Trụy mạch có nguy hiểm không

  • 1. Trụy tim có giống như một cơn đau tim không?
  • 2. Trụy tim nguy hiểm ra sao? Nếu không điều trị sớm có dẫn đến tử vong hay biến chứng nặng nề?
  • 3. Những dấu hiệu của bệnh trụy tim là gì? Khi nào người bệnh cần phải gặp bác sĩ?
  • 4. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ nào gây ra bệnh trụy tim?
  • 5. Những đối tượng nào có nguy cơ mắc phải bệnh trụy tim?
  • 6. Các kỹ thuật y tế giúp chẩn đoán bệnh trụy tim?
  • 7. Khi gặp một người có dấu hiệu trụy tim, người nhà nên sơ cứu bằng cách nào?
  • 8. Trụy tim được điều trị bằng những phương pháp nào?
  • 9. Sau điều trị trụy tim, người bệnh nên và không nên làm gì để phục hồi sức khỏe?
  • 10. Trụy tim có thể phòng ngừa không và bằng cách nào, thưa bác sĩ?

1. Trụy tim có giống như một cơn đau tim không?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Trụy tim hay trụy tim mạch, tên tiếng Anh là Cardiovascular collapse, là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng lưu lượng máu não không đủ để duy trì trạng thái thức tỉnh do rối loạn chức năng cấp tính của tim và/hoặc mạch máu ngoại biên. Trụy tim mạch có thể gây ra bởi ngất do ức chế vận mạch (ngất do phản xạ thần kinh phế vị, hạ huyết áp tư thế kèm theo ngất, ngất do phản xạ thần kinh tim), loạn nhịp tim nguyên phát nghiêm trọng thoáng qua hoặc ngừng tim. Trong đó, ngất do ức chế vận mạch và các biến cố ngất do loạn nhịp tim nguyên phát khác thường là thoáng qua và không đe dọa tính mạng, với sự hồi tỉnh tự phát.

Trụy tim không giống như một cơn đau tim, đây là tình trạng mà khi dòng máu đến một phần của tim bị tắc nghẽn, biểu hiện thường là cơn đau thắt ngực. Trong khi trụy tim là tình trạng lưu lượng máu đến não giảm nên thường biểu hiện là ngất. Tuy nhiên, một cơn đau tim đôi khi có thể gây ra rối loạn điện dẫn đến trụy tim.

2. Trụy tim nguy hiểm ra sao? Nếu không điều trị sớm có dẫn đến tử vong hay biến chứng nặng nề?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Trong các nguyên nhân gây trụy tim thì ngừng tim là nguy hiểm nhất. Khi tim ngừng đập, việc thiếu các tế bào máu vận chuyển oxy có thể gây tổn thương não chỉ trong vài phút. Tử vong hoặc tổn thương não vĩnh viễn có thể xảy ra trong vòng 4 – 6 phút.

Ngừng tim sẽ cần can thiệp tích cực để khôi phục lưu lượng máu tự phát, nếu không xử trí sớm và tích cực, trụy tim có thể gây tử vong hoặc tàn tật.

Trụy mạch có nguy hiểm không

Trụy tim là mất nhịp tim một cách đột ngột và là một vấn đề sức khỏe cực kỳ nghiêm trọng.

3. Những dấu hiệu của bệnh trụy tim là gì? Khi nào người bệnh cần phải gặp bác sĩ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Các biểu hiện trụy tim mạch sẽ bao gồm:

– Ngã xuống đột ngột
– Không có mạch
– Ngừng thở
– Bất tỉnh
– Tức ngực
– Chóng mặt
– Tim đập nhanh
– Khó thở.

Trụy tim đột ngột thường xảy ra mà không có dấu hiệu báo trước.

Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu gặp các trường hợp sau:

– Thường xuyên bị đau ngực
– Thường xuyên bị nhức đầu
– Nhịp tim không đều hoặc nhanh
– Thở khò khè hoặc khó thở không rõ nguyên nhân
– Ngất xỉu
– Chóng mặt kéo dài.

4. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ nào gây ra bệnh trụy tim?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây trụy tim đột ngột. Nguyên nhân thông thường gây trụy tim đột ngột là nhịp tim bất thường (rối loạn nhịp tim), xảy ra khi hệ thống điện trong tim không hoạt động chính xác. Khi bạn bị rối loạn nhịp tim, tim có thể đập quá nhanh, quá chậm hoặc thậm chí dẫn đến ngừng đập đột ngột.

Một rối loạn nhịp tim phổ biến liên quan đến trụy tim là rung thất. Trong rung thất, các ngăn dưới của tim (tâm thất) đột ngột bắt đầu đập hỗn loạn và không thể kiểm soát, làm giảm hiệu quả bơm máu của tim. Từ đó, khiến việc lưu thông máu trong cơ thể dừng lại hoàn toàn dẫn đến đột tử do trụy tim.

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ trụy tim, chẳng hạn như:

– Gia đình có tiền sử mắc bệnh động mạch vành
– Hút thuốc
– Tăng huyết áp
– Cholesterol trong máu cao
– Béo phì
– Bệnh tiểu đường
– Ít vận động
– Uống quá nhiều rượu.

Các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ trụy tim đột ngột bao gồm:

– Tiền sử trụy tim hoặc gia đình từng có người bị trụy tim
– Bệnh sử nhồi máu cơ tim, đau tim
– Bạn hoặc gia đình từng mắc phải các loại bệnh tim khác, chẳng hạn như rối loạn nhịp tim, bệnh tim bẩm sinh, suy tim và bệnh cơ tim
– Tuổi tác lớn
– Nam giới trên 45 tuổi và phụ nữ trên 55 tuổi dễ mắc bệnh trụy tim
– Sử dụng ma túy, chẳng hạn như cocaine hoặc các chất kích thích
– Mất cân bằng dinh dưỡng, chẳng hạn như mức độ kali hoặc magiê thấp
– Khó thở khi ngủ
– Bệnh thận mãn tính.

5. Những đối tượng nào có nguy cơ mắc phải bệnh trụy tim?

Trụy mạch có nguy hiểm không

Những người có bệnh lý tim mạch có nguy cơ mắc trụy tim cao hơn người bình thường

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Trụy tim có thể xảy ra ở những người không có bệnh tim. Tuy nhiên, rối loạn nhịp tim là nguyên nhân chính gây trụy tim thường phát triển ở những người có bệnh tim từ trước. Một số người mắc bệnh lý sau đây sẽ có nguy cơ cao bị trụy tim:

– Có tiền sử trụy tim hoặc gia đình có người từng bị trụy tim

– Bệnh động mạch vành. Hầu hết các trường hợp ngừng tim đột ngột xảy ra ở những người bị bệnh mạch vành, trong đó động mạch bị tắc nghẽn do cholesterol và các chất lắng đọng khác, làm giảm lưu lượng máu đến tim.

– Suy tim, bệnh cơ tim: Khi cơ tim căng ra hoặc dày lên bất thường có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim.

– Bệnh van tim: Rò rỉ hoặc hẹp van tim có thể dẫn đến cơ tim bị kéo căng hoặc dày lên. Khi các khoang này trở nên mở rộng hoặc suy yếu sẽ làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn nhịp tim.

– Viêm cơ tim: cơ tim bị viêm sẽ hoạt động bất thường có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim.

– Bệnh tim bẩm sinh: Trụy tim ở trẻ em hoặc thanh thiếu niên có thể là do bệnh tim bẩm sinh. Những người trưởng thành đã từng phẫu thuật điều chỉnh dị tật tim bẩm sinh vẫn có nguy cơ cao bị ngừng tim đột ngột.

– Bất thường điện sinh lý tim: Ở một số người, vấn đề nằm ở chính hệ thống điện của tim. Đây được gọi là những bất thường về nhịp tim nguyên phát và bao gồm các tình trạng như hội chứng Brugada và hội chứng QT dài.

– Người sử dụng ma túy hoặc các chất kích thích, nghiện bia rượu, nghiện thuốc lá.

6. Các kỹ thuật y tế giúp chẩn đoán bệnh trụy tim?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Để chẩn đoán trụy tim, bác sĩ có thể sử dụng điện tâm đồ để xác định rối loạn nhịp tim mà bạn mắc phải. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ sử dụng một máy khử rung để sốc tim nhằm giúp đưa nhịp tim trở lại bình thường.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể tiến hành các cuộc kiểm tra khác nếu bạn đã từng trải qua một biến cố tim mạch. Chẳng hạn như:

Xét nghiệm máu để kiểm tra dấu hiệu của nhồi máu cơ tim, kèm theo đó là đo nồng độ kali và magie.

Chụp X-quang để tìm kiếm những dấu hiệu của bệnh khác trong tim.

Siêu âm tim nhằm xác định xem có vùng nào của tim đã bị tổn thương bởi thiếu máu cơ tim và không co bóp bình thường hay không.

Một số các xét nghiệm chuyên sâu để tìm nguyên nhân gây trụy tim, như trắc nghiệm bàn nghiêng, trắc nghiệm gắng sức, Holter điện tâm đồ, khảo sát điện sinh lý tim, chụp MRI tim, chụp mạch vành.

7. Khi gặp một người có dấu hiệu trụy tim, người nhà nên sơ cứu bằng cách nào?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Nếu bạn nghĩ mình hoặc một người nào đó đang có triệu chứng của bệnh trụy tim mạch, hãy ngay lập tức gọi cấp cứu hoặc người thân để đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Tổn thương não hoặc tử vong có thể xảy ra chỉ trong 4-6 phút.

Tế bào não là những tế bào đặc biệt nhất cơ thể, khi đã bị tổn thương thì không thể tái tạo và bù đắp như các tế bào khác. Khả năng chịu đựng thiếu oxy tối đa của não trong điều kiện bình thường là 5 phút. Khoảng thời gian này gọi là giai đoạn chết lâm sàng, việc cung cấp lại máu não và oxy phải được tiến hành trong giai đoạn này mới có thể cứu được bệnh nhân. Khi bệnh nhân trụy tim mạch đã mất ý thức, ngừng thở, trong thời gian chờ xe cấp cứu, có thể thực hiện các bước cấp cứu ngừng tim đột ngột cơ bản sau để tăng cơ hội sống cho bệnh nhân:

– Khai thông đường thở: đặt bệnh nhân nằm ngửa trên nền cứng, đầu và cổ ưỡn tối đa, mặt quay về một bên. Người cấp cứu dùng tay mở miệng bệnh nhân, dùng tay móc sạch đờm dãi và dị vật.

– Thổi ngạt cho bệnh nhân: có thể thổi miệng-miệng hoặc miệng-mũi, tuy nhiên thổi miệng-miệng thường có hiệu quả hơn. Dùng một bàn tay đặt trên trán bệnh nhân, ấn ngửa đầu bệnh nhân ra sau, dùng ngón trỏ và ngón cái kịp mũi bệnh nhân lại. Các ngón tay của bàn tay thứ hai nâng hàm dưới của bệnh nhân ra trường đồng thời mở miệng người bệnh. Người cấp cứu hít sâu áp chặt miệng và miệng nạn nhân, thổi hết không khí dự trữ qua miệng người bệnh. Tần số thổi nên từ 10-12 lần/phút, nếu làm đúng kỹ thuật, sau mỗi lần thổi sẽ thấy lồng ngực bệnh nhân nở vồng lên.

Ép tim ngoài lồng ngực: chọn vị trí thích hợp ở một bên người bệnh, một bàn tay đặt lên chính giữa 1⁄2 dưới xương ức, bàn tay kia đặt chồng lên bàn tay trước, các ngón tay xen kẽ cùng chiều nhau, dùng lực ép vuông góc xuống lồng ngực bệnh nhân sao cho xương ức lún xuống 4-5cm, sau đó nhấc tay lên thực hiện nhịp ép thứ hai, tần số ít nhất là 100 lần/phút.

Hai động tác ép tim và thổi ngạt được thực hiện xen kẽ nhau nhịp nhàng theo chu kỳ hồi sinh tim phổi. Một chu kỳ hồi sinh tim phổi gồm 30 lần ép tim sau đó là 2 lần thổi ngạt.

8. Trụy tim được điều trị bằng những phương pháp nào?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Hồi sức tim phổi (CPR) và khử rung tim là một trong những phương pháp điều trị cấp cứu cho các trường hợp bị trụy tim không tự hồi phục (nghĩa là ngừng tim).

Nếu bạn còn sống sót sau cơn trụy tim, hoặc trụy tim tự hồi phục (ngất do ức chế vận mạch và các biến cố ngất do loạn nhịp tim nguyên phát khác), bác sĩ có thể bắt đầu thực hiện một hoặc nhiều phương pháp điều trị nhằm làm giảm những lần tái phát sau này, bao gồm:

– Dùng thuốc để làm giảm huyết áp và cholesterol.

– Dùng thuốc điều trị rối loạn nhịp hay cắt đốt điện sinh lý tim, đặt máy tạo nhịp, máy phá rung.

– Nong mạch vành để loại bỏ tắc nghẽn trong động mạch

– Phẫu thuật bắc cầu động mạch

– Phẫu thuật sửa chữa các vấn đề ở van tim hoặc mô tim

– Hướng dẫn phòng ngừa những cơn ngất do ức chế mạch.

Trụy mạch có nguy hiểm không

Người bệnh nên thay đổi lối sống và chế độ ăn lành mạnh sau điều trị sụy tim

9. Sau điều trị trụy tim, người bệnh nên và không nên làm gì để phục hồi sức khỏe?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Nếu người bệnh còn sống sót sau cơn trụy tim thìcần thay đổi lối sống để bảo vệ trái tim mình, đó là ngưng sử dụng thuốc lá và các chất kích thích, tập thể dục đều đặn các ngày trong tuần, giảm cân nếu dư cân hay béo phì, chế độ ăn tốt cho tim mạch, giảm rượu bia. Uống thuốc và tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bs.

Chế độ ăn tốt cho tim mạch là:

Nên hạn chế những loại thực phẩm sau:

– Thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, cholesterol: như các loại thịt đỏ (thịt bò); mỡ, da, phủ tạng động vật; lòng đỏ trứng, gan, đồ ăn chiên xào, nước hầm xương… Đây là nhóm thực phẩm người bệnh mạch vành cần đặc biệt hạn chế bởi chúng có thể làm gia tăng nồng độ cholesterol máu, thúc đẩy sự phát triển của các mảng xơ vữa mạch vành và tăng cao nguy cơ nhồi máu cơ tim.

– Muối: Chế độ ăn nhiều muối có thể làm tăng huyết áp, tăng gánh nặng cho tim và gia tăng các biến chứng tim mạch. Vì vậy, người bệnh mạch vành cần ăn hạn chế muối, tránh các thực phẩm chứa nhiều muối như dưa muối, hành muối hoặc các thức ăn chế biến sẵn như pate, lạp xưởng,…

– Đồ ăn hoặc thức uống có chứa nhiều đường: như bánh, kẹo, nước ngọt…

–  Bia, rượu: tránh sử dụng bởi chúng có thể làm tăng huyết áp, tăng triglyceride máu và gây hại cho tim mạch. Mỗi ngày uống không quá 2 lon bia với nam và 1 lon bia đối với nữ.

Nên bổ sung thêm:

– Trái cây tươi nhiều màu sắc, rau củ màu đậm như: súp lơ xanh, cải xoăn, cải bó xôi, cam, dưa hấu, quýt, dâu tây, cà rốt,…

– Ngũ cốc các loại: gạo lứt, bột yến mạch,…

– Nên sử dụng dầu thực vật như dầu lạc, dầu hướng dương,…

– Các loại quả hạch: hạnh nhân, hạt điều, quả óc chó,…

– Omega – 3 trong các loại cá béo như: cá hồi, cá thu, cá ngừ,

10. Trụy tim có thể phòng ngừa không và bằng cách nào, thưa bác sĩ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương:

Trụy tim là một vấn đề sức khỏe đặc biệt nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến tính mạng con người. Vì thế bạn nên tạo cho mình những thói quen tốt trong sinh hoạt và ăn uống hằng ngày để hạn chế tình trạng này. Cụ thể:

Tuân thủ lối sống lành mạnh

– Đây là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng tránh các bệnh lý tim mạch.

– Ngưng hút thuốc lá, tránh hút thuốc lá thụ động

– Thể dục thường xuyên, tối thiểu 30 – 45 phút mỗi ngày, các ngày trong tuần. Có thể đi bộ, chạy bộ, chạy xe đạp, bơi lội, đánh cầu lông, bóng bàn, đánh golf, tập yoga, thể dục nhịp điệu, thiền,..tùy theo tình trạng sức khỏe mỗi người; tránh căng thẳng trong cuộc sống và công việc.

– Giảm cân nếu dư cân, béo phì (khi BMI >23): đặt mục tiêu giảm từ 5% đến 7% cân nặng trong vòng mỗi 6 tháng đến khi đạt cân nặng lý tưởng (BMI từ 18 – 22)

– Chế độ ăn tốt cho tim mạch:

+ Ăn ít chất béo, thịt mỡ, chất bột đường, thực phẩm đóng hộp, thức ăn nhanh, hạn chế muối, giảm rượu bia.

+ Nên ăn cá, thịt gia cầm; nên ăn nhiều trái cây, rau, củ, quả, hạt, thực phẩm tươi sống, organic.

Điều trị tốt các bệnh lý đi kèm:

– Kiểm soát lượng đường trong máu nếu bạn có đái tháo đường

– Điều trị ổn định huyết áp và mỡ máu

Tầm soát bệnh tim mạch sớm: Bắt đầu từ tuổi 20, bạn nên có kế hoạch đi khám sức khỏe định kỳ và theo dõi các chỉ số sức khỏe bản thân, ngay cả khi bạn cảm thấy thực sự khỏe mạnh.

Benhdotquy.net

Bệnh trụy tim là bệnh gì?

Trụy tim mạch xảy ra khi nhịp tim bị rối loạn hoặc tim đột nhiên ngừng đập hẳn hoặc ngừng tạm thời trong một khoảng thời gian. Tình trạng này có thể làm giảm lưu lượng máu vận chuyển Oxy lên não khiến não bị tổn thương vĩnh viễn. Trụy tim có nguy cơ cao dẫn đến tình trạng đột tử.

Nhịp tim tăng bao nhiêu là nguy hiểm?

Người trưởng thành khỏe mạnh bình thường có nhịp tim đập nằm trong khoảng 60-100 nhịp/ phút. Tim đập trên 100 nhịp/ phút được coi là nhịp tim nhanh. Nếu bạn thường xuyên có nhịp tim cao hơn 100 nhịp/ phút thì đây có thể dấu hiệu báo động tình trạng sức khỏe bất ổn của trái tim.

Tim trẻ đập bao nhiêu lần 1 phút?

Nhịp tim trung bình của trẻ sơ sinh là khoảng 100 – 160 lần/phút, lúc trẻ 1 tuổi là khoảng 80 – 130 lần/phút và lúc trẻ 6 tuổi là khoảng 70 – 110 lần/phút. Khi trẻ càng lớn thì các chỉ số nhịp tim, nhịp thở, huyết áp sẽ càng giảm theo từng độ tuổi.

Bị đột tử là như thế não?

Đột tử là tình trạng tử vong đột ngột xảy ra trong vòng 1 giờ sau khi khởi phát triệu chứng cấp tính hoặc khi không chứng kiến thời điểm tử vong nhưng trong vòng 24 trước đó nạn nhân không có biểu hiện triệu chứng .