Họa sĩ minh họa là gì năm 2024

Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?

Trách nhiệm chính của mình là vẽ minh họa cho các sản phẩm truyền thông của công ty. Công ty mình làm truyền thông theo dự án cho các tổ chức phi chính phủ về các vấn đề xã hội. Vì công ty mình sử dụng phần hình ảnh rất nhiều nên công việc của mình như là phần nổi của tảng băng chìm, mọi người khi tiếp cận tới công ty thì sẽ nhìn thấy phần này đầu tiên. Hình vẽ cho các dự án cần phải gần gũi, thân thiện và hấp dẫn để truyền thông tới số đông đại chúng.

Ví dụ để làm rõ cho công việc của công ty mình: Có tổ chức phi chính phủ A thuê công ty mình làm truyền thông để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mọi người về quấy rối tình dục nơi công sở. Công ty mình chọn phương thức là vẽ truyện tranh và đăng trên Facebook, tổ chức A sẽ dựa vào KPI để xem hiệu quả chiến dịch. KPI thì dựa vào nhiều yếu tố như hình ảnh, nội dung, phương thức quảng cáo và vận hành trang. Phần hình ảnh chỉ là một phần nhỏ để làm nên kết quả chiến dịch, nhưng sẽ là phần đầu tiên mọi người thấy và thu hút mọi người quan tâm.

Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?

Mình thích vẽ từ bé, lớn lên dần thì thấy mình có nhiều mối quan tâm tới vấn đề xã hội. Cả hai ngành này đều không phải ngành kiếm ra tiền, nhưng bù lại mình cũng có khá nhiều niềm vui khi làm việc.

Mình quen biết người sáng lập của công ty mình đang làm một cách tình cờ, dần dà tụi mình thành bạn bè. Mình tin đồng nghiệp là những người thực sự quan tâm tới công việc họ làm, và sản phẩm của họ được đầu tư và có chất lượng. Do vậy, khi họ mời mình về làm việc cùng thì mình cũng quyết định từ bỏ công việc cũ để sang làm. Thời điểm đầu tiên có ý định chọn ngành này là khoảng năm 2017, bạn mình ngỏ ý muốn mình về làm việc cùng. Nhưng do lúc đấy vừa nhận công việc mới là làm hoạt hình, nên mình đành từ chối. Tham gia ngành hoạt hình thì mình được thỏa mãn thú vui vẽ, nhưng bản thân vẫn luôn quan tâm tới việc xã hội, và tự hỏi mình có thể làm được gì? Sau khoảng 2 năm làm việc ở công ty hoạt hình, khi mà đã trải nghiệm tương đối đầy đủ về ngành đấy, mình quyết định thử làm việc mà bấy lâu mình mong muốn trước khi mình 30 tuổi. Đây coi như một sự cố gắng cuối cùng cho đam mê của mình, để sau này sẽ không tiếc rằng mình đã không thử.

Người nhà hầu hết đều không phản đối, chỉ trách nhẹ là sao lại từ chối một vị trí vững vàng hơn, lương cao hơn để đi làm việc này. Nhìn chung thì hầu hết con đường sự nghiệp mình chọn từ trước tới giờ đều ko bị ngăn cản gì, gia đình rất thông cảm và ủng hộ.

Mình học năm 2 đại học thì bỏ, từ đấy đã làm tự do (freelancer), làm bán thời gian khá nhiều. Khả năng vẽ của mình khá đa dạng nên làm freelance cho truyện minh họa thiếu nhi, làm game, tự rao bán kỹ năng vẽ trên các trang mạng, vẽ truyện tranh cho báo, lập fanpage vẽ truyện tranh và làm quảng cáo. v.v… Cũng không có bước ngoặt gì quá kịch tính xảy ra trong quá trình phát triển. Mỗi lần làm việc mình lại rút ra một chút kinh nghiệm, lần làm sau lại tốt hơn lần làm trước một chút. Chỉ là khi mình đi quá rộng, cái gì cũng làm được thì nhiều khi lại không biết mình thực sự muốn làm gì. Chọn làm hoạt hình cũng là một bước ngoặt, mình được tham gia một bộ máy rất lớn và được học hỏi từ nhiều người giỏi. Nhưng trong quá trình làm thì mình cứ có một cảm giác vô nghĩa khó hiểu với công việc, và mình quyết định thay đổi.

Nếu được chọn lại thì mình vẫn sẽ đi các con đường đã qua. Khi đi làm mình hiểu ra công việc gì cũng có ý nghĩa riêng của nó, không phải chỉ làm công tác xã hội thì mới là việc tốt. Mình tin sự nghiệp là một quá trình trải nghiệm, không phải là một đích đến cụ thể, hoặc một con số lương bổng cụ thể. Dù việc có mục tiêu trong công việc vẫn là cần thiết. Mình không hối hận vì lựa chọn của mình vì mình có những trải nghiệm đáng giá và những quyết định đúng với hoàn cảnh, suy nghĩ lúc ấy.

Nói đến trải nghiệm làm freelancer thì khá là nhiều. Lúc đầu nói đến làm freelancer thì ai ai cũng nghĩ việc ấy tự do lắm, thoải mái lắm, mình có lịch trình riêng, sắp xếp theo cách của mình. Nhưng làm freelancer trong ngành vẽ thì mình phải làm vô cùng nhiều công việc, những công việc mà nếu đi làm công ty thì người ta sẽ làm thay cho mình. Đầu tiên là mình sẽ cần có một bộ portfolio để chứng tỏ bản thân, rồi đem trình ra cho mọi người bằng cách đăng lên những trang mạng như behance, artstation. Sau đó mình sẽ phải làm những công việc truyền thông, quảng bá bản thân mình như là vẽ hằng ngày, thường xuyên đăng tranh trên các trang mạng xã hội để mọi người biết đến.

Sau đó nếu ko ai thuê mình thì mình phải đi tìm khách hàng, một trong những nơi tìm khách đấy là trên fiverr, freelancer.com, v.v.. Thời gian đầu thì phải làm rất nhiều và chấp nhận là chẳng nhận lại được bao nhiêu vì có tháng có người thuê, có tháng không. Rồi học khả năng giao tiếp, ngã giá với khách hàng, bàn bạc ý tưởng và làm việc đúng hẹn. Rồi còn học cách tính thuế và đóng thuế. Cũng không ai đóng bảo hiểm cho mình hay được đi khám định kỳ, mình sẽ phải tự làm hết. Nhìn chung thì làm freelancer cần có tính kỷ luật cao hơn nhiều so với đi làm công ty.

Nếu được chọn lại trong quá trình làm việc thì mình chỉ chọn là học tiếng anh sớm hơn thật nhiều. Tất cả những gì cần biết đều được chia sẻ trên mạng rất nhiều, từ những họa sĩ nổi tiếng của các studio lớn hay của những freelancer chuyên nghiệp. Nếu mình biết tiếng anh sớm hơn thì chắc mọi chuyện đã đơn giản hơn rất nhiều.

Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?

7:30 – 9:00 Tự luyện vẽ (không phải yêu cầu của công việc) 9:30 – 12:00 Vẽ theo yêu cầu và ý tưởng giữa dự án và khách hàng 12:00 – 14:00 Nghỉ ngơi, ăn trưa 14:00 – 18:00 Vẽ và làm các công việc liên quan Ghi chú Sẽ không một cái lịch cụ thể cho công việc này. Ví dụ: một dự án yêu cầu hoàn thành trong 2 tuần, thời gian để hiểu ý tưởng chỉ khoảng nửa buổi sáng, còn lại sẽ là vẽ và chỉnh sửa liên tục trong 2 tuần đấy. Đôi khi đang làm việc này sẽ có việc khác xen vào.

Ngoài giờ thì mình dùng thời gian cho rèn luyện thêm kỹ năng làm việc và hiểu biết xã hội. Ví dụ, mình hay có lịch tối thứ 4 hàng tuần đi vẽ cùng cộng đồng vẽ.

Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?

Công việc này dạy cho mình được nhiều điều bên ngoài kỹ năng vẽ. Mỗi một chiến dịch công ty mình nhận, tụi mình đều phải học và tìm hiểu kỹ để có thể tạo ra nội dung phù hợp cho hình ảnh và yêu cầu của khách hàng.

Ngoài ra mình còn được gặp nhiều người tốt và thú vị. Bản thân đồng nghiệp trong công ty cũng đều là những người rất thông minh và dễ thương nữa.

Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?

Về công việc thì tuyệt vời, thật sự hợp với khả năng và sở thích của mình.

Về kỹ năng chuyên môn của mình là vẽ thì lại hơi thừa. Mình muốn đi chuyên sâu hơn vào mảng vẽ, đầu tư thời gian, công sức, ý tưởng thành những tác phẩm giá trị, nhưng sản phẩm truyền thông thì không thực sự cần đầu tư về mặt hình ảnh quá nhiều, mà chỉ cần ưa nhìn và nhanh.

Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?

  • Điều kiện cần có là kỹ năng vẽ cơ bản, nắm được nguyên lý thị giác cơ bản. Kỹ năng vẽ thì dù là ngành liên quan đến vẽ nào (minh họa, game, hoạt hình,…) thì cũng phải xác định là luôn luôn trau dồi.
  • Thái độ cởi mở. Họa sĩ thì thường có cái tôi riêng và hay cho là mình đúng, nhưng khi mới bước vào ngành này thì nên biết tiếp thu, đặt câu hỏi và luyện tập thường xuyên.
  • Với ngành này, vẽ đẹp là kỹ năng quan trọng, nhưng một kỹ năng quan trọng khác cũng cần được đánh giá cao là kỹ năng lắng nghe và hợp tác. Nếu vẽ đẹp và hợp tác tốt thì chắc chắn làm việc sẽ hiệu quả.
  • Một số nguồn link có thể học miễn phí hoặc học phí khá rẻ:
    • Mất phí: https://www.schoolism.com/
    • Miễn phí: Proko: https://www.youtube.com/user/ProkoTV

Modern day James https://www.youtube.com/channel/UCI8GDFj5BQCQrSHITFebzkA

Marco Bucci: https://www.youtube.com/channel/UCsDxB-CSMQ0Vu_hTag7-2UQ

Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?

Điều đầu tiên và sai lầm nhất mọi người hiểu nhầm là muốn theo đuổi ngành vẽ thì cần phải có năng khiếu.

Trên thực tế thì ngành này lại cần rất nhiều khả năng kiên nhẫn luyện tập, học hỏi và tìm tòi.

Để đi làm trong lĩnh vực vẽ thì điều kiên quyết là phải chăm vẽ, nếu một người có năng khiếu mà không đủ kiên nhẫn theo đuổi thì cũng sẽ sớm bị một người chăm chỉ hơn vượt qua. Nếu chỉ đơn giản là muốn vẽ và kiếm tiền từ ngành vẽ thì mình tin là ai cũng có thể làm được, chỉ cần nắm chắc cơ bản và chăm chỉ luyện tập thôi.

Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?

Có rất nhiều ngành ứng dụng cần tới công việc vẽ. Lương của ngành này tuy không quá cao nhưng để tự nuôi mình và sống tương đối thoải mái thì hoàn toàn có thể. Nếu tham gia những ngành có tính ứng dụng và giải trí cao như làm game và làm phim thì hoàn toàn có thể tiến xa.

  • Lương cơ bản của ngành vẽ và đồ họa nói chung là từ khoảng 8-10 triệu đồng.
  • Ngành game thì khoảng 500$ – 1000$ tùy độ cứng của họa sĩ.
  • Làm freelancer thì giá vô cùng, có người chỉ kiếm được vài ba triệu một tháng, có người thì kiếm được vài trăm triệu, tùy vào khả năng và chiến lược của người làm.

Sự khác biệt về mức lương trong ngành vẽ tùy thuộc vào (1) kinh nghiệm, (2) khả năng, (3) danh tiếng.

Ngành game thường được trả lương cao hơn các ngành khác vì khả năng đem lại lợi nhuận của ngành này cao hơn.

Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?

Mình đã trải qua khá nhiều bước chọn sai lầm trên con đường vẽ. Những gì mình rút ra là việc chọn nghề nào cũng cần hiểu bản thân đầu tiên. Kể cả khi đã quyết tâm chọn con đường vẽ thì cũng phải thử và tìm hiểu xem mình sẽ muốn vẽ gì nhất: vẽ hoạt hình, vẽ minh họa, vẽ game …. Mình nghĩ các em khi còn là sinh viên thì ngoài tự luyện tập ra thì cũng nên bắt đầu làm một số dự án, đi làm bán thời gian cho một vài công ty để biết được thực tế mỗi công việc như thế nào. Dù đều là vẽ nhưng sẽ có những sự khác nhau đáng kể về cách làm việc, để cân nhắc xem mình thực sự yêu thích và phù hợp với ngành gì.

Ngoài những kênh youtube ở trên mình nêu ra, các em nên chủ động tìm thêm trên youtube nhiều kênh của các họa sĩ ở các ngành công nghiệp khác nhau. Hãy tìm các clip nói về công việc và môi trường làm việc của họ để có cái nhìn toàn cảnh hơn về công việc của các họa sĩ trong thời đại này. Như rất nhiều ngành khác, ngành ứng dụng thị giác cũng thay đổi và phát triển rất nhanh, nên hãy