Dịch nói là gì

Là một trong những nghề “khát” nhân lực nhất hiện nay, phiên dịch trở thành nghề hot trong thời buổi hội nhập. Tuy nhiên, không phải ai theo nghề cũng hiểu chính xác phiên dịch là gì? Có bao nhiêu cấp độ phiên dịch? Nếu chưa có nhiều thông tin, hãy để Tuyencongnhan.vn giúp bạn giải đáp…

Bạn có biết phiên dịch là gì? Các cấp độ phiên dịch hiện có?

Nếu biên dịch sử dụng ngôn ngữ làm việc là chữ viết thì phiên dịch sử dụng giọng nói để phục vụ cho công việc. Vậy phiên dịch là gì?

Phiên dịch là gì?

Phiên dịch là quá trình chuyển đổi [đồng thời hoặc nối tiếp] một từ/ câu/ đoạn/ văn bản từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác dưới dạng nói mà không làm thay đổi nghĩa, giúp những người không cùng sử dụng một ngôn ngữ có thể hiểu được ý của nhau.

Một quá trình Phiên dịch chuẩn phải đảm bảo tuân thủ theo quy trình sau: Nghe ngôn ngữ nguồn => Phân tích ngôn ngữ học và văn hóa => Diễn đạt bằng ngôn ngữ đích mục tiêu

Trong đó: ngôn ngữ nguồn là ngôn ngữ cần dịch [từ người nói] - ngôn ngữ đích là ngôn ngữ cần được dịch [cho người nghe] và người dịch được gọi chung là phiên dịch viên.

Phiên dịch là gì? - Phiên dịch là quá trình chuyển đổi thông tin, ngữ nghĩa từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác dưới dạng nói mà không làm thay đổi nghĩa của chúng

5 cấp độ phiên dịch hiện có

- Cấp độ 1 - Language aide

Là cấp độ phiên dịch thấp nhất, người dịch ở cấp độ này chưa được coi là phiên dịch mà chỉ là "người hỗ trợ ngôn ngữ". Vì vậy, họ chỉ cần đạt trình độ sử dụng ngôn ngữ cơ bản, đủ để đáp ứng mục tiêu của các cuộc giao tiếp bình thường hàng ngày như trao đổi nội dung làm việc, hỏi thăm nhau về công việc, sức khỏe, gia đình,…

- Cấp độ 2 - Para-professtional interpreter

Cấp độ 2 được dùng để chỉ những phiên dịch viên bán chuyên nghiệp, người phiên dịch đảm nhận những bản dịch ở cấp trung bình, không mang tính chuyên sâu, thường diễn ra trong nội bộ doanh nghiệp dịch đối thoại, trao đổi, bàn thảo các vấn đề trong các cuộc họp, các buổi huấn luyện nội bộ,…

Bên cạnh việc hiểu Phiên dịch là gì, người dịch cần nắm được các cấp độ phiên dịch từ cơ bản đến nâng cao

- Cấp độ 3 - Interpreter

Phiên dịch viên muốn hành nghề chuyên nghiệp tối thiểu phải đạt được cấp độ 3 - cấp độ năng lực thấp nhất đáp ứng nhu cầu phiên dịch chuyên nghiệp. Phiên dịch viên ở cấp độ này có thể nhận dịch chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể nào đó như ngân hàng, luật, y khoa, xã hội hay dịch vụ cộng đồng,…

- Cấp độ 4 - Conference Interpreter

Cấp độ 4 yêu cầu phiên dịch viên trang bị trình độ nghiệp vụ mang tính chuyên nghiệp cao. Người phiên dịch ở cấp độ này đủ khả năng để đảm nhận cả 2 loại hình phiên dịch là dịch đuổi và dịch song song trong các cuộc họp, buổi hội nghị hội thảo về một hoặc nhiều lĩnh vực khác nhau như kỹ thuật, khoa học, đàm phán cấp cao hay tài liệu pháp luật,… vì họ có trình độ sử dụng ngôn ngữ cao, có khả năng xử lý những tình huống phát sinh thường xuyên xảy ra trong quá trình dịch,…

Phiên dịch là gì và 5 cấp độ phiên dịch hiện có

- Cấp độ 5 - Senior Conference Interpreter

Đây là cấp độ phiên dịch cao nhất thể hiện năng lực vượt bậc của người phiên dịch viên. Phiên dịch viên ở cấp độ 5 được gọi là "chuyên viên phiên dịch hội nghị" vì họ luôn thể hiện tính chuyên nghiệp và kỷ luật cực kỳ cao, mang đến sự xuất sắc trong công việc tại các buổi dịch đòi hỏi tính chuyên môn cao [từ ngôn ngữ sử dụng, lượng kiến thức hỗ trợ đến kỹ năng và thái độ dịch] như họp báo quốc tế, dịch cabin, dẫn chương trình song ngữ kiêm phiên dịch trực tiếp trên sân khấu/ trên sóng truyền hình trực tiếp,…; có kinh nghiệm dịch thuật dày dặn, linh hoạt và nhạy bén trong giải quyết mọi tình huống phát sinh dù khó, đặc biệt, có khả năng giám sát và tổ chức công việc dịch thuật cho cả một đội/ nhóm phiên dịch.

Với những thông tin mà Tuyencongnhan.vn chia sẻ trên đây hy vọng sẽ giúp bạn hiểu được Phiên dịch là gì? 5 cấp độ phiên dịch hiện có; từ đó xác định năng lực của bản thân, nỗ lực hoàn thiện để đạt được những cấp độ cao hơn, đáp ứng tốt mọi yêu cầu công việc, làm hài lòng khách hàng và tăng cơ hội làm việc ở môi trường quốc tế.

Ms. Công nhân

25/03/2021Admin

Phiên dịch nối tiếp là phương thức dịch nói phổ biến nhất  trong đó người nói ngắt bài nói của mình thành từng đoạn, mỗi đoạn bao gồm một hoặc nhiều câu, để phiên dịch chuyển ngữ sau mỗi đoạn.

Phương thức dịch nối tiếp được áp dụng trong rất nhiều tình huống giao tiếp như hội đàm, tiếp xúc, đàm phán…, đặt biệt là khi số lượng người tham dự không lớn. Ưu điểm của phương thức này là đảm bảo được ở mức cao tính chính xác và đầy đủ về nội dung cần truyền tải đến người nghe, bởi vì phiên dịch có thời gian để phân tích và cân nhắc các câu dịch của mình. Nhược điểm của phương thức này là mất nhiều thời gian hơn so với một số phương thức phiên dịch khác.

Mặc dù dịch nối tiếp thường được nhìn nhận là kém phức tạp hơn so với dịch song song [dịch ca-bin], nhưng dịch nối tiếp thực sự đòi hỏi rất nhiều kỹ năng ở phiên dịch và đặt ra những thách thức không nhỏ. Người làm phiên dịch nối tiếp không những phải có khả năng ghi nhớ tốt mà còn phải làm chủ một loạt kỹ năng : nghe, ghi nhớ, ghi chép, phân tích tổng hợp, trình bày trước công chúng.

Ở các Trường đào tạo biên phiên dịch của Châu Âu, phương thức dịch nối tiếp thường được giảng dạy và thực hành trong thời gian 1 năm và được coi là phương thức hành nghề cơ bản nhất cần phải làm chủ.

Kỹ năng nghe

Nghe là một trong những hoạt động quan trọng nhất của phiên dịch, bởi vì chất lượng của bài dịch phụ thuộc hoàn toàn vào chất lượng của việc nghe.

Trong thực tiễn giao tiếp có nhiều cách nghe khác nhau, trong đó có thể kể đến nghe chọn lọc ý, nghe và tranh luận, nghe để học hoặc để thưởng thức ngôn ngữ v.v...

Cách nghe của người phiên dịch không thuộc vào các dạng trên mà được thực hiện theo cách đặc biệt. Người phiên dịch hoàn toàn không cần nhân danh mình để can thiệp vào cuộc giao tiếp bởi nhiệm vụ của phiên dịch là hiểu và nắm bắt đúng  thông điệp mà người nói muốn truyền tải để truyền đạt lại cho người khác. Vì vậy, người phiên dịch cần phải học để biết rằng anh ta cần phải tập trung vào những yếu tố nào trong chuỗi câu từ của người nói. Tập trung không phải là cứ nhăn trán và nín thở lắng nghe, mà là biết bỏ qua những yếu tố không có giá trị thông tin. Lưu ý đến chất giọng của người nói hoặc quan tâm đến cách sử dụng câu chữ của người nói chẳng hạn, sẽ làm cho người phiên dịch mất tập trung và đi sai mục đích. Khi nghe, phiên dịch cần biết phân biệt rõ giữa ý nghĩa của lời nói với từ ngữ dùng để chuyển tải ý nghĩa đó, và phải rèn luyện để chỉ tập trung vào ý nghĩa của lời nói.

Trong tác nghiệp, phiên dịch cần chủ động tạo cho mình những điều kiện nghe tốt nhất. Phiên dịch cần đảm bảo cự ly giữa bản thân mình và người nói ở mức gần nhất, không ngần ngại yêu cầu những người xung quanh giữ yên lặng, đề nghị người nói nói to hơn nếu cần thiết. Một khi những điều kiện khách quan đã được đảm bảo, thì phiên dịch càng dễ để tập trung lắng nghe nội dung phát biểu của người nói.

Kỹ năng ghi nhớ

Một trong những kỹ năng cơ bản nhất của phiên dịch là kỹ năng ghi nhớ. Thông thường, khi dịch nối tiếp, người nói thường dừng lại sau một vài câu để phiên dịch chuyển ngữ. Tuy nhiên trong rất nhiều trường hợp, người nói có thể nói liền một mạch trong khoảng thời gian vài ba phút mới dừng lại. Nếu phiên dịch không ghi nhớ được thì sẽ rơi vào tình trạng « không có gì để dịch ».

Có ý kiến cho rằng khả năng ghi nhớ là một năng khiếu thiên bẩm và bất kỳ phiên dịch giỏi nào cũng phải là người có năng khiếu này. Tuy nhiên, trong thực tế, kỹ năng ghi nhớ hoàn toàn có thể xây dựng được thông qua rèn luyện và phải được thường xuyên trau dồi.

Quá trình ghi nhớ trong phiên dịch là một quá trình chủ động. Phiên dịch không cần và không được tập trung vào việc nhớ từ, nhớ câu [người ta nói câu gì thì nhớ câu đó] bởi vì cốt lõi của hoạt động phiên dịch là chuyển ý chứ không phải là chuyển cái vỏ ngôn ngữ của ý. Phiên dịch cần phải tập trung lắng nghe, vừa nghe vừa phân tích để rút ra « ý muốn nói » của tác giả để ghi nhớ. Trong quá trình này, phiên dịch phải vận dụng những hiểu biết của mình để đón nhận thông tin một cách chủ động nhằm thiết lập một « dàn ý » sát với nội dung của người nói. Như vậy, cái được ghi nhớ là một dàn ý chứ không phải là một chuỗi các từ và câu.

Kỹ năng ghi chép

Nếu như việc rèn luyện kỹ năng nhớ được xem là bước đầu tiên, cơ bản giúp phiên dịch hình thành thói quen nghe đồng thời xử lý thông tin một cách thông minh để có thể truyền tải được thông điệp của diễn giả, việc rèn luyện kỹ năng ghi chép sẽ giúp phiên dịch chuyển tải được đầy đủ hơn, trọn vẹn hơn nội dung của diễn giả.

Kỹ năng ghi chép của phiên dịch sẽ phát huy được tối đa tác dụng trong các cuộc họp làm việc có tính chất kỹ thuật, nhiều thông tin chuyên môn, nhiều số liệu đòi hỏi phiên dịch phải truyền tải được đầy đủ và chính xác nội dung trao đổi.

Kỹ năng phân tích

Kỹ năng phân tích là hết sức cần thiết đối với cả phiên dịch lẫn biên dịch. Phiên dịch càng có khả năng phân tích thì càng ghi nhớ tốt và càng chuyển ngữ được một cách trôi chảy và dễ hiểu.

Phiên dịch cần biết phân tích những nội dung mà  mình tiếp nhận từ tác giả trên cơ sở trả lời được các câu hỏi sau :

  • Tác giả muốn nói gì ? muốn chuyển tải điều gì đến người nghe ? Để trả lời được câu hỏi này, phiên dịch phải hiểu rõ tác giả là ai, đối tượng hướng tới của tác giả là ai, và phải đặt câu nói trong ngữ cảnh của nó.
  • Chủ đề chung, lô-gích chung của toàn bộ bài nói của tác giả là gì ? Phiên dịch vừa nghe vừa phải biết « lắp đặt » từng câu nói của tác giả vào lô – gích chung. Điều đó  cho phép phiên dịch cảnh giác với những câu nói không ăn nhập với lô-gích chung – từ đó chủ động kiểm tra lại xem mình nghe đã đúng chưa hoặc tác giả có nhầm lẫn không.
  • Các nội dung mà tác giả trình bày đã được sắp xếp theo đúng trật tự lô-gích hay chưa ? Có cần thiết phải sắp xếp lại trật tự khi dịch hay không ?
  • Tác giả có « nói thừa » không ? Thực tế có nhiều diễn giả nói đến đâu suy nghĩ đến đó, chứ không xác lập dàn ý trước khi nói. Kết quả là họ có thể lặp đi lặp lại cùng một ý, hoặc nói ra những nội dung không ăn nhập với kết cấu ý chung. Trong những trường hợp này, phiên dịch phải biết biên tập lại nội dung, bỏ bớt những ý trùng lắp hoặc ý thừa, bởi nếu cứ dịch một cách chung thủy những điều diễn giả nói thì có thể sẽ làm cho bài dịch rối rắm, khó hiểu.

Như vậy, quá trình nghe của phiên dịch là một quá trình đòi hỏi sự chủ động rất cao. Phiên dịch phải có nền tảng kiến thức sâu  rộng mới có khả năng phân tích, đánh giá nội dung, gọt tỉa nội dung đó để chuyển tải đến người nghe một cách chính xác ý đồ của người nói.

Kỹ năng trình bày

Trong giai đoạn trình bày nội dung cần chuyển tải ra ngôn ngữ đến, phiên dịch cần phải làm chủ được khả năng nói trước công chúng, khả năng xử lý linh hoạt tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể.

Khi diễn đạt ý bằng ngôn ngữ đến, phiên dịch cần cố gắng trình bày sao cho bài nói của mình có cấu trúc và lô-gích rõ ràng, miễn là phản ánh chính xác nội dung của tác giả. Điều này đòi hỏi phiên dịch phải có nỗ lực phân tích trong quá trình nghe, lập ra giàn ý để trình bày. Phiên dịch sẽ không bị trách cứ khi dịch không đúng theo thứ tự lời nói của tác giả, nhưng sẽ bị chê trách nếu trình bày một cách lộn xộn, không có liên kết giữa các câu và ý.

Video liên quan

Chủ Đề