Vì sao dazai muốn tự tử

Mishima Yukio có một mối quan hệ vô cùng khó ngửi với Dazai Osamu. Có thể nói sinh hoạt văn chương của Mishima, ngoài sáng tác thì chính là bôi nhọ Dazai. Mishima đặc biệt tỏ ra quý mến Kawabata Yasunari, có thể vì ông già đã thẳng tay gạt Dazai ra khỏi giải Akutagawa không chỉ một lần.

Akutagawa Prize là một cái giải mà hễ đọc giới thiệu tác giả ở các tay gấp sách Nhật là rất hay gặp đúng hem. Giải đó do Kikuchi Kan lập ra sau cái chết của Akutagawa Ryunosuke. Ông Kikuchi này, chúng ta không biết đến nhiều, nhưng ổng là một công thần của văn đàn cận đại Nhật, bạn thân kiêm bạn cùng trung học với Akutagawa, sau này mở một tạp chí văn cực kì uy tín và là người phát hiện, nâng đỡ nhiều tài năng trẻ, trong đó có Kawabata Yasunari. Bản thân Kikuchi là một người song tính, đã quan hệ tình dục đồng giới ngay từ thời trung học với một hậu bối dưới bốn khóa. Và ổng có một phát ngôn rất nổi tiếng mà giờ chúng ta vẫn còn dùng: Hôn nhân là mộ phần của đời người.

Akutagawa Ryunosuke là một người yếu đuối cả về thể chất và tinh thần, có lẽ di truyền từ người mẹ điên. Tạng người và tuổi thọ ngắn ngủi hẳn là nguyên nhân khiến ổng và truyện ngắn hợp nhau. Năm 35 tuổi, Akutagawa hẹn Hiramatsu Asasoshi 37 tuổi, nhân ngãi của mình kiêm bạn thân của vợ đến khách sạn để tự tử vì tình. Nhưng Asasoshi đã đổi ý vào phút cuối, khiến vụ tự tử đôi thất bại, lúc về đến nhà Akutagawa bức bối nói với vợ: Cô ta nhát chết! Hai tháng sau họ lại hẹn tự tử lần nữa, nhưng được cấp cứu kịp thời. Lại hai tháng tiếp theo, niềm ham muốn tự tử chưa nguôi ngoai, nhưng có lẽ thấy không trông đợi được gì vào Asasoshi, lần này Akutagawa tự tử một mình, và thành công. Ổng yên nghỉ phần ổng, nhưng lại hun đúc ra một phan cuồng tự tử, Dazai Osamu.

Dazai, kém Akutagawa mười bảy tuổi, đặt chân lên con đường tìm cách xa lìa trần thế từ rất sớm. Khi vào đại học, ổng cũng bắt chước rủ một phụ nữ ra biển tự tử đôi. Con người ta chết ngắc, nhưng ổng được cứu.

Hâm mộ Akutagawa nên Dazai không thể bỏ qua giải thưởng mang tên ai đồ. Tiểu thuyết của ổng lọt vào vòng trong. Nói chung với tài hoa của Dazai, giải thưởng như cua trong giỏ thôi. Bi kịch ở chỗ giám khảo là Kawabata Yasunari.

Kawabata là một người lớn lên trong hoàn cảnh tang tóc bi thảm. Nhưng ổng không tán đồng phong cách tìm chết của Akutagawa lẫn Dazai, vì thế ổng gạch thẳng cánh Dazai khỏi giải thưởng, với lý do tác giả này tràn đầy năng lượng tiêu cực. Tất nhiên bấy giờ Kawabata không hề ngờ rằng chính mình nhiều năm về sau sẽ khiến toàn dân sững sờ vì đóng kín các cửa lại và tự tử bằng khí gas dù mới được giải Nobel.

Dazai biết đâu những sự ấy, lập tức bùng nổ, viết một lá thư gửi cho đàn anh với lời lẽ châm biếm hết sức sâu cay.

Ông già giám khảo nghiêm túc lập tức hồi âm. Nhưng chưa kịp gửi thì Dazai đã lại tự tử nữa, lần này bằng dây thừng, may mà dây đứt.

Không chết thì lại tiếp tục sáng tác thôi. Và đợt này thì Dazai trở nên nổi tiếng lắm, tên tuổi lừng lẫy khắp các phòng khách văn chương. Và sự nổi tiếng đó làm nhức mắt một bạn nhỏ, bạn này có tên Mishima Yukio.

Mishima cao hơn tôi có chút xíu, nhưng chăm tập gym nên thân hình rất đẹp, ngực nở nang, múi nào ra múi đó. Không rõ ổng có biết Lý Tiểu Long không, nhưng ổng đã ý thức được rằng tập thể thao không chỉ dành cho con nhà võ mà còn là một biện pháp dưỡng sinh rất tốt.

Mishima không bao giờ che giấu sự phản cảm công khai dành cho Dazai Osamu lẫn văn của ổng. Có người ái ngại chỉ ra, anh và Dazai giống nhau ở quan điểm đều coi cuộc sống gia đình là chướng ngại văn nghiệp, ổng liền khinh bỉ đáp: Điểm duy nhất giống nhau giữa tôi với hắn, là đều là người thôi hà. Bản thân Mishima có lập gia đình, sinh con hẳn hòi, nhưng ổng đã bị bắt gặp đến gay bar, một nhà nghiên cứu về Mishima là bà Tanaka Miyo cho biết ông từng viết thư cho bác sĩ tâm lý thú nhận nỗi hoang mang vì không biết nên đi ngả nào trên ngã ba giới tính. Nỗi hoang mang này cũng phảng phất xuất hiện trong Confession of the Mask, sáng tác vào năm Dazai chết.

Sau khi Dazai chết, Mishima lao vào hoạt động chính trị. Đây cũng là thời điểm ổng bắt đầu xung đột với Kawabata ôn hòa như nước mà dạo trước ổng vẫn rất quý.

Để nói về vụ này, đây là lý giải của tôi. Sau khi đầu hàng đồng minh, Nhật không được thành lập quân đội, chỉ duy trì một tổ chức có tên Lực lượng Phòng vệ, bị tước sạch quyền lợi vũ trang, thậm chí không được coi là một tổ chức quốc phòng. Mishima không sao chấp nhận được chuyện đó.

Hô hào tái lập quân đội thất bại, ổng tự tử theo cách thức quật cường của các samurai, là seppuku. Thường thì khi võ sĩ rạch bụng xong, một người mà họ tín nhiệm hoặc thân quen sẽ nhận nhiệm vụ kaishakunin [giới thác nhân] vung gươm chặt đầu, để họ được chết nhanh chóng. Nhưng hôm đó người mà Mishima giao phó đã run tay, chặt mấy nhát làm nát cả cổ ông mà vẫn không đứt đầu, khiến ông vừa đau trên vừa đau dưới. Cuối cùng giữa cơn quằn quại, Mishima cho phép đổi một người khác làm kaishakunin.

Trước khi cởi áo rạch bụng, người thực hiện seppuku sẽ rút từ trong áo ra một thẻ gỗ, trên đề một từ thế cú [thơ từ giã cõi đời]. Từ thế cú của Mishima khá là khó hiểu.

散るをいとふ世にも人にもさきがけて散るこそ花と吹く小夜嵐

Tạm dịch:

Hoa tàn người than tiếc, cánh lũa theo gió đêm.

[Chú: Văn thơ Nhật mà nói “hoa” suông thì tức là chỉ “hoa anh đào”.]

Nghe tin Mishima thực hiện seppuku, rất nhiều nhà văn đã ùa đến hiện trường, nhưng chỉ mình Kawabata được phép đi vào. Có lẽ cảnh tượng trông thấy lại là một dấu ấn tử thần nữa trám lên ông già. Từ một người lánh xa chính trị, ổng bắt đầu đi diễn thuyết về chủ đề liên quan.

Và mười bảy tháng sau khi Mishima chết, ông già cũng đặt chân lên con đường tự kết liễu đời mình.

Page 2

Đọc Tiệm sách cũ Biblia, nhận ra một chuyện. Natsume Soseki gọi là Soseki, Dazai Osamu lại gọi là Dazai. Ngược về xa xưa, Matsuo Basho gọi là Basho, về sau Kawabata Yasunari lại gọi là Kawabata. Tóm lại vì sao người thì gọi bằng tên, người thì gọi bằng họ.

Tra thử cũng rất mông lung, nhưng đại khái như này.

Thuở xưa người Nhật đặt nhiều tên, ngoài tên cúng cơm [húy] và tên chữ [tự], còn có tên hiệu [nhã hiệu]. Nhã hiệu có thể khác hoặc giống húy, rất dài hoặc rất ngắn, đầy đủ hoặc chỉ có tên, nhưng hễ có nhã hiệu thì sẽ được dùng phổ biến cùng tự hơn là húy.

Bước vào thời Meiji [1868], khi nhà nước bắt đầu chế độ hộ khẩu và chỉ ghi nhận tên thật cho dễ quản lý, thì nhã hiệu ít được đặt hẳn đi và hầu như không xuất hiện ở dân thường nữa. Dĩ nhiên những ông văn nhân màu mè còn/cứ/có nhã hiệu thì vẫn khăng khăng sử dụng nó như cũ. Chẳng hạn Natsume Soseki còn có nhã hiệu Soseki, nên mới có Soseki toàn tập chứ không phải Natsume toàn tập.

Với những người không dùng nhã hiệu, thì ưu tiên sử dụng họ-tên, hoặc họ [của tên thật hoặc bút danh], ví như Akutagawa [Ryunosuke], Dazai [Osamu], Murakami [Haruki]… Tên [thật] chỉ dùng lúc thân thiết.

Vẫn có những nhà văn được nhắc đến bằng tên, đó là khi tên của họ được đọc theo âm Hán chứ không phải âm Nhật, như [Miyazawa] Kenji, [Sakaguchi] Ango, [Mori] Ogai, [Matsumoto] Seicho…

Thế nào là âm Hán và âm Nhật? Tiếng Nhật kế thừa một lượng lớn chữ Hán và kèm theo đó là âm Hán-Nhật, sử dụng song song hoặc độc lập với âm Nhật-Nhật. Âm Hán-Nhật thì người Việt có thể nghe ra, vì cũng có đôi ba phần trăm na ná Hán-Việt, còn Nhật-Nhật thì chịu không đoán được là chữ gì cả. Ví dụ 賢治~Kenji~Hiền Trị, 鴎外~Ogai~ Hào Ngoại, nhưng đến 春樹~Haruki~Xuân Thụ, 康成~Yasunari~Khang Thành… thì mọi sự liên hạ thành quá xa.

Còn tại sao tên đọc theo âm Hán-Nhật có thể được gọi trực tiếp, thì có vài giả thuyết: a/ Do còn âm hưởng trang trọng của các nhã hiệu thời lắm tên và kị húy xa xưa, b/ Dễ phân biệt hơn là gọi bằng những cái họ Nhật nhang nhác, c/ Với một số tác giả có thành tựu nổi bật thì tên của họ cũng như thương hiệu, nhắc đến là biết ngay.

Tất nhiên vẫn còn một khả năng chống lại mọi lý lẽ: dân gian thích gọi nào gọi, đi mãi thì thành đường thôi.

Page 3

Hồi xưa thông báo tuyển dụng hay có yêu cầu: thành thạo vi tính văn phòng. Giờ trẻ con ba tuổi đã tablet phablet nhoay nhoáy nên chắc yêu cầu này không tồn tại nữa nhỉ.
Nhưng có một số kỹ năng văn phòng nhỏ mà có võ mà dù nhoay nhoáy hay học lấy chứng chỉ người ta cũng không dạy cho bạn. Ví như, đặt tên file.

Kiểu đặt tên file phổ biến nhất hiện nay là thể hiện đúng nội dung của tài liệu. Ví dụ Hàng tạm nhập tái xuất tháng 10, Danh mục hàng chưa có C/O, Báo cáo thanh khoản quý III năm 2005… Những cái tên này không có vấn đề gì với đa phần mọi người, nhìn qua cũng rành mạch rõ ràng. Nhưng nhìn kỹ hơn sẽ thấy nó rất không thuận tiện cho quản lý và tra cứu, lại lắm lời và không có công thức chung nên người ta thường đặt rất lung tung. Lấy ví dụ trong một folder: •Bản dịch Hồ của Kawabata Yasunari •Bản tiếng Việt Hồ của Yoshimoto Banana •Tiểu sử Kawabata Yasunari •Đăng ký xuất bản Lưỡi •Love Letter dịch xong •Bản sửa lần 1 Love Letter •Bản biên tập lần 2 Love Letter •Ghi chú của dịch giả về giáo phái Aum trong Hồ của Banana…

Trong trường hợp này ta sẽ phải chạy tới chạy lui để tìm các file có liên quan đến một đối tượng, mà thông tin nắm bắt được lại hạn chế hơn mức tên file có thể cung cấp.

Tôi có một gợi í về đặt tên file cho bạn. Nguyên tắc là từ lớn đến nhỏ, từ cái cố định nhất đến cái biến động nhất, sử dụng từ then chốt, viết sát vào nhau và đừng dùng dấu để có thể hiển thị tốt ở mọi nơi và tận dụng tốt thuật toán đọc của máy tính. Thử xếp lại đống trên kia: •Kr_JoKyungRan_Tongue_PublishingLicenceRegis •Jp_KawabataYasunari_bio •Jp_KawabataYasunari-Lake_vn •Jp_IwaiShunji-LoveLetter_vn •Jp_IwaiShunji-LoveLetter_vn_Edit1 •Jp_IwaiShunji-LoveLetter_vn_Edit2 •Jp_YoshimotoBanana-Lake_TN-Aum …

Như vậy những thứ thuộc cùng một đối tượng sẽ tự động xếp hàng. Mình muốn nhóm đi folder khác hay attach thư cũng dễ dàng.

Nếu cần thêm ngày tháng vào tên file thì gợi í mọi người nên sắp từ lớn đến nhỏ [năm-tháng-ngày], thuận tiện vô cùng đấy, vì ngày là cái biến động nhiều nhất. Tôi khá là thích lối tư duy từ lớn đến nhỏ.

Page 4

TchyA Đái Đức Tuấn mất năm 1968. Tạp chí Văn [Sài Gòn] cùng năm dành riêng số 117 để ai điếu ông. Choán hầu hết số trang là tập hợp bài viết của các bạn văn về TchyA, ít ỏi vài trang cuối đăng truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu và một mẫu quảng cáo nhỏ rằng đêm này đêm ấy Trịnh Công Sơn Khánh Ly hát ở phòng trà nào đó.

TchyA Đái Đức Tuấn qua các bài viết hiện lên với hình tượng tài hoa phong lưu, theo đòi cả hai nghiệp văn võ, chữ đẹp văn hay bắn đâu trúng đó, sự nghiệp rỡ ràng ăn chơi rôm rả chẳng thua ai, đối nhân rộng rãi xử thế phóng khoáng. Có người kể đến chơi nhà ông, một trinh một chữ cũng chẳng còn, nhưng ông lén tháo nhẫn cưới đưa con đem cầm lấy tiền mua thuốc [phiện] đãi bạn. Ly kỳ nhất là có một dạo thế đạo rối ren, TchyA ẩn cư ở Thanh Hóa, nuôi râu dài ăn bận kiểu đạo sĩ, dựng một am nhỏ đặt tên Mai Nguyệt, bản lĩnh đức độ cao vời đến đỗi thuần phục được hẳn một tên cướp khét tiếng khắp tổng Quảng Xương, thu nạp nó làm thư đồng[?], thay trời hành thiện… Nghe chẳng khác nào một giai thoại thời cổ đại.

Bài viết của các bạn văn lanh canh tựa ngọc rơi. Tạ Tỵ gọi ông là “phượng hoàng gãy cánh giữa vùng trời hờn tủi”. Vũ Bằng gọi ông là “một Lý Bạch của bàn đèn”. Vũ Hoàng Chương mô tả ông như “nhất sĩ danh thành”… Nhìn chung tập hợp đủ mọi ngôn từ ai sầu hoài vọng hết sức hoa mĩ. Tuy vậy ngẫm ra sự chân thành không có nhiều, vì các bài tưởng niệm được viết bởi cả thâm giao lẫn sơ giao, vài ông còn thú nhận chỉ gặp TchyA một lần hoặc, thậm chí, nghe tiếng qua người nọ người kia. Cơ bản truyền thống múa bút cúng nhau này từ khi khai sinh cái nghề lập thân tối hạ, với những kẻ gật gù lời rằng bạc đãi cũng là lời chung, đã là món nợ đồng lần khi người ta chẳng có gì hơn chữ, chẳng còn gì ngoài chữ. Đẹp mặt biết bao khi đi vào cõi vĩnh hằng trên con đường trải toàn lời vàng ý ngọc, có phải không?

Tuy nhiên, truyền thống đó có áp dụng cho Văn không, hay nói cách khác trường hợp Đái Đức Tuấn trong giới văn chương Sài Gòn hồi ấy có gì thuận lợi và ưu tiên hơn không, tôi không rõ. Bởi 117 là số duy nhất tôi đọc của tạp chí này. Và đấy cũng là lần đầu tiên biết rằng, Đái còn là một cái họ.

Văn của TchyA không hẳn là lưu loát. Mở ngoặc về bút danh nửa nạc nửa mỡ của ông, có nhiều cách đọc: Tê-Chi-A, Tẩy-Chìa hay Tẩy-Xìa; tự dạng đúng là viết hoa hai chữ T và A. Như ông tường minh, TchyA ghi tắt của Ta-chẳng-yêu-ai, nhưng bằng hữu ông giải mã ra là Tuấn-chỉ-yêu-Angèle. Angèle tên thật là Bích Ngọc, một nhan sắc có lai lịch ở Hà Thành, nhưng tôi quên chi tiết rồi. Đâu như là một cô đầu… “Hồng hồng tuyết tuyết, mới ngày nào còn chưa biết cái chi chi…”

Lại nói, văn TchyA không hẳn là lưu loát, lấy ngay Ai hát giữa rừng khuya, giở phần đầu, đoạn ông tả Oanh Cơ đã thấy rườm rà lôi thôi, như thể không biết chọn câu nào bỏ câu nào, tả hết rồi tả lại vẫn sợ tả chưa đủ. Song le, cả truyện lại sóng sánh một mạch ngầm huyền bí hấp dẫn và trong khá nhiều năm, hình ảnh con hổ ngồi bắt tréo chân đu đưa trên cái dây rừng buông khiến tôi vô cùng ám ảnh, thậm chí sợ hãi. Không hiểu nổi tại sao con súc sinh đó nó mê hát đến độ bay qua muôn trùng sông núi, từ miền ngược đến miền xuôi, sống bắt xác chết bắt hồn, ngoan cố chiếm đoạt con nhà người ta như con điên vậy. Nhưng điều này thời nay đã có thể lý giải khi đối chiếu với văn hóa thần tượng-phan cuồng. Và từ ngày biết Ai hát tôi vẫn nuôi í định mai sau lớn lên đi Tam Điệp, xuống ga Gôi, lên đèo Ô Quý Hồ… nói chung là tới những chỗ hổ vồ hay dầm dề mưa gió bóng ma đấu võ xem nó ra làm sao. Mấy chục năm trôi qua, lúc đi được thật thì đã bãi bể nương dâu, bạch vân thương cẩu, dương thịnh âm suy quá rồi nên chẳng còn hồn ma bóng quế nào lảng vảng cho mà nhìn cả.

Tuy thế thơ TchyA thì trau chuốt, ngay cả thơ dịch cũng cầu kỳ. Ở đầu cuốn Văn có đăng bài thơ Bộ bộ [Les pas] của Paul Valery, mà TchyA dịch ra chữ Nho rồi mới diễn nôm. Đọc đã gần ba mươi năm nhưng có những câu còn nhớ như mới hôm qua, bởi hình ảnh sử dụng rất chi óng ả. Chẳng hạn, “Ngã bình sinh dĩ hoạt, miên miên trường đãi quân, quân bộ tự cửu hĩ, chỉ thị ngã tâm thần. [Đời ta từng đã sống, bằng chờ đợi vấn vương, tim ta từ thuở trước, chỉ là bước chân nường.]” Cũng nhờ Đái Đức Tuấn mới biết đến danh Paul Valery, và hôm ở Paris, khi vô tình lạc bước đến một con phố mang tên ông ấy, gần Charles de Gaulle Etoile gì gì đó, cảm giác như được gặp cố nhân vậy.

Đây là những câu tôi thích nhất trong bản dịch Les pas của TchyA.


Xem thêm “The Footsteps” đối dịch Pháp-Anh.

Một đoạn ngắn thơ khác của Paul Valery, “Nàng Parque thanh xuân”, cũng xuất hiện như đề từ cho cuốn Ở đâu đó có điện thoại gọi tôi.

Ai hát giữa rừng khuya thuộc thể loại tiểu thuyết kinh dị đường rừng, năm ngoái đã có một bản in mới, của Nhã Nam.

Ảnh: Nhã Nam

Video liên quan

Chủ Đề