Thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Ngày 17.2, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị Giao ban Tổ công tác của Chính phủ thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia năm 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06/CP).

Thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm chủ trì và phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: N.Hiền

Trung tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) cho biết, từ sau Hội nghị của Chính phủ triển khai Đề án (ngày 18.1.2022) đến nay, công tác chỉ đạo triển khai Đề án được thực hiện quyết liệt. Trong đó, cơ quan thường trực, bộ phận giúp việc tổ công tác (Bộ Công an - C06, V01), 100% cán bộ làm việc “xuyên Tết” để triển khai thực hiện các nhiệm vụ...

Về kết quả phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư; định danh và xác thực điện tử phục vụ 5 nhóm tiện ích, Trung tướng Tô Văn Huệ cho biết: Tính đến ngày 16.2.2022, số thủ tục hành chính đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia là 3.523 thủ tục;

Số thủ tục hành chính cung cấp cho công dân trên cổng dịch vụ công là 1.956 thủ tục; Số thủ tục cung cấp hành chính cung cấp cho doanh nghiệp trên cổng dịch vụ công là trên 1.800 hồ sơ.

Số hồ sơ đồng bộ trạng thái xử lý trên cổng dịch vụ công quốc gia chỉ tính riêng ngày 16.2.2022 trên 97 triệu hồ sơ, tăng gần 656.000 hồ sơ so với ngày 15.2. Số hồ sơ trực tuyến thực hiện qua dịch vụ công quốc gia đến ngày 16.2 gần 2,8 triệu hồ sơ, tăng trên 20.000 hồ sơ so với ngày 15.2.

Trong đó, bộ, ngành có tổng dịch vụ công nhiều nhất là: Bộ Tài chính (271 dịch vụ), Bộ Giao thông Vận tải (207 dịch vụ); Bộ Y tế (164 dịch vụ). Bộ ngành có tổng số dịch vụ công ít nhất là Ngân hàng nhà nước, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Tòa án nhân dân.

Đánh giá kết quả bước đầu triển khai thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực cư trú khi Đề án được ban hành, Trung tướng Tô Văn Huệ cho biết thêm, tính từ ngày 1.7.2021 đến 15.2.2022, tổng số hồ sơ tiếp nhận trên 196 nghìn hồ sơ.

Tổng số hồ sơ đã trả kết quả cho công dân trên 191 triệu hồ sơ, tương ứng tỷ lệ 97,63% (trong đó: đăng ký thường trú trên 7.800 hồ sơ, đăng ký tạm trú trên 4.300 hồ sơ, khai báo tạm vắng 502 hồ sơ; thông báo lưu trú trên 179.000 hồ sơ).

Trung bình 1 ngày nhận 1.225 hồ sơ và giải quết 1.197 hồ sơ. Tính từ khi đề án 06/QĐ-TTg được thông qua, từ ngày 6.1.2022 đến ngày 15.2, tổng hồ sơ được tiếp nhận là 60.487 hồ sơ. Trong đó, trung bình 1 ngày nhận 2.629 hồ sơ, giải quyết được 2.538 hồ sơ….

Về kết quả thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến triển khai cung cấp dịch vụ công theo chức năng Bộ Công an, đến nay đã hoàn hành xây dựng 4/11 dịch vụ. Trong đó, xác nhận số chứng minh nhân dân khi đã cấp thẻ căn cước công dân; cấp lại, đổi thẻ căn cước công dân...

Cùng với đó, đã tích hợp, sẵn sàng thực hiện việc thu tiền nộp phạt trên Cổng dịch vụ quốc gia với thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình,…

Bên cạnh kết quả đạt được, việc xây dựng Kế hoạch triển khai đề án của một số Bộ, ban, ngành và địa phương còn chậm, chưa thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Việc kết nối thực hiện tích hợp thẻ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào thẻ căn cước công dân gắn chip và ứng dụng VNEID đã thực hiện tích hợp và thử nghiệm xong. Tuy nhiên, Bộ Y tế chưa có quy trình, văn bản hướng dẫn việc sử dụng thẻ này trong công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Một số địa phương như TPHCM tiếp tục ban hành thẻ Bảo hiểm y tế, nguy cơ lãng phí tài sản.

Tỉ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trong lĩnh vực cư trú, cấp và quản lý căn cước công dân chưa tương xứng với tình hình thực tế.

Theo Trung tướng Tô Văn Huệ, nguyên nhân do người dân chưa biết, chưa được tuyên truyền về các thuận lợi, tiện ích khi sử dụng trên cổng dịch vụ công; do thói quen của người dân và yêu cầu của đơn vị có liên quan yêu cầu công dân phải xuất trình giấy tờ, thủ tục bản giấy, chưa chấp nhận các kết quả giải quyết môi trường điện tử.

Bộ Công an đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ nghiên cứu các giải pháp thanh toán trực tuyến khi thực hiện dịch vụ công. Tuy nhiên, việc hoàn tiền đối với dịch vụ công không thực hiện được còn gặp nhiều khó khăn…

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các bộ, ngành thành viên tổ công tác cần nêu gương trong xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các nhiệm vụ của đề án theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Bộ trưởng cũng đề nghị Thành viên Tổ công tác thuộc Văn phòng Chính phủ tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai đề án và thành lập tổ công tác thực hiện Đề án theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam;

Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan, các bộ, ngành, địa phương, rà soát, đôn đốc việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến đảm bảo tiến độ...

Huyện Cai Lậy:

“Thời gian qua, việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đã góp phần mang lại nhiều kết quả trong công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của huyện Cai Lậy. Qua đó, người dân có thể tiết kiệm được thời gian và chi phí đăng ký, làm các thủ tục hành chính”- Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Bằng cho biết.

Thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến
Cán bộ, công chức Bộ phận một cửa sử dụng thành thạo phần mềm Một cửa điện tử.

Thật vậy, tính đến nay, huyện đã tiếp nhận trên phần mềm Một cửa điện tử được 33.973 hồ sơ, đã trả kết quả trước và đúng hạn được 33.887 hồ sơ, đạt 99,7% (trong đó trước hạn đạt 82,8%); trễ hẹn 86 hồ sơ, chiếm 0,3%.

Hồ sơ chủ yếu phát sinh nhiều trên một số lĩnh vực: Chứng thực, hộ tịch, việc làm, quản lý đăng ký cư trú, bảo trợ xã hội, đăng ký kinh doanh; đối với các lĩnh vực còn lại phát sinh rất ít hồ sơ hoặc chưa có người dân thực hiện.

Nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện TTHC, UBND huyện đã ký thỏa thuận hợp tác về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả TTHC qua hệ thống bưu điện với Bưu điện huyện Cai Lậy.

Tuy nhiên, việc triển khai DVCTT trên địa bàn huyện Cai Lậy cũng gặp không ít khó khăn như: Hiện tại, vẫn còn một số ngành, địa phương chưa bố trí đủ biên chế, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế.

Một số ngành, địa phương chưa chủ động rà soát, kiểm soát TTHC và chưa xây dựng quy trình chi tiết, quy trình liên thông đối với một số TTHC vừa được tỉnh công bố nên chưa cập nhật lên phần mềm Một cửa điện tử kịp thời.

Bên cạnh việc đăng tải nội dung hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp trên môi trường mạng trên Trang một cửa điện tử, tại Bộ phận một cửa cấp huyện, xã cũng có phân công công chức phụ trách có trách nhiệm hướng dẫn người dân truy cập, nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng (nếu người dân đồng ý).

Dù vậy, hiện chưa có nhiều hồ sơ nộp trực tuyến qua hệ thống mạng (từ đầu năm đến nay chỉ tiếp nhận được 70 hồ sơ nộp trực tuyến, trong đó cấp huyện 25 hồ sơ và cấp xã 45 hồ sơ).

Qua tìm hiểu cho thấy, mức độ quan tâm, sử dụng của doanh nghiệp và người dân đối với các DVCTT được cung cấp trên địa bàn huyện không nhiều. Một bộ phận lớn người dân là nông dân, người lao động nên trình độ tin học còn hạn chế.

Nhiều người dân trong huyện còn chưa từng được tiếp xúc với máy vi tính nên việc tiếp cận với các DVCTT được cung cấp là không có. Đa số người dân vẫn lựa chọn cách truyền thống là đến trực tiếp cơ quan chức năng để thực hiện TTHC khi cần.

Để phấn đấu đến cuối năm 2018 toàn huyện có 70% DVCTT được thực hiện ở mức độ 3 và 30% DVCTT ở mức độ 4 và tăng cường sự tương tác, sử dụng của người dân, huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị cấp huyện và xã tập trung vào công tác rà soát, kiểm soát TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị, địa phương mình, nhằm kịp thời phát hiện và đề xuất chỉnh sửa TTHC không phù hợp.

Đồng thời, huyện xây dựng quy trình chi tiết, quy trình liên thông giải quyết TTHC giữa các phòng, ban đến UBND các xã và liên thông với các cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn huyện trong giải quyết TTHC cho cá nhân và tổ chức; tổ chức rà soát, lựa chọn các TTHC đủ điều kiện cung cấp DVCTT mức độ 3, mức độ 4 để cập nhật kịp thời lên phần mềm Một cửa điện tử.

Bên cạnh đó, huyện sẽ trang bị thêm máy vi tính, với mục tiêu 100% cán bộ chuyên trách và công chức xã được trang bị máy vi tính trong thực thi công việc.

Huyện tổ chức tập huấn kịp thời các nội dung điều chỉnh, bổ sung, hướng dẫn mới; đồng thời, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức tự học nâng cao kiến thức công nghệ thông tin nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được giao trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0.

Huyện cũng tập trung vào công tác tuyên truyền về DVCTT, về tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Huyện xem đây là công tác trọng tâm, xuyên suốt để người dân hiểu, biết và thay đổi nhận thức để tham gia ngày càng nhiều việc giải quyết TTHC mức độ 4 để hạn chế việc người dân tiếp xúc trực tiếp với cán bộ, công chức nhằm hạn chế tiêu cực, tận dụng và phát huy trang thiết bị do ngân sách đầu tư và góp phần quan trọng trong triển khai, thực hiện chủ trương xây dựng Chính quyền điện tử.

Ngoài ra, lãnh đạo huyện cũng chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cấp huyện và xã phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra và nhắc nhở cán bộ, công chức có thái độ phục vụ tận tình trong việc hướng dẫn người dân và doanh nghiệp đến nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng và đảm bảo giải quyết hồ sơ đúng thời gian quy định trên thực tế và kể cả trên phần mềm Một cửa điện tử (do thời gian qua một số xã tuy có trả kết quả cho người dân đúng hạn nhưng do xử lý trễ trên phần mềm nên hệ thống báo trễ hạn).

Hiện nay, huyện đã phối hợp Bưu điện tập huấn cho nhân viên các Bưu điện văn hóa xã tiếp nhận TTHC cho người dân có yêu cầu. Điều này sẽ giúp bổ sung thêm nguồn nhân lực cho cấp huyện, xã.

Theo đó, huyện đang chỉ đạo công chức Bộ phận một cửa khi tiếp nhận, giải quyết TTHC cho người dân hướng dẫn trực tiếp cho người dân nộp trực tuyến hoặc nộp tại Bưu điện (với điều kiện người dân đồng ý). Đây là cách để người dân làm quen với cách làm mới, khi nhận thấy được tiện ích sẽ tích cực tham gia. Và đây cũng là đối tượng quan trọng hỗ trợ tích cực, miễn phí và rất hiệu quả cho huyện trong việc giúp cho người dân tiếp cận và tương tác với tiện ích do DVCTT mang lại.

P. MAI

.