Bức tranh của em gái tôi nghệ thuật

1. Giá trị nội dung

Qua câu chuyện về người anh và cô em gái có tài năng hội họa, truyện “Bức tranh của em gái tôi” cho thấy: Tình cảm trong sáng, hồn nhiên và lòng nhân hậu của người em gái đã giúp cho người anh nhận ra phần hạn chế ở chính mình.

2. Giá trị nghệ thuật

- Ngôi kể thứ nhất tự nhiên, chân thật.

- Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, sắc sảo.

        Truyện Bức tranh của em gái tôi không dài (chỉ hơn hai trang sách), nhưng cũng đủ để cho ta thấy tài năng của tác giả qua cách kể chuyện và xây dựng hệ thống nhân vật.Tạ Duy Anh là một cây bút trẻ xuất hiện trong văn học thời kì đổi mới, đã có những truyện ngắn gây được sự chú ý của bạn đọc bởi nghệ thuật đặc sắc và phong cách riêng biệt, độc đáo của mình. Trong đó có tác phẩm Bức tranh cửa em gái tôi. Truyện đã đạt được giải nhì (giải cao nhất) trong cuộc thi viết Tương lai vẫy gọi do báo Thiếu niên Tiền phong phát động.

        Trước hết phải kể đến phương thức kể chuyện. Tạ Duy Anh đã lựa chọn ngôi kể chuyện là ngôi thứ nhất. Truyện được kể bằng lời kể của nhân vật nguời anh. Lựa chọn như vậy giúp cho việc miêu tả tâm trạng của nhân vật sinh động hơn, có nghĩa là lời kể tự nhiên hơn và bộc lộ tâm trạng kín đáo, sâu sắc hơn. Theo cách kể này thì diễn biến tâm trạng, sự biến đổi về cách nhìn của người anh đối với cô em  gái, và cả vẻ đẹp của người em gái sẽ được thể hiện một cách tự nhiên. Qua người anh, ta thấy được sự thức tỉnh của cậu ta, lại vừa thấy rõ vẻ đẹp của cô em gái. Nhờ vậy mà chủ đề tác phẩm càng được bộc lộ sâu sắc. Bài học về sự tự đánh giá, tự nhận thức càng thấm thìa hơn với người anh.

        Người đọc đánh giá rất cao nghệ thuật xây dựng hệ thống nhân vật qua diễn biến tâm trạng và thái độ của người anh và cô em gái. Nhờ vậy, truyện đã dẫn dắt ta từ tình huống bất ngờ này đến những bất ngờ khác, liên tiếp từ đầu cho đến khi kết thúc.

        Diễn biến tâm trạng của người anh được xây dựng bằng chính lời kể của nhân vật. Tâm trạng đó được thay đối qua diễn biến của câu chuyện: thoạt đầu, khi thấy em gái vẽ và mày mò tự chế thuốc vẽ; khi tài năng hội hoạ của cô em gái được phát hiện; và ở cuối truyện, khi đứng trước bức tranh được giải nhất của em gái mình.

        Thoạt đầu là thái độ coi thường việc làm của Kiều Phương. Khi thấy em gái vẽ và mày mò tự chế tạo màu vẽ, người anh chỉ coi đó là những trò nghịch ngợm của trẻ con và nhìn bằng cái nhìn kẻ cả, không cần để ý đến “Mèo con” đã vẽ những gì. Cách nhìn ấy được thể hiện qua giọng kể của người anh: tôi quen gọi nó là Mèo bởi vì mặt nó luôn bị chính nó bôi bẩn. “Mèo” luôn bị nhắc nhở vì hay lục lọi các đồ vật trong nhà: Này, em không để chúng nó yên được à? Khi phát hiện được cô em nhào bột vẽ, người anh buông một câu: Thảo nào các đít xoong chảo bị nó cạo trắng cả. Quả thật, thái độ của những người làm anh trong một gia đình thường coi em gái mình là như vậy!

        Khi tài năng hội hoạ của người em được phát hiện thì tâm trạng của người anh cũng bị biến đổi. Do tình cờ mà chú Tiến Lê phát hiện ra năng khiếu hội họa của người em. Sau bức tranh của người em làm cho bố, mẹ và mọi người đều ngạc nhiên, vui mừng, sung sướng. Duy có người anh lại cảm thấy buồn, buồn vì cảm thấy mình bất tài và cho rằng vì lí do đó mà mình bị đẩy ra ngoài, bị cả nhà lãng quên. Sống với tâm trạng như vậy, người anh không thể thân với em gái như trước nữa, rồi đối xử với em gái không công bằng chỉ cần một lỗi nhỏ ở nó là tôi gắt um lên. Tâm lí măc cảm, tự ti đã khiến người anh những lúc ngồi bên bàn học chỉ muốn gục xuống khóc. Thậm chí vẻ mặt ngộ nghĩnh của em gái trước kia bây giờ làm cho người anh vô cùng khó chịu, cảm thấy như mình đang bị “chọc tức”. Đây là một kiểu tâm lí dễ gặp ở mọi người, nhất là ở tuổi thiếu niên, đó là lòng tự ái và mặc cảm tự ti khi thấy người khác có tài năng nổi bật. Phải là người am hiểu tâm lí trẻ em lắm, tác giả mới đưa ra một tình huống thay đổi tâm lí của người anh hấp dẫn và tạo được kịch tính cho truyện hay đến như vậy!

        Một tình huống quan trọng hơn nữa đã tạo nên điểm nút của diễn biến tâm trạng nhân vật người anh là ở cuối truyện. Đó là một loạt các bất ngờ liên tiếp đến với người anh, khi cậu ta đứng trước bức tranh được tặng giải nhất của người em. Điều bất ngờ trước tiên là bức tranh lại vẽ chính cậu. Hơn thế nữa, điều cậu không thể ngờ được còn là hình ảnh mình qua cái nhìn của người em gái: Trong tranh, một chú bé đang ngồi nhìn ra cửa sổ, nơi bầu trời trong xanh. Mặt chú bé như toả ra một thứ ánh sáng rất lạ. Toát lên từ cặp mất, tư thế ngồi của chú không chỉ suy tư mà còn rất mơ mộng nữa! Trong phút chốc, tâm trạng của cậu đã đi từ ngạc nhiên đến hãnh diện rồi xấu hổ. Ngạc nhiên vì bức tranh lại chính là cậu, bức tranh ấy hoàn toàn bất ngờ với cậu. Còn hãnh diện thì cũng dễ hiểu vì cậu thấy mình hiện ra với những đường nét đẹp trong bức tranh của cô em gái. Nếu Tạ Duy Anh để tâm trạng của người anh kết thúc tại đây thì truyện chẳng có gì phải bàn nữa. Nhưng điều quan trọng hơn mà tác giả đã khơi dậy được là người anh đã không dừng lại ở sự hãnh diện thoả mãn, mà đó là tâm trạng xấu hổ. Trạng thái xấu hổ của cậu đã “cởi nút” cho kịch tính của truyện. Và đấy cũng chính là lúc nhân vật tự thức tỉnh để hoàn thiện nhân cách của mình. Dưới mắt em tôi, tôi hoàn hảo đến thế kia ư? Một câu bỏ lửng có dụng ý nghệ thuật của tác giả. Vậy mà dưới mắt tôi thì... để người đọc tự hình dung ra trạng thái dằn vặt, sự thức tỉnh của nhân vật. Nhưng cũng phảng phất đâu đó lời nhắc rất “khẽ”: mỗi người hãy tự nhìn lại chính mình.

        Nhân vật Kiều Phương - cô em gái - được tác giả xây dựng rất nhẹ nhàng qua các phương diện: ngoại hình (nét mặt), cử chỉ và hành động (tò mò, hiếu động, mê vẽ tranh), qua thái độ và quan hệ với người anh chứ không phải trải qua sự căng thẳng về tâm trạng như người anh. Cái đặc sắc ở đây là tác giả đã để cho vẻ đẹp của cô em gái được hiện ra dần dần qua con mắt nhìn và lời kể của người anh, ngày càng đẹp cho đến cuối truyện thì vẻ đẹp ấy đọng lại một cách sâu sắc trong lòng người anh và gợi nhiều suy nghĩ cho người đọc: một cô gái có tài năng và được đánh giá cao nhưng Kiều Phương vẫn không hề mất đi sự hồn nhiên, trong sáng của tuổi thơ và nhất là vẫn dành cho anh trai những tình cảm thật tốt đẹp, thể hiện ở bức tranh “Anh trai tôi”. Soi vào bức tranh ấy, cũng chính là soi vào tâm hồn trong sáng, nhân hậu của em gái, nhân vật người anh đã tự nhìn rõ hơn về mình để vượt lên những hạn chế của lòng tự ái và tự ti.

        Bức tranh của em gái tôi là một câu chuyện rất đời thường, tưởng chừng như không có chất văn. Nhưng bằng tài năng sáng tạo nghệ thuật, Tạ Duy Anh đã thành công trong việc khắc hoạ tính cách các nhân vật trong truyện bằng chính lời kể rất thật và xúc động của người anh. Không cần phải “lên gân” mà tác phẩm đã gợi ra những điều sâu sắc về mối quan hệ, thái độ, cách ứng xử giữa người này với người khác trong cuộc sống hàng ngày. Tác phẩm đã để lại nhiều dư vị cho người đọc.

Loigiahay.com

Bức tranh của em gái tôi - Hoàn cảnh sáng tác, Dàn ý phân tích tác phẩm được VnDoc sưu tầm và đăng tải nhằm giới thiệu Nội dung tác phẩm, Hoàn cảnh sáng tác nằm trong chương trình giảng dạy môn Ngữ văn lớp 6. Mời quý thầy cô cùng các bạn tham khảo tài liệu dưới đây

Bức tranh của em gái tôi - Tạ Duy Anh

  • I.Đôi nét về tác giả: Tạ Duy Anh
  • II. Đôi nét về tác phẩm: Bức tranh của em gái tôi
  • III. Phân tích văn bản Bức tranh của em gái tôi

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Để giao lưu và dễ dàng chia sẻ các tài liệu học tập hay lớp 6 để chuẩn bị cho năm học mới, mời các bạn tham gia nhóm facebook Tài liệu học tập lớp 6.

I.Đôi nét về tác giả: Tạ Duy Anh

- Tên khai sinh: Tạ Viết Dũng

- Sinh ngày 9 tháng 9 năm 1959

- Quê quán: thôn Cổ Hiền, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội).

- Cuộc đời:

  • Ông từng làm cán bộ giám sát chất lượng bê tông ở Nhà máy thủy điện Hòa Bình, trung sĩ bộ binh ở Lào Cai.
  • Sau đó Tạ Duy Anh tham gia học ở Trường viết văn Nguyễn Du. Trải qua 4 năm học, ông đỗ đầu và được giữ lại làm giảng viên.
  • Là cây bút trẻ trong thời kì đổi mới. Hiện ông là biên tập viên tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn.
  • Tạ Duy Anh trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1993.

II. Đôi nét về tác phẩm: Bức tranh của em gái tôi

1. Xuất xứ

Bức tranh của em gái tôi là truyện ngắn đoạt giải Nhì trong cuộc thi viết Tương lai vẫy gọi của báo Thiếu niên tiền phong

2. Thể loại

- Truyện ngắn

3. Phương thức biểu đạt

- PTBĐ tự sự kết hợp miêu tả và biểu cảm

- Trong đó PTBĐ chính là tự sự

4. Ngôi kể

- Ngôi thứ nhất, xưng tôi

- Tác dụng: người kể chuyện chính là nhân vật anh trai trong câu chuyện, trực tiếp tham gia và kể lại câu chuyện, làm cho các sự kiện, cảm xúc của nhân vật trở nên chân thực, thuyết phục và sâu sắc hơn.

5. Tóm tắt văn bản Bức tranh của em gái tôi

Kiều Phương là cô gái hay lục lọi đồ và thường bôi bẩn lên mặt. Cô bé có sở thích vẽ tranh nên thường bí mật pha chế màu và vẽ. Khi mọi người phát hiện ra Kiều Phương có tài năng hội họa thì người anh lúc này tỏ ra ghen tị và xa lánh em. Kiều Phương đạt giải nhất tại trại thi vẽ tranh quốc tế với bức vẽ “anh trai tôi”, lúc này người anh trai mới nhận ra tấm lòng nhân hậu của em và hối lỗi về bản thân mình.

(Mời các bạn tham khảo thêm các bài tóm tắt khác của văn bản Bức tranh của em gái tôi tại đây)

6. Bố cục văn bản Bức tranh của em gái tôi

- Gồm 3 phần:

STTGiới hạnNội dung
Phần 1Từ đầu → "phát huy tài năng"
  • Tài năng hội họa của người em gái
Phần 2"Kể từ hôm đó" → "anh cùng đi nhận giải"
  • Lòng ghen tị và mặc cảm của người anh trai
Phần 3Phần còn lại
  • Người anh nhận ra sai lầm của mình và thấu hiểu tấm lòng của người em gái

7. Giá trị nội dung văn bản Bức tranh của em gái tôi

Qua câu chuyện về người anh và cô em gái có tài năng hội họa, truyện Bức tranh của em gái tôi cho thấy: Tình cảm trong sáng, hồn nhiên và lòng nhân hậu của người em gái đã giúp cho người anh nhận ra phần hạn chế ở chính mình.

8. Giá trị nghệ thuật văn bản Bức tranh của em gái tôi

- Ngôi kể thứ nhất tự nhiên, chân thật

- Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, sắc sảo

III. Phân tích văn bản Bức tranh của em gái tôi

Bức tranh của em gái tôi nghệ thuật

1. Mở bài

- Giới thiệu về tác giả Tạ Duy Anh

- Giới thiệu về truyện ngắn “Bức tranh của em gái tôi” (xuất xứ, tóm tắt, khái quát giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật…)

2. Thân bài

2.1. Nhân vật người anh trai

a. Trước khi tài năng hội họa của người em gái bị phát hiện

- Đặt biệt danh cho em gái mình là Mèo vì em hay tự bôi bẩn chính mặt mình

- Cảm thấy khó chịu trước sở thích lục lọi các đồ vật trong nhà của em gái

- Quan sát các hành động trộn bột của bé Mèo một cách ơ hờ, không thực sự quan tâm, cho rằng đó chỉ là nghịch ngợm

- Nhắc nhở khi cho rằng bé Mèo đang làm nhà cửa lộn xộn hơn

→ Các chi tiết ấy thể hiện hình ảnh một người anh trai bình thường như bao người anh khác, xem bé Mèo là một đứa con nít nghịch ngợm, luộm thuộm thích chơi trò bí ẩn, không có gì đáng phải lưu tâm.

b. Khi tài năng hội họa của em gái bị phát hiện

- Cảm thấy mình bất tài nên bị đẩy ra ngoài

- Những lúc ngồi trên bàn học chỉ muốn gục xuống khóc

- Cảm thấy không thể thân với bé Mèo như trước kia được nữa, chỉ 1 lỗi nhỏ của em cũng gắt um lên

- Cảm thấy đang bị trêu tức khi bé Mèo xụ mặt xuống, miệng dẩu lên - hành động trước đây cậu bé vẫn thấy dễ thương.

- Một mình cậu cảm thấy không vui khi tranh của bé Mèo được mời tham dự trại thi vẽ quốc tế

→ Nhưng chi tiết này thể hiện rõ nét những mặc cảm, tự ti, buồn bã của người anh trai

→ Đây là những cảm giác rất bình thường khi một người anh trai bỗng nhiên không còn giỏi giang hơn, đủ khả năng chỉ bảo cho em gái mình nữa.

→ Tuy nhiên, những cảm giác bi quan, tiêu cực như đang bị bỏ rơi, bị đẩy ra ngoài ấy của người anh trai chỉ là do tưởng tượng mà thôi, thực tế thì mọi việc vẫn diễn ra như ngày thường.

→ Vì vậy người anh trai tuy đáng trách nhưng vẫn rất cần được cảm thông.

c. Khi có mặt tại lễ trao giải của người em gái

- Những biến chuyển trong nội tâm, suy nghĩ của nhân vật người anh đã được miêu tả rất tinh tế:

Giật sững người, bám chặt lấy tay mẹ

Cảm thấy ngỡ ngàng, hãnh diện, rồi xấu hổ

→ Sau khi nhận ra được tình cảm của người em gái dành cho mình, người anh trai phút chốc hiểu được những sai lầm trước đây của mình.

→ Người anh trai đã cảm thấy vô cùng xấu hổ cho những hành động cáu gắt trước đây, đồng thời cảm thấy tự hào về em gái mình.

2.2. Nhân vật người em gái – Kiều Phương

- Hiện lên qua lời kể của người anh trai

  • Say mê hội họa: mặt luôn bị bôi bẩn, hay lục lọi các đồ vật, tự chế thuốc vẽ, vẽ đẹp
  • Hồn nhiên, trong sáng, hiếu động
  • Độ lượng, nhân hậu khi không để ý những cáu gắt của anh trai
  • Vẫn luôn rất yêu thương, quý trọng anh mình

→ Hình tượng người em gái trong mắt anh trai như một tiểu thiên sứ vừa đáng yêu , tài năng lại vô cùng độ lượng, tốt bụng.

3. Kết bài

- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của văn bản

  • Nội dung: Qua câu chuyện về người anh và cô em gái có tài năng hội họa, truyện “Bức tranh của em gái tôi” cho thấy: Tình cảm trong sáng, hồn nhiên và lòng nhân hậu của người em gái đã giúp cho người anh nhận ra phần hạn chế ở chính mình
  • Nghệ thuật: kể chuyện bằng ngôi thứ nhất, nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật…

- Bài học cho bản thân: quý trọng tình cảm gia đình, anh em,…

Như vậy là chúng tôi đã giới thiệu cho các bạn bài Bức tranh của em gái tôi - Hoàn cảnh sáng tác, Dàn ý phân tích tác phẩm. Mời các bạn tham khảo thêm đề thi học kì 1 lớp 6, văn mẫu lớp 6 cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài.

Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 6 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 6. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Các bài liên quan đến tác phẩm:

  • Soạn bài lớp 6: Bức tranh của em gái tôi
  • Soạn Văn 6: Bức tranh của em gái tôi
  • Văn mẫu lớp 6: Phân tích bài Bức tranh của em gái tôi của tác giả Tạ Duy Anh