Đang uống thuốc tây có uống sâm được không

Theo lời kể của một số bác sĩ tại các BV ở Hà Nội, gần đây có một số trường hợp vào BV cấp cứu trong tình trạng khá nguy kịch do dùng nhân sâm không đúng cách. Điển hình là trường hợp anh V.M [36 tuổi, ở Hòa Bình] bị xơ gan kèm chảy máu đường ruột vào BV Bạch Mai điều trị. Sau khi ra viện 2 tuần, người vẫn yếu, nghĩ sâm có thể giúp người phục hồi sức khỏe nhanh, anh đã uống liền một lúc 30g sâm. Sau 2 ngày, bệnh trở nên nguy cấp, bệnh nhân tiếp tục chảy máu đường ruột, đưa vào BV tỉnh cấp cứu nhưng do mất máu khá nhiều nên lại chuyển về BV Bạch Mai. Mặc dù được truyền máu, nhưng BN vẫn không qua khỏi do tình trạng chảy máu không cầm.

Chị L.H [45 tuổi, ở Hà Nội] thấy người mệt mỏi, gầy rộc do công việc bận rộn vào dịp trước Tết. Sau tết hơn 1 tháng, thấy người vẫn uể oải, chị liền mua thuốc bổ có nhân sâm về uống. Mỗi ngày uống đều đặn 2 viên. Tới chu kỳ “đèn đỏ”, chị ngạc nhiên thấy huyết màu đỏ tươi, kéo dài tới 7 ngày không hết. Kỳ kinh kéo dài đến 12 ngày cùng với triệu chứng đau bụng ngâm ngẩm, chị đi khám. Bác sĩ chuyên khoa sản đã chẩn đoán, chị bị băng huyết nhưng không rõ nguyên nhân, vì các xét nghiệm, siêu âm đều ổn. Khi bác sĩ hỏi thời gian gần đây chị có uống thuốc gì không, chị cho biết đang uống thuốc bổ có nhân sâm, bác sĩ liền kết luận, chính nhân sâm là nguyên nhân gây chảy máu tử cung, rong kinh và băng huyết.

Một đôi vợ chồng trẻ mệt mỏi sau tuần trăng mật, để lấy lại sức, đã mua một củ hồng sâm [khoảng 1 lạng] đem đun sắc lấy 800ml nước rồi chia nhau uống hết. Nghĩ là bổ nên ăn luôn cả bã sâm. Khoảng 10 phút sau, cả hai vợ chồng thấy nhức đầu, chân tay rã rời, tim đập mạnh, người nóng bức, nhìn vật không rõ, đôi lúc không tự chủ được hành động… Sau 2 giờ, đầu óc họ không còn minh mẫn, miệng khô nẻ, yết hầu tụ máu, đồng tử giãn... Nhờ gọi điện cho bố mẹ đến đưa đi cấp cứu kịp thời nên đôi vợ chồng trẻ đã thoát khỏi bàn tay tử thần.

Bi hài hơn là trường hợp một quý ông gặp trục trặc trong chuyện chăn gối với vợ, do xấu hổ nên không đi khám mà tự tìm thuốc uống. Được cô bán thuốc gợi ý nhân sâm có tác dụng trợ dương, tăng khoái cảm, anh chồng đã mạnh dạn mua một hộp thuốc có chứa nhân sâm hàm lượng cao về uống. Một tháng sau, thuốc uống hết song anh càng hoảng loạn hơn vì khả năng “chiến đấu” trở về “mo”. Lúc đến khám bác sĩ nam khoa, anh mới biết mình đã cầm chắc căn bệnh liệt dương do uống nhân sâm quá liều. Một số trường hợp sau khi uống nhân sâm tùy tiện còn có biểu hiện tâm thần bất thường như bực bội, lo lắng và mất ngủ nặng..., một số người khác bị tăng huyết áp, mẩn ngứa, phù thũng, tiêu chảy...

Uống sâm, cần hỏi ý kiến bác sĩ

Bác sĩ đông y Nguyễn Xuân Hướng - Hội Đông y Việt Nam - cho biết, hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm được chế biến từ nhân sâm, như thuốc viên, tinh bột, xắt lát tẩm mật ong, siro, nước uống, chè, cao sâm… rất tiện dùng. Các sản phẩm thuốc bổ có sâm đều khuyến cáo trước khi dùng cần hỏi ý kiến bác sĩ, dược sĩ. Tuy nhiên, người dân sử dụng sâm rất tùy tiện. Cứ thấy người mệt mỏi, sau ốm dậy… là mua sâm về uống mà không biết rằng, những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Theo BS Hướng, trong các hướng dẫn sử dụng thuốc bổ có sâm ghi rõ: Có thể gặp đa kinh hoặc kinh nguyệt khi dùng thuốc. Nếu tình trạng này kéo dài, cần đi khám. Nhiều phụ nữ đã không để ý đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng, tự ý uống nên bổ đâu không thấy, lại rước họa vào thân. Không chỉ gây chảy máu cho phụ nữ, mà cả những người ốm yếu, sốt ruột phục hồi sức khỏe, những người sắp phẫu thuật, sau phẫu thuật hoặc đang bị chảy máu bên trong nội tạng mà uống thuốc bổ có sâm quá nhiều có thể làm bệnh trở nên nguy cấp, đã có trường hợp tử vong.

Các bác sĩ sản khoa cũng khuyến cáo, các loại thuốc có nhân sâm, phụ nữ uống trước, trong và sau kỳ kinh nguyệt [nhất là với phụ nữ ở tuổi sắp mãn kinh] rất dễ bị rong kinh, băng huyết không cầm máu được. Thậm chí, có người phải cắt cả tử cung mà máu vẫn không cầm. Khi bị rong kinh, băng huyết kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và cả tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

Nhân sâm là một vị thuốc quý nhưng nếu dùng không đúng cách, nó sẽ trở nên vô tác dụng, hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Những bệnh không nên dùng sâm: Người huyết áp cao, người đang sốt cao, lạnh bụng bị tiêu chảy, phụ nữ có thai [hoặc có khả năng có thai], phụ nữ sau khi sinh, trẻ dưới 4 tuổi, bệnh nhân đang điều trị liệu pháp đặc biệt, chị em phụ nữ trước, trong và sau kỳ kinh nguyệt, người bị tiểu đường, cao huyết áp, mỡ máu, bệnh gút...

 Nhân sâm có thể trở thành "kẻ giết người" nguy hiểm nếu sử dụng với một số loại thuốc Tây sau:

1. Thuốc chống đông máu: Đối với bệnh nhân bị nhồi máu não [do đột quỵ não gây ra] thường sử dụng các loại thuốc chống đông máu [như aspirin, ticlopidin, warfarin…] nếu dùng thêm nhân sâm sẽ chuyển thành tình trạng “ưa chảy máu”.

2. Thuốc điều trị tăng huyết áp: Trong khi người bệnh phải sử dụng thuốc để hạ huyết áp thì nhân sâm lại làm tăng huyết áp của bệnh nhân. Thực nghiệm cho thấy, sử dụng dịch chiết nhân sâm sẽ làm tăng huyết áp, tim co bóp khỏe hơn và mạnh hơn. Dùng nhân sâm khi đang uống thuốc hạ áp sẽ khiến điều trị trở nên vô dụng. Về lâu dài có thể dẫn đến tăng huyết áp kịch phát và tăng huyết áp kháng trị ở bệnh nhân.

3. Thuốc trị tiểu đường: Nhân sâm làm tăng chuyển hóa đường, tăng khả năng xâm nhập đường vào trong tế bào và dự trữ đường trong gan, vì thế có tác dụng hạ đường máu rất mạnh. Nếu kết hợp với các loại thuốc có tác dụng làm hạ đường máu thì lại sinh ra tình trạng quá liều.


Khi kê đơn thuốc từ hai loại trở lên, người thầy thuốc phải cân nhắc đến sự tương tác giữa các thuốc, làm sao phải có lợi, nếu không thì hại chỉ nhỏ và ít nhất.

Ít khi đi khám bệnh mà thầy thuốc chỉ ghi một loại thuốc trong đơn, ngược lại có đến 3 - 4 loại, thậm chí cả 5 - 6 loại. Lắm lúc người bệnh không đi khám mà tự đến nhà thuốc mua dưới sự hướng dẫn của nhân viên bán thuốc, cũng phải mua 4 - 5 loại thuốc.

Tương tác thuốc sẽ xảy ra khi dùng từ hai thuốc trở lên.

Có một điều ít ai chú ý là cứ hai thứ thuốc vào cơ thể thì đã có tương tác với nhau rồi, khỏi phải cần đến nhiều thứ thuốc. Tương tác có lợi là khi thuốc hỗ trợ nhau tăng cường tác dụng. Tương tác bất lợi là làm giảm tác dụng của nhau, có khi gây ra độc tính. Nếu tương tác bất lợi ít thì có thể bỏ qua vì phần lợi mà thuốc đem đến quan trọng hơn. Nhưng cũng có những trường hợp quá hại, không thể chấp nhận được, ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến bệnh tình trở nên nặng hơn, thậm chí tử vong. Khi đề cập đến phần hại của tương tác, cần quan tâm đến những điều sau:

Sự tương tác làm giảm tác dụng của thuốc

Một thuốc muốn có tác dụng cần phải được hấp thu vào máu. Nếu lượng thuốc được hấp thu ít hay thời gian để thuốc vào đến máu kéo dài thì tác dụng của thuốc sẽ bị giảm đi.

Tại dạ dày, độ acid dịch vị có ảnh hưởng đến sự hấp thu của một số loại thuốc. Vì vậy, các thuốc trung hòa acid dạ dày thường dùng trong các chứng đau do thừa acid dạ dày như hydroxyd aluminum, hydroxyd magnesium hay thuốc ức chế sự bài tiết dịch vị cimetidine, ranitidine, famotidine, nizatidine hay thuốc ức chế bơm proton [kết quả là ức chế bài tiết dịch vị] omeprazole, rabeprazole, pantoprazole; tất cả các thuốc này làm giảm sự hấp thu của những thuốc kháng viêm không steroid [ibuprofen, meloxicam,tenoxicam, piroxicam, diclofenac...] và cả amoxcyclin, tetracyclin.

Những thuốc có khả năng tạo một màng bao phủ niêm mạc đường tiêu hoá như sucralfat, bismuth để trị viêm loét dạ dày hay smecta trị tiêu chảy cũng ngăn cản sự hấp thu của các thuốc dùng chung với nó, vì lớp màng nhầy này vừa có tác dụng bảo vệ niêm mạc nhưng lại cũng ngăn cản thuốc không cho thấm vào các mao mạch trong đường tiêu hóa.

Lại có khi các thuốc uống cùng với nhau xảy ra phản ứng tạo thành phức hay tủa làm sự hấp thu của thuốc bị giảm đi. Như tetracyclin khi uống chung với các thuốc chứa calci hay sắt sẽ làm giảm rõ rệt sự hấp thu của kháng sinh này lẫn thuốc kèm theo. Vì vậy không nên uống tetracyclin với sữa hay uống chung với các thuốc chứa calci, sắt.

Nếu xảy ra sự tương tác bất lợi giữa hai loại thuốc đều cần thiết thì nên uống cách nhau 2 - 3 giờ.

Tác dụng của thuốc bị giảm cũng có khi là do các thuốc dùng chung có tác dụng đối nghịch nhau. Chẳng hạn: acetylcystein là thuốc có tác dụng long đờm, giúp dễ ho khạc để làm thông thoáng đường hô hấp, nếu dùng chung với một thuốc giảm ho dextromethorphan thì bệnh nhân sẽ không giảm ho nữa, như vậy sẽ mất tác dụng của thuốc long đờm. Sự phối hợp này có thể rất nguy hiểm cho trẻ nhỏ vì các bé chưa biết khạc, đờm nhớt sẽ ứ lại không thoát ra được khỏi đường hô hấp, sẽ làm tắc và nhiễm khuẩn nặng hơn.

Ngay cả các loại vitamin, mà đa số mọi người đều nghĩ là bổ cũng có thể làm ảnh hưởng đến tác dụng của các thuốc khác. Nếu dùng liều cao vitamin C có thể làm mất tác dụng của vitamin B12 khi dùng chung. Vitamin B6 làm mất tác dụng của levodopa trong điều trị bệnh Parkinson.

Tương tác làm tăng độc tính của thuốc

Tác dụng phụ của thuốc có thể tăng lên khi dùng chung với một thuốc khác. Chẳng hạn: paracetamol là một thuốc giảm đau hạ sốt rất hay dùng, nhưng độc với gan. Tính độc này tăng lên khi dùng chung với isoniazid. Vì vậy, bệnh nhân lao khi đang được điều trị với isoniazid thì phải thận trọng khi dùng paracetamol. Các thuốc chống động kinh barbituric, phenytoin cũng làm tăng độc tính ở gan của paracetamol.

Thuốc aspirin do làm giảm sự kết tập tiểu cầu nên khi dùng chung với thuốc chống đông máu warfarin, clopidogrel sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu. Các thuốc kháng viêm không steroid có phản ứng phụ là viêm loét dạ dày, nếu phối hợp với nhau sẽ gây xuất huyết tiêu hóa. Khi dùng chung erythromycin với lovastatin sẽ dễ làm tăng nguy cơ tiêu cơ vân.

Tương tác có lợi

Khi dùng các thuốc có chứa sắt, nếu dùng thêm vitamin C sẽ tăng hấp thu sắt. Đang dùng thuốc điều trị đái tháo đường mà dùng thêm sâm thì sẽ làm tăng tác dụng hạ đường máu [vì vậy cần giảm liều thuốc điều trị đái tháo đường].

Sự tương tác thuốc nói chung rất phức tạp. Nhưng trong điều trị vẫn phải cần đến phối hợp thuốc. Do đó, người thầy thuốc sẽ cân nhắc liều dùng sao cho phối hợp thuốc là có lợi hay giảm thiểu tối đa tác dụng phụ. Bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc hay kết hợp thuốc mà phải có chỉ định của thầy thuốc mới được dùng.

BS. NGÔ VĂN TUẤN
//suckhoedoisong.vn

Video liên quan

Chủ Đề