Hướng dẫn làm nghệ ngâm mật ong

Hôm nay mình xin trình bày cách làm nghệ tươi ngâm mật ong để dưỡng da. Thoa nguyên chất hoặc trộn thêm dầu dừa và olive.

Đối với nghệ ngâm mật ong mình dùng nghệ tươi. Không dùng nghệ xay/bột nghệ nhé, vì có thể làm vàng da. Nếu bạn nào nhà đang có sẵn tinh bột nghệ, có thể xem hướng dẫn cách ngâm ở cuối bài.

Trước khi có bài hướng dẫn làm nghệ như bên dưới, mình đã gặp một số vấn đề. Cách làm nghệ ngâm thì không có gì đặc biệt cả, nhưng lại có sự sai khác về kết quả giữa người này và người kia, có người làm được, có người làm không được. Tại sao?

Hỏi thăm những chị đã từng làm, các chị nói là làm dễ lắm ấy, đổ mật ong vào sâm sấp mặt nghệ, có bọt thì vớt bọt. Vậy vấn đề nằm ở đâu?

Sau một thời gian tìm hiểu mình đã rút ra một số điều cần được tuân thủ để việc làm nghệ ngâm mật ong thành công.

  • Luôn luôn giữ nghệ nằm dưới mật ong
  • Hũ đựng sạch và ráo nước
  • Hũ có nắp đậy kín
  • Hạn chế tối đa không khí có ở trong hũ, lượng mật ong + nghệ nên đầy khoảng 75-80% hũ.
  • Chừa khoảng 2cm trên cùng để chứa nước nghệ tăng thêm.
  • Cất hũ ở nơi mát mẻ, tránh nắng.

Ok, mình sẽ giải thích rõ hơn về những nguyên tắc trên ở cách làm bên dưới.

1. Các bước ngâm nghệ tươi với mật ong

Nguyên liệu:

  • Nghệ tươi:
    • Lựa củ nghệ có màu sẫm sẽ tốt hơn củ có màu nhạt, còn non.
    • Đừng chọn củ đen quá là củ đã quá già rất dễ bị hư.
    • Không nên lựa củ nghệ nhiều nước sẽ làm loãng đi phần mật ong rất nhiều, nếu bảo quản không tốt sẽ dễ bị hư. Nếu đã lỡ mua bạn nên để nó héo lại một tí trước khi làm.
  • Mật ong:
    • Nên chọn loại mật ong đặc thay vì loại mật ong loãng.
    • Chọn mật ong mới sản xuất.
    • Tùy vào loại mật ong từ những loại hoa khác nhau mà nghệ ngâm có màu sắc và vị ngọt khác nhau.
  • Hũ đựng:
    • Dùng hũ thủy tinh có nắp đậy kín.
    • Hũ đựng cần có thể tích tương xứng với lượng nghệ và mật ong sử dụng.
    • Bạn nào cẩn thận hơn có thể khử trùng bằng cách đổ nước sôi vào tráng hoặc nấu trong nước sôi khoảng 30s. Sau đó để khô.

  • Đồ để chèn nghệ: Dùng que, dĩa, bất cứ cái gì nặng để đè nghệ xuống, không cho nó có cơ hội trồi lên. Miễn sao đồ chèn sạch và không làm ảnh hưởng đến mùi vị của nghệ ngâm.

Liều lượng

  • Tỉ lệ ngâm nghệ và mật ong là 1:2 hoặc 1:1.5. Lượng mật ong được đổ vào phải luôn luôn nhiều hơn lượng nghệ, sao cho mật ong cao hơn mặt nghệ.
  • Dành ra khoảng 80% không gian của hũ để chứa nghệ và mật ong. Khoảng 20% còn lại chứa vật đè nghệ và nước dâng lên.
  • Ví dụ với hũ 250ml, mình sẽ để dành khoảng 40-50ml không gian chứa vật đè nghệ và nước sẽ dâng lên. Còn lại 200ml chứa nghệ và mật ong.
  • Với một người sử dụng có thể làm từ 100 – 300 gram nghệ tươi.

B1: Bẻ rời các nhánh nghệ. Rửa sạch.

B2: Để nghệ cho thật ráo nước. Gọt bỏ vỏ và những phần bị hư.

B3: Cắt thành từng miếng mỏng hoặc thành cục nhỏ tùy vào ý muốn của bạn.

B4: Xếp nghệ vào hũ.

Lưu ý: hũ phải được rửa sạch và để ráo nước.

Trong hình, mình thử cắt 2 miếng nghệ to để đè những cục nghệ nhỏ ở dưới, tuy nhiên, ha ha, nó đã không đủ khả năng.

Quy tắc: Hạn chế tối đa việc còn dư quá nhiều khoảng trống trong hũ đựng, lượng nghệ và mật ong phải chiếm 80% thể tích hũ. Điều này sẽ đảm bảo nghệ ngâm không có mùi lạ, mùi rượu.

B5: Đổ mật ong vào. Đảm bảo lượng mật ong đổ vào phải cao hơn nghệ và chừa một khoảng để đặt vật đè và lượng nước tăng thêm. [Nghệ non sẽ nhiều nước hơn nghệ già, nếu bạn dùng nhiều nghệ non bạn nên trừ hao thêm một ít]

B6: Đặt vật đè. Chèn kỹ vật đè ra các góc để nghệ không nổi lên trên mặt, mà phải luôn luôn nằm dưới lớp nước, nếu không sẽ bị nổi váng trắng.

Không để nghệ trồi lên trên, luôn đảm bảo nghệ nằm dưới lớp nước.

Do không có vỉ hay que, mình dùng một túi nhựa sạch có nước, cột chặt miệng túi, và lồng thêm một lớp túi bên ngoài để nước không bị rò rỉ.

Một lúc sau, nghệ sẽ rút lại và mật ong loãng ra dâng lên. Đám cục nghệ bên dưới đã loi nhoi muốn ngoi lên mặt nước và miếng nghệ bự đã bị tụi nó đè xuống dưới.

B7: Vặn kín nắp hũ và cất ở nơi thoáng mát và tối [do chất oxy hoá thường nhạy cảm với ánh sáng, hoặc bạn có thể bọc 1 lớp giấy quanh hũ nghệ]

Sẽ có bọt nhẹ trong những ngày đầu, nhưng bạn đừng lo lắng, không cần vớt, miễn bạn luôn đảm bảo là nghệ không trồi lên khỏi mặt nước và đậy kín hũ. Đặt thêm một cái dĩa nhỏ bên dưới hũ để đựng nước bị tràn ra, phòng trường hợp bạn chừa chỗ cho nước dâng lên không đủ.

Ngâm từ 2 tuần cho tới 1 tháng. Nếu bạn ngâm nhiều nghệ có thể để lâu hơn. Tùy vào loại mật ong từ những loại hoa khác nhau mà nghệ ngâm có màu sắc và vị ngọt khác nhau.

2. Bảo quản

Khi mở ra sử dụng nên:

  • Chiết ra một hũ nhỏ để sử dụng thường xuyên nhằm tránh ảnh hưởng đến phần đã ngâm.
  • Tương tự như lúc ngâm, cất hũ nghệ ở nơi thoáng mát và tối. Nếu thời tiết quá nóng nên bỏ vào tủ lạnh bảo quản.
  • Phần xác nghệ có thể để luôn trong hũ, tuy nhiên vẫn luôn để nó nằm dưới lớp nước. Hoặc vớt hết xác nghệ ra rồi bỏ vào tủ lạnh, mỗi ngày có thể ăn 2-3 viên.
  • Luôn dùng muỗng sạch khô để múc nước nghệ ra.

3. Cách sử dụng

Xem bài viết “Tác dụng của nghệ tươi ngâm mật ong” trong đó mình đã liệt kê ai hợp, ai không hợp, các lưu ý khi sử dụng.

4. Một số thắc mắc

# Sử dụng hũ nhựa được không?

Câu này mình được các bạn hỏi khá là nhiều. Nếu nhà bạn không có sẵn hũ thuỷ tinh, bạn có thể thay thế bằng hũ nhựa. Nhưng nên chọn loại nhựa tốt, có thể sử dụng được nhiều lần. Tốt nhất là loại nhựa PP, loại nhựa PET không nên tái sử dụng lại.

# Nên chọn loại nghệ nào ngâm là tốt nhất?

Có nhiều loại nghệ để bạn lựa chọn: nghệ vàng, nghệ đỏ, nghệ đen. Ngâm loại nghệ nào cũng được cả. Nghệ vàng và nghệ đỏ là gần gũi và vừa túi tiền nhất. Nghệ đỏ thì phổ biến ở miền Nam hơn.

Ngoài ra, chất lượng của nghệ ngâm còn phụ thuộc vào loại mật ong bạn dùng có tốt và nguyên chất không. Và muốn đạt được hiệu quả, còn cần sự kiên trì của người sử dụng nữa.

# Nên chọn củ nghệ như thế nào?

Nguồn: huffingtonpost.ca

Bạn để ý thấy nghệ có củ cái và các củ con, và từ các củ con đó lại phát triển thêm củ con mới. Củ cái thường có màu đậm hơn, nhiều dưỡng chất hơn củ con. Tuy nhiên nên lựa kỹ tránh chọn nhầm những củ bị hư, thối, hoặc đã quá già bị đen. Nếu chọn củ con, chọn củ bự và đừng quá nhạt màu.

Củ cái tròn bự và có rễ, quan sát kỹ để tránh chọn củ bị hư

Các củ con

# Có cần phải luộc nghệ trước khi ngâm không?

Trong một số tài liệu có nói rằng curcuminoid – thành phần giúp tạo ra màu vàng cho nghệ, cũng là chất giúp chống oxy hóa, khá nhạy cảm với nhiệt độ, ánh sáng, bị phá hủy khi bị đun sôi từ 15-30 phút. Khi ngâm bạn nên cất hũ ở chỗ mát và tối.

Nên mua mật ong ở đâu để đảm bảo chất lượng?

Hiện nay trên thị trường có khá nhiều nơi bán mật ong. Nếu bạn không biết mật ong ở đâu có uy tín, bạn cách dễ dàng nhất là mua tại các siêu thị.

Ngày trước, mỗi lần về quê Thanh Hoá chơi, ba mình hay xách về mấy lít mật ong. Còn bây giờ nhà mình sử dụng mật ong hoa nhãn của Tiền Giang, mình thấy cũng khá ổn. Mẹ mình phát hiện trong một lần đi Tiền Giang chơi, mang về vài chai dùng thấy chất lượng cũng ok, nên về sau mỗi khi nhà có nhu cầu ngâm tắc, chanh, uống thải độc hay mấy cô bạn mẹ trong sân dưỡng sinh cần mua, đều đặt chỗ này ship lên Sài Gòn. Thường mỗi lần đặt cũng vài lít, nhờ đó mà giảm được chi phí cho nhà xe.

Mật ong được niêm trong chai nhựa 0.5 lít, hạn sử dụng 1 năm. Bạn nào có nhu cầu có thể đặt mình, mình gom một lượt lại, giá sẽ giảm đi đôi chút. Giá là 95k/0.5 lít.

Bạn nào ở Bình Thạnh có thể ghé nhà mình [gần ngã tư Hàng Sanh], hoặc nhà bạn mình ở Q. 11 [gần ngã tư Lê Đại Hành, Âu Cơ]. Số đt của mình là: 01699986840, bạn nt để mình kiểm tra mật ong có sẵn không, hoặc là đợi một vài ngày, mình đặt ship lên Sài Gòn.

# Nhà mình đang có sẵn tinh bột nghệ, vậy dùng ngâm mật ong được không?

Câu trả lời là được. Chị mình có một hũ tinh bột nghệ còn một ít, nên mình thực hành luôn cho các bạn cùng xem.

Đổ mật ong vào vừa đủ lượng tinh bột nghệ, cái này mình ước chừng thôi, không cần chính xác đâu. Mình để yên cho mật ong tự ngấm, không cần khuấy lên. Hôm sau, mở ra, mật ong đã ngấm và lỏng, lúc này mình chỉ cần khuấy nhẹ một tí là có được hỗn hợp tinh bột nghệ và mật ong.

# Nghệ ngâm mật ong để được bao lâu?

Mình chưa thử nghiệm xem nghệ ngâm mật ong để được bao lâu, vì mình làm tới đâu thì xài tới đó, ngoài ra nó còn tuỳ thuộc vào cách bạn làm và điều kiện bảo quản nữa. Tốt nhất vẫn là sử dụng trong vòng 3 tháng hoặc tối đa là 6 tháng.

# Phần thịt nghệ còn lại ăn được không?

Được chứ, miếng nghệ ăn giòn giòn, có vị nồng nồng và ngọt ngọt của mật ong.

# Phần nghệ ngâm có quá nhiều bọt?

Nguyên nhân có thể do phần nghệ trồi lên trên và tiếp xúc với không khí trong hũ, hoặc hũ không được đậy kín trong suốt quá trình ngâm.

Bạn có thể chữa lại như sau:

  • Vớt hết màng trắng
  • Chuyển qua một cái hũ sạch khác
  • Nếu nước quá ít không đủ 75-80% thể tích hũ, đổ thêm mật ong
  • Dùng vật chèn để đảm bảo nghệ luôn nằm dưới lớp nước.
  • Luôn đậy kín hũ.

# Nghệ ngâm có mùi lạ, có màng màu xanh, tím

  • Kiểm tra lại những nguyên tắc ngâm, và không nên sử dụng

# Tại sao nghệ tôi ngâm có mùi rượu?

Mật ong là một chất có khả năng kháng khuẩn, nhờ nồng độ đường cao mà mật ong rút nước từ các tề bào vi khuẩn, khử nước và giết chết chúng. Do đó những loại mật ong được sản xuất và thu hoạch tốt [đảm bảo lượng nước ở một tỉ lệ cho phép] không cần bảo quản trong tủ lạnh và để được vài năm.

Tuy nhiên khi ngâm những loại củ gia vị, quả vào mật ong làm lượng nước tăng lên vượt hơn tỉ lệ cho phép, gặp nhiệt độ thích hợp khiến nó dễ lên men. Thực phẩm lên men không xấu [khi bạn đảm bảo mọi khâu làm đều vệ sinh và đúng cách]. Vi khuẩn tự nhiên ăn đường và tinh bột trong thực phẩm tạo ra axit lactic. Quá trình này bảo tồn thực phẩm và tạo ra các enzyme có lợi. Thực phẩm lên men dùng trong ăn uống hoặc thậm chí là dưỡng da như sữa chua, hay dấm táo mà bạn đang xài.

Nghệ có một hợp chất được ca ngợi là curcumin, nó có thể chữa được rất nhiều bệnh như ung thư. Tuy nhiên curcumin hơi khó hấp thụ. Bản thân trong củ nghệ tươi có dầu béo giúp cơ thể hấp thụ curcumin dễ dàng hơn. Còn với bột nghệ, trong quá trình làm không tránh khỏi việc hao hụt lượng dầu và curcumin, do đó người ta khuyên nên dùng kèm với tiêu đen, dầu [dầu dừa, dầu olive…] hoặc dấm táo. Hay lên men nghệ cũng giúp tăng khả năng hấp thụ chất này.

Trở lại với vấn đề chính, làm sao để hỗn hợp ngâm của bạn không có mùi rượu, bạn nên chú ý những điều sau:

  • Sử dụng mật ong còn mới và đặc, lượng mật phải luôn nhiều hơn lượng nghệ.
  • Nghệ nên chọn củ già một chút, củ non sẽ nhiều nước.
  • Hạn chế để lại khoảng trống không khí trong hũ ngâm. Có bạn gửi hình cho mình hũ nghệ ngâm, hũ thì to nhưng phần nghệ + mật ong chỉ có chút xíu, để hở một lượng không khí rất nhiều bên trên.
  • Cố gắng để hũ ngâm ở một nơi có nhiệt độ mát và thoáng.
  • Mật ong rất dễ hút ẩm từ không khí, nên không mở nắp hũ trong quá trình ngâm.
  • Sau hai tuần ngâm có thể bỏ vào tủ lạnh. Hoặc nếu bạn ngâm một hũ lớn, nên chiết ra một hũ nhỏ để sử dụng thường xuyên nhằm tránh ảnh hưởng đến phần đã ngâm.

Bạn có thể thắc mắc chanh đào ngâm mật ong thì sao? Tại sao nó rất nhiều nước nhưng không bị gì? Đầu tiên trong công thức ngâm ngoài mật ong và chanh ra còn có đường phèn, với tỉ lệ thường bằng 1/2 lượng chanh. Đường từ lâu đã được sử dụng để bảo quản thực phẩm, nồng độ đường cao có thể rút nước khỏi vi khuẩn làm chúng không phát triển. Vi khuẩn cần nhiều điều kiện để phát triển trên thực phẩm như nguồn thức ăn, độ pH phải trên 4.6, nhiệt độ, oxy, độ ẩm, và thời gian. Chanh là một loại trái có tính axit cao, những loại có tính axit cao thường có độ pH từ 4.6 trở xuống, và những loại có axit thấp có độ pH từ 4.6 đến 7.0. Nhưng nghệ thì khác, nghệ có tính kiềm.

Tuy nhiên cho dù vậy, nếu làm không kỹ hũ chanh đào vẫn có thể bị lên mùi rượu như thường

Nhiều bạn khi ngâm chanh đào rất bài bản, có thể đầu tư một hũ đựng riêng, vì thế khi ngâm lúc nào cũng vừa đầy hũ. Còn khi ngâm nghệ do đôi khi nghĩ là ngâm thử xem thế nào, nên ở nhà có sẵn gì là dùng đấy, có thể lượng nghệ ngâm không tương xứng với hũ, để lại một khoảng trống không khí lớn trong hũ, môi trường không khí này sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng nghệ.
Hoặc không để ý dùng mật ong cũ đã để lâu, mật ong càng cũ càng loãng.

Ps: trong lúc làm tay, dao và thớt trong tránh khỏi sẽ bị vàng màu của nghệ, nếu bạn chưa biết cách tẩy thì xem thêm “Cách tẩy nghệ dính trên tay, dao và thớt”

Tham khảo thông tin foodsafetysite.com, canning-food-recipes.com, livestrong.com, foodsafetysite.com

Video liên quan

Chủ Đề