Bắt nhái ở đâu

Khi nhiều người đã yên giấc thì các thợ săn nhái mới bắt đầu công việc. Họ căng mắt gần như trắng đêm để rọi đèn tìm nhái. Nhiều người không biết tưởng săn nhái đêm là công việc dễ dàng nhưng thực tế rất kỳ công và cực khổ.

Gặp “chuyên gia” săn nhái   Ở ấp Kênh Đào [xã Phú Thuận, Thoại Sơn, An Giang], ông Tô Thành Long [56 tuổi] được những người trong nghề tôn là “cao thủ” săn nhái đêm. Những dụng cụ săn nhái đều do ông tự trang bị, từ cây chụp nhái, đèn soi đội đầu [sử dụng pin tự chế] cho đến rọng đựng nhái. “Ông ấy đi thoăn thoắt trên bờ ruộng, có khả năng quan sát và chụp nhái rất nhanh. Ai đi sau ổng có nước xách rọng không đi về. Bình quân mỗi đêm, ông Long bắt được từ 4-5kg nhái sống. Dù là thanh niên trai tráng cũng không thể bắt được số lượng như vậy” - anh Nguyễn Văn Lên, ngụ cùng ấp Kênh Đào, nhận xét.

Ông Long là “cao thủ” săn nhái đêm


Với khả năng săn nhái rất giỏi, ông Long thường được các “hậu bối” gọi là “sư phụ” và xin đi theo để học kinh nghiệm, trong đó có nhóm của Trần Văn Tôm [thường gọi “Tôm càng”]. “Từ TP. Long Xuyên, chúng tôi rủ nhau xuống Phú Thuận bắt nhái. Được “sư phụ” chỉ nghề, bọn tôi đi dọc theo bờ đê của các vuông tôm, vuông cá, mỗi người bắt được từ 1-2kg” - anh Tôm chia sẻ.

Theo “Tôm càng”, bắt nhái không khó, chủ yếu là siêng năng, mắt phải linh hoạt, di chuyển nhẹ nhàng bởi chỉ cần một tiếng động nhỏ là nhái nhảy mất. “Lúc đầu, chưa có kinh nghiệm, một số anh em chụp nhái bị té xuống đìa, ướt như chuột lột. Bây giờ săn nhái mà còn cầm bình ắc-quy, dùng cây tre gắn thêm cây căm xe vuốt nhọn kiểu như cây chĩa để đâm nhái thì chỉ có nước “húp cháo”. Tụi tôi học theo “sư phụ” Long, thiết kế cây chụp nhái đặc biệt, bắt được nhiều nhái hơn” - anh Tôm bộc bạch.  

Cuộc săn lùng “chân dài”

  Theo chân ông Long và nhóm “Tôm càng”, chúng tôi bắt đầu cuộc săn nhái vào lúc… gần 11 giờ khuya. Họ mang theo bộ đồ nghề đơn giản gồm: đèn soi, rọng đựng nhái và cây chụp nhái dài cỡ 2,5m. Trong không gian tĩnh mịch, chỉ còn nghe tiếng côn trùng “ca hát”, đoàn thợ săn di chuyển rất nhanh. Khi đến địa điểm đã được “tiền trạm” là có nhái từ trước đó, các thành viên trong nhóm tự chia ra di tản, mỗi người một hướng riêng. Chân không mang dép nên họ di chuyển rất nhẹ nhàng.  

Tôi quyết định bám theo “sư phụ” Long để tận mắt chứng kiến kỹ thuật săn nhái điêu luyện. Ánh đèn pin quét nhanh trên bờ đê nhưng dừng lại đúng lúc khi phát hiện nhái. “Sư phụ” Long đưa cây chụp úp lên nhanh chóng, chú nhái lập tức chui tọt qua chiếc hom, hết đường thoát. Với thâm niên trong nghề, dù nhái có nấp trong hốc đất, bụi cỏ, “sư phụ” Long cũng dễ dàng phát hiện. Ngoắt chiếc đèn soi sang bờ mẫu để chụp con nhái cơm ngồi gọn dưới bụi cỏ, ông Long thì thầm: “Nhái cơm khôn lắm, khi nghe tiếng động là nằm thu gọn một chỗ. Nhiều con có màu da hòa lẫn với màu cây cỏ nên rất khó phát hiện. Lắm lúc nó ở ngay dưới chân mình hoặc lọt hẳn vào trong luồng sáng của đèn rọi nhưng vẫn không thể thấy được chúng”. Dù vậy, khi gặp phải “cao thủ” như ông Long, hầu như không con nào thoát được.

Một con nhái bị chộp dính


Rảo một vòng quanh các bờ đê, khi thấy chiếc rọng đã rủng rỉnh nhái, “sư phụ” Long mới dừng lại ngồi nghỉ trên bờ đê. Một lúc sau, bà Nguyễn Thị Bé Chín [vợ ông Long] cũng tụ họp. “Muốn bắt được nhiều nhái phải biết nhìn trời. Đi săn nhái, kỵ nhất là những hôm sáng trăng.

Những ngày này, nhái cứ nằm trong hang, mắt nhắm nghiền và bặt tiếng kêu. Còn hôm nào gặp mưa buổi chiều thì vô mánh. Những bữa có nhái nhiều, vợ chồng tôi lội bộ cả chục cây số mà chẳng ngán tí nào. Bình quân mỗi đêm, vợ chồng tôi bắt được từ 7-8 kg nhái, thương lái thu vô 50.000 đồng/kg nhái sống, còn nhái lột da thành phẩm thì 80.000 đồng/kg. Vất vả cả đêm, hai vợ chồng cũng kiếm được khoảng 300.000 đồng” - bà Chín bộc bạch.   Sau buổi săn nhái, ông Long rủ cả nhóm về nhà trổ tài chế biến món cháo nhái nấu đậu xanh. Nhái sau khi lột da, rửa sơ là có thể chế biến. Theo “sư phụ” Long, không nên rửa nhái nhiều lần bởi thịt nhái sẽ nhão, có mùi tanh. Nhái rửa sạch, băm nhuyễn, ướp các gia vị, cho thêm 2 muỗng nước mắm vào. Đậu xanh rửa sạch đem ngâm 20 phút cho nở, bỏ cùng gạo rang vào nồi nấu. Khi cháo nhừ mới bỏ nhái vô, sôi vài dạo thì tắt bếp. “Ăn tô cháo nhái nóng với hành giữa cái lạnh đêm khuya còn sướng hơn… vua”- một thành viên trong nhóm thốt lên.  

Cháo nhái được xem là món ăn bồi bổ tốt cho người bệnh, phụ nữ có thai, đặc biệt là bổ sung Can-xi tự nhiên cho trẻ nhỏ.


Theo Báo An Giang

Sau trận mưa rào đầu mùa, cánh đồng làng ầng ậng nước. Nước mát ngấm dần vào lòng đất khiến cho ếch, nhái mừng rơn vì chúng đã phải sống mỏi mòn khô khát trong một khoảng thời gian dài đất ruộng bị bỏ khô giữa hai mùa vụ, nên mới nhá nhem tối, phía đồng xa đã vẳng tiếng ếch gọi bạn tình. “Ệp!... Ệp!...”, nghe chỉ dấu đó, tôi chủ động ăn cơm tối trước các thành viên trong gia đình để còn lo chuẩn bị đồ nghề đi soi nhái mà chẳng cần đến lời nhắc nhở của mẹ. Bởi tôi biết đêm nay thể nào ếch, nhái cũng rời khỏi nơi trú ẩn, tỏa ra đồng tìm kiếm thức ăn, tìm kiếm bạn tình bắt cặp sinh sản. Một thời điểm quá lý tưởng cho công việc đi soi.

Soi, chụp bắt nhái ngoài đồng.

Thật ra ếch mới là mối quan tâm lớn nhất của tôi. Nhưng so với nhái, ếch có số lượng ít, cộng thêm bản tính rất nhát và quá tinh khôn, nghe loáng thoáng sự nguy hiểm rình rập là lập tức phóng mình xuống nước mất tăm. Muốn soi bắt được ếch, người đi soi phải ở tầm cao thủ, nghĩa là ngoài kỹ năng nghe và hiểu tiếng ếch, đòi hỏi thêm kỹ năng nhìn phát hiện cùng những kỹ năng bắt siêu đẳng. Mà ở tuổi tôi ngày ấy, những kỹ năng soi ếch trên lấy đâu ra, thế nên chỉ có thể đi soi nhái về chế biến thành các món ăn, chứ ếch thì đừng tơ tưởng. Tôi thường dùng đuốc làm từ những cây nứa khô đập giập rồi bó lại thành một bó to hoặc từ vỏ lốp xe đạp cũ để soi nhái.

Soi bắt nhái dễ hơn soi bắt ếch nhiều. Chỉ cần một bó đuốc, một cái giỏ tre là có thể hành nghề. Tuy nhiên, soi nhái cũng tốn khá nhiều công phu cùng lòng kiên nhẫn. Mặc dù những kinh nghiệm đó không phải quá vất vả và cần nhiều kỹ năng như soi ếch. Nhái là loài thích nước nên thời điểm bắt nhái dễ và nhiều nhất là đầu mùa mưa. Thứ nữa, tập tính của loài lưỡng thê này là kiếm ăn, tìm bạn tình đều diễn ra vào ban đêm. Trời càng tối thì đặc tính sinh học của nhái càng đậm rõ. Gặp hôm trăng sáng, cho dù mới sau trận mưa cũng đừng đi soi nhái mà tốn đuốc vì nhái xuất hiện rất ít.

Ánh sáng ngày cận dần để nhường chỗ cho đêm tối, tôi cầm bó đuốc trên tay, chiếc giỏ tre đeo lủng lẳng bên hông thẳng tiến ra cánh đồng làng soi nhái. Trận mưa rào đầu mùa làm cho tiết trời trở nên lành lạnh. Cánh đồng làng đang mùa cày đất phơi ải loang lổ những thửa ruộng ngổn ngang đất cày, mùi đất ngấm nước, mùi rạ rơm hoai mục... bốc lên nồng cả khoang mũi. Tiếng nhái kêu râm ran. Tiếng ếch ệp, ệp... váng cả cánh đồng. Tôi rón rén đi trên bờ ruộng nước lõm bõm lia đuốc, tìm kiếm những con nhái đã no mồi đang ngồi yên một chỗ gọi bạn tình. Gặp hai con mắt phản chiếu ánh sáng có màu sáng thì đích thị là nhái và cứ việc đi tới mà bắt gọn chúng bỏ vào giỏ. Ngọn đuốc tỏa ra thứ ánh sáng lập lòe như ma trơi, tạo nên cảnh tượng vừa yên bình vừa rờn rợn. Tôi mải miết lia đuốc bắt nhái trên đồng cho đến tận khuya mới về nhà. Thành quả của hàng giờ băng đồng lội ruộng là giỏ nhái béo nục nịch.

Phần việc của tôi đến đấy coi như xong. Phần chế biến thịt nhái thành các món ăn ngon là công việc của mẹ tôi. Từ thịt nhái, mẹ tôi có thể chế biến nhiều món ngon cải thiện cho bữa ăn gia đình như: cháo nhái, nhái phi tiễn, nhái tẩm bột chiên giòn, nhái nướng lá lốt, đặc biệt là món chả nhái. Cách chế biến món chả nhái của mẹ tôi như sau:

Trước nhất, nhái được mẹ tôi rửa bằng nước sạch, rồi loại bỏ phần đầu, các ngón chân, sau đó tiến hành lột da, mổ bụng loại bỏ phần nội tạng, rửa sạch và để tất cả vào một cái bát lớn cho ráo nước. Nhái sau khi ráo nước đem băm nhuyễn. Trong lúc băm, mẹ tôi cho thêm mấy củ hành tím và một ít tiêu xay băm cùng. Băm đến chừng nào thịt và xương nhuyễn mịn, mẹ tôi lại cho thêm chút muối bột, chút dầu ăn rồi dùng các ngón tay nhồi hỗn hợp thịt nhái tạo thành một khối dẻo mịn. Bấy giờ, mẹ tôi mới vê hỗn hợp thịt này thành từng viên nhỏ dẹt vừa phải, hình tròn và bắt đầu rán. Trước đó, mẹ tôi đã bắc chảo mỡ lên bếp than chờ mỡ nóng chảy già thì thả những viên chả nhái vào rán. Tôi quan sát cách mẹ tôi làm và thấy, trong lúc rán, mẹ tôi bao giờ cũng để lửa nhỏ. Như vậy, chả sẽ vàng giòn mà không bị khô hay bị cháy. Một việc quan trọng khác: chế biến nước chấm. Nước chấm chả nhái phải là nước mắm chua ngọt. Cách chế biến nước mắm chua ngọt cũng khá cầu kỳ và tinh tế. Thường thì mẹ tôi lấy một trái ớt tươi giã nát cùng vài tép tỏi. Tiếp đến, mẹ tôi cắt quả chanh ra làm bốn, vắt vào hỗn hợp tỏi ớt ấy một ít nước chanh, tùy theo khẩu vị mà cho nước chanh nhiều hay ít, thêm một ít đường, mì chính cùng nước mắm loại một sẽ có thành phẩm chén nước chấm ngon, với vị chua ngọt, đậm đà rất hấp dẫn.

Món chả nhái này gia đình tôi thường ăn kèm với dưa leo, cà chua, rau thơm... Chả nhái có vị ngọt đậm của thịt, vị nồng ấm của gia vị, vị chua thanh của chanh, vị cay xè của ớt... tạo cảm giác rất ngon miệng. Ngoài món chả nhái, mẹ tôi còn có món cháo nhái nóng hổi, thơm lừng.

Bữa nọ, tôi có chuyến điền dã ở một xã đông người dân tộc thiểu số sinh sống, ngang qua cánh đồng lúa của người miền Thượng, thấy một người đàn ông lầm lũi đi soi nhái. Tôi tò mò nên dừng chân hỏi chuyện. Thì ra, người đàn ông ấy đi soi nhái cũng để cải thiện bữa ăn cho gia đình. Tối đó, tôi không tài nào chợp mắt được, ký ức về quê nhà nghèo khó như một thước phim quay chậm trở về réo gọi. Tôi chợt hiểu ra rằng, sự giàu có, ngọt ngào của mỗi đời người, đôi khi lại bắt đầu từ những cơ hàn, cay đắng.


Video liên quan

Chủ Đề