Ca sĩ hát rong hát dạo tùm lum thành phố là ai?

Các vị khách trong quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng thuê loa của ca sĩ kẹo kéo để "hát với nhau" - Ảnh: NGỌC HIỂN

“Gặp những vị khách biết thưởng thức âm nhạc, mình cảm thấy được lắng nghe, được tôn trọng và đặc biệt là luôn có tiền bo bạc triệu"

Mai Thu

Đối với những người có giọng hát thường thường bậc trung, bán kẹo chỉ là cái cớ, điều mà họ luôn chờ đợi là khách nhậu thuê loa hát. Gặp những đoàn khách xịn, tiền thuê loa có khi lên đến cả triệu đồng mà không cần hát hò khô cổ.

Còn những người có giọng hát đẳng cấp thì muốn dùng giọng hát của mình để bán kẹo, nhận tiền bo hoặc kiếm mối đi sô.

Nhưng dù được thuê loa hay gọi đi sô thì cũng dễ dàng kiếm tiền, những lúc như thế giới hát rong bán kẹo gọi là “vô mánh”. Những khi “vô mánh”, chúng tôi đã nhận được những cơn “mưa” tiền bo.

Nhạc vào tiền ra

Vừa đặt chiếc loa xuống quán nhậu trên đại lộ Phạm Văn Đồng, một vị khách nam đã ra hỏi chúng tôi: “Anh thuê chơi nguyên đêm luôn được không?”. Biết là gặp mối “ngọt”, tôi gật đầu liền.

Quán nhậu này mới khai trương nên khách ngồi kín hết cả quán. Riêng nhóm khách thuê loa có khoảng 20 người ngồi nối dài đến bốn bàn.

“Tụi anh chuyên đi tour nước ngoài, lâu lắm mới có dịp hội ngộ đông đủ nhân dịp sinh nhật giám đốc, mấy em cứ phục vụ hết mình đi, anh bao cả đêm nay nhé” - một người đàn ông nói lớn vào tai tôi.

Khi khách ca bài đầu tiên, cả bàn nhậu hào hứng đứng dậy hô “1, 2, 3 zô”, uống cạn ly bia rồi vỗ tay. Ngay lập tức, một người phụ nữ trẻ gọi tôi đến, nhét vào tay 100.000 đồng rồi nói: “Chị gửi mở màn nhé”.

Đến bài thứ hai, một người đàn ông khác đưa chúng tôi 50.000 đồng nói: “Bấm cho anh bài Sóng tình remix nhé”. Chiếc micro được chuyền tay liên tục, cứ có người hát là chúng tôi được nhận tiền bo.

Một vị khách trẻ trong bàn chạy ra đưa chúng tôi tổng cộng bốn lần tiền, nói: “Mấy đứa cầm uống nước”.

Đại lộ Phạm Văn Đồng là địa điểm tấp nập nhất của giới hát rong bán kẹo, cứ vài phút lại có một chiếc xe kẹo kéo chạy ngang nhưng không ai dừng lại quán này vì thấy có loa của chúng tôi.

“Hôm nay vô mánh sướng nghe, có khách “sộp”, không bằng đi “hót” cả đêm mỏi miệng mà chẳng được nhiêu tiền” - chị Loan, một người bán trứng cút lộn quê Quảng Ngãi, nói đùa với tôi. Quả thật, chúng tôi chỉ cho thuê loa và bấm bài hát cho họ nhưng nhận được hơn 700.000 đồng tiền bo.

Đến cuối buổi, một vị khách trong bàn còn lật mũ đi một vòng trong bàn gom tiền “tip” rồi đưa hết cho chúng tôi. “Mong quý khách thông cảm, bàn chúng tôi có tiệc sinh nhật có hát hò làm ồn, chúc quý khách ngon miệng” - vị khách thuê loa nói câu xin lỗi thực khách cả quán rồi trả micro cho chúng tôi.

Có đêm một nhóm khách trung niên mượn micro hát, mới hát một bài đã giúi vào tay tôi tờ 500.000 đồng rồi nói: “Để đứa bạn anh hát vài bài cho vui nhé, tiền anh gửi trước, đừng lăn tăn”.

Quá bất ngờ, tôi ghé tai hỏi: “Anh ơi đây là tờ 500.000 đồng, anh bo em bao nhiêu để em thối lại”. Khách nói: “Anh bo chú tất, mở nhạc nhỏ nhỏ lại là được”.

Chừng 30 phút nhưng vị khách này không đụng tới micro, chỉ vỗ đùi hát theo những người bạn của mình. Thấy tôi loay hoay bấm bài, vị khách đó lại vỗ vai, đưa thêm 500.000 đồng rồi nói lớn: “Mưa gió anh thương, cầm thêm ít tiền đêm về đưa thằng bạn “ca sĩ” đi shopping nhé”.

Cho thuê loa chừng 40 phút, chúng tôi đã có trong tay 1 triệu đồng...

Chạy sô bạc triệu

Cho khách nhậu thuê loa dễ “hốt bạc” nhưng với giới kẹo kéo đẳng cấp thì chẳng bõ bèn gì. Thầy Nguyễn Văn Thường kể có nhiều lần thầy được gọi đi các tỉnh miền Tây hát vài tiếng, xe hơi đưa đón tận nhà, bao ăn uống đến khi về được trả 1,5 triệu đồng mỗi sô.

Họ có đám giỗ ở quê, tiện thể chở tao đến hát cho cả đám tiệc nghe, hát chơi vậy mà có tiền. Họ thích mướn mình vì mình hát chân chất, bụi trần nghe xuôi tai” - thầy Thường nói.

Hầu như các ca sĩ kẹo kéo có giọng ca hay, có nhiều mối mang quen biết đều được dân nhậu gọi đi sô. Mỗi lần đi sô là “vô mánh” vì tiền sô luôn cao hơn tiền kiếm lẻ hằng đêm hát ở các quán nhậu.

Nổi tiếng chạy sô phải kể đến nhóm nhạc kẹo kéo của Mai Thu [21 tuổi]. Đây là nhóm nhạc kẹo kéo hiếm hoi ở Sài Gòn có đủ bộ ba gồm: một người hát, hai người đệm ghita và trống cajon.

Thu hát dòng nhạc trữ tình mượt mà, phong cách biểu diễn chuyên nghiệp nên khách nhậu thường mời cả nhóm đi sô.

Suốt ba năm đi hát, nhóm đã chạy sô hầu hết các tỉnh miền Tây, xuống Vũng Tàu, ngược lên Tây Ninh, thậm chí đáp máy bay ra hát tận Nha Trang như ca sĩ.

Mức giá mà nhóm này đưa ra là từ 1,5 - 3 triệu đồng cho mỗi sô dài ba tiếng diễn trong nội thành, nếu ra ngoại thành phải cộng thêm phí xăng xe, ăn ở.

“Mình đi hát đám cưới, sự kiện, khai trương cửa hàng, họp mặt, tất niên, thôi nôi... có đủ cả. Hát ở biệt thự của người ta cũng có mà hát tại nhà hàng sang trọng, khách sạn năm sao cũng có luôn” - Thu kể.

Thu cho biết có lần được mời vô hầm rượu của một doanh nhân ở Q.7, mới bước vào đã thấy choáng ngợp trước vẻ sang trọng của căn nhà. Khách nhậu cũng toàn là diễn viên, ca sĩ nổi tiếng. Lần đó nhóm của Thu vừa hát, vừa đệm nhạc cho khách từ 19g-0g đêm được trả tiền công lên đến... 9 triệu đồng.

“Đó là kỷ lục của chúng tôi, nhưng đêm đó đánh đàn muốn gãy tay, ngồi trong hầm rượu không quen nên về cảm lạnh luôn” - Thu nói.

Khi mới chập chững vào nghề, Thu từng có một quả “vô mánh” khi đi sô tận Nha Trang. Thu chỉ hát duy nhất bài Lâu đài tình ái trong lễ cầu hôn được tổ chức trên bãi biển nhưng được bao vé máy bay, khách sạn và còn được trả 2,5 triệu đồng cho bài hát đó.

“Gặp những vị khách biết thưởng thức âm nhạc, mình cảm thấy được lắng nghe, được tôn trọng và đặc biệt là luôn có tiền bo bạc triệu” - Thu mỉm cười.

Niềm an ủi

Đêm thứ năm đi hát rong, chúng tôi tấp vào một quán nhậu lề đường ở Q.Gò Vấp, chừng chục khách cả nam lẫn nữ ngồi xôm tụ, vừa mới đặt loa hát nửa bài, một vị khách nam ngoắc tay nói lớn: “Ê, kẹo kéo, cho anh hát bài coi”.

“Dạ... anh hát bài gì để em bấm” - tôi nói.

“Anh hát bài Giã từ, cho nhạc bốc lên nhé, mời cả nhà nghe tui hát” - vị khách này đáp lời.

Một khách trong bàn nhậu cầm chai rượu ra mời chúng tôi mỗi người uống một hớp, một cô khách nữ thì cầm hai chai nước sâm lạnh giúi vào tay chúng tôi, nở nụ cười: “Mấy anh uống đi cho đỡ khô cổ, hát cả đêm chắc mệt lắm?”.

Chưa kịp trả lời, vị khách đang cầm micro hát lại nói lớn: “Ê, kẹo kéo, lại đây”.

Đang ngồi trên ghế, khách nhấc người bắt tay tôi nhưng có gì đó lấn cấn ở lòng bàn tay. Rút tay ra, trong tay tôi là tờ 50.000 đồng.

Rồi anh ta nói: “Cho anh xin số điện thoại, khi nào nhà anh nhậu anh gọi mấy đứa đến hát”.

Điều làm chúng tôi cảm động nhất không phải số tiền khách cho mà là cách cho, ai cũng tế nhị, hào sảng khi cho tiền chúng tôi.

_____________

Kỳ tới: Những “bóng hồng” và chuyện tình kẹo kéo

NGỌC HIỂN - HỮU KHOA []

Gánh hát đường phố

Thời gian gần đây, trên những con phố của Hà Nội xuất hiện ngày càng nhiều những gánh hát di động do 2-3 thanh niên cùng nhau lập nên để đi hát rong kiếm tiền. Vào buổi tối, những gánh hát này hoạt động nhộn nhịp, nhất là ở những khu vực quán ăn hay các tụ điểm nhiều người đến ngồi uống cà phê.

Đồ nghề của gánh hát rất đơn giản, chỉ một chiếc xe đẩy, bên trên đặt một chiếc loa to chạy bằng điện của bình ắc quy, chiếc loa chính là công cụ để các thành viên thay nhau thể hiện giọng hát qua micro.

Qua vài sự giới thiệu, tôi gặp được Hồ Quang - chàng trai chuyên hành nghề hát rong trên đường phố ở Hà Nội. Sinh ra ở vùng quê chiêm trũng Hà Nam, sau khi học hết cấp 3, không thi đỗ đại học, Quang đã phiêu dạt lên Hà Nội để kiếm việc. Quang nổi tiếng là một trong những thanh niên đầu tiên xây nên “đế chế hát rong” và cũng là những ca sĩ đường phố có giọng hát “mượt mà” nhất trong giới.

Chỉ với một chiếc loa đặt trên xe đẩy cùng bộ ắc quy, các ca sĩ đường phố dễ dàng di chuyển đi khắp các con phố để hát rong bán kẹo, kiếm tiền

“Để thực hiện nghề hát rong bán kẹo kiếm tiền này, không thể một mình mà cần có thêm đồng đội để phân chia công việc. Tuy nhiên, một nội quy khi tham gia vào nghề này trước tiên cần phải biết hát và hát hay. Bởi lẽ, không thể một người cầm micro đi hát rong cả tối được, làm như vậy sẽ rất mệt và dễ mất giọng. Cho nên các thành viên cần biết hát để còn “đổi ca”. Có nhóm khi thành lập đội hát rong còn tuyển thành viên theo sở trường, người thì nhạc trẻ, người nhạc vàng và người nhạc tiền chiến… cho phong phú”, Quang cho biết.

Thông thường một nhóm có 3 người, một người đẩy xe, một người cầm micro nghêu ngao hát, một người cầm kẹo đến mời khách mua hoặc “ngả nón” xin tiền ủng hộ của các khán giả bất đắc dĩ. Đồ nghề của mỗi nhóm hát rong đắt tiền nhất là ở chiếc loa thùng loại to để phát đươc âm thanh cỡ lớn, thu hút sự chú ý của mọi người. Thêm những đồ lặt vặt tất cả chi phí khoảng 5 triệu đồng, chia đều ra cho mỗi thành viên trong nhóm đóng góp.

Hát theo yêu cầu và…hát “nhép”

Vì đối tượng khách hàng hướng đến phần lớn thuộc tầng lớp người trẻ, nên các gánh hát rong đường phố phải luôn làm mới bằng việc cập nhật liên tục những bài hát đang ăn khách trên thị trường âm nhạc. Điều này đồng nghĩa các giọng ca cũng phải bỏ thời gian để chọn lọc và tập luyện ở nhà trước nếu không muốn bị quên lời hoặc hát sai lời.

Để có thể bám trụ được với nghề hát rong, mỗi một ca sĩ trong gánh hát ngoài việc thể hiện tốt các bài “tủ” của mình, cần phải biết “quan hệ công chúng”, tùy cơ ứng biến theo yêu cầu của khách hàng nếu muốn bán được hàng và nhận được những đồng tiền bo hào phóng từ hầu bao của các vị thượng khách. Bình thường có người chỉ "ủng hộ" 5.000-7.000 đồng nhưng có nhiều nam thanh niên đi cùng bạn gái sẽ “mạnh dạn”, chi hẳn 50.000-100.000 là chuyện bình thường như cơm bữa.

“Có lần đi hát trên phố cổ, có ông khách yêu cầu em hát cho nghe một bài nhạc Trịnh. Chiều lòng khách em liền ca luôn một liên khúc khiến vị khách này thích thú và hào phóng bo cho 500.000 đồng”, Hồ Quang kể lại.

Để có thể bám trụ với nghề hát rong cần phải biết chiều khách và có những thủ thuật riêng

Khác với những gánh hát rong theo kiểu tàn tật, ăn mặc rách rưới trước đây, những gánh hát rong đường phố bây giờ ăn mặc rất lịch sự. Nhất là những giọng ca chính, có khi họ đầu tư quần áo không khác một ca sỹ. Theo Hồ Quang chia sẻ: "Trước đây, khách hàng thường cho tiền những nhóm hát rong thường là vì thương cảm hoàn cảnh nghèo khổ của họ thì bây giờ, phải ăn mặc đẹp mới hút khách. Mình cứ coi đây là một nghề kiếm tiền. Mình hát hay, người ta cho tiền chứ không phải mình đi xin".

Khi tôi hỏi về việc có gánh hát rong chỉ có một người hát chính tới hơn chục bài hát mà không nghỉ thì sức khỏe thế nào, Quang tủm tỉm cười ranh mãnh: “Đấy là người ta không biết thôi, chứ ai đi hát rong cũng phải thu âm trước đến vài chục bài, lúc nào thấy mệt thì bật lên rồi vờ cầm micro để hát, chứ sức đâu mà gào thét cả ngày đêm như thế, đi bộ khắp phố cũng đủ mệt mỏi lắm rồi. Ngoài ra, mỗi thành viên khi đứng hát rong cũng phải có một chút "vũ đạo" để tránh nhàm chán khi biểu diễn".

Hát rong thu bạc triệu

Mới nhìn tưởng nghề hát rong cũng là để kiếm miếng ăn qua ngày, công việc tạm thời của những đám thanh niên thất nghiệp thế nhưng khi nghe Hồ Quang nói tôi hoàn toàn bất ngờ về mức thu nhập cực kỳ “khủng” của một gánh hát đắt hàng.

“Một gánh hát rong kèm bán kẹo cao su với giá 10.000 đồng/vỉ, trong khi vốn bỏ ra chỉ 3000 đồng/vỉ. Nếu chỉ tính riêng về đêm, thời gian đi bán từ 19hh đến 23h30 ra về, trung bình một đêm lời 1.500.000 đồng. Có gánh hát đêm bán đến gần 400 vỉ kẹo cao su lãi hơn 3 triệu đồng, chưa tính khách bồi dưỡng thêm”, Quang kể.

Cứ thế nhân lên, một tháng làm việc đều đặn của một gánh hát thu hàng chục triệu đồng là chuyện bình thường. Đem chia đều ra, mỗi người cũng có hơn một chục triệu, vượt trội lương của một kỹ sư lành nghề.

Nghề hát rong tưởng như bình thường nhưng đem lại thu nhập "khủng"

Cũng theo anh chàng hát rong Hồ Quang chính vì “cá kiếm” như vậy nên ngày càng nhiều những gánh hát rong được thành lập, nhiều thanh niên đang còn là sinh viên cũng rủ nhau đi hát rong để kiếm thêm nhu nhập trong thời buổi giá cả leo thang từng ngày, từng giờ như hiện tại.

Thế nhưng, nghề hát rong đôi lúc cũng gặp những khó khăn, gặp phải hôm trời nổi cơn mưa bão thì chỉ có nước nghỉ việc nằm nhà hoặc chẳng may công an “sờ gáy” rất dễ bị tịch thu đồ nghề. Đặc biệt, các ca sĩ rất hay phải tiếp xúc với các “ma men” ở quán ăn, không cẩn thận sẽ phải gánh những trận đòn oan uổng chỉ vì những lý do như “nhìn ngứa mắt, hát quá to…”.

Địa bàn của các gánh hát cũng được phân chia rõ ràng, mỗi nhóm chỉ được hoạt động trong một phạm vi nhất định chứ tuyệt nhiên không được đi quá “giới hạn” tranh giành khách của nhau. Vì nếu đã có một nhóm hát đi qua hát rong bán kẹo, xin tiền khách thì nhóm đi sau đi hát cũng không nhận được tiền.

KINH VÂN

Video liên quan

Chủ Đề