Vaccine vaxzevria của nước nào sản xuất

Việt Nam nhận thêm một triệu liều vaccine COVID-19 từ Nhật Bản

[ĐCSVN] - Việt Nam nhận thêm một triệu liều vaccine COVID-19 từ ngày 1/7; Đề nghị Bộ Công an điều tra sai phạm tại Khu liên hợp thể thao quốc gia; Chốt thời gian hoàn thành xây dựng Sân bay quốc tế Long Thành; Australia phong tỏa 12 triệu người [gần một nửa dân] số để đối phó COVID-19; Biến chủng Delta xuất hiện ở ít nhất 92 quốc gia, vùng lãnh thổ… là một số tin tức trong nước và thế giới đáng chú ý diễn ra trong ngày 29/6.

Việt Nam nhận thêm một triệu liều vaccine COVID-19 từ ngày 1/7

GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp nhận lô vắc xin phòng COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản trao tặng cho Việt Nam từ Ngài Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam. Ảnh: Trần Minh/Bộ Y tế

Chiều 29/6, Bộ Y tế cho biết, 1 triệu liều vaccine phòng COVID-19 Nhật Bản dành tặng Việt Nam được Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ được chuyển đến Việt Nam 2 đợt, vào ngày 1/7/2021 và ngày 8/7/2021 tới.

Trước đó, lô vaccine COVID-19 AstraZeneca 1 triệu liều đầu tiên do Nhật Bản viện trợ đã cập bến nước ta vào tối 16/6. Sau đó, toàn bộ số vaccine này được chuyển tới TP. Hồ Chí Minh phục vụ chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử của Thành phố.

Như vậy, cùng với lô vaccine 1 triệu liều đã chuyển về Việt Nam ngày 16/6/2021, tổng cộng Nhật Bản đã viện trợ cho Việt Nam 2 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của hãng AstraZeneca. Loại vaccine này có tên VAXZEVRIA Intramuscular Injection [tên khác: COVID-19 Vaccine AstraZeneca Injection], dung dịch tiêm bắp, mỗi lọ chứa 10 liều, mỗi liều 0,5 ml.

Theo Bộ Y tế, việc tiếp nhận vaccine từ Chính phủ và nhân dân Nhật Bản lần này là rất kịp thời, góp phần giúp Việt Nam ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Đánh giá cao sự hỗ trợ kịp thời này, Bộ trưởng Y tế cam kết sẽ sử dụng hiệu quả vaccine để góp phần khống chế dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đề nghị Bộ Công an điều tra sai phạm tại Khu liên hợp thể thao quốc gia

Sân vận động Mỹ Đình. Ảnh chụp ngày 22-11-2020: Trung Nguyên/Báo Tin tức

Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm đã ký văn bản thông báo kết luận thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại Khu Liên hợp thể thao quốc gia [viết tắt là Khu LHTTQG], thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2009 đến ngày 31/12/2018.

Cùng với việc chỉ ra những tồn tại, thiếu sót cần khắc phục, Thanh tra Chính phủ [TTCP] cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép TTCP chuyển thông tin [tài liệu, hồ sơ, chứng cứ] cho Cơ quan CSĐT Bộ Công an để làm rõ việc Khu LHTTQG cho thuê mặt bằng các khu đất đã giải phóng mặt bằng đang chờ thực hiện dự án vi phạm quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước, tài sản công, thuộc đối tượng phải nộp tiền thuê đất nhưng chưa nộp ngân sách Nhà nước số tiền lớn, có dấu hiệu gây thất thu tiền ngân sách Nhà nước.

TTCP cho biết, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đồng ý kiến nghị của TTCP tại kết luận thanh tra nêu trên. Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, UBND TP Hà Nội, Tổng cục Thể dục thể thao, KLHTTQG, Cục thuế TP Hà Nội thực hiện các kiến nghị nêu tại kết luận thanh tra. Đồng thời, giao TTCP kiểm tra, giám sát việc thực hiện sau thanh tra theo quy định của pháp luật.

Theo kết luận thanh tra, từ tháng 5/2019, hàng loạt doanh nghiệp đang thuê đất tại KLHTTQG đã gửi đơn đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Tổng cục Thể dục thể thao... tố cáo KLHTTQG cho thuê đất nhưng không đưa vào sổ sách, thu tiền của doanh nghiệp nhưng không xuất hóa đơn VAT.

Trước đó, Kiểm toán Nhà nước cũng có kết luận KLHTTQG thực hiện việc cho một số đơn vị thuê đất khi chưa được phép. Khu đất mà KLHTTQG cho thuê ngắn hạn chưa được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Bộ Tài chính. Trong quá trình cho thuê, các hợp đồng cho thuê ngắn hạn chưa thực hiện đấu giá, công khai mức giá theo quy định…

Chốt thời gian hoàn thành xây dựng Sân bay quốc tế Long Thành

Sơ đồ Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành - Ảnh: Báo Đầu tư

Ngày 29/6, trong Thông báo số 214/TB-BGTVT về tiến độ Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu các chủ đầu tư phải hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt thiết với cả 4 dự án thành phần trước ngày 31/3/2025 để tiến hành kiểm định, vận hành chạy thử, nghiệm thu hoàn thành trong quý II/2025 và đưa vào khai thác chính thức vào quý IV/2025.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giao Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, phối hợp với Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông khẩn trương chỉ đạo xây dựng và phê duyệt kế hoạch triển khai tổng thể đối với 4 dự án thành phần Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành cùng với việc giải phóng mặt bằng, chậm nhất ngày 8/7/2021 hoàn thành phê duyệt.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu, các cơ quan, đơn vị liên quan phải phối hợp chặt chẽ với tỉnh Đồng Nai để xây dựng tiến độ triển khai tổng thể với mốc hoàn thành toàn bộ giải phóng mặt bằng trong năm 2021 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Quốc hội.

Australia phong tỏa 12 triệu người [gần một nửa dân] số để đối phó COVID-19

Nhân viên y tế xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Sydney, Australia. [Ảnh: AFP/TTXVN]

Chính quyền bang Queensland, Australia, vừa ban bố lệnh phong tỏa kéo dài ba ngày đối với khu vực Đông Nam bang Queensland và một số khu vực lân cận với khoảng 4 triệu dân từ 18h ngày 29/6, sau khi địa phương này ghi nhận hai ca mắc COVID-19 trong cộng đồng trong 24h qua.

Với lệnh phong tỏa trên, tổng cộng 12 triệu người Australia, chiếm gần một nửa dân số quốc gia lớn nhất Châu Đại Dương này, sẽ phải ở nhà theo lệnh phong tỏa của chính quyền các địa phương nhằm đối phó với sự bùng phát COVID-19 liên quan biến thể Delta có tốc độ lây lan rất nhanh của virus SARS-CoV-2.

Ngoài 4 triệu dân ở bang Queensland, hiện khoảng 5,7 triệu người ở khu vực Sydney của bang New South Wales, 2 triệu người ở khu vực Perth và Peel của Tây Australia, và hàng trăm nghìn người ở khu vực thành phố Darwin của Lãnh thổ phía Bắc đang phải sống trong các điều kiện phong tỏa nghiêm ngặt.

Cư dân ở các khu vực bị phong tỏa chỉ có thể ra khỏi nhà vì bốn lý do thiết yếu, bao gồm đi chợ mua sắm thực phẩm hoặc các đồ dùng và dịch vụ thiết yếu khác, khám chữa bệnh [trong đó có đi tiêm chủng ngừa COVID-19], tập thể dục ngoài trời theo nhóm không quá 10 người, đi làm hay đi học nếu không thể làm tại nhà.

Biến chủng Delta xuất hiện ở ít nhất 92 quốc gia, vùng lãnh thổ

Ảnh minh họa. [Nguồn: The Conversation]

Ngày 29/6, theo thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới [WHO], biến chủng Delta đã xuất hiện ở ít nhất 92 quốc gia, vùng lãnh thổ. Sự lây lan của biến thể này đẩy số ca nhiễm mới ở một loạt các nước tăng cao kỷ lục nhưng chỉ trong thời gian rất ngắn.

Từ London tới New York hay Bangkok, biến thể Delta đang trở thành mối nguy hiểm đe dọa kế hoạch quay lại trạng thái bình thường của thế giới.

Chính phủ Anh đã hoãn kế hoạch mở cửa hoàn toàn tới giữa tháng 7 từ sau đợt bùng phát mạnh bắt đầu hồi cuối tháng 5. Biến chủng Delta giờ đây chiếm tới 99% số ca nhiễm mới ở nước này.

Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh châu Âu cách đây vài ngày ước tính, đến cuối tháng 8, biến chủng này sẽ chiếm trên 90% ca mắc COVID-19 mới của cả châu lục.

Tại Đông Nam Á, biện pháp phong tỏa hoặc giãn cách buộc phải kéo dài ở nhiều nước khi số ca mắc mới trong 1 ngày ở Malaysia hay Indonesia "nhảy lên" mức 4 đến 5 chữ số.

Tại Anh, nước có khoảng 80% người trưởng thành đã được tiêm ít nhất một mũi, trong đó 60% người trưởng thành đã được tiêm đủ 2 mũi, tỷ lệ tử vong không có nhiều biến động dù số ca nhiễm mới tăng lên mức hơn 15.000 trường hợp mỗi ngày.

Tuy nhiên, ở Nga, vào ngày 28/6, 2 điểm nóng dịch COVID-19 là thành phố Moscow và Saint Petersburg đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất từ trước tới nay./.

PC [tổng hợp]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

  • Hà Nội kỷ luật nhiều cán bộ liên quan đến vụ Việt Á
  • Cảnh cáo Giám đốc CDC Hòa Bình
  • Khởi tố vụ án vi phạm quy định đấu thầu tại CDC Tiền Giang
  • Cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
  • Noru được dự báo là một trong những cơn bão mạnh nhất 20 năm qua
  • 89 người thiệt mạng trong vụ lật thuyền ngoài khơi Syria
  • Kỷ luật cảnh cáo Giám đốc và 2 cán bộ CDC Bạc Liêu

Video liên quan

Chủ Đề