Cụm từ một cổ hai tròng là để chỉ tình cảnh nhân dân ta cuối năm 1940 như thế nào

Chủ nghĩa phát-xít đã gây cho nhân loại những đau thương, chưa từng có trong lịch sử mà điển hình là cuộc chiến tranh thế giới thứ hai do phát-xít Ðức, Italy và Nhật Bản phát động.

Việt Nam cũng như nhiều quốc gia, dân tộc khác trên thế giới chịu hậu quả nặng nề của chính sách áp bức, bóc lột và hậu quả ghê gớm của cuộc đấu tranh do chủ nghĩa phát-xít gây ra.

Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống chủ nghĩa phát-xít và chiến tranh phát-xít biểu hiện trên hai nội dung chính: Ủng hộ Liên bang Xô-viết, tham gia chiến đấu chống chủ nghĩa phát-xít và trực tiếp chống phát-xít Nhật giành độc lập dân tộc.

Ủng hộ Liên bang Xô-viết và tự nguyện đứng vào hàng ngũ các dân tộc tiên phong chống chủ nghĩa phát-xít

Trong thời gian diễn ra chiến tranh thế giới lần thứ hai, Ðảng Cộng sản Ðông Dương xác định rõ: Chủ nghĩa phát-xít và đứng sau nó là chủ nghĩa đế quốc sẽ tiến công nhằm tiêu diệt Liên Xô - thành trì của chủ nghĩa xã hội. Do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng của những người cộng sản và nhân dân Ðông Dương là phải ủng hộ Liên bang Xô-viết trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát-xít.

Trong thời kỳ này, dưới hình thức hoạt động hợp pháp, chủ trương "Ủng hộ Liên bang Xô-viết" của Ðảng Cộng sản Ðông Dương được thực hiện công khai và rộng rãi dưới các hình thức như lập hội, mít-tinh, tuyên truyền, xuất bản sách báo; gắn việc "Ủng hộ Liên bang Xô-viết" với việc tuyên truyền chủ nghĩa xã hội, chống chiến tranh đế quốc, v.v.

Khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ đến giữa năm 1941, cùng với việc chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng, Ðảng Cộng sản Ðông Dương chủ trương đề cao khẩu hiệu "Ủng hộ Liên bang Xô-viết" và việc ủng hộ Liên Xô càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Trong Nghị quyết Trung ương tháng 11-1939, Ðảng Cộng sản Ðông Dương nêu rõ: "Phong trào nhân dân giải phóng ở các nước tư bản và phong trào dân tộc giải phóng ở các nước thuộc địa trong giờ nghiêm trọng này cần phải cùng Liên Xô kết thành một mặt trận chống đế quốc chiến tranh, chống đế quốc chủ nghĩa toàn thế giới". Lúc này, "cuộc đấu tranh chống phát-xít của Liên Xô là cuộc đấu tranh chung của các dân tộc Ðông Dương"[1].

Chủ trương ủng hộ Liên bang Xô-viết của Ðảng Cộng sản Ðông Dương ngày càng được mở rộng và nâng cao về chất. Từ năm 1930 đến Nghị quyết Trung ương lần thứ 6 [tháng 11-1939], khẩu hiệu được nêu ra là: "Ủng hộ chính sách hòa bình của Liên Xô" nhưng từ Nghị quyết Trung ương lần thứ 7 [tháng 11-1940] được mở rộng và nâng lên thành "Liên minh với Liên bang Xô-viết và ủng hộ Liên bang Xô-viết"[2].

Cũng tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7, Ðảng Cộng sản Ðông Dương chủ trương "Thành lập mặt trận thống nhất chống Nhật giữa hai dân tộc Ðông Dương và Tàu. Thành lập mặt trận thống nhất phản đế giữa các dân tộc bị áp bức ở viễn đông"[3].

Ngày 22-6-1941, phát-xít Ðức tấn công Liên Xô. Tính chất của cuộc chiến tranh thế giới đã thay đổi. Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô bắt đầu và từ cuối 1942, quân đội Liên Xô chuyển sang phản công, liên minh thế giới chống phát-xít được thiết lập.

Trước tình hình đó, Ðảng Cộng sản Ðông Dương đã xác định rõ: "Cuộc đấu tranh chống phát-xít của Liên Xô và Tàu là cuộc đấu tranh chung vận mệnh các dân tộc Ðông Dương. Bởi vậy, ở Ðông Dương cuộc đấu tranh chống phát-xít Nhật là một bộ phận của cuộc đấu tranh của Tàu và Liên Xô chống lại phát-xít thế giới"[4]. Trên tinh thần đó, Ðảng Cộng sản Ðông Dương coi việc ủng hộ Liên Xô càng trở nên quan trọng. Nghị quyết của Ban Thường vụ Trung ương tháng 2-1943 khẳng định: "Ủng hộ Liên Xô kháng chiến và tranh đấu chống phát-xít xâm lược là một trong những nhiệm vụ chính của Ðảng ta lúc này"[5].

Ðồng thời, Thường vụ Trung ương Ðảng đề ra 6 biện pháp cụ thể gồm:

- Giải thích để nhân dân Ðông Dương nhận rõ việc ủng hộ Liên Xô là một nhiệm vụ không thể thiếu.

- Thành lập những tổ chức trong dân chúng, nhất là trong giới trí thức và thợ thuyền để ủng hộ Liên Xô.

- Phổ biến những thắng lợi của Liên Xô để quần chúng tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của nhân dân Xô-viết.

- Gắn cuộc đấu tranh ủng hộ Liên Xô với các cuộc đấu tranh bênh vực quyền lợi hằng ngày, làm cho quần chúng nhận rõ sự quan hệ giữa các cuộc kháng chiến của Hồng quân với cuộc đấu tranh giành quyền sống của họ.

- Phải noi gương quân du kích Bắc Sơn, Ðình Cả ủng hộ Liên Xô bằng vũ trang đấu tranh đánh vào dinh lũy phát-xít ở Ðông Dương.

- Vận động binh lính Ðông Dương nếu bị Nhật - Pháp đem đi đánh Liên Xô thì chạy sang phía Hồng quân. Phổ biến khẩu hiệu "Ðổi chiến tranh phát-xít xâm lược ra cách mạng giải phóng dân tộc" trong các tầng lớp nhân dân, nhất là trong quân đội [6].

Như vậy, từ khi thành lập và nhất là trong những năm đấu tranh chống chủ nghĩa phát-xít, Ðảng Cộng sản Ðông Dương luôn đánh giá cao vai trò, vị trí của Liên Xô đối với cách mạng thế giới nói chung và đối với cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát-xít nói riêng. Những người cộng sản và nhân dân Việt Nam luôn tin tưởng, bảo vệ và ủng hộ Liên Xô ngay trong chủ trương, đường lối và hành động cách mạng. Ðảng Cộng sản Ðông Dương và nhân dân Việt Nam coi việc ủng hộ Liên Xô là trách nhiệm của mình và với tinh thần quốc tế vô sản, tinh thần yêu chuộng hòa bình, Việt Nam đã làm hết sức mình, thậm chí hy sinh cả xương máu để "Ủng hộ Liên bang Xô-viết" trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội nói chung và trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát-xít nói riêng.

Ðồng thời với việc ủng hộ Liên bang Xô-viết chống chủ nghĩa phát-xít, nhân dân Việt Nam trong điều kiện của mình còn trực tiếp tham gia cùng lực lượng đồng minh chống chiến tranh phát-xít. Trong cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô, có hàng chục chiến sĩ Việt Nam tham gia vào lực lượng Hồng quân trực tiếp chiến đấu chống phát-xít Ðức trên đất nước Xô-viết.

Tại Việt Nam, để góp sức cùng lực lượng đồng minh chống phát-xít và xây dựng lực lượng cách mạng, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã liên lạc với lực lượng đồng minh ở Trung Quốc. Ðầu năm 1945, Trung úy phi công Mỹ Sô [Shaw] do bị quân Nhật bắn rơi đã nhảy dù xuống Cao Bằng. Viên phi công này đã được Việt Minh cứu thoát và chăm sóc  chu đáo. Trong dịp này, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã tiếp xúc với Tư lệnh sư đoàn không quân số 14 của Mỹ C.L.Chen-nau yêu cầu Mỹ giúp Việt Nam vũ khí và thiết bị liên lạc để cùng hợp tác chống Nhật. Tháng 7-1945, theo thỏa thuận giữa Hồ Chí Minh và Chỉ huy cơ quan tình báo chiến lược Mỹ [OSS] Pat-ti, nhóm tình báo chiến lược Mỹ mang biệt danh "Con Nai" gồm 6 người đã nhảy dù xuống Tuyên Quang giúp Việt Nam huấn luyện quân sự và tổ chức liên lạc với bản doanh quân Mỹ ở Côn Minh. Nhóm "Con Nai" còn trực tiếp cùng Việt Minh tổ chức trận đánh Nhật ở Thái Nguyên. Trong trận đánh này, chính viên chỉ huy nhóm là Thiếu tá Thomas đã viết một bức tối hậu thư buộc quân Nhật đang cố thủ ở đây phải đầu hàng để hỗ trợ cho bản tối hậu thư trước đó của Võ Nguyên Giáp. Sau đó, đơn vị này còn theo đội quân của Võ Nguyên Giáp về tới Hà Nội trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Việt Nam trực tiếp đấu tranh chống phát-xít Nhật, giành độc lập dân tộc

Lợi dụng phát-xít Ðức đánh bại Pháp, Pháp đầu hàng không điều kiện, Nhật Bản liền triển khai kế hoạch xâm lược Ðông Dương mà chúng đã ấp ủ từ lâu. Sau nhiều lần gây sức ép với chính quyền thuộc địa Pháp, ngày 22-9-1940, quân Nhật tiến vào Lạng Sơn, quân Pháp đại bại và đầu hàng. Từ đây nhân dân Việt Nam "một cổ hai tròng" dưới ách áp bức, bóc lột của Pháp và Nhật.

Không phải đến lúc này Ðảng ta mới nhận rõ bản chất xâm lược của phát-xít Nhật. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng lần thứ 6 [tháng 11-1939], Ðảng Cộng sản Ðông Dương đã nhận định: "Ðế quốc Nhật sẽ mở rộng chiến tranh ở Viễn Ðông" và "Ðông Dương lại bị phát-xít Nhật dòm ngó". Hội nghị phân tích tính chất của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai là chiến tranh đế quốc, Nhật sẽ mở rộng chiến tranh ở Viễn Ðông và Ðông Dương sẽ bị lôi cuốn vào cuộc chiến tranh này. Vì vậy, "bước đường sinh tồn của các dân tộc Ðông Dương không còn con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm vô luận da trắng hay da vàng để tranh lấy giải phóng độc lập"[7].

Hội nghị chủ trương tạm gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, quyết định thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Ðông Dương thay cho Mặt trận dân chủ Ðông Dương nhằm tập hợp rộng rãi đông đảo nhân dân chĩa mũi nhọn vào kẻ thù chủ yếu trước mắt là chủ nghĩa đế quốc phát-xít.

Sau khi Nhật tiến công Lạng Sơn, tháng 11-1940, Hội nghị Trung ương lần thứ 7 đã họp và xác định: "Trong lúc này, kẻ thù chính của nhân dân Ðông Dương là đế quốc chủ nghĩa Pháp - Nhật". Hội nghị quyết định đổi Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Ðông Dương thành Mặt trận dân tộc thống nhất chống phát-xít Pháp - Nhật ở Ðông Dương và khẳng định sẽ tiến hành khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.

Thành công của Hội nghị là đã xác định kịp thời kẻ thù chính của cách mạng lúc này là phát-xít Nhật - Pháp và dùng hình thức vũ trang khởi nghĩa để đưa cách mạng đến thắng lợi.

Dưới ánh sáng của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 6 và lần thứ 7, phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới. Từ tháng 9-1940, ngay sau khi quân Nhật đánh vào Lạng Sơn đến tháng 1-1941 đã liên tiếp nổ ra ba cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ và Ðô Lương. Ðó là những tiếng súng đầu tiên mở màn cho cao trào đấu tranh chống phát-xít Nhật - Pháp của nhân dân ta.

Tháng 6-1941, phát-xít Ðức tiến công Liên Xô, tính chất của cuộc chiến tranh đã thay đổi. Trước tình hình thế giới và trong nước chuyển biến mau lẹ, tháng 2-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sau một thời gian dài hoạt động ở nước ngoài đã trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Hội nghị Trung ương lần thứ 8 do Người triệu tập họp từ 10 đến 19-5-1941 đã nhận định: "Giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết nhất của cách mạng Ðông Dương trong lúc này, vì quyền lợi của tất cả các giai cấp bị cướp giật, vận mạng dân tộc nguy vong không lúc nào bằng" và xác định "Trong lúc này, nếu không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì  chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được"[8].

Hội nghị chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước Ðông Dương và quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh ở Việt Nam. Tư tưởng chỉ đạo khởi nghĩa từng phần đã được Hội nghị phát triển một cách sạng tạo: "Ta phải luôn luôn chuẩn bị một lực lượng sẵn sàng, nhằm cơ hội thuận tiện hơn cả mà đánh bại quân thù, nghĩa là nay mai đây cuộc chiến tranh Thái Bình Dương và cuộc kháng chiến của nhân dân Trung Quốc xoay ra hoàn toàn có lợi cho cách mạng Ðông Dương, thì lúc đó, với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn"[9].

Sau Hội nghị Trung ương lần thứ 8, cách mạng Ðông Dương nói chung và cách mạng Việt Nam nói riêng có nhiều chuyển biến. Ngày 19-5-1941, Mặt trận Việt Minh chính thức thành lập. Cuối năm 1941, đầu năm 1942, các hội cứu quốc của Mặt trận Việt Minh như Hội Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc... đã được tổ chức tại nhiều địa phương trong cả nước.

Sau khởi nghĩa Bắc Sơn, một bộ phận lực lượng vũ trang khởi nghĩa chuyển sang xây dựng thành các đội du kích, rồi thống nhất lại thành đội Cứu quốc quân. Trong những năm 1943-1944, nhiều khu căn cứ cách mạng đã được xây dựng và củng cố ở Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, nhiều khu an toàn đã được xây dựng ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.

Giữa năm 1944, cục diện chiến tranh thế giới đã thay đổi. Quân đội Liên Xô đánh đuổi phát-xít Ðức ra khỏi lãnh thổ và tiến sang giải phóng các nước Ðông Âu. Ở châu Á - Thái Bình Dương, quân đội Nhật đang vấp phải những thất bại nặng nề. Trước tình thế vô cùng khẩn trương, ngày 7-5-1944, Tổng bộ Việt Minh ra "Chỉ thị về việc sửa soạn khởi nghĩa". Không khí cách mạng sôi sục trong cả nước.

Ngày 22-12-1944, theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập đặt dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp. Sau thắng lợi của Ðội tại Phay Khắt và Nà Ngần, các đội vũ trang tuyên truyền và tự vệ chiến đấu phát triển mạnh, chiến tranh du kích lan rộng ra khắp các tỉnh miền núi phía bắc.

Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp tại Ðông Dương. Dự đoán trước được tình huống, ngay đêm 9-3, Thường vụ Trung ương Ðảng đã họp Hội nghị mở rộng và đề ra Chỉ thị lịch sử "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Ðảng ta đã chỉ rõ kẻ thù của cách mạng Việt Nam lúc này là: "Phát-xít Nhật là kẻ thù chính - kẻ thù cụ thể trước mắt - duy nhất của nhân dân Ðông Dương" và thay khẩu hiệu "Ðánh đuổi phát-xít Nhật - Pháp" bằng khẩu hiệu "Ðánh đuổi phát-xít Nhật", đồng thời quyết định phát động cao trào "kháng Nhật cứu nước" để "sẵn sàng chuyển qua hình thức tổng khởi nghĩa một khi có điều kiện". Tiếp đó, Mặt trận Việt Minh ra bản hịch kêu gọi quốc dân đồng bào: "Vận mệnh dân tộc ta đang treo trên sợi tóc. Nhưng cơ hội ngàn năm có một đang lại!... Hãy vùng dậy, giàu nghèo, trai gái, già trẻ, triệu người như một!... Tiến lên! Xông tới! Cứu nước, cứu nhà!".

Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, từ cuối tháng 3, cách mạng đã chuyển thành cao trào và những cuộc khởi nghĩa từng phần đã nổ ra ở nhiều địa phương. Ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Ðội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân chia làm nhiều bộ phận về các địa phương lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa.

Tại các địa phương khác trong cả nước, khí thế cách mạng đã bừng lên trong mọi tầng lớp nhân dân. Ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ, quần chúng nổi dậy phá kho thóc, giải quyết nạn đói. Ở Hà Nội, Mặt trận Việt Minh đẩy mạnh tuyên truyền, rải truyền đơn, treo cờ... tích cực chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa. Tại các tỉnh Nam Bộ, khí thế cách mạng sục sôi từ thành thị đến nông thôn. Một khí thế sẵn sàng khởi nghĩa đã bao trùm trong cả nước.

Ngày 8-8-1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật và tiếp đó đánh bại 1 triệu quân quan đông của Nhật trên lãnh thổ Trung Quốc. Ngày 13-8, Chính phủ Nhật tuyên bố đầu hàng, cơ hội "ngàn năm của nhân dân Ðông Dương đã đến". Nhạy bén trước sự biến chuyển mau lẹ của tình hình, ngày 13-8-1945, Hội nghị Toàn quốc của Ðảng họp quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước và thành lập Ủy ban khởi nghĩa. Ngay đêm 13-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 kêu gọi toàn dân nổi dậy giành chính quyền.

Tiếp đó, ngày 16-8, Ðại hội Quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập đã họp tại Tân Trào [Tuyên Quang]. Ðại hội đã thông qua Nghị quyết lịch sử quyết định Quốc kỳ, Quốc ca và cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.

Cuộc Cách mạng Tháng Tám mở đầu bằng cuộc tấn công của Ðội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân từ Tân Trào tiến về giải phóng Thái Nguyên chiều 16-8-1945. Ngày 19-8, Cách mạng Tháng Tám thành công ở Hà Nội, ngày 23-8 ở Huế, ngày 25-8 ở Sài Gòn. Chỉ trong vòng 11 ngày, Cách mạng Tháng Tám đã thành công trong cả nước.

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Ðình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn Ðộc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuyên ngôn Ðộc lập khẳng định: "Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp" [10].

Như vậy, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát-xít Nhật của nhân dân Việt Nam mà đỉnh cao là Cách mạng Tháng Tám đã trở thành một bộ phận không thể tách rời trong cuộc đấu tranh chung của nhân dân toàn thế giới chống chủ nghĩa phát-xít và là một trong những thắng lợi quan trọng của cuộc đấu tranh này.

Ngày nay, nhân dân Việt Nam khao khát được sống trong hòa bình để xây dựng đất nước. Với tinh thần không quên lịch sử, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, nhân dân Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các dân tộc, quốc gia trên thế giới, cùng hợp tác trong hòa bình để xây dựng đất nước, vì một thế giới hòa bình, hợp tác và tiến bộ xã hội. Tuy vậy, hiện nay các thế lực phản động đang tiến hành nhiều âm mưu, biện pháp tinh vi nhằm áp đặt tư tưởng chính trị, can thiệp, gây bạo loạn, lật đổ. Thực tế lịch sử từ chủ nghĩa phát-xít và cuộc chiến tranh thế giới thứ hai cũng như các cuộc chiến tranh mà chủ nghĩa đế quốc đã gây ra cho nhân loại, nhân dân Việt Nam hiểu rõ và luôn cảnh giác trước sự phục hồi chủ nghĩa phát-xít mới, nguy cơ về sự can thiệp và chiến tranh đang tiềm ẩn đối với các dân tộc kiên trì đường lối cách mạng, đường lối độc lập tự chủ.

PGS, TS NGUYỄN VĂN NHẬT

Viện trưởng Viện Sử học

1. Văn kiện Ðảng Toàn tập, tập 6. Sdd, tr.515.

2. 3. Văn kiện Ðảng Toàn tập, tập 7. 1939-1945. Sdd, tr.71, 114 và 302.

4. 5. 6. Như trên, tr. 114, 302, 303, 304.

7. 8. 9. Như trên, tr. 536, 113 và 132.

10. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 3, Xuất bản lần thứ hai, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1995, tr.556-557.

Video liên quan

Chủ Đề