Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ tại Việt Nam

Toàn cảnh Hội thảo ngày 16/6. Ảnh: Thuỳ Linh.

Cần giải pháp phát triển thị trường tài chính

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho biết, đại dịch Covid-19 cùng với những căng thẳng địa chính trị đã gây ra những thách thức kinh tế, tài chính nghiêm trọng trên toàn cầu, cũng như ảnh hưởng đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế. Tại Việt Nam, nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế, ổn định vĩ mô và cuộc sống cho người dân, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội như Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình... với mục tiêu chung là nâng cao năng lực cạnh tranh, sức chống chịu và phục hồi nhanh từ cuộc khủng hoảng hiện tại, giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch, chủ động ngăn ngừa các tác động tiêu cực từ nền kinh tế thế giới, ứng phó với những vấn đề khủng hoảng năng lượng, gián đoạn chuỗi cung ứng, căng thẳng địa chính trị. Những mục tiêu trên làm gia tăng áp lực đối với hệ thống tài chính nói chung, thị trường tài chính nói riêng trong việc hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.

Theo PGS.TS Nguyễn Như Quỳnh, các cấu phần của thị trường chứng khoán bao gồm thị trường cổ phiếu, trái phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh… là cơ sở vững chắc cho thị trường tài chính từ nay đến năm 2025 và định hướng năm 2030. Quy mô thị trường vốn tăng trưởng bình quân đạt 28,5% giai đoạn 2016-2021; và đến cuối quý I/2022 chiếm 134,5% GDP. Trong đó, thị trường cổ phiếu chiếm 93% GDP, trái phiếu chính phủ chiếm 22,7% GDP… Hiện nay, thị trường chứng khoán có 757 cổ phiếu qũy niêm yết, 858 doanh nghiệp đăng ký giao dịch UpCom và hơn 5,2 triệu tài khoản của các nhà đầu tư. Từ tháng 4/2022, thị trường đã có bước điều chỉnh, tuy nhiên quy mô trong 5 tháng đầu năm vẫn đạt 11.747 tỷ đồng/phiên; giao dịch tăng 8,1% so với bình quân 2021. Đây là con rất ấn tượng của thị trường vốn.

"Thị trường tài chính vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như phát triển chưa sâu, bị tác động bởi tâm lý, ảnh hưởng của thị trường tiền tệ thế giới. Ngoài ra, việc huy động vốn trái phiếu của doanh nghiệp còn nhiều vấn đề, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, dẫn đến rủi ro cho nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành. Vì vậy, cần phải có các giải pháp nhằm phát triển thị trường tài chính, thị trường vốn, thi trường chứng khoán lành mạnh, an toàn trên cơ sở rà soát các Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để triển khai các giải pháp quản lý điều hành đến thị trường", ông Nguyễn Như Quỳnh nhận định.

Cần phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ

Phát biểu tại Hội thảo, Ths Lê Thùy Dung, Khoa Tài chính ngân hàng [Đại học Thương mại] cho biết, chính sách tài khóa và tiền tệ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thanh khoản cho các cá nhân và doanh nghiệp cũng như duy trì sự tồn tại của các doanh nghiệp trong ngắn hạn.

Đơn cử như tại Trung Quốc, các chính sách tiền tệ tập trung vào việc tạo thanh khoản trên thị trường như thực hiện các nghiệp vụ thị trường mở, giảm lãi suất cho vay và lãi suất tái chiết khấu; giảm lãi suất dự trữ vượt mức; tăng hạn mức tín dụng của các doanh nghiệp tư nhân; triển khai chương trình lãi suất 0% cho các khoản vay của ngân hàng địa phương, nới lỏng các điều kiện cho vay của các ngân hàng.

Song song với đó, đối với chính sách tài khóa, Trung Quốc triển khai gói chi ngân sách trị giá 4.9 nghìn tỷ Nhân dân tệ để hỗ trợ phát triển kinh tế; gói chi ngoài ngân sách trị giá 400 tỷ Nhân dân tệ để bảo lãnh các khoản vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ…

“Việc áp dụng chính sách tài khóa và tiền tệ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 phụ thuộc vào nguồn lực, năng lực sử dụng các công cụ chính sách hiện hữu và bản chất rủi ro mà mỗi quốc gia phải đối mặt. Tuy nhiên, các quốc gia có xu hướng sử dụng kết hợp ngay từ ban đầu giữa các công cụ chính sách tài khóa với các công cụ của chính sách tiền tệ, trong đó, chính sách tài khóa chủ yếu sử dụng các biện pháp chi tiêu trực tiếp từ ngân sách cho cá nhân chịu tác động giảm thuế”, bà Lê Thuỳ Dung nhận định.

Theo Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, để tiếp tục phát triển lành mạnh, hiệu quả thị trường tài chính cần phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, cùng với sự điều hành liên thông giữa thị trường vốn và thị trường tín dụng để đảm bảo ổn định thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Mặt khác, rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán bao gồm cả phạm vi phát hành ra công chúng, phát hành riêng lẻ, khái niệm nhà đầu tư chứng khoán.

Cần thận trọng hơn đối với chính sách tiền tệ đã triển khai

Chia sẻ với phóng viên xung quanh vấn đề này, TS. Jacques Morisset – Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới [WB] tại Việt Nam cho biết, chúng ta đang ở trong đại dịch Covid-19, trong thời kỳ khủng hoảng, do đó cần hỗ trợ người dân và cả các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Đối với Chính phủ, để ổn định kinh tế, có hai công cụ hỗ trợ đắc lực trong ngắn hạn là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Như đa phần các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đã áp dụng chính sách tiền tệ, cụ thể là sử dụng các công cụ chính sách để khuyến khích hoạt động ngân hàng, giảm lãi suất, giảm chi phí vốn vay và mở rộng tín dụng cho người dân và doanh nghiệp.

“Việt Nam đã và đang triển khai chính sách này trong vòng 2 năm qua và theo tôi đây là hướng đi đúng đắn, cũng giống như nhiều quốc gia khác, vì chính sách này hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tất nhiên chính sách hỗ trợ này chưa đồng đều vì mới chỉ nhắm tới các hoạt động kinh doanh có liên quan tới ngân hàng, trong khi ở Việt Nam có ít nhất 50% các hoạt động kinh doanh ngoài ngân hàng. Bởi vậy có thể nói, dù chỉ là sự hỗ trợ cho một phần nền kinh tế, nhưng sự hỗ trợ này rất quan trọng” – TS. Morisset nhận định.

Việt Nam đã áp dụng chính sách tiền tệ, để khuyến khích hoạt động ngân hàng, giảm lãi suất, giảm chi phí vốn vay và mở rộng tín dụng cho người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, TS. Morisset cũng chỉ ra rằng, chính sách tiền tệ cũng có những rủi ro bởi vì có thể tiền sẽ chảy vào túi những doanh nghiệp sẽ phá sản. Đó là kịch bản xấu nhất. Hay một kịch bản khác là các doanh nghiệp không thể trả tiền vay ngân hàng, như vậy vấn đề chỉ chuyển từ doanh nghiệp sang ngân hàng. Đó là một rủi ro lớn và bắt đầu có những lo ngại rằng, những rủi ro này ngày càng tăng, nhất là khi Việt Nam đã triển khai chính sách tiền tệ này được hai năm.

Bởi vậy, TS. Morisset cho rằng, Việt Nam cần thận trọng hơn đối với chính sách tiền tệ đã triển khai trong vòng hai năm qua, nhưng không có nghĩa là nên ngừng chính sách này mà cần thận trọng hơn, có thể là minh bạch hơn về tình hình hoạt động của các ngân hàng và doanh nghiệp hoặc của những người vay vốn trong hệ thống tài chính. Trong thời gian tới, các nhà hoạch định chính sách cần phải theo dõi sát sao tình hình “sức khỏe” của khu vực tài chính, để tránh những rủi ro hệ thống.

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, qua những diễn biến gần đây của kinh tế thế giới và Việt Nam có thể thấy vấn đề về lạm phát có khả năng quay trở lại, không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các quốc gia khác. Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước cần kiểm soát lạm phát thận trọng hơn so với thời gian đầu năm 2020.

Thực hiện các biện pháp kích cầu mạnh mẽ hơn

Về chính sách tài khóa, TS. Morisset phân tích, chính sách tài khóa là việc bơm tiền vào nền kinh tế, có thể thông qua đầu tư cho các dự án, tạo công ăn việc làm, mua bán nguyên vật liệu, hỗ trợ cho các tổ chức nhà nước để tiêu dùng và đưa vào nền kinh tế hoặc hỗ trợ tiền mặt cho người dân để kích cầu tiêu dùng. Theo ông, Việt Nam đã triển khai tất cả các hoạt động này, trong năm 2020 Việt Nam đã bơm tiền vào các hoạt động đầu tư, hỗ trợ tiền cho người dân nhưng việc thực hiện còn khá “rụt rè” trong năm 2020 và rụt rè hơn nữa trong năm 2021.

Lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

“Tôi rất lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam, tất nhiên với điều kiện là Chính phủ kiểm soát tốt chính sách tài khóa và nền kinh tế không bị đóng cửa trở lại vì đại dịch Covid-19”. – TS. Jacques Morisset

TS. Morisset cho biết: “Theo như Bộ Tài chính chia sẻ với chúng tôi, ngân sách dự kiến chi 4% GDP để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nhưng tiến độ thực hiện hiện mới chỉ giải ngân được khoảng trên 2,8% và trong 2,8% này có tới 1,6% là từ việc gia hạn thời gian nộp thuế”.

Vị chuyên gia WB cho rằng, Chính phủ có thực hiện hỗ trợ nhưng vẫn còn ở mức khá khiêm tốn, nhất là so với nhiều quốc gia khác trên thế giới, hay ngay cả các quốc gia ở châu Á như Nhật Bản, Malaysia, Hồng Kông… Vì vậy, trong thời gian tới, Chính phủ cần triển khai các biện pháp kích cầu mạnh mẽ hơn nữa, ví dụ như ban hành các gói tài khóa mạnh hơn như nhiều quốc gia khác đã thực hiện.

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa khi tỷ lệ nợ công mới chỉ ở mức 44% trong khi trần nợ công được Quốc hội thông qua ở mức hơn 60%. Việt Nam vẫn còn dư địa để vay vốn, cho dù không đẩy mạnh vay vốn thì Việt Nam cũng có thể tăng chi ngân sách vì dự trữ tiền mặt của Chính phủ vẫn tốt. Tóm lại, để đẩy nhanh quá trình phục hồi, điều Chính phủ cần lưu ý là chi ngân sách nhiều hơn, và giảm các khoản đóng góp cho người dân.

“Chính sách tài khóa có thể là một công cụ rất hiệu quả nếu Chính phủ có tiền để triển khai và Việt Nam vẫn còn dư địa để triển khai chính sách này. Tuy nhiên, đề xuất của tôi là Chính phủ cũng không nên sử dụng công cụ này mãi mà hãy chỉ sử dụng nó khi cần để kích thích tăng trưởng kinh tế và sử dụng nó để quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng đã có từ trước thời kỳ đại dịch” – Chuyên gia kinh tế trưởng của WB Việt Nam TS. Morisset khuyến nghị.

Nguồn: thoibaotaichinh.vn

Video liên quan

Chủ Đề