Kế hoạch tấn công Liên Xô của Đức với chiến lược là gì

Cuối năm 1941, khi trận chiến bảo vệ Moscow đang ở giai đoạn nguy cấp nhất, quân đội Liên Xô đã bất ngờ mở cuộc phản công quy mô lớn và đánh bật quân phát xít Đức ra khỏi thủ đô. Cùng với đó, ở phía Nam đất nước, Hồng quân đã tái chiếm được thành phố lớn Rostov-on-Don, trong khi ở ngoại ô Leningrad, trong chiến dịch tiến công Tikhvin, quân đội Liên Xô đã giáng những đòn khá mạnh vào các cánh quân của Cụm tập đoàn quân phương Bắc của Đức Quốc xã.

Cuộc phản công của Hồng quân Liên Xô ở ngoại ô Moscow. Ảnh: Sputnik.

Từ những thắng lợi này, ban lãnh đạo Liên Xô xác định đã đến lúc phải tấn công trên mọi mặt trận, và như Stalin nói “đừng cho quân Đức nghỉ ngơi, hãy đánh đuổi chúng dồn dập về phía Tây, buộc chúng phải tiêu hao nguồn dự trữ của chúng trước khi mùa xuân đến... Như vậy thì mới đảm bảo đánh bại hoàn toàn quân đội Đức Quốc xã vào năm 1942”.Những lập luận của Tướng Georgy Zhukov về tình trạng chưa sẵn sàng của Hồng quân để thực hiện những kế hoạch đầy tham vọng như vậy đã bị Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô phớt lờ.

Cuối tháng 12-1941, quân đội Liên Xô cố gắng lấy lại bán đảo Crimea khi đó đã gần như bị mất hoàn toàn [chỉ có căn cứ chính của Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol còn giữ vững]. Đổ bộ xuống khu vực thành phố Kerch và Feodosia vào ngày 26 và 29-12, lực lượng đổ bộ đường biển bị tổn thất nặng nề, nhưng vẫn giữ được vị trí ở phía đông bán đảo.

Mặt trận Bắc Kavkaz, tháng 7-1942. Ảnh: Max Alpert / Sputnik.

Xạ thủ súng máy Fyodor Kovalchuk kể lại cuộc đổ bộ lúc đó: “Dường như con tàu đã va phải thứ gì đó và đóng băng lại. Đêm tối, gió lạnh, sương giá, cầu tàu bị sóng cuốn trôi, tên lửa bay khắp nơi, còn xung quanh thì bao trùm bóng tối và những viên đạn lửa bay xuyên qua. Bỗng nghe thấy mệnh lệnh: “Tiến lên, vì Crimea!”. Chúng tôi nhảy qua, nước ngập đến vai tôi, dưới chân là đất, cái lạnh thấm vào khắp cơ thể, nhưng đôi chân đi xà cạp vẫn còn ấm. Không còn thời gian để suy nghĩ, tôi tiến lên phía trước và thẳng hướng lên bờ...”

Cùng lúc đó, ở phía bắc đất nước, chiến dịch tấn công Lyuban, được bắt đầu vào ngày 7-1-1942 nhằm phá vỡ vòng vây phong tỏa Leningrad, đã kết thúc trong thất bại. Thành phố quan trọng thứ hai của Liên Xô đang chết dần chết mòn vì đói: Người dân ngất xỉu vì kiệt sức tại nơi làm việc, hàng trăm xác chết nằm la liệt trên đường phố...

Chỉ khi mùa xuân đến, Leningrad mới bắt đầu sống lại. Ngày 29-3-1942, một đoàn xe lớn mang theo lương thực đã tiến vào đây một cách thần kỳ, và chẳng bao lâu sau ở những vùng ngoại ô chưa bị chiếm đóng, người ta tổ chức trồng rau làm kinh tế phụ. Tuy nhiên, Hồng quân Liên Xô đã thất bại trong việc phá vỡ bao vây vào năm 1942.

Trong khi đó, ở phía Nam Leningrad tại khu vực hồ Ilmen và Seliger tình hình có phần khả quan hơn. Ngày 20-2, sau cuộc tấn công thành công của quân đội Liên Xô, một lực lượng lớn thuộc Quân đoàn số 2 và Sư đoàn cơ giới thuộc lực lượng SS của Đức Quốc xã với tổng số 95.000 quân đã bị bao vây. Hồng quân lập tức bắt đầu tiêu diệt cái gọi là “Nồi hơi Demyansk”, nhưng mọi nỗ lực của họ đều kết thúc không thành công.

Trung tướng Pavel Kurochkin nhớ lại: “Kẻ địch đã chặn mọi con đường và mọi lối tiến quân trong cuộc tấn công của chúng ta. Những cánh đồng yên tĩnh phủ đầy tuyết trắng phía trước các ngôi làng có thể biến thành địa ngục tối tăm chỉ trong khoảnh khắc, ngay khi chúng ta mở cuộc tấn công. Mỗi mét không gian đều bị bắn xuyên qua vô số đạn súng máy và vũ khí ẩn giấu trong các ngôi làng”. Không quân Đức khi đó đã cung cấp hiệu quả lương thực và đạn dược cho binh sĩ bị bao vây của mình đến ngày 22-4-1942, khi vòng vây bị phá vỡ bởi Tập đoàn quân của Trung tướng Walter von Seidlitz-Kurzbach.

Với nỗ lực giành chiến thắng ngay lập tức trên toàn mặt trận, Bộ chỉ huy Liên Xô chỉ đạt được những thắng lợi hạn chế. Trên hướng tiến công chính, Hồng quân đã đánh đuổi quân đội Đức ra khỏi Moscow và giải phóng những vùng lãnh thổ rộng lớn, nhưng không thể đánh bại Cụm tập đoàn quân Trung tâm của Đức Quốc xã. Chịu tổn thất nặng nề, quân đội Liên Xô buộc phải dừng cuộc tấn công vào cuối tháng 3-1942.

Hơn nữa, quân Đức đã trấn giữ và củng cố căn cứ điểm ở vùng Rzhev, cách thủ đô Moscow 200km. Khu vực mỏm đá Rzhev-Vyazma cắm sâu vào tuyến phòng ngự của Liên Xô đã trở thành cái xương trong cổ họng của ban lãnh đạo Liên Xô, bởi từ đây kẻ địch có thể tiếp tục tấn công Moscow bất cứ lúc nào. Những nỗ lực đẫm máu và không có kết quả để giải quyết đã được thực hiện trong suốt cả năm 1942.

Về phía Hồng quân Liên Xô cũng có khu vực mỏm đá tương tự. Được hình thành trong cuộc tấn công mùa đông ở Ukraine, mỏm đá Barvenkovsky đe dọa hai bên sườn và hậu phương của Tập đoàn quân Đức ở khu vực Kharkov. Từ đây, vào ngày 12-5, quân đội Liên Xô mở cuộc tấn công theo hướng nhằm vào trung tâm công nghiệp lớn này. Cuộc tấn công này không sau đó đã trở thành định mệnh.

Binh lính Liên Xô mừng chiến thắng ở Stalingrad. Ảnh: Georgy Zelma / Sputnik.

Sau khi đẩy lùi các cuộc tấn công của Hồng quân, lực lượng Đức Quốc xã đã đánh vào khu vực nguy hiểm nhất của tuyến phòng thủ Liên Xô, đó là vùng yết hầu của mỏm đá. Ngày 22-5, Tập đoàn quân Kleist tiến từ phía nam, cách thành phố Balakleya 10km, hợp với hai sư đoàn xe tăng thuộc Tập đoàn quân số 6 của Friedrich Paulus đột phá từ phía bắc. Sau khi chia cắt mỏm đá, quân Đức đã đóng sập cái bẫy dành cho quân đội Liên Xô này lại. Hơn 200.000 binh sĩ Xô viết bị rơi vào “nồi hơi”, nhưng chỉ có 22.000 người trong số đó thoát ra được.

Thảm họa ở Kharkov và thất bại của quân đội Liên Xô ở phía đông bán đảo Crimea cùng lúc đã tạo điều kiện cho lực lượng Đức Quốc xã bắt đầu triển khai chiến dịch tìm kiếm dầu mang tên Blau ở Kavkaz. Các mỏ dầu ở Siberia vẫn chưa được phát hiện vào thời điểm đó, trong khi Baku, Grozny và Maykop chiếm hơn 70% sản lượng khai thác của toàn Liên Xô. Việc kẻ địch chiếm giữ hoặc phá hủy các mỏ dầu có thể khiến Hồng quân tê liệt, gây tổn hại nền kinh tế và làm suy yếu khả năng kháng cự của Liên Xô.

Bộ chỉ huy Liên Xô dự tính sẽ có một cuộc tấn công vào Moscow và không phản ứng ngay lập tức trước cuộc tấn công của quân Đức ở phía nam. Ngày 28-6-1942, Tập đoàn quân xe tăng số 4 của Hermann Goth đột phá mặt trận giữa Kursk và Kharkov rồi tiến thẳng đến khu vực sông Don. Ngày 3-7, quân Đức tiến vào Voronezh, ngày 4-7 Sevastopol bị thất thủ sau 250 ngày cầm cự, ngày 23-7 thành phố Rostov-on-Don đã bị quân Đức chiếm đóng trở lại. Sau khi thất thủ, giao thông liên lạc giữa phần châu Âu của Liên Xô với vùng Kavkaz chỉ có thể thực hiện được thông qua Stalingrad.

Chiến lược chiến tranh chớp nhoáng được quân Đức khôi phục ở phía nam Liên Xô đã gây sốc cho giới lãnh đạo Xô viết. Ngày 28-7-1942, nhà lãnh đạo Joseph Stalin ký lệnh số 227 “Về các biện pháp tăng cường kỷ luật và trật tự trong Hồng quân và cấm tự ý rút khỏi các vị trí chiến đấu”. Theo đó, dự kiến sẽ thành lập các đơn vị phạm binh gồm những quân nhân vi phạm kỷ luật do hèn nhát hoặc không kiên định. Họ được phân vào những lĩnh vực khó khăn hơn của mặt trận để có cơ hội chuộc tội với Tổ quốc.

Với thế chủ động và ưu thế về quân số, binh sĩ Tập đoàn quân A của Thống chế Wilhelm List đã nhanh chóng tiến về phía nam. Chúng chiếm giữ các vùng nông nghiệp trù phú của khu vực Don và Kuban, bán đảo Taman và sang tận chân dãy núi Kavkaz. Ngày 21-8, cờ Đức đã được cắm trên cả hai đỉnh núi của dãy Elbrus. Tuy nhiên, vào tháng 9-1942, cuộc tấn công của quân Đức bắt đầu chậm lại đáng kể.

Tư lệnh Tập đoàn quân số 47 [sau này là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô], Thiếu tướng Andrei Grechko, nhớ lại: “Trong những trận đánh phòng ngự ngoan cường, quân đội Liên Xô đã gây tổn thất nặng nề cho kẻ địch, chặn đứng chúng trên toàn bộ mặt trận theo hướng Kavkaz. Sự phòng thủ anh dũng của quân đội chúng ta đã ngăn chặn kế hoạch đột phá của Hitler ở Ngoại Kavkaz, giúp Bộ Tư lệnh Tối cao Liên Xô có thời gian, tích phòng dự trữ và củng cố Mặt trận Ngoại Kavkaz. Quân đội Đức Quốc xã đã kiệt sức, không thể tiến lên trên một mặt trận rộng lớn được nữa. Bị mắc kẹt trên bờ sông Volga, các Tập đoàn quân xe tăng số 6 và số 4 rất cần được tiếp viện...”

Mùa Thu năm đó, ban lãnh đạo Đức Quốc xã [trước đó coi mặt trận Kavkaz là hướng ưu tiên] đã chuyển toàn bộ sự chú ý sang Stalingrad, nơi ngày càng cần nhiều nhân lực hơn. Quân Đức tìm cách chiếm thành phố này càng nhanh càng tốt, đẩy Hồng quân vượt qua sông Volga, giải phóng lực lượng của chúng để tiếp tục “chiến dịch tìm dầu” và tấn công Moscow từ phía Nam.

Dần dần, Tập đoàn quân số 6 với 300.000 binh sĩ của Tướng Friedrich Paulus hoàn toàn bị cuốn vào những trận chiến đường phố đẫm máu và khốc liệt. Đến tháng 11-1942, quân đội Liên Xô áp sát sông Volga và chỉ chiếm được các căn cứ điểm nhỏ trên bờ trong khu vực một số nhà máy.

Binh nhì quân đội Đức Mil Rosenberg nhớ lại: “Chúng tôi thật thảm hại, đói khát, có lúc phát điên lên. Khi đó tôi không còn cảm thấy thương hại cho bản thân hay cho người Đức nữa... Chúng tôi đã chiến đấu giành từng mảng tường một cách vô cùng tàn ác, còn vào ban đêm, cả chúng tôi và quân Đức bò lên phía trước hoặc cố gắng tiến theo đường giao thông và đường hầm của nhà máy để kiếm đồ ăn và đạn dược cho mình…”

Ngày 19-11, khi quân Đức nghĩ rằng chiến thắng đã nằm trong tay chúng, thì chiến dịch Sao Thiên Vương của Liên Xô bắt đầu. Hoàn toàn bất ngờ cho đối phương, Hồng quân tung những đòn mạnh vào hai bên sườn của Tập đoàn quân số 6, vốn chủ yếu được các đơn vị yếu ớt của Romania yểm trợ. Bốn ngày sau, vòng vây xung quanh Cụm tập đoàn quân của Tướng Friedrich Paulus khép lại.

Chiến dịch Sao Hỏa, bắt đầu vào ngày 25-11 tại khu vực mỏm đá Rzhev-Vyazma, được cho là sẽ diễn ra theo cùng kịch bản với chiến dịch Sao Thiên Vương. Tuy nhiên, điều đó đã không thành công với Tập đoàn quân số 9 của Thượng tướng Walter Model, như đã từng xảy ra với Tập đoàn quân số 6. Tại đây không có đội quân yếu ớt của Romania ở hai bên sườn và các cuộc tấn công của Liên Xô đã bị bẻ gãy trước hệ thống phòng thủ được chuẩn bị kỹ của đối phương. Mặc dù thất bại, nhưng chiến dịch Sao Hỏa đã làm tê liệt các sư đoàn của Đức dự kiến sẽ được điều đến Stalingrad.

Hitler đã ra lệnh cho Tướng Friedrich Paulus giữ vững thế trận của mình. Hắn hy vọng Không quân Đức sẽ tiếp ứng thành công cho vòng vây qua “cầu hàng không”, giống như đã từng xảy ra vào đầu năm đó ở ngoại ô Demyansk. Cùng với đó, ngày 12-12-1942, trong khuôn khổ chiến dịch Giông bão Mùa đông, lực lượng của Cụm tập đoàn quân Don của Thống chế Erich von Manstein đã đột phá vòng vây. Bằng cách tấn công vào nơi mà Bộ chỉ huy Liên Xô không ngờ tới, quân Đức đã đạt được yếu tố bất ngờ.

Sĩ quan tình báo của Quân đoàn số 6 Joachim Wieder nhớ lại: “Các đơn vị rất mong chờ những tin vui nhằm động viên khích lệ. Quân tiên phong vẫn cố thủ đến cùng với hy vọng rằng, lúc này nhân dịp lễ Giáng sinh, Hitler sẽ thực hiện lời hứa của mình và cứu nguy…”. Những hy vọng này đã không thành hiện thực. Sự kháng cự ngoan cường của quân đội Liên Xô và lực lượng tiếp viện của Tập đoàn quân Cận vệ số 2 do Trung tướng Rodion Malinovsky chỉ huy đã chặn đứng kẻ địch nằm cách thành phố 48km.

Trong khi đó, ở phía Tây Bắc Stalingrad, tại chỗ ngoặt lớn của dòng sông Don, trong khuôn khổ chiến dịch Sao Thổ Nhỏ, quân đội Liên Xô đã đánh bại 10 sư đoàn của Ý và Romania, cũng như tiến công vào sâu trong lòng địch 340km. Nhận thấy mối nguy hiểm rình rập ngay phía sau Tập đoàn quân Don, Thống chế Erich von Manstein bắt đầu cho quân rút lui.

Thất bại đối với một trong những Tập đoàn quân tốt nhất của Đức Quốc xã đã buộc Adolf Hitler phải ra lệnh rút quân khỏi Kavkaz và từ bỏ giấc mơ về những mỏ dầu trữ lượng lớn tại khu vực này. Bộ chỉ huy Hồng quân đã lên kế hoạch bắt đầu năm mới 1943 bằng một loạt chiến dịch tiến công quy mô lớn trên toàn bộ chiều dài Mặt trận Xô-Đức. Liên Xô chậm rãi nhưng chắc chắn giành thế chủ động chiến lược trong cuộc chiến này.

QUỐC KHÁNH [theo Russia Beyond]

Video liên quan

Chủ Đề