Cách chữa lạnh bụng

Cách chữa lạnh bụng

SKĐS - Đau bụng do nhiễm lạnh thường có biểu hiện bụng lạnh đau, đầy bụng, ăn không tiêu, tiêu chảy, đôi khi buồn nôn, nôn, tay chân lạnh, sợ lạnh... Theo y học cổ truyền, có thể sử dụng các bài thuốc có tác dụng làm ấm cơ thể, giảm đau hiệu quả như sau:

Bài 1: Gừng tươi 50 - 80g rửa sạch, xắt mỏng, sao chín vàng, giã nát, hòa với một cốc nước sôi, uống ấm từng ngụm nhỏ. Có thể hòa với một ít mật ong hoặc đường để uống.

Bài 2: Củ sả, lá tía tô, hoắc hương, mỗi thứ 12g; gừng khô 8g (hoặc gừng tươi 12g), sắc với 500ml nước còn 300ml, chia 2 lần uống, uống ấm trước bữa ăn.

Cách chữa lạnh bụng
cây sả

Bài 3: Củ riềng 200g, hậu phác 80g, quế 120g, tất cả sấy khô. Sắc uống mỗi lần 12g với 200ml nước, còn 50ml uống trong ngày.

Bài 4: Hoắc hương 50g, đường đỏ 20g, gừng tươi 15g. Tất cả rửa sạch, thái mỏng, cho vào 300ml nước đun sôi 10 phút thì bỏ đường đỏ vào khuấy tan, uống nóng.

Bài 5: Lá tía tô, hành tươi, mỗi thứ 20g; gừng tươi 12g. Tất cả rửa sạch, cắt nhỏ. Cho gạo tẻ vào nấu thành cháo thì múc ra bát, trộn chung với tía tô, hành, gừng rồi nêm gia vị, ăn nóng. Có thể cho 1 lòng đỏ trứng gà để tăng thêm khí lực, dinh dưỡng. Ăn xong đắp chăn cho ra mồ hôi là khỏi.

Cách chữa lạnh bụng
Tía tô

Bài 6: Ngải cứu tươi 100g, thịt thăn lợn 100g. Cách làm: Ngải cứu rửa sạch, thịt lợn băm nhỏ, xào qua, cho gia vị vừa đủ, cho khoảng 1 bát nước, đun sôi cho rau ngải cứu vào. Canh sôi khoảng 5 phút bắc ra ăn ngay hoặc có thể dùng làm canh ăn với cơm.

Bài 7: Gà trống 1 con, nhục quế 5g, gừng khô 10g, đẳng sâm 30g, thảo quả 8g, trần bì 5g, hạt tiêu 10 hạt, gia vị vừa đủ. Cách làm: Gà làm sạch cho vào nồi cùng các gia vị, đổ nước vừa đủ, ninh kỹ. Ăn thịt, uống nước canh.

Bài 8: Cật dê 4 quả, nhục thung dung 50g, thảo quả 10g, hạt tiêu 10g, mì sợi đủ dùng, gia vị vừa đủ. Cách làm: Cật dê rửa sạch, bóc màng mỡ, thái mỏng. Nhục thung dung, thảo quả, hạt tiêu cho vào túi vải bỏ vào nồi, đổ nước vừa đủ, đun to lửa cho sôi rồi hạ nhỏ lửa, đun kỹ, cho cật dê vào, khi cật chín cho gia vị, mì sợi nấu chín, ăn trong ngày.

Bài 9: Cá diếc 1 con khoảng 250g, gừng tươi 30g, vỏ quýt 10g, hạt tiêu, gia vị vừa đủ. Cách làm: Cá làm sạch, bỏ ruột. Gừng, vỏ quýt rửa sạch thái nhỏ, cho vào bụng cá, đổ nước vừa đủ, ninh chín, cho gia vị là được. Ăn cá, uống nước canh.


Cách chữa lạnh bụng

Đau bụng tiêu chảy do nhiễm lạnh là bệnh thường gặp, tuy không thực sự nghiêm trọng nhưng bệnh có thể gây mất nước, mệt mỏi, bất tiện trong sinh hoạt. Hãy đến với các mẹo chữa đau bụng nhanh chóng, hiệu quả dưới đây.

Mẹo chữa đau bụng do nhiễm lạnh nhanh chóng bằng các bài thuốc nam dễ kiếm để bạn có thể yên tâm “kê gối cao đầu” mà ngủ.

Nguyên nhân gây đau bụng

Nguyên nhân đau bụng nhiễm lạnh chủ yếu là do bạn không bảo vệ, che ấm vùng bụng. Người già, trẻ nhỏ sức đề kháng kém dễ mắc bệnh hơn. Thói quen tắm đêm cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của bạn và là nguồn cơn của những cơn đau bụng âm ỉ, thậm chí còn đau đầu và sốt. Bạn cũng nên mặc áo mưa, che ô cẩn thận khi trời mưa. Nếu không may bị nhiễm mưa bạn cần tắm ngay bằng nước ấm nhanh chóng, không nên để nước mưa ngấm vào người. Với các bé sơ sinh còn nhỏ, cha mẹ nên đắp chăn, quấn vải ủ ấm vùng bụng cho bé. Trẻ nhỏ có sức đề kháng chưa cao, vùng bụng lại chưa có lớp mỡ dày bảo vệ nên dễ bị nhiễm lạnh, kích ứng đường ruột và gây tiêu chảy.

Cách chữa lạnh bụng
Có nhiều nguyên nhân gây ra những cơn đau nơi vùng bụng

Đau bụng do nhiễm lạnh tuy không ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng cần được điều trị ngay để tránh hiện tượng đi ngoài nhiều gây mất nước và các bất tiện trong sinh hoạt làm bạn không thể tập trung làm việc hay nghỉ ngơi, thư giãn.

Những mẹo chữa đau bụng đề cập dưới đây được dùng trong trường hợp nhiễm lạnh. Bạn có thể để ý các triệu trứng như đau bụng âm ỉ, vã mồ hôi, sốt nhẹ, tiêu chảy. Tuy nhiên, trong trường hợp sốt cao, co giật, nôn mửa, bụng đau quặn hoặc phân có máu, nhầy bạn nên đến bệnh viện ngay để điều trị.

Làm ấm bụng từ bên ngoài

Cách chữa lạnh bụng
Làm ấm bụng bằng lá trầu không

Các mẹ, các chị có một “thần dược” mà chỉ cần hơi có triệu trứng âm ỉ vùng bụng là lôi ra ngay, đó là dầu gió. Về cơ bản, xoa một ít dầu gió vào ổ bụng khi bị nhiễm lạnh có thể đẩy lùi được cơn đau. Tuy nhiên, nếu cơn đau bụng đến từ những nguyên nhân khác như đau dạ dày, đau đại tràng hoặc nguy hiểm hơn là đau ruột thừa thì dầu gió hay cao sao vàng không có nhiều tác dụng. Bạn cần biết, đau bụng do nhiễm lạnh thường cơn đau ở chính giữa ổ bụng, không ợ hơi, ợ chua, không đau quặn do co thắt ruột. Mẹo chữa đau bụng do nhiễm lạnh bằng dầu gió thường có tác dụng lập tức nhưng bạn cần chú ý massage vùng bụng liên tục bởi chỉ khoảng 2, 3 phút là dầu đã bay hơi và đem lại cảm giác lạnh bụng.

Một mẹo chữa đau bụng khác mà bạn nên biết là dùng lá trầu không xoa vào bụng. Lá trầu rất nóng và có thể nhanh chóng làm ấm ổ bụng. Xưa nay, các cụ cũng thường dùng lá trầu và bạc để cạo gió, điều này được khoa học kiểm chứng là có hiệu quả.

Mẹo chữa đau bụng từ bên trong

Có nhiều cách làm ấm bụng và đường ruột bạn bằng đồ ăn, thức uống:

Trà gừng – vị thuốc quen thuộc

Cách chữa lạnh bụng
Chữa đau bụng bằng trà gừng

Cách làm: Thái lát nhỏ một củ gừng và bỏ vào một cốc nước nóng, thêm chút đường và dùng càng sớm càng tốt cho tác dụng tức thì. Lưu ý, bạn có thể ép dập củ gừng để lấy nước cốt sẽ hiệu quả hơn.

Trà thảo mộc

Mẹo chữa đau bụng bằng thảo mộc được biết đến với việc phối hợp nhiều vị thuốc khác nhau.

Cách làm: Nấu nước với hoa cúc, bạc hà, thêm một ít quế cay. Thức uống này vừa lành bụng lại làm ấm cơ thể nhanh chóng.

Cháo tía tô

Cách chữa lạnh bụng
Cháo tía tô làm ấm bụng từ bên trong

Nếu có điều kiện, bạn nên trồng sẵn vài khóm tía tô tại gia. Tía tô là một vị thuốc chữa cảm lạnh, trị đau bụng do nhiễm lạnh rất tốt. Hơn nữa nó cũng như một gia vị “cay cay” làm kích thích vị giác nên có trong bữa ăn thường ngày.

Cách làm: Bạn nấu cháo trắng, có thể thêm thịt băm cho dễ ăn và nhanh “lại người”. Sau khi cháo chín, thái một ít hành và tía tô bỏ vào. Bát cháo hành của Thị Nở có thể làm Chí Phèo tỉnh táo sau một ngày kiệt sức thì bát cháo trắng tía tô cũng sẽ giúp bạn khoan khoái, ấm bụng sau một cơn “bạo bệnh”.

Kiêng gì khi đau bụng do nhiễm lạnh?

Các nguyên nhân phân tích bên trên cũng phần nào giúp bạn hình dung được một số điều cần tránh rồi phải không nào? Bạn tuyệt đối không nằm ngủ dưới đất nhé, rất dễ “nguột người” và đối với người có tiền sử rối loạn tiêu hóa, viêm đại tràng thì càng dễ dẫn đến đau bụng hơn. Bạn cũng nên ăn chín, uống sôi, kiêng đồ lạnh. Đồ ăn để qua đêm trong tủ lạnh cần phải được hâm lại cho nóng nhé. Rượu bia ướp lạnh tuyệt đối kiêng nếu bạn không muốn làm bạn với những mẹo chữa đau bụng bên trên “dài dài”.

Nhâm Thảo

Các bài viết của MarryBaby chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.