Điều chỉnh cam kết chi trên dịch vụ công


Thủ tục kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước qua KBNN

(1) Tên TTHC: Thủ tục kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước qua aKBNN.

(2) Trình tự thực hiện: Đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước gửi hồ sơ đề nghị cam kết chi hoặc đề nghị điều chỉnh cam kết chi tới KBNN nơi giao dịch. Sau đó, KBNN thực hiện kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ đảm bảo đúng chế độ quy định, KBNN làm thủ tục cam kết chi và gửi 01 liên giấy đề nghị hoặc điều chỉnh cam kết chi có xác nhận của KBNN cho đơn vị bằng văn bản giấy hoặc qua Trang thông tin dịch vụ công của KBNN. Trường hợp hồ sơ không đảm bảo đúng chế độ quy định, KBNN gửi thông báo từ chối cam kết chi ngân sách nhà nước cho đơn vị (trong đó nêu rõ lý do từ chối) bằng văn bản giấy hoặc qua Trang thông tin dịch vụ công của KBNN.

(3) Cách thức thực hiện:

- Gửi hồ sơ và nhận kết quả trực tiếp tại trụ sở KBNN.

- Gửi hồ sơ và nhận kết quả qua Trang thông tin dịch vụ công của KBNN trong trường hợp đơn vị có tham gia giao dịch điện tử với KBNN (đơn vị truy cập và thực hiện theo hướng dẫn trên Trang thông tin dịch vụ công của KBNN).

(4) Thành phần và số lượng hồ sơ:

(4.1) Thành phần hồ sơ:

- Trường hợp đề nghị cam kết chi: Dự toán năm (đối với chi thường xuyên), kế hoạch vốn đầu tư năm (đối với chi đầu tư) được cấp có thẩm quyền giao; giấy đề nghị cam kết chi ngân sách nhà nước; hợp đồng (gửi một lần khi có phát sinh hoặc thay đổi).

- Trường hợp đề nghị điều chỉnh cam kết chi: Dự toán năm (đối với chi thường xuyên nếu có điều chỉnh), kế hoạch vốn đầu tư năm (đối với chi đầu tư nếu có điều chỉnh) được cấp có thẩm quyền giao; hợp đồng (nếu có điều chỉnh); giấy điều chỉnh cam kết chi ngân sách nhà nước.

(4.2) Số lượng hồ sơ: Số lượng của từng thành phần hồ sơ quy định tại mục (4.1), Phần 1 Thủ tục này là 01 bản (bản chính hoặc bản sao y bản chính). Riêng giấy đề nghị hoặc điều chỉnh cam kết chi ngân sách nhà nước là 02 bản gốc.

- Đối với trường hợp gửi hồ sơ qua Trang thông tin dịch vụ công của KBNN, các thành phần hồ sơ phải được ký chữ ký số theo quy định.

(5) Thời hạn giải quyết: Trong vòng 01 ngày làm việc, kể từ khi KBNN nhận đủ hồ sơ hợp lệ, hợp pháp của đơn vị.

(6) Đối tượng thực hiện: Các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.

(7) Cơ quan giải quyết: KBNN (TW, cấp tỉnh, cấp huyện).

(9) Kết quả thực hiện:

- Trường hợp KBNN chấp thuận đề nghị hoặc điều chỉnh cam kết chi của đơn vị: Xác nhận của KBNN trực tiếp trên giấy đề nghị hoặc điều chỉnh cam kết chi ngân sách nhà nước; trường hợp đơn vị có tham gia giao dịch điện tử với KBNN, KBNN gửi xác nhận chấp thuận đề nghị hoặc điều chỉnh cam kết chi qua Trang thông tin dịch vụ công của KBNN.

- Trường hợp KBNN từ chối đề nghị hoặc điều chỉnh cam kết chi của đơn vị: Thông báo từ chối đề nghị hoặc điều chỉnh cam kết chi bằng văn bản của KBNN; trường hợp đơn vị có tham gia giao dịch điện tử với KBNN, KBNN gửi thông báo từ chối đề nghị hoặc điều chỉnh cam kết chi qua Trang thông tin dịch vụ công của KBNN.

(9) Mẫu tờ khai: Giấy đề nghị cam kết chi ngân sách nhà nước hoặc điều chỉnh cam kết chi ngân sách nhà nước được quy định tương ứng theo Mẫu số 04a hoặc Mẫu số 04b tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 11/2020/NĐ-CP.

(10) Phí, lệ phí: Không

(11) Yêu cầu, điều kiện thực hiện TTHC: Không

(12) Căn cứ pháp lý: Nghị định số 11/2020/NĐ-CP

Ghi chú: những bộ phận được thay thế gồm: trình tự thực hiện; cách thức thực hiện; thành phần, số lượng hồ sơ; thời hạn giải quyết; kết quả thực hiện; mẫu tờ khai.

TẢI VỀ BIỂU MẪU

Mục lục bài viết

  • I. Khái quát chung
  • 1. Khái niệm cam kết chi ngân sách nhà nước
  • 2. Kho bạc nhà nước, quy mô hoạt động, cơ cấu và nguồn ;ực hệ thống kho bạc nhà nước
  • Giới thiệu kho bạc nhà nước
  • Quy mô hoạt động, cơ cấu tổ chức và nguồn nhân lực của hệ thống Kho bạc Nhà nước
  • 3.Nguyên tắc quản lý, kiểm soát cam kết chi ngân sách qua kho bạc nhà nước
  • II. Nộiđiều chỉnh cam kết chi, xử lý cuối năm và hạch toán kế toán cam kết chi
  • 1. Điều chỉnh cam kết chi và hợp đồng
  • Các trường hợp điều chỉnh
  • Quy trình điều chỉnh
  • 2. Trường hợp xử lý cuối năm cam kết chi
  • Xử lý các khoản cam kết chi từ dự toán được giao trong năm
  • Xử lý các khoản cam kết chi từ dự toán ứng trước
  • 3. Hạch toán kế toán cam kết chi tại Kho bạc Nhà nước

Cơ sở pháp lý liên quan và được sử dụng trong bài viết:

- Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

- Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

- Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước;

- Nghị định số 63/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Dự trữ quốc gia; Kho bạc Nhà nước;

- Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước;

- Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công;

- Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

- Quyết định số 26/2015/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính;

- Thông tư 89/2021/TT-BTC ngày 11/10/2021 quy định quản lý, kiểm soát cam kết chi ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.

I. Khái quát chung

1. Khái niệm cam kết chi ngân sách nhà nước

Theo Điều 3 Nghị định 11/2020/NĐ-CP (Có hiệu lực từ 16/3/2020) thì nội dung này được quy định như sau:

Cam kết chi là việc các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước cam kết sử dụng dự toán chi ngân sách thường xuyên được giao hàng năm (có thể một phần hoặc toàn bộ dự toán được giao trong năm) hoặc kế hoạch vốn đầu tư được giao hàng năm (có thể một phần hoặc toàn bộ kế hoạch vốn được giao trong năm) để thanh toán cho hợp đồng đã được ký giữa đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước với nhà cung cấp.

2. Kho bạc nhà nước, quy mô hoạt động, cơ cấu và nguồn ;ực hệ thống kho bạc nhà nước

Giới thiệu kho bạc nhà nước

Hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) mà tiền thân là Nha Ngân khố Quốc gia trong những năm qua đã không ngừng lớn mạnh và góp phần cùng toàn ngành Tài chính hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được đặt ra trong từng thời kỳ và từng giai đoạn cách mạng, đảm bảo đáp ứng kịp thời các nhu cầu về nguồn lực tài chính phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Quy mô hoạt động, cơ cấu tổ chức và nguồn nhân lực của hệ thống Kho bạc Nhà nước

Trong giai đoạn đầu khi tái thành lập hệ thống Kho bạc Nhà nước (năm 1990), hệ thống Kho bạc Nhà nước gồm có: Cục Kho bạc Nhà nước, 44 Chi cục Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố và 502 Chi nhánh Kho bạc Nhà nước quận, huyện, thị xã trong cả nước với tổng số 7.420 công chức. Trong đó, gần 40% công chức có trình độ sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo; công chức có trình độ đại học và trên đại học chỉ có 1.239 người, chiếm gần 16,7%; công chức có trình độ cao đẳng và trung cấp là 3.213 người, chiếm 43,3%. Doanh số hoạt động của hệ thống Kho bạc Nhà nước và số lượng tài khoản giao dịch còn hết sức khiêm tốn (36.000 tỷ đồng và 82.000 tài khoản).

Đến nay, Kho bạc Nhà nước thực hiện quản lý quỹ ngân sách nhà nước của ngân sách Trung ương; ngân sách 63 tỉnh, thành phố; 661 quận, huyện và 10.500 xã, phường, thị trấn. Hệ thống Kho bạc Nhà nước đang quản lý trên 800.000 tài khoản của hơn 540.000 đơn vị với doanh số hoạt động của Kho bạc Nhà nước hàng năm lên tới trên 9 triệu tỷ đồng. Hiện nay, toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước có 14.300 công chức. Trong đó, công chức có trình độ đại học là 10.218 người, chiếm hơn 70%; trên đại học là 565 người, chiếm 4%.

3.Nguyên tắc quản lý, kiểm soát cam kết chi ngân sách qua kho bạc nhà nước

Theo Điều 4 của Thông tư 89/2021/TT-BTC ngày 11/10/2021 quy định quản lý, kiểm soát cam kết chi ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước có quy định như sau:

- Tất cả các khoản chi ngân sách nhà nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao dự toán hàng năm đối với chi thường xuyên hoặc giao kế hoạch vốn đối với chi đầu tư (bao gồm dự toán ứng trước), có hợp đồng theo quy định tại Điều 1 Thông tư này phải được quản lý, kiểm soát cam kết chi qua Kho bạc Nhà nước.

Trường hợp có sự điều chỉnh tăng giá trị hợp đồng từ mức không phải thực hiện kiểm soát cam kết chi lên mức phải thực hiện kiểm soát cam kết chi thì đơn vị sử dụng ngân sách không phải làm thủ tục kiểm soát cam kết chi.

Đối với hợp đồng đã thực hiện quản lý, kiểm soát cam kết chi, trường hợp điều chỉnh giá trị hợp đồng dẫn đến phải điều chỉnh số tiền đơn vị sử dụng ngân sách đã thực hiện cam kết chi, đơn vị sử dụng ngân sách phải làm thủ tục điều chỉnh cam kết chi với Kho bạc Nhà nước.

Đối với chi thường xuyên, trường hợp hợp đồng có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên, có thời gian thực hiện trong 01 năm ngân sách, trong quá trình thực hiện, đơn vị điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng từ 01 năm ngân sách lên 02 năm ngân sách thì đơn vị không phải làm thủ tục kiểm soát cam kết chi với Kho bạc Nhà nước.

- Các khoản cam kết chi ngân sách nhà nước phải được hạch toán bằng đồng Việt Nam; các khoản cam kết chi ngân sách nhà nước bằng ngoại tệ được theo dõi theo nguyên tệ, đồng thời, được quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá hạch toán ngoại tệ hàng tháng do Bộ Tài chính quy định để hạch toán cam kết chi theo quy định tại Điều 14 Thông tư 89/2021/TT-BTC ngày 11/10/2021 quy định quản lý, kiểm soát cam kết chi ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.

Trường hợp khoản cam kết chi ngân sách nhà nước có nhiều nguồn vốn NSNN, hạch toán chi tiết theo số tiền được cam kết chi của từng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

- Cam kết chi chỉ được thanh toán khi số tiền đề nghị thanh toán nhỏ hơn hoặc bằng số tiền chưa được thanh toán của khoản cam kết chi đó. Trường hợp số tiền đề nghị thanh toán lớn hơn số tiền còn lại chưa được thanh toán của khoản cam kết chi, trước khi làm thủ tục thanh toán cam kết chi, đơn vị sử dụng ngân sách phải đề nghị Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch điều chỉnh số tiền của khoản cam kết chi đó phù hợp với số tiền đề nghị thanh toán và đảm bảo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 12 Thông tư 89/2021/TT-BTC ngày 11/10/2021 quy định quản lý, kiểm soát cam kết chi ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.

- Hết năm ngân sách, trường hợp các khoản cam kết chi không được phép chuyển nguồn sang năm sau, kho bạc nhà nước thực hiện hủy cam kết chi. Trường hợp các khoản cam kết chi được phép chuyển nguồn sang năm sau thì việc chuyển nguồn cam kết chi thực hiện theo quy định tại Điều 14 Thông tư 89/2021/TT-BTC ngày 11/10/2021 quy định quản lý, kiểm soát cam kết chi ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.

II. Nộiđiều chỉnh cam kết chi, xử lý cuối năm và hạch toán kế toán cam kết chi

1. Điều chỉnh cam kết chi và hợp đồng

Các trường hợp điều chỉnh

a) Điều chỉnh dự toán, kế hoạch vốn theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dẫn đến phải điều chỉnh cam kết chi.

b) Điều chỉnh hợp đồng (điều chỉnh số tiền của hợp đồng, điều chỉnh các thông tin của hợp đồng) giữa đơn vị sử dụng ngân sách với nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ, xây lắp trong năm ngân sách.

c) Điều chỉnh các thông tin chi tiết về cam kết chi.

d) Các khoản cam kết chi không đủ điều kiện thanh toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

đ) Số dư dự toán dành để cam kết chi chưa sử dụng trong năm nhưng không được chuyển sang năm sau.

Quy trình điều chỉnh

Đơn vị sử dụng ngân sách gửi hồ sơ điều chỉnh cam kết chi đến Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch. Căn cứ đề nghị của đơn vị sử dụng ngân sách, Kho bạc Nhà nước thực hiện điều chỉnh và thông báo lại ý kiến chấp thuận (hoặc từ chối) điều chỉnh cam kết chi cho đơn vị sử dụng ngân sách.

2. Trường hợp xử lý cuối năm cam kết chi

Xử lý các khoản cam kết chi từ dự toán được giao trong năm

Các khoản đã cam kết chi thuộc ngân sách năm nào chỉ được chi trong năm ngân sách đó, thời hạn thanh toán đối với các khoản đã cam kết chi phù hợp với thời hạn chi quy định đối với các khoản chi thường xuyên và chi đầu tư. Hết năm ngân sách, bao gồm cả thời gian chỉnh lý quyết toán theo quy định tại Khoản 2 Điều 64 Luật Ngân sách nhà nước, số tiền cam kết chi chưa sử dụng hoặc sử dụng chưa hết phải bị hủy bỏ. Trường hợp dự toán ngân sách nhà nước được chuyển nguồn sang năm sau theo quy định, việc xử lý cuối năm đối với các khoản cam kết chi giao Kho bạc Nhà nước hướng dẫn Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn có liên quan.

Xử lý các khoản cam kết chi từ dự toán ứng trước

Các khoản cam kết chi từ dự toán ứng trước được thanh toán theo quy định tại Khoản 8 Điều 1 Thông tư số 52/2018/TT-BTC ngày 24 tháng 5 năm 2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18 tháng 01 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, Thông tư số 108/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18 tháng 01 năm 2016 của Bộ Tài chính.

3. Hạch toán kế toán cam kết chi tại Kho bạc Nhà nước

Hạch toán cam kết chi, điều chỉnh cam kết chi, thanh toán cam kết chi và chuyển nguồn cam kết chi được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 77/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 7 năm 2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước, Thông tư số 19/2020/TT-BTC ngày 31 tháng 3 năm 2020 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 77/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 7 năm 2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán ngân sách nhà nước và hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước

(MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến luật sư, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.6162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng!

Luật Minh Khuê (Sưu tầm và biên tập).