Bà thanh de là ai

Tích xưa, tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ [quỷ đói] bằng cách nhờ thần lực của chư tăng ni khắp mười phương tập trung chú nguyện trong ngày Rằm tháng Bảy – ngày Vu Lan; cho nên ngày này là để tưởng nhớ công ơn cha mẹ, cũng giống như Mother/Father’s Day trong phong tục phương tây. Nhưng câu chuyện cứu mẹ của Mục Kiền Liên có đơn giản chỉ nói về chữ Hiếu?

Dựa vào một số tài liệu xưa và nay, tác giả Tâm Minh Ngô Tằng Giao đã viết lại toàn bộ truyện Mục Liên – Thanh Đề bằng những dòng thơ lục bát nhẹ nhàng, trong sáng và bình dị để độc giả dễ đọc, dễ hiểu và dễ cảm nhận.

Với 9240 chữ, tức 660 [1] cặp thơ lục bát, truyện thơ Mục Liên – Thanh Đề đã truyền tải được đạo lý cơ bản ở nhân gian là phải hiếu thuận với cha mẹ. Nhưng sau khi Mục Kiền Liên tu đắc thần thông thì việc cứu mẹ lại là để giải mối nhân duyên và nhân quả trong tiền kiếp.

Mục Kiền Liên là người con có hiếu

Trước khi vào cửa Phật tu luyện, Mục Kiền Liên “tên là La Bốc tính thì dễ thương, vừa thông minh đủ mọi đường, lại thêm hiếu thảo xóm làng nổi danh”.

Ít lâu sau đó, cha của La Bốc mất, ông để tang đủ 3 năm. Mãn tang, ông mở kho châu báu trong nhà chia làm 3 phần: một phần cho mẹ là bà Lưu Thanh Đề, một phần để cúng dường Tam Bảo, phần còn lại đi làm ăn. Trước khi đi, ông cũng khuyên mẹ phải làm điều thiện và cúng dường chư tăng.

Nhưng sau khi ông đi, mẹ ông lại lộ bản tính độc ác:

Chư tăng khất thực trước nhà
Bà đều đánh đuổi thấy mà tang thương,
Còn tiền ông dặn cúng dường
Bà mua súc vật và thường giết ăn
Sau khi cắt tiết tế thần
Chính tay bà đã bao lần sát sinh

Sau khi ông biết tin mới hỏi lại mẹ mình thì bà lại thề độc:

“Bể kia lồng lộng sóng vàng
Nếu mà mẹ chẳng cúng dường chư tăng
Sau khi con rời khỏi làng
Thời về mẹ bệnh liệt giường luôn thôi
Rồi khi nhắm mắt lìa đời
Đọa vào địa ngục đúng lời thề đây”

Bà Thanh Đề đã làm việc ác mà lại còn thề độc, kết quả lời thề ứng nghiệm. Sau 7 ngày 7 đêm, Diêm Vương sai quỷ vương bắt bà xuống địa ngục.

Sau khi bà Thanh Đề mất, La Bốc lo toan tang lễ cho mẹ chu toàn, để tang 3 năm thủ hiếu. Sau đó La Bốc đi tìm Phật Đà để xuất gia tu hành. Đức Phật đặt cho ông pháp hiệu Mục Kiền Liên. Từ đây tôn giả Mục Kiền Liên dốc lòng quyết tâm tu hành, rất nhanh đạt đến bậc thượng thừa, sau đó trở thành một trong 10 đại đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni với ‘thần thông đệ nhất’.

Một ngày nọ ngài Mục Kiền Liên muốn cứu mẹ… Chúng ta biết rằng trong Phật gia không giảng Hiếu. Hiếu là ở trong Nho gia, vì Nho gia giải quyết các mối quan hệ trong gia đình, Nho gia đề xuất “phụ từ, tử hiếu, huynh hữu, đệ cung” [cha hiền từ, con hiếu thảo, anh hữu ái, em cung kính]. Vậy thì nếu Mục Kiền Liên muốn cứu mẹ không thuộc phạm trù chữ Hiếu, vậy thì câu chuyện đó có ý nghĩa gì?

Khi đọc hết truyện thơ Mục Liên – Thanh Đề phát hiện rằng, việc tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ là để giải quyết mối quan hệ nhân duyên – nhân quả từ tiền kiếp của hai người.

Tiền duyên

Trong một tiền kiếp xa xưa, Mục Liên vốn dĩ trụ trì chùa to. Một hôm ông đi qua làng bên có việc, dặn dò chúng đệ tử rằng có hai thí chủ đến cúng dường nên phải tiếp đón tử tế. Chúng đệ tử đợi mãi không thấy có ai tới. Đến khi trời dần khuất bóng, một đệ tử tính đóng cửa thì chợt thấy có cặp vợ chồng già đứng ngoài hiên, dáng vẻ tuy nghèo khó nhưng hiền lành. Họ nói rằng đã đến đây từ trưa, vì không ai hỏi nên chưa dám vào. Họ đem:

Gạo từ xa mang tới đây
Lột ra từng hột bảy ngày bảy đêm
Trộn vào nếp hiếm trong miền
Ướp cùng mật ngọt, lại thêm vị đường
Thành tâm đem đến cúng dường
Trước là cúng Phật, sau hàng chư Tăng…

Vợ chồng già nài nỉ mãi nhưng chúng đệ tử nhất quyết không cho vào rồi đóng cửa cái rầm. Người chồng nói nhỏ rằng chúng ta hãy về thôi, nhưng bà lão đã không giữ được bình tĩnh nên đã gieo một nhân ác:

Miệng bà lớn tiếng thét la rầm trời:
“Thề ngàn kiếp, nguyện vạn đời
Gặp chùa tôi phá tơi bời chẳng nương
Gặp tăng, ni khắp muôn phương
Tôi thời khinh miệt chẳng thương tiếc gì!”

Thầy trụ trì về đến nơi, hỏi rõ đầu đuôi sự tình, sau đó phạt vị đệ tử vô lễ kia, đồng thời thắp hương thệ nguyện:

“Đời đời kiếp kiếp luân phiên
Nguyện làm con mãi, không phiền muộn chi
Làm con bà thí chủ kia
Hầu mong trả dứt nghiệp đi cho bà
Nghiệp bà vừa mới gây ra!”

“Khi bà phá phách chùa chiền
Thời con tâm nguyện xây thêm cảnh chùa,
Khi bà bất kính cửa từ
Khinh thường các giới đang tu thuận thành
Thời con nguyện được tu hành
Nguyện theo bà mãi loanh quanh chẳng rời
Nguyện thề xin mãi ghi lời
Đến khi bà dứt nghiệp rồi mới yên!”

Vị trụ trì là Mục Kiền Liên, còn bà lão kia là Lưu Thanh Đề.

Đến kiếp thứ hai, có một gia đình giàu có sinh được một người con trai. Nhưng chàng suốt ngày chè chén, không lo học hành. Cha mẹ khuyên nhưng chàng để ngoài tai khiến cha mẹ muộn phiền sinh bệnh đến nỗi mù loà đôi mắt.

Sau đó có đám bạn xấu gài chàng kết hôn với người con gái độc ác. Cô ta trước mặt tỏ ra ngoan hiền nhưng sau lưng lại mưu kế lấy tiền nhà chàng. Lần thứ cô ta xúi chàng bỏ rơi cha mẹ giữa rừng, may thay vợ chồng già mò mẫm ra khỏi rừng sau đó gặp người trong xóm dẫn về.

Lần thứ hai, cô ta xúi chàng đánh xe chở ba mẹ đến rừng già, sau đó chàng ta giả vờ như bị cướp:

Tay chân khua động vang rừng
Giả như đang chống cự phường gian manh
Miệng chàng la hét thất thanh
Làm như chính bản thân mình lâm nguy
Rồi nhân lúc náo loạn kia
Chàng không còn chút lương tri con người
Lấy cây roi quất tơi bời
Quất cha, quất mẹ miệng thời hét la
Giả như cướp đánh mẹ cha
Đúng như cùng vợ ở nhà mưu toan
Thật là bất hiếu vô vàn
Vô minh xui khiến bạo tàn ra tay

Cha mẹ già không thấy gì, tưởng rằng có cướp thật.

Hai người không nghĩ đến mình
Hai tay quờ quạng ở quanh chỗ ngồi
Trong tâm nghĩ đến con thôi
Sợ con bị hại, hai người cùng la:
“Con ơi! Mau chạy cho xa
Kẻo quân cướp bóc đánh mà mạng vong
Con còn vợ trẻ chờ trông
Mẹ cha dù thác thời lòng cũng cam!”

Hai tiếng “Con ơi” đã động tên tâm can của người con bất hiếu. Chàng ta chở cha mẹ về nhà, kể rõ đầu đuôi sự tình, bỏ người vợ xấu xa, ăn năn hối lỗi để phụng dưỡng cha mẹ đến già.

Chàng trai gây ra nhân ác kia chính là Mục Kiền Liên, còn người mẹ già là bà Lưu Thanh Đề.

Ở tiền kiếp xa xưa, bà lão đã gieo nhân xấu, còn vị trụ trì nguyện làm con bà lão để trả dứt nghiệp cho bà. Ở kiếp thứ hai, người con trai bất hiếu đã gieo một nhân rất xấu “Lấy cây roi quất tơi bời / Quất cha, quất mẹ miệng thời hét la”. Vậy thì nghiệp lực của Mục Kiền Liên và bà Lưu Thanh Đề được trả như thế nào?

Nhân quả báo ứng

Vì nhân xấu đời trước cộng thêm kiếp này hành ác với chư tăng và phạm tội nghiệp sát sinh, nên bà Lưu Thanh Đề bị đoạ làm ngạ quỷ ở địa ngục Cao Tường:

Toàn thân lửa cháy tội tình
Trên người lưới thép khoác quanh phía ngoài
Cổ mang gông sắt làm đai
Chân lông lênh láng máu thời tuôn ra.

Đây là ‘quả’ bà phải trả. Nhưng ở tiền kiếp vị trụ trì [Mục Kiền Liên] có phát nguyện sẽ làm con bà Thanh Đề để giúp bà trả nghiệp. Tôn giả Mục Kiền Liên đã được Đức Phật chỉ bảo,ngài phải nhờ đến đức lớn như biển, đến lực gia trì của chư tăng – ni trong mười phương, cộng với tâm của bà Thanh Đề phải xoay chuyển ác niệm thì mới thoát khỏi hình phạt nơi địa ngục.

Như vậy nhân duyên ở tiền kiếp đầu tiên đã giải quyết xong.

Còn nghiệp lực của Mục Kiền Liên ở kiếp thứ hai, ông phải dùng tính mạng của mình để hoàn trả. Trên đường đi hoằng pháp, ngài gặp bọn ngoại đạo ghen ghét, chúng phục kích trên núi, chờ ngài đi qua chúng xô đá xuống như thác, khiến xương ông giập nát, máu chảy đầm đìa, vô cùng thảm thương. Ngài Xá Lợi Phất tìm đến được chỗ ngài Mục Kiền Liên mới hỏi tại sao có thần thông mà không dùng.

Mục Kiền Liên khẽ trần tình: “Một khi nghiệp tới thì đành chịu thôi”. Đến đây ta lại thấy một vấn đề nổi bật được đề cập nhiều lần trong truyện thơ trên đó là: thần thông không thắng được nghiệp lực.

Cũng như khi Mục Kiền Liên đến ngục Hắc Ám để gặp mẹ.Ngài đã dùng thần thông biến ra cơm cho người mẹ đói khát ăn, nhưng vì nghiệp của bà nặng quá, biến thành ngạ quỷ đầu to như đầu trâu, bụng to như trống, cổ nhỏ như cây kim cộng với lửa cháy trong miệng. Cơm đưa lên miệng chưa kịp nuốt thì đã cháy khét lẹt, cho nên bà không ăn được cơm mà Mục Kiền Liên dùng thần thông biến ra.

Giả định thần thông thắng được nghiệp sẽ như thế nào? Chính là người làm điều xấu, tạo nghiệp nhưng lại dùng thần thông để không phải hoàn trả. Thế thì người ta sẽ tha hồ làm điều ác mà không sợ gì cả. Như vậy có được không? Chắc chắn là không được, vì điều này lại đi ngược với lý luật nhân quả, đi ngược lý của vũ trụ.

***

Ở nhân gian, truyện nói về chữ Hiếu, nhưng khi Mục Kiền Liên tu đắc thần thông rồi xuống địa ngục cứu mẹ là để giải quyết nhân quả và nhân duyên trong tiền kiếp. Ở địa ngục ngài thấy những cảnh tượng hãi hùng khiếp vía, nếu con người thế gian thấy được họ sẽ không dám làm việc xấu. Nếu làm việc xấu sẽ tạo nghiệp, tạo nghiệp thì phải hoàn trả, lúc này “thần thông dù giỏi cũng đành chịu thôi”.Vậy nên câu chuyện khuyên con người trọng đức hành thiện, từ đó mới có được một tương lai tốt đẹp.

Mạn Vũ

Chú thích:

[1] 9240 chữ tương đương với 9240/[6+8] = 9240/14 = 660 cặp thơ lục bát.

Từ Khóa:hiếu thuận Mục Liên Thanh Đề Nhân quả báo ứng

Video liên quan

Chủ Đề