Tìm từ là gì

[Last Updated On: 21/07/2021 by Lytuong.net]

  1. Từ là gì? Tiếng là gì? Phân biệt từ và hình vị trong tiếng Việt.
  2. Đơn vị cấu tạo từ tiếng Việt là gì?
  3. Các căn cứ để phân loại từ về mặt cấu tạo? Các lớp từ phân loại về cấu tạo là gì?
  4. Phân biệt từ ghép đẳng lập và từ ghép chính phụ.

Mục lục

  • Khái niệm từ
  • Các tiêu chí nhận diện từ
  • Cấu tạo từ tiếng Việt
    • Đơn vị cấu tạo từ tiếng Việt
    • Phân loại từ tiếng Việt theo cấu tạo

Khái niệm từ

Từ trước tới nay, có rất nhiều định nghĩa khác nhau về từ. Ngay trong giới Việt ngữ, việc định nghĩa từ hay sự nhận diện ranh giới của từ cũng theo hai khuynh hướng khác nhau. Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Thiện Giáp thì đồng nhất tiếng với từ. Trong khi đó, các tác giả khác như Nguyễn Kim Thản, Hoàng Tuệ, Đái Xuân Ninh, Hồ Lê, Đỗ Hữu Châu,… [dẫn theo 11] lại không đồng nhất tiếng với từ. Ở bài giảng này, để tiện theo dõi, chúng tôi theo quan điểm về từ của GS.TS Đỗ Thị Kim Liên.

Từ là một đơn vị của ngôn ngữ, gồm một hoặc một số âm tiết, có ý nghĩa nhỏ nhất, có cấu tạo hoàn chỉnh và được vận dụng tự do để cấu tạo nên câu” [11, tr.18].

Các tiêu chí nhận diện từ

Từ là đơn vị của ngôn ngữ, có âm thanh được biểu thị bằng một hoặc một hoặc một số âm tiết.

  • Từ là đơn vị mang nghĩa
  • Từ có cấu tạo hoàn chỉnh
  • Từ có khả năng vận dụng tự do để tạo nên câu

Cấu tạo từ tiếng Việt

Đơn vị cấu tạo từ tiếng Việt

Trong ngôn ngữ, từ chưa phải là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa. Nếu phân xuất từ, ta có được những đơn vị nhỏ hơn gọi là hình vị. Hình vị là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa được dùng để cấu tạo nên từ.

– Từ trước đến nay, tồn tại nhiều quan niệm khác nhau khi định nghĩa hình vị. Có nhiều nhà ngôn ngữ đã định nghĩa về hình vị – đơn vị ngữ pháp cơ sở của Ngữ pháp học. Trong cuốn “Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học” [Nguyễn Như Ý chủ biên] có nêu một số cách định nghĩa của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam như: Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Anh Quế, Hữu Quỳnh, Phan Thiều, Trần Ngọc Thêm, Hồ Lê, Đỗ Hữu Châu, Nguyễn Thiện Giáp, Võ Bình, Đái Xuân Ninh… Xin được dẫn ra một số cách định nghĩa:

“Hình vị là đơn vị nhỏ nhất mà có mang ý nghĩa, mang giá trị ngữ pháp” [Nguyễn Tài Cẩn. Ngữ pháp tiếng Việt, Nxb ĐHQGHN, H., 1994, tr.67]

“Hình vị là đơn vị hai mặt, có đầy đủ tính chất tín hiệu. Đã là tín hiệu thì cái quan trọng, về mặt chức năng là phần nội dung biểu đạt, nó quyết định sự tồn tại của bản thân tín hiệu” [Phan Thiều, “Thảo luận chuyên đề Tiếng, hình vị và từ trong tiếng Việt”, Ngôn ngữ, 2 , H., 1984, tr.54].

“Hình vị là một đơn vị ngôn ngữ có nghĩa, nhỏ nhất và không độc lập về cú pháp”. [Trần Ngọc Thêm, “Bàn về hình vị tiếng Việt dưới góc độ ngôn ngữ học đại cương”, Ngôn ngữ, 1].

“Hình vị là những đơn vị được tạo ra từ các âm vị, tự thân có nghĩa nhưng không được dung trực tiếp để giao tiếp, tức không trực tiếp được dùng để kết hợp với nhau tạo thành câu”. [Đỗ Hữu Châu, Từ vựng – ngữ nghĩa tiếng Việt, Nxb GD , H., 1985, tr. 5]

Ju. X. Xtêpanov trong Những cơ sở của ngôn ngữ học đại cương, từ phương diện cấu tạo, đưa ra định nghĩa: “Hình vị là lớp các hình tố tương đồng mà mỗi hình tố lại gồm nhiều âm vị nhánh và được gặp trong một vị trí nhất định nào đó”.

Tóm lại, dù định nghĩa hình vị ở góc độ và phương diện nào thì các nhà ngôn ngữ cũng dễ thống nhất với nhau ở những đặc điểm của hình vị:

  • Hình vị là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa, là đơn vị gốc để tạo thành từ.
  • Hình vị được cấu tạo bởi các âm vị.
  • Hình vị là đơn vị không độc lập về cú pháp.
  • Ý nghĩa tồn tại ở dạng tiềm năng [không được dùng trực tiếp để giao tiếp, tức không trực tiếp được dùng để kết hợp với nhau tạo thành câu].
  • Bàn về ranh giới hình vị, từ trước tới nay có hai khuynh hướng rõ rệt:

Thứ nhất, ranh giới hình vị trùng với ranh giới âm tiết. Tiêu biểu gồm các tác giả như M.B.Emeneau, Cao Xuân Hạo, Nguyễn Thiện Giáp, Đinh Văn Đức, Nguyễn Tài Cẩn, Lưu Vân Lăng, Nguyễn Văn Tu, Lê Văn Lý,

Thứ hai, ranh giới hình vị không hoàn toàn trùng với ranh giới âm tiết. Tiêu biểu là các tác giả như L Thompson, Đỗ Hữu Châu, Diệp Quang Ban, Trần Ngọc Thêm, Nguyễn Kim Thản…].

Trong học phần này, chúng tôi theo quan điểm của khuynh hướng thứ nhất, tức là ranh giới của hình vị trùng với ranh giới âm tiết. Trong tiếng Việt, âm tiết bằng với tiếng. Tuy nhiên, về mặt thuật ngữ ngôn ngữ học, âm tiết không cần chứa nghĩa, còn tiếng phải có nghĩa [hoặc tiềm ẩn nghĩa]. Đối với người Việt, tiếng là đơn vị dễ nhận diện nhất. Và tiếng [hình vị] chính là đơn vị trực tiếp cấu tạo từ tiếng Việt.

Phân loại từ tiếng Việt theo cấu tạo

Xét ở mặt số lượng tiếng, chúng ta có:

  • Từ đơn: là từ chỉ chứa một tiếng. Ví dụ: học, trường, sách, sẽ, đang,…
  • Từ phức: là từ gồm 2 tiếng trở lên, như tàu xe, trường học, máy tính,…

Căn cứ vào mặt quan hệ giữa các thành tố cấu tạo từ, người ta tiếp tục phân loại từ phức [từ đa tiết] ra làm các loại: từ ghép, từ láy, từ ngẫu kết.

[Xem tài liệu [1, tr.48-74], [3, tr.2-24]]

1. Từ ghép

Từ ghép là từ chứa hai [hoặc hơn hai] hình vị và trong đó nhìn chung không có hiện tượng “hoà phối ngữ âm tạo nghĩa”. [1, tr.48]

Về mặt ngữ pháp, từ ghép được chia thành 2 nhóm lớn theo kiểu quan hệ giữa các thành tố: từ ghép đẳng lập [còn gọi là từ ghép song song] và từ ghép chính phụ.

a. Từ ghép đẳng lập

Từ ghép đẳng lập có những đặc trưng chung là:

  • Quan hệ ngữ pháp giữa các thành tố trong nó là quan hệ bình đẳng.
  • Ý nghĩa ngữ pháp do cơ chế ghép đẳng lập tạo ra là ý nghĩa tổng hợp, ý nghĩa chỉ loại sự vật, đặc trưng [hành động, trạng thái, tính chất, quan hệ] chung.

Căn cứ vào vai trò của các thành tố trong việc tạo nghĩa của từ ghép, ta chia từ ghép đẳng lập thành 3 kiểu chính là: từ ghép gộp nghĩa, từ ghép lặp nghĩa, từ ghép đơn nghĩa.

a1. Từ ghép đẳng lập gộp nghĩa: [từ ghép hội ứng]

Ví dụ: điện nước, xăng dầu, nghe nhìn, ăn uống, học tập, may rủi,…

Đặc điểm tạo nghĩa của từ ghép đẳng lập gộp nghĩa:

  • Ý nghĩa của từng hình vị cùng nhau gộp lại để biểu thị ý nghĩa chung của cả từ ghép, trong ý nghĩa chung đó có thể có phần ý nghĩa của từng hình vị. Ví dụ: “sách vở” chỉ các loại sách vở nói chung, trong đó có thể có cả sách và vở.
  • Khi sử dụng, nghĩa chung của từ ghép có thể ứng với tất cả các sự vật, các đặc trưng do từng hình vị gọi tên, cũng có thể chỉ ứng với một số sự vật, đặc trưng được nhắc đến trong một hình vị mà thôi.
  • Khi có thể sử dụng riêng từng hình vị với tư cách từ đơn, ý nghĩa của từng từ rời này rất xác định và khác nhau. Ví dụ: sách khác vở.

a2. Từ ghép đẳng lập lặp nghĩa [từ ghép trùng ứng]

Ví dụ: núi non, binh lính, cấp bậc, may phúc, thay đổi, tìm kiếm,…

Đặc điểm tạo nghĩa của từ ghép lặp nghĩa:

  • Các hình vị trong nó là những yếu tố đồng nghĩa hoặc gần nghĩa, cùng nhau gộp lại để biểu thị những ý nghĩa chung của từ ghép, chẳng hạn: binh lính, thay đổi, tìm kiếm…
  • Ý nghĩa của từ ghép này tương đương với ý nghĩa của từng hình vị [trừ ý nghĩa ngữ pháp “tổng hợp”] khi những hình vị này được dùng như từ đơn.

a3. Từ ghép đẳng lập đơn nghĩa [từ ghép đẳng lập đơn ứng]

Ví dụ: chợ búa, đường sá, xe cộ, tre pheo, bếp núc, sầu muộn,…

Đặc điểm tạo nghĩa của từ ghép đẳng lập đơn nghĩa

  • Ý nghĩa của từ ghép ứng với ý nghĩa của hình vị rõ nghĩa nhất trong số các hình vị có mặt [trừ ý nghĩa ngữ pháp tổng hợp]. Chẳng hạn nghĩa của từ “bếp núc” ứng với ý nghĩa “bếp” trừ ý nghĩa ngữ pháp tổng hợp.
  • Ý nghĩa của hình vị còn lại có xu hướng phai dần, hư hóa, chỉ còn có tác dụng góp sức tạo ra ý nghĩa tổng hợp của chung cả từ ghép.

b. Từ ghép chính phụ

Từ ghép chính phụ có những đặc trưng chung là:

  • Quan hệ ngữ pháp giữa các thành tố trong nó là quan hệ bất bình đẳng, quan hệ chính phụ. Trong đó yếu tố chính thường giữ vai trò chỉ loại sự vật lớn, loại đặc trưng lớn và yếu tố phụ thường được dùng để cụ thể hóa loại sự vật, loại đặc trưng đó.
  • Ý nghĩa của từ ghép chính phụ là ý nghĩa không tổng hợp và khi cần cụ thể hóa nó thì có thể phân biệt trong đó ý nghĩa dị biệt, ý nghĩa sắc thái hóa. Có thể chia từ ghép chính phụ thành 2 kiểu chính là: từ ghép chính phụ dị biệt và từ ghép chính phụ sắc thái hóa.

b1. Từ ghép chính phụ dị biệt:là từ ghép trong đó tên gọi nêu ở thành tố chính được cụ thể hóa bằng cách thêm vào một tên gọi ở thành tố phụ, làm cho những sự vật cùng loại được gọi tên ở thành tố chính phân biệt được với nhau nhờ thành tố phụ.

Ví dụ: – xe đạp, xe máy, xe lửa, xe bò …

– dưa hấu, dưa gang, dưa chuột, dưa bở …

– toán học, sử học, vật lý học, khảo cổ học…

– hợp tác hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa,…

b2. Từ ghép chính phụ sắc thái hóa:là từ ghép trong đó thành tố phụ có tác dụng bổ sung một sắc thái ý nghĩa nào đó khiến cho toàn từ ghép này khác nghĩa với thành tố chính khi thành tố chính hoạt động như từ đơn và từ ghép sắc thái hóa này khác từ ghép sắc thái hóa khác về ý nghĩa.

Ví dụ: – xanh lè, xanh um, xanh rì, xanh lục, xanh lơ …

– thẳng đơ, thẳng tắp, thẳng đuột, thẳng tuột …

2. Từ láy

Từ láy là “từ phức được tạo ra bằng phương thức láy âm có tác dụng tạo nghĩa” [1, tr.58].

Để tạo ra nhạc tính cho sự hòa phối âm thanh đối với một ngôn ngữ vốn giàu nhạc tính như tiếng Việt, sự láy không đơn thuần là sự lặp lại âm, thanh của âm tiết ban đầu mà bao giờ cũng có sự biến đổi âm, thanh nhất định, dù là ít nhất, để tạo ra cái thế vừa giống nhau lại vừa khác nhau.

Láy của tiếng Việt phải được hiểu là “sự hòa phối ngữ âm có tác dụng biểu trưng hóa” [dẫn theo 1, tr.59]. Ý nghĩa của từ láy là ý nghĩa biểu trưng, ý nghĩa ấn tượng.

Căn cứ vào số lượng tiếng người ta thường chia từ láy ra làm 3 lớp: từ láy đôi, từ láy ba, từ láy tư.

a. Từ láy đôi

Từ láy đôi được xem xét dựa vào cách cấu tạo tương ứng của hai tiếng trong từ. Khi xem xét từ láy đôi, dựa vào yếu tố ngôn ngữ được lặp lại có thể phân biệt các kiểu:

  • Từ láy toàn bộ
  • Từ láy bộ phận

a1. Từ láy toàn bộ: là từ láy trong đó tiếng gốc được lặp lại toàn bộ ở tiếng láy với sự khác biệt về thanh điệu hoặc trọng âm.

Ví dụ: – hao hao, lăm lăm, đùng đùng…

  • đo đỏ, hơ hớ, sừng sững,…

a2. Từ láy bộ phận:

+ Từ láy âm đầu là từ có phụ âm đầu trùng lặp và có phần vần khác biệt ở tiếng gốc và tiếng láy.

Ví dụ: đủng đỉnh, rung rinh, mộc mạc, lúc lắc, hể hả, ngo ngoe, hổn hển, nhúc nhích, mỉa mai,…

+ Từ láy vần: là từ có phần vần trùng lặp và có phụ âm đầu khác biệt ở tiếng gốc và tiếng láy.

Ví dụ: luẩn quẩn, bâng khuâng, chạng vạng, khéo léo, hấp tấp, tần ngần, bỡ ngỡ, khúm núm, tẹp nhẹp,…

b. Từ láy ba

Từ láy ba là từ láy gồm 3 tiếng. Kiểu phối thanh thường gặp là:

  • Tiếng thứ hai mang thanh bằng.
  • Tiếng thứ nhất và thứ ba phải đối lập về âm vực hoặc âm điệu.

Ví dụ: sạch sành sanh, dửng dừng dưng, cỏn còn con, sát sàn sạt, …

c. Từ láy tư

Là từ láy gồm 4 tiếng. Phần lớn từ láy tư có phần gốc là một từ láy đôi.

Ví dụ: ấm ớ → ấm a ấm ớ

hì hục → hì hà hì hục

hăm hở → hăm hăm hở hở

3. Từ ngẫu kết

Ngoài ra, tiếng Việt còn có một lớp từ mà người bản ngữ hiện nay không thấy giữa các thành tố cấu tạo của chúng có quan hệ gì về ngữ âm hoặc ngữ nghĩa. Vì vậy, từ góc độ phân loại, cần tách chúng ra và gọi là các từ ngẫu kết [từ ngẫu hợp] với ngụ ý: các tiếng tổ hợp với nhau ở đây một cách ngẫu nhiên. Ví dụ: bồ câu, bồ hòn, bồ nông, mồ hóng, mồ hôi, kì nhông, cà nhắc, vằn thắn, lục tàu xá, a-xít, mit tinh, sơ mi, mùi xoa, xà phòng, cao su, ca cao, hắc ín, sô-cô-la..

Chủ Đề