Thế nào là văn học thiếu nhi

Văn học là nghệ thuật ngôn từ, là hình thức nghệ thuật sử dụng ngôn từ làm chất liệu để tái hiện thế giới. Văn học thiếu nhi phản ánh thế giới khách quan, giúp trẻ thơ hiểu về cuộc sống muôn màu. Đó là những tri thức về thế giới loài vật, cây cỏ hoa lá, những tri thức về phong tục tập quán, những nét đẹp truyền thống và hiện đại. Văn học thiếu nhi chứa đựng cái nhìn mới của trẻ thơ về thế giới tràn đầy âm thanh, màu sắc, hình khối, ngôn ngữ.

Chức năng quan trọng nhất và không thể thiếu của văn học là chức năng giáo dục. Đối với văn học thiếu nhi, chức năng giáo dục giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách trẻ. Ở lứa tuổi ý thức đang hình thành, tư duy còn chập chững, sự cảm nhận và thích ứng với thế giới bên ngoài chủ yếu thể hiện bằng cảm xúc, tưởng tượng nên thông qua văn học sẽ giúp trẻ khám phá ra những nét đẹp của thiên nhiên và con người. Cảm nhận cuộc sống, thu thập kiến thức qua văn học chính là con đường tích cực và nhẹ nhàng nhất để giáo dục trẻ em có sự phát triển toàn diện về nhân cách.

Trong sự phát triển chung của đất nước, tiến tới xu hướng hội nhập với các nước phát triển trên thế giới, sự phát triển của trẻ em ngày càng được quan tâm. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhà văn Võ Diệu Thanh - Hội Nhà Văn Việt Nam sự phát triển của văn học thiếu nhi lại chưa được quan tâm, chú trọng. Hiện nay, các tác phẩm văn học thiếu nhi trong nước mới xuất bản không nhiều và hầu như không có sản phẩm chất lượng, kém hấp dẫn; trong khi văn học thiếu nhi của nước ngoài lại tràn ngập với đủ thể loại, màu sắc.

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay những câu chuyện văn học gắn với những vùng quê, những bài học đạo đức bổ ích không còn nữa mà thay vào đó là những truyện tranh trinh thám, những câu chuyện học đường Và nếu dạo một vòng quanh các nhà sách lớn sẽ không còn thấy những cuốn truyện giàu tính nhân văn như Dế mèn phiêu lưu ký, Đất rừng phương Nam, Góc sân và khoảng trời, Tuổi thơ dữ dội trên kệ sách nữa, thay vào đó là những những tác phẩm văn học và những cuốn truyện dịch từ nước ngoài với màu sắc và hình ảnh bắt mắt. Các đầu sách hay thì chủ yếu là được tái bản, trong khi các đầu sách mới có chất lượng thì xuất hiện thưa thớt; những tác phẩm mới của các tác giả trẻ cũng chỉ chiếm một gian nhỏ, phần còn lại của khu sách văn học thiếu nhi chủ yếu là các tập truyện tranh nổi tiếng như Conan, Doremon và các loại truyện tranh chuyển thể từ sách kinh điển.

Nhà văn Võ Diệu Thanh chia sẻ: văn học thiếu nhi không chỉ là phương tiện tốt nhất giúp các em tiếp thu dần những tri thức cần thiết trong đời sống mà còn là món ăn tinh thần bổ ích nuôi dưỡng tâm hồn và phát triển toàn diện về nhân cách cho các em. Chính vì vậy, sự thiếu hụt mảng sách thiếu nhi là vấn đề cần được quan tâm hiện nay. Tuy nhiên, cũng phải nói viết sách cho thiếu nhi không đơn giản bởi tâm hồn trẻ thơ rất trong sáng, nên phải viết làm sao để trẻ thấy nhân vật gần gũi với suy nghĩ, cảm xúc và cuộc sống của mình. Nếu người sáng tác không nắm bắt được nhu cầu tâm lý thiếu nhi, từ đó áp đặt quá nhiều bài học, lối viết không mới, kém hấp dẫn sẽ dễ gây ra sự nhàm chán của trẻ.

Trưởng bộ môn ngữ văn, Khoa sư phạm, Trường Đại học An Giang Trần Tùng Chinh cho rằng, để góp phần đưa văn học thiếu nhi phát triển, việc xây dựng một đội ngũ các cây viết trẻ biết phát huy tối đa trí tưởng tượng, am hiểu đời sống, tâm tư, tình cảm của trẻ là điều cần thiết. Đồng thời, do tác động của xã hội hiện đại, tâm lý trẻ ngày nay ít nhiều đã thay đổi và nhu cầu đọc cũng không giống với trước đây nên các nhà văn, nhà thơ cần tìm cách viết phù hợp với thế hệ mới nhưng không làm mất đi tính nhân văn truyền thống, bản sắc văn hóa. Bên cạnh đó, gia đình, nhà trường cũng cần quan tâm khơi dậy văn hóa đọc để các em say mê những trang sách hơn những trò chơi trên máy tính, điện thoại, yêu thích truyện chữ hơn truyện tranh. Đã đến lúc cần quan tâm đến con em mình đã và đang học tập, tiếp cận với những gì để có giải pháp phù hợp cho thế hệ trẻ được tiếp cận với những cuốn sách bổ ích, những câu chuyện nhân văn cho tâm hồn trẻ thơ thêm sinh động. Chính những điều này sẽ góp phần định hướng nhân cách và phát triển tâm hồn, trí tuệ cho trẻ.

Video liên quan

Chủ Đề