Viện IRED là gì

Giản Tư Trung

Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục IRED

Làm thế nào để chúng ta có một đội ngũ những nhà giáo chất lượng quốc tế? Làm thế nào để chúng ta có đội ngũ những nhà lãnh đạo giáo dục có tầm vóc? Làm thế nào để chúng ta có thể phát triển được những phương pháp giáo dục ưu việt? Và làm thế nào để học sinh của chúng ta có thể tiếp cận được với những gì tốt nhất để khai sáng trí tuệ và nuôi dưỡng tâm hồn?... Những câu hỏi lớn lao này phải được giải quyết bằng một cuộc canh tân giáo dục sâu rộng, và trong công cuộc này không thể bỏ qua vai trò của “tướng tiên phong” mang tên “sách giáo dục”.


Trong công cuộc hội nhập và đua tranh toàn cầu của người Việt, có lẽ điều mà chúng ta cần hội nhập đầu tiên nhất và mạnh mẽ nhất, đó là hội nhập về tri thức. Và trong công cuộc hội nhập về tri thức ấy, lĩnh vực cần phải hội nhập trước nhất và quyết liệt nhất chính là lĩnh vực giáo dục.

Và chắc hẳn mọi người đều đồng ý, muốn có một nước Việt Nam mới, một nước Việt Nam thịnh vượng và văn minh, thì phải có những con người Việt Nam mới, những con người được nuôi dưỡng tâm hồn, được khai sáng trí tuệ và được rèn luyện thể chất tốt. Điều này chỉ có được khi chúng ta có một nền giáo dục mới, một nền giáo dục hội nhập và sánh vai với thế giới. Muốn có được một nền giáo dục như vậy thì phải dựa vào nhiều yếu tố, và một trong những yếu tố đầu tiên và không thể thiếu đó là phải có tư duy mới, nhận thức mới, tầm nhìn mới, tri thức mới cho giáo dục, cụ thể là cho năm chủ thể quan trọng nhất của nền giáo dục, đó là: nhà nước, nhà trường, nhà giáo, gia đình và người học.

Có rất nhiều cách để đạt được mục tiêu này. Gởi người đi học tập, nghiên cứu ở các quốc gia phát triển. Mời những “bộ óc” giáo dục lớn của thế giới về chia sẻ với chúng ta. Tìm cách chuyển giao những công nghệ giáo dục hiện đại, những mô hình giáo dục tiến bộ thông qua việc liên kết với các tổ chức giáo dục danh giá… Tuy vậy, những cách làm này cũng có một số điểm không thuận lợi như là việc triển khai không dễ dàng và khá tốn kém [do những rào cản về địa lý, ngôn ngữ và phải chi ra rất nhiều tiền].

Có thể suy nghĩ đến một cách làm nữa đơn giản hơn mà cũng không kém phần hiệu quả, đó là mua bản quyền, biên dịch ra tiếng Việt và xin cấp phép xuất bản những đầu sách giáo dục thực sự có giá trị. Đây cũng là cách đưa những trí tuệ và tư tưởng của những “bộ óc” hàng đầu thế giới về giáo dục về Việt Nam một cách nhanh nhất, rẻ nhất và đến được với nhiều người nhất. Bằng cách này, với mức “học phí” có khi chỉ bằng mấy tô phở, những con người trong giới giáo dục của ta có thể có cơ hội được chia sẻ và học hỏi từ những tác gia lớn, từ những bậc thức giả hàng đầu thế giới về giáo dục ở bất cứ nơi đâu, vào bất cứ lúc nào…

Sách giáo dục được định nghĩa là những pho sách được viết ra bởi những nhà tư tưởng giáo dục, nhà cải cách giáo dục, nhà lãnh đạo giáo dục, nhà giáo dục học… nhằm chuyển tải những tinh thần, tư tưởng, triết lý giáo dục, những suy nghĩ mang tính khai phóng, những phương pháp ưu việt… cho xã hội, cho người dạy, người học, và cho cả những nhà nghiên cứu và nhà quản lý giáo dục.

Sách giáo dục không chỉ là những cuốn sách cụ thể thường thấy để hướng dẫn ta cách làm việc, công thức hành xử hay những lời khuyên để mỗi ngày lên lớp tốt hơn. Sách giáo dục mà chúng ta muốn đề cập ở đây là những cuốn sách định nghĩa lại giáo dục, định nghĩa lại vai trò của các chủ thể trong nền giáo dục, là những cuốn sách cung cấp cho người đọc cái nền tảng, cái cội nguồn về cách suy nghĩ, về tư tưởng và triết lý của việc làm giáo dục. Từ cái gốc này, sẽ không khó để biết được cách thực hiện, cách cải biến và tạo ra những thay đổi trong từng người dạy, người học, và những thay đổi này sẽ tạo ra sức mạnh thay đổi cộng đồng giáo dục và cộng đồng xã hội.

Hiểu theo một cách nào đó, khi đưa về Việt Nam những cuốn sách giáo dục có giá trị này, tức là chúng ta đã “mời” được những tư tưởng giáo dục cách mạng nhất, những suy nghĩ giáo dục tiến bộ nhất, những phương pháp giáo dục quan trọng nhất đến tận mỗi nhà, mỗi người để truyền đạt những điều mà chúng ta rất cần nhưng lại đang thiếu. Vì vậy mà cũng có thể ví von “sách giáo dục” như là một “vị tướng lãnh ấn tiên phong” trong việc hiện thực hóa vai trò dẫn đầu công cuộc hội nhập tri thức của lĩnh vực giáo dục.

Và cũng từ những suy nghĩ đó, “Tủ sách Phát triển Giáo dục” của Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục IRED [gọi tắt là “Viện IRED”] và DT Books được ra đời. Tủ sách này sẽ lần lượt giới thiệu tới độc giả quan tâm đến giáo dục, quan tâm đến nghề dạy học, quan tâm đến công tác quản lý giáo dục những tập sách giáo dục, những bộ sách giáo dục được chọn lọc kỹ càng, được biên soạn hay biên dịch cẩn trọng bởi những nhà nghiên cứu, các dịch giả, các chuyên gia tâm huyết. Viện IRED là một viện nghiên cứu độc lập và phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, nên đương nhiên, việc xây dựng và phát triển Tủ sách chuyên biệt này cũng không nhằm mục tiêu lợi nhuận.

Ngay trong 3 tháng đầu năm 2012, Viện IRED và DT Books đã cho ra mắt độc giả những tựa sách sau đây: John Dewey về Giáo dục [John Dewey]; Kinh nghiệm và Giáo dục [John Dewey]; Năm tư duy cho tương lai [Howard Gardner]; Trí thông minh đa diện [Howard Gardner]; Đào tạo đội ngũ nhà giáo trong một thế giới đang thay đổi [Linda Darling-Hammond]; Người thầy giỏi trong mọi lớp học [Linda Darling-Hammond]; Lỗ hổng giảng dạy [James Stigler và James Hieber]; Lãnh đạo sự thay đổi - Cẩm nang cải tổ trường học [Tony Wagner và Robert Kegan]; Nền tảng Tư tưởng và Triết học của Giáo dục [Gerald Gutek].

Là những người làm giáo dục, ắt hẳn ai trong chúng ta cũng mong muốn rằng một ngày nào đó trong tương lai không xa, giới giáo dục Việt Nam sẽ có sự bình đẳng với giới giáo dục thế giới, nhất là bình đẳng về mặt chia sẻ và cập nhật tri thức. Khi đó, giới giáo dục quốc tế được đọc những cuốn sách quý nào về giáo dục, về nghiên cứu thì giới giáo dục ở Việt Nam cũng sẽ có cơ hội được đọc và thậm chí là được sở hữu những cuốn sách đó [bằng tiếng Việt hẳn hoi]. Với mong muốn như vậy, những tác phẩm có giá trị của “Tủ sách Phát triển Giáo dục” [bao gồm cả sách biên dịch và sách biên soạn] sẽ tiếp tục lần lượt được giới thiệu đến đông đảo bạn đọc cả nước./.

TP. Hồ Chí Minh, 03/2012

G.T.T.

Chương trình "Quản trị Cuộc đời" [LMP]

Chương Trình "Quản Trị Cuộc Đời" / Life Management Program [gọi tắt là “LMP”] là một chương trình đào tạo đặc biệt, do Viện IRED và Trường PACE cùng thiết kế, biên soạn và tổ chức thực hiện.

LMP ra đời với mong muốn góp phần giúp cho những người tham dự chương trình có cơ hội cùng nhau chia sẻ và cùng nhau học hỏi được cách “nhận thức lại chính mình” để “tái cấu trúc cuộc đời” và “phát triển bản thân”. Từ đó, mỗi cá nhân có thể phát huy hết tiềm năng và tối đa hóa giá trị bản thân để hướng đến một cuộc đời thành công hơn và một cuộc sống hạnh phúc hơn.Mục tiêu nữa của LMP là "Nỗ lực giữ vai trò là chương trình đi tiên phong trong việc định hình và phát triển chuyên ngành “quản trị cuộc đời” và “chiến lược cuộc đời” tại Việt Nam, đồng thời trở thành một chương trình “quản trị cuộc đời” có uy tín quốc tế trong việc nghiên cứu và phát triển giá trị con người".

Với định hướng giáo dục cơ bản là “Học những gì đặc biệt cần thiết cho cuộc đời, nhưng chưa được dạy hay ít được dạy ở trường”, LMP mong muốn và nỗ lực lan tỏa rộng rãi những giá trị nhân văn, những cách nghĩ tích cực, những lối sống lành mạnh, những lý luận nền tảng về cuộc đời và con người…nhằm góp phần hun đúc những nền tảng văn minh trong cộng đồng xã hội và đồng thời cũng góp phần làm cho cuộc sống của mỗi người tốt đẹp hơn.

Alice, con mèo & câu chuyện “Quản trị Cuộc đời” 

Từ sự lúng túng của Alice

Trong tác phẩm nổi tiếng “Cuộc phiêu lưu của Alice vào xứ sở thần tiên”, có một đoạn kể về cô bé Alice khi bị lạc vào xứ sở thần tiên, cô sợ hãi bỏ chạy, chạy mãi cho đến khi gặp một con mèo. 

Alice hỏi con mèo: Tớ đi đường nào bây giờ? Con mèo trả lời: Điều đó tùy thuộc vào việc cậu muốn đến đâu chứ? Alice đáp lại: Tớ thật sự chẳng quan tâm lắm về cái nơi mà mình muốn đến. Con mèo: Thế thì cậu cũng không cần quan tâm là nên đi đường nào! Một khi mà cậu đã không quan tâm đến cái nơi mà mình tới thì đi đường nào mà chẳng được!

Quả thật, chẳng phải con mèo chịu thua trong việc chỉ đường cho Alice, mà ngay cả những người thông thái nhất cũng đành lắc đầu khi phải chỉ đường cho một người mà không hề biết rõ đích đến của mình là nơi đâu!

Sự lúng túng của Alice làm ta chợt giật mình: Vậy mục đích của cuộc đời mình là gì!?

Câu chuyện “Alice và con mèo” nói trên thực chất cũng là một cách tiếp cận gần gũi để chúng ta suy ngẫm về câu chuyện cuộc đời của mỗi con người. 

Thật vậy, nhiều khi chúng ta cứ sống ngày qua ngày, năm này qua năm khác như vậy, mà rất ít khi dành chút thời gian để dừng lại và tự hỏi: Mình là ai? Mình sống để làm gì? Cuộc đời mình sẽ đi đâu về đâu? Rốt cuộc là mình sẽ dùng cuộc đời mình vào việc gì và việc đó có đáng để dùng hay không? Mình muốn có một cuộc đời ra sao? Làm sao để có một cuộc đời như thế? Cuộc đời mình nên được "quản trị" như thế nào?...

Đến câu chuyện “Quản trị cuộc đời”

Từ bao đời nay, khi nói đến quản trị, người ta thường nói đến quản trị quốc gia hay quản trị doanh nghiệp, chứ ít ai nói đến “quản trị cuộc đời” hay “quản trị bản thân”. 

Tuy nhiên, ai cũng biết, để một quốc gia thành công thì chắc chắn quốc gia đó phải được quản trị tốt, để một doanh nghiệp thành công thì doanh nghiệp đó phải được quản trị tốt, để một gia đình hạnh phúc thì gia đình đó cũng phải được “quản trị” tốt.

Và để có một cuộc đời thành công cũng vậy, chắc chắn cuộc đời đó cũng phải được “quản trị” tốt.

Đối với quản trị quốc gia và quản trị doanh nghiệp thì chúng ta đã có cả một hệ thống các ngành khoa học liên quan và có một hệ thống lý luận khá đầy đủ. Vậy còn đối với “quản trị cuộc đời” thì có đủ quan trọng và có đủ khó khăn để hình thành một chuyên ngành hay một chương trình đào tạo? 

Tất nhiên là vô cùng quan trọng và tất nhiên là vô cùng khó khăn. Và đó cũng chính là lý do vì sao chuyên ngành và chương trình đào tạo quản trị cuộc đời được ra đời, phát triển và có hệ thống lý luận vô cùng phong phú.

Peter Drucker - một triết gia về quản trị [Management Philosopher], người được xem là “cha đẻ” khoa học quản trị hiện đại của thế giới [Father of Modern Management], và cũng là người khởi xướng chuyên ngành “Quản trị cuộc đời” [theo cách gọi của ông là “Managing oneself”] cho rằng: “Chúng ta đang sống trong một thời kỳ của những thay đổi khó lường, bởi vậy nếu bạn có hoài bão, có chiến lược tốt cho cuộc đời của mình, thì bạn sẽ nhanh chóng chinh phục được đỉnh cao sự nghiệp trong cuộc đời bạn. Và sự thật, chính mỗi chúng ta mới là "nhà quản trị" của cuộc đời mình.”

Và chương trình “Quản trị cuộc đời” của LMP

Từ những nghiên cứu chuyên sâu của chúng tôi về chuyên ngành này, cùng với định hướng giáo dục cơ bản là “Học những gì đặc biệt cần thiết cho cuộc đời, nhưng chưa được dạy hay ít được dạy ở trường”, Viện IRED và Trường PACE đã thiết kế, biên soạn và triển khai lần đầu tiên tại Việt Nam chương trình đào tạo “Quản trị cuộc đời” / “Life Management Program” [LMP].

Chương trình đào tạo đặc biệt này bao gồm 05 [năm] nội dung chủ đạo, theo “Mô hình Quản Trị Cuộc Đời” [Life Management Model] do Viện IRED và Trường PACE là tác giả, cụ thể là: [1] Thấu hiểu bản thân; [2] Hoài bão và lẽ sống; [3] Chiến lược cuộc đời; [4] Năng lực cốt lõi; [5] Giá trị nền tảng.

Chương trình này được tách ra thành 2 chương trình riêng biệt, với nội dung chi tiết khác nhau [dù cùng một mô hình “Quản trị cuộc đời”], dành cho 2 đối tượng khác nhau, đó là chương trình dành cho người lớn và chương trình dành cho học sinh, sinh viên. 

Đây là một chương trình đào tạo và cũng là một môn học mới, rất mới ở Việt Nam ta. Mục tiêu chính của việc ra đời môn học này là để góp phần giúp người học nâng cao “giá trị con người” của mình [kể cả người chưa thành công và những người đã rất thành công].

Cụ thể là, chương trình được biên soạn không chỉ dành cho những người có mong muốn “tái cấu trúc” / “sắp xếp lại” cuộc đời mình, mà chương trình còn được thiết kế đặc biệt dành cho người tự tin rằng mình có tài năng, có khát vọng vươn lên và có mong muốn biết cách tối đa hóa giá trị cuộc đời mình, để từ đó sớm có được một cuộc đời thành công hơn và một cuộc sống hạnh phúc hơn, và đồng thời được những người hiểu biết mến trọng. 

Nội dung Chương trình Đào tạo

QUẢN TRỊ CUỘC ĐỜI

Life Management Program [LMP]

Phần I: Bàn về một số khái niệm cơ bản

- Thế nào là “con người”? “Giáo dục” là gì? Thế nào là “khai sáng”?- Thế nào là “Thành đạt”? Thế nào là  “Thành công”? Thế nào là “Hạnh phúc”? 

- Thế nào là “Cuộc sống”?  Thế nào là “Cuộc đời”? Thế nào là “Cuộc đời đáng sống”?

Phần II: Mô hình "Quản Trị Cuộc Đời"

- Hiểu rõ bản thân? [Understanding Yourself]- Hoài bão và Lẽ sống [Life Vision & Mission] - Chiến lược cuộc đời [Life Strategy]- Năng lực cốt lõi [Core Competences] 

- Giá trị nền tảng / Văn hóa cá nhân [Core Values] 

Phần III: Một số kỹ năng sống căn bản

- Kỹ năng giải quyết vấn đề- Thói quen để thành công- Tư duy tích cực & Nguyên tắc 1/99- Kỹ năng vượt nghịch cảnh- Kỹ năng sáng tạo

- …

[Nội dung chương trình nói trên thuộc tác quyền của Viện IRED và Trường PACE, vui lòng ghi rõ nguồn khi sử dụng nội dung hay mô hình này]

Video liên quan

Chủ Đề