguyên nhân và cũng là phương hướng để đánh thắng mọi kẻ thù, giữ đất nước bền vững. Nhìn lại lịch sử vương triều nhà Trần, chúng ta thấy rõ tư tưởng giữ nước từ sớm, từ xa, ngay trong thời bình ở mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao và đặc biệt là quốc phòng. Sở dĩ như vậy là bởi ngay từ khi ra đời và suốt quá trình trị vì đất nước, nhà Trần luôn phải đương đầu với chiến tranh xâm lược của ngoại bang có tiềm lực kinh tế, quân sự hơn hẳn mà nổi bật là ba cuộc chiến chống Nguyên - Mông [1258, 1285, 1288], diễn ra trong 30 năm, nhà Trần đã không “ngủ quên” trong chiến thắng, mà trái lại còn tích cực chuẩn bị đất nước về mọi mặt để sẵn sàng và chủ động cho cuộc chiến tiếp theo.

Để thực hiện “Thái bình tu trí lực”, nhà Trần chú trọng toàn diện các mặt chính trị, kinh tế, quân sự và ngoại giao. Về chính trị, xây dựng một nhà nước quân chủ tập quyền vững mạnh, thân dân; đặt lợi ích của vương triều trong lợi ích của quốc gia, dân tộc. Theo đó, nhằm quản lý có hiệu lực lãnh thổ và cư dân từ Trung ương đến tận các cơ sở, nhà Trần thực hiện “chia nước làm 12 lộ đặt chức an phủ hoặc trấn phủ chánh phó hai viên để cai trị. Các xã, sách thì đặt chức đại, tiểu tư xã, từ ngũ phẩm trở lên là đại tư xã; từ lục phẩm trở xuống là tiểu tư xã, hoặc có người kiêm 2,3,4 xã, cùng xã chính, xã sử, xã giám, gọi là xã quan. Làm sổ hộ khẩu, con trai lớn gọi là đại hoàng nam, nhỏ gọi là tiểu hoàng nam,…”1. Để thân dân, gần dân, ngay từ trong các chính sách, nhà Trần đã chú ý khoan thư sức dân, quan tâm đến người nghèo: “Nhân đinh có ruộng đất thì nộp tiền thóc, không có ruộng đất thì miễn cả; có 1-2 mẫu ruộng thì nộp 1 quan tiền, có 3-4 mẫu ruộng thì nộp 2 quan tiền, có từ 5 mẫu trở lên thì nộp 3 quan tiền. Tô ruộng mỗi mẫu nộp 100 thăng thóc.”2, kịp thời miễn giảm thuế, khóa khi có thiên tai, dịch bệnh. Cùng với thân dân, gần dân, vương triều Trần còn hết sức trọng dân, tin tưởng vào sức mạnh và trí tuệ của toàn dân, mà tiêu biểu là Hội nghị Diên Hồng do Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu họp các phụ lão trong cả nước để nghị bàn “hòa hay đánh” trong cuộc chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai. Cùng với đó, nhà Trần luôn quan tâm giáo hóa dân chúng, mở những khoa thi tuyển chọn người tài để giúp nước. Nhờ đó, có giai đoạn nền chính trị trong triều đại nhà Trần rất ổn định: “Bấy giờ nhà nước vô sự, nhân dân yên vui, người làm quan ở mãi một chức...”3. Đây chính là cơ sở quan trọng để vương triều Trần có thể huy động sức người, sức của toàn dân đánh giặc, giữ yên bờ cõi.

Về kinh tế, nhà Trần lấy sản xuất nông nghiệp làm nền tảng. Nhà nước ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp; trong đó, chính sách “ngụ binh ư nông” đã gắn liền giữa việc binh với việc nông và thể hiện rõ tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc. Để thúc đẩy nông nghiệp phát triển, nhà Trần quan tâm đến việc trị thủy và thủy lợi, như: năm 1248, “Tháng 3, sai các lộ đắp đê giữ nước sông, gọi là đê đỉnh nhĩ [quai vạc], đắp suốt từ đầu nguồn cho đến bờ biển để giữ nước lụt tràn ngập. Đặt chức Hà đê chánh phó sứ để trông coi. Chỗ đắp thì đo xem đắp vào mất bao nhiêu ruộng đất của dân, theo giá trả lại tiền. Đắp đê đỉnh nhĩ bắt đầu từ đấy”4 và “khi nào rỗi việc làm ruộng thì đốc thúc quân lính đắp bờ đê đào mương lạch để phòng lụt hạn”5. Cùng với đó, nhà Trần quan tâm đến khai hoang, mở rộng diện tích canh tác và thôn xóm, như năm 1266, vua Trần Thánh Tông, xuống chiếu cho các vương hầu, công chúa, phò mã, cung tần, được chiêu tập những người tha hương, không có sản nghiệp làm nô tỳ để khai khẩn ruộng hoang lập làm điền trang. Từ đây vương hầu bắt đầu có điền trang, tiêu biểu như các điền trang An Lạc [Bình Lục, Hà Nam], Cổ Nhuế [Hà Nội], Tô Xuyên [Quỳnh Phụ, Thái Bình], Phất Lộc [Thái Thụy, Thái Bình], v.v. Những việc làm này, không những bảo đảm an dân, “thực túc binh cường”, mà còn tạo nên thế trận quốc phòng vững chắc. Nhà Trần cũng đẩy mạnh phát triển các nghề thủ công, như: dệt vải, lụa, làm gốm sứ, rèn sắt, đúc đồng, mỹ nghệ, chạm khắc,… Qua đó, thúc đẩy giao thương, kinh tế ngày càng phát triển; quan trọng hơn, khi cần những làng nghề là nơi sản xuất vũ khí cho quân đội. Những người thợ thủ công này có thể đóng được nhiều loại chiến thuyền, trong đó có loại hiện đại nhất thời bấy giờ, như: thuyền Châu Kiều, thuyền Đinh Sắt, Cổ lâu thuyền, với hàng trăm tay chèo có khả năng vượt biển xa, v.v. Giao thương phát triển còn giúp nhà Trần có điều kiện nắm tin tức về đối tượng, ví dụ: năm 1276, “Mùa xuân, tháng 2, sai Đào Thế Quang sang Long Châu, mượn tiếng đi mua thuốc để thăm dò tình hình người Nguyên”6.

Về quốc phòng - an ninh, nhà Trần luôn quan tâm tuần tra, phòng thủ quốc gia, luyện rèn binh sĩ, chuẩn bị tốt mọi mặt sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Tuần tra, canh phòng là công việc thường xuyên của các lộ, phủ, châu; đối với triều đình thực hiện định kỳ hoặc đột xuất. Qua đó kịp thời phát hiện những dấu hiệu địch xâm phạm để có biện pháp xử trí, như: năm 1266, “Tháng 2, thủy quân lộ Đông Hải đi tuần biên giới, đến núi Ô Lôi, do đó biết được kỳ quân Nguyên sang lấn”7 hoặc năm 1275, “Mùa đông, tháng 11, tướng thần ở biên giới phía Bắc cho chạy trạm tâu rằng người Nguyên đi tuần biên giới, xem xét địa thế. Sai Lê Khắc Phục và Lê Tuy Kim sang nước Nguyên”8. Đồng thời, ban thái ấp ở những vùng đất trọng yếu cho quý tộc vương hầu trấn trị để tạo thế trận quốc phòng vững chắc.

Đình Cao Đài còn lưu giữ được tấm bia đá có ghi chép về thái ấp của Thái sư Trần Quang Khải và cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai [Ảnh: baonamdinh.vn]

Xây dựng quân đội gồm nhiều thứ quân là chủ trương xuyên suốt của nhà Trần. Trong đó có, quân chủ lực của triều đình, quân của các vương hầu, quân các lộ, phủ, châu và dân binh làng xã, động bản. Trong thời bình, nhà Trần thực hiện chính sách “Ngụ binh ư nông” với tất cả các loại quân, trừ “cấm quân” vì phải thường xuyên túc trực để làm nhiệm vụ bảo vệ triều đình. Đồng thời, có quan điểm xây dựng quân thường trực mạnh, tinh nhuệ, theo hướng “quý hồ tinh, bất quý hồ đa” - quân quý ở tinh nhuệ, không quý ở số đông. Để đảm bảo cho quân thực sự tinh nhuệ, việc rèn luyện tướng sĩ và quân lính luôn được coi trọng. Chúng ta biết, ngay từ năm 1253, trước khi quân Nguyên sang xâm lược lần thứ nhất, vua Trần Thái Tông đã cho lập Giảng võ đường để các vương hầu, tướng lĩnh học binh thư, binh pháp, cách bày trận, phá trận, v.v. Nhà vua còn đích thân đem các vương hầu điều động quân thủy bộ tập đánh trận.

Về ngoại giao, đây cũng là một sự nỗ lực quan trọng trong thời bình mà nhà Trần đã thực hiện, không thể không nhắc đến. Có thể khẳng định, mục tiêu trong đường lối ngoại giao dưới thời nhà Trần là duy trì nền hòa bình, ổn định lâu dài của đất nước. Vì vậy, đối với nước nhỏ thì sẵn sàng giúp đỡ, thậm chí dùng hôn nhân để thắt chặt bang giao; đối với nước lớn thì mềm mỏng, nhưng kiên trì đấu tranh và tỏ rõ sự kiên quyết khi cần thiết. Coi trọng công việc bang giao còn giúp cho nhà Trần nắm được động thái của địch, tìm kế trì hoãn để thêm thời gian chuẩn bị kháng chiến, như: năm 1284, “Mùa đông, tháng 11, sai Trần Phủ sang Kinh Hồ hành sảnh nước Nguyên để xin hoãn binh”9.

Đúng như tư duy, kinh nghiệm của Thượng tướng Trần Quang Khải, nhờ “tu trí lực” ở tất cả các lĩnh vực, nên chỉ 3 năm sau, nhân dân Đại Việt bước vào cuộc chiến khốc liệt chống giặc Nguyên - Mông lần thứ ba đầy tự tin, chủ động, như khẳng định của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn: “Năm nay đánh giặc nhàn”. Kết quả là chỉ trong vòng 4 tháng, quân và dân Đại Việt đã viết tiếp vào trang sử hào hùng của dân tộc chiến công hiển hách - đánh bại hoàn toàn quân Nguyên - Mông và chấm dứt tham vọng xâm lược nước ta của chúng.

Lịch sử là dòng chảy liên tục của thời gian. Tư tưởng giữ nước “ Thái bình tu trí lực/Vạn cổ thử giang san” trong thời Trần nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung còn nguyên giá trị.

Kế thừa, phát triển tư tưởng đó trong điều kiện mới, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ…”10, “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa…”11. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm trên của Đảng là cơ sở quan trọng để quân và dân ta bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới/.

Đại tá NGUYỄN CÔNG TÂM

______________

1 - Viện KHXH Việt Nam - Đại việt sử ký toàn thư, Nxb Thời đại, H. 2013, tr. 275-276

2 - Sđd, tr. 276.

3 - Sđd, tr. 277.

4 - Sđd, tr. 275-276.

5 - Sđd, tr. 282.

6 - Sđd , tr. 295.

7 - Sđd , tr. 291.

8 - Sđd, tr. 295.

9 - Sđd, tr. 303.

10 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 148.

11 - Sđd, tr. 149.

Video liên quan

Chủ Đề