Bà bầu đau bụng như thế nào là nguy hiểm năm 2024

Các bà bầu đau bụng trên gần ức liệu có gì nguy hiểm không? Hiện tượng này có ảnh hưởng như thế nào đối với mẹ và thai nhi? Đâu là nguyên nhân và cách xử lý khi gặp tình trạng này? Để trả lời cho những thắc mắc trên, đừng vội bỏ qua bài viết sức khỏe sau đây của Nhà thuốc Long Châu bạn nhé!

Nguyên nhân gây tình trạng bà bầu đau bụng trên gần ức

Đau bụng gần ức hay còn gọi là đau bụng vùng thượng vị. Đây là khu vực nằm giữa phần bụng trên và dưới lồng ngực kéo dài từ rốn lên đến phần dưới của xương ức.

Một số nguyên nhân có thể gây nên tình trạng bà bầu đau bụng trên gần ức bao gồm:

Do trào ngược dạ dày

Tình trạng trào ngược dạ dày xảy ra khi axit trong dạ dày bị đẩy ngược lên phía thực quản. Khi gặp tình trạng này, mẹ bầu sẽ cảm thấy tức ngực, đau bụng và đau phần cổ họng, tình trạng này không chỉ tác động đến sức khỏe mà còn gây ảnh hưởng lên tâm lý của mẹ bầu.

Một số dấu hiệu có thể gặp khi mẹ bầu bị trào ngược dạ dày:

  • Mẹ bầu có cảm giác khó chịu ở họng hơn so với bình thường.
  • Mẹ bầu đau ngực và vùng bụng trên gần ức.

Nếu mẹ bầu bị trào ngược dạ dày kéo dài, có khả năng sẽ dẫn tới những ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe như:

  • Mẹ bầu bị ợ chua, ợ nóng, khó tiêu hay thậm chí mất vị giác.
  • Mẹ bầu có thể bị ho hoặc bị khàn.
  • Cơ thể mệt mỏi, uể oải.
    Bà bầu đau bụng như thế nào là nguy hiểm năm 2024
    Trào ngược dạ dày có thể là nguyên nhân khiến mẹ bị đau tức vùng bụng trên ức

Do khó tiêu, đầy hơi

Theo các chuyên gia, mẹ bầu đau bụng trên gần ức có thể do nguyên nhân đầy hơi, khó tiêu, gây ra bởi cơ thể mẹ hấp thụ các loại thực phẩm không phù hợp với dạ dày, khiến quá trình tiêu hóa trở nên khó khăn hơn.

Trong suốt thời kỳ mang thai, hệ tiêu hóa mẹ bầu thường có xu hướng hoạt động kém hơn bình thường. Vì vậy, ở thời gian này, kể cả một số loại thức ăn bình thường cũng có thể khiến bà bầu bị ợ nóng, đầy hơi hay khó tiêu. Ngoài ra, lúc này, axit dạ dày của mẹ bầu cũng có thể gây ra kích ứng niêm mạc.

Do áp lực tử cung tăng cao

Khi thai nhi được hình thành và phát triển lớn lên mỗi ngày sẽ khiến cho tử cung người mẹ mở rộng ra, đồng thời tạo áp lực lên rốn và vùng bụng của mẹ. Đây là nguyên nhân chính gây ra những cơn đau bụng trên gần ức ở mẹ bầu, thường gặp nhất vào giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3 hay tam cá nguyệt đầu tiên.

Bà bầu ăn quá nhiều

Trong thời kỳ mang thai, thói quen ăn uống của mẹ bầu thường bị thay đổi. Lúc này, nhiều mẹ bầu thường có tâm lý ăn nhiều hơn để có thể bổ sung cho cả mẹ và con. Do đó, mẹ bầu thường cảm thấy quá no sau bữa ăn.

Theo các chuyên gia, việc ăn uống quá nhiều sẽ khiến cho dạ dày mẹ bầu phình to hơn và căng cứng. Đây cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng khó tiêu, trào ngược dạ dày và đau bụng trên gần ức ở mẹ bầu.

Bà bầu đau bụng như thế nào là nguy hiểm năm 2024
Ăn uống quá nhiều có thể khiến bà bầu đau bụng trên gần ức

Do sự căng da và cơ bắp

Trong suốt quá trình mang thai, sự không ngừng phát triển của thai nhi sẽ khiến cơ bắp và vùng da quanh bụng mẹ bị căng ra hết sức, rạn da và gây nên cảm giác rất khó chịu. Tình trạng này có thể xuất hiện ở các tháng cuối thai kỳ và nghiêm trọng hơn sẽ gây ra đau bụng vùng trên rốn.

Do cơ thể không dung nạp lactose

Trong quá trình mang thai, một số mẹ bầu có thể sẽ gặp tình trạng cơ thể không dung nạp lactose. Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng đau bụng trên gần ức của mẹ bầu. Một số triệu chứng khác có thể gặp của tình trạng không dung nạp lactose đó là nôn mửa, đầy hơi, khó tiêu và đau bụng.

Bên cạnh những nguyên nhân chính trên thì mẹ bầu có thể mắc một số bệnh lý như viêm thực quản, thoát vị hoành và các tình trạng sức khỏe ở túi mật như: Sỏi mật, viêm túi mật cũng có thể gây nên tình trạng bà bầu đau bụng trên gần ức.

Những ảnh hưởng đến thai nhi khi bà bầu đau bụng trên gần ức

Thiếu dinh dưỡng ở mẹ và em bé

Vì những cơn đau ở dạ dày khiến mẹ khó chịu, ăn không ngon, chán ăn, thường xuyên cảm thấy buồn nôn. Nếu tình trạng này kéo dài thì rất có thể sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng ở mẹ và dẫn tới thai nhi phát triển không khỏe mạnh, tăng nguy cơ sinh non ở mẹ bầu, thậm chí có thể dẫn tới sảy thai.

Mẹ bầu liên tục mệt mỏi

Trong giai đoạn mang thai, tâm lý của mẹ bầu thường đã nhạy cảm hơn so với bình thường bởi những thay đổi sinh lý trong cơ thể. Vì thế, nếu bị đau thêm ở vùng thượng vị thì sẽ khiến mẹ càng trở nên mệt mỏi, khó chịu và dễ cáu gắt hơn. Ngoài ra, khi bị đau mẹ sẽ mang thêm tâm lý lo lắng, bồn chồn vì không biết tình trạng này có ảnh hưởng xấu đến con hay không. Trạng thái này sẽ lại dẫn đến việc ăn không ngon, ngủ không yên và lâu dần sẽ có những tác động không tốt đến cả mẹ bầu và thai nhi.

Bà bầu đau bụng như thế nào là nguy hiểm năm 2024
Đau bụng trên gần ức khiến mẹ bầu mệt mỏi và dễ cáu giận

Ảnh hưởng tới các cơ quan khác

Mẹ bầu bị đau bụng vùng thượng vị có thể làm tăng nguy cơ tổn thương các cơ quan khác như lá lách, gan, túi mật, tuyến tụy. Tuy nhiên, việc điều trị các vấn đề về sức khỏe của mẹ trong thời gian này thường gặp nhiều nhiều hạn chế, làm cho các triệu chứng tiến triển nặng hơn và gây ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe của người mẹ và em bé.

Cách xử lý khi mẹ bầu gặp tình trạng đau bụng trên gần ức

Những nguyên tắc mẹ bầu cần lưu ý khi xuất hiện các cơn đau bụng trên gần ức:

  • Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, khoa học, bổ sung vitamin B, hạn chế ăn những loại thực phẩm khô, cứng, măng, rau ngót, dưa hành, đu đủ xanh...
  • Chia nhỏ các bữa ăn, khi ăn phải nhai thật kỹ và chậm.
  • Ăn nhiều loại rau xanh và các thực phẩm dễ tiêu.
  • Thư giãn đầu óc, tập thể dục nhẹ nhàng, nghỉ ngơi đầy đủ.
  • Khi thấy xuất hiện các cơn đau bụng, mẹ nên chườm ấm, uống nước gừng có thể giúp làm giảm các cơn đau hiệu quả.
    Bà bầu đau bụng như thế nào là nguy hiểm năm 2024
    Bà bầu đau bụng trên gần ức cần ăn các thực phẩm dễ tiêu và nhiều rau xanh

Bà bầu cần đi gặp bác sĩ khi nào?

Để có thể hạn chế tối thiểu những nguy cơ xấu đối với sức khỏe của mẹ và con, bà bầu đau bụng trên gần ức cần gặp bác sĩ ngay khi xuất hiện các triệu chứng bất thường sau:

  • Nôn liên tục kéo dài;
  • Đau dạ dày, đau bụng dữ dội;
  • Sốt;
  • Da khô, có dấu hiệu mất nước, không buồn đi tiểu, tiểu ít;
  • Cơ thể uể oải, choáng váng, mệt mỏi;
  • Đi ngoài phân nhão, vón cục...

Khi xuất hiện các cơn đau, mẹ hãy chú ý nghỉ ngơi, thư giãn cơ thể để giảm cảm giác đau. Trường hợp đau nhiều, đau liên tục và các dấu hiệu bệnh nghiêm trọng, mẹ cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và xử lý kịp thời. Cảm ơn mẹ đã theo dõi bài chia sẻ về vấn đề bà bầu đau bụng trên gần ức của Nhà thuốc Long Châu! Chúc mẹ có thai kỳ mạnh khỏe!