Kỹ năng phỏng vấn báo chí là gì

[22/11/2011 15:38:10]

Đặc trưng chung: Hai khái niệm cần phân biệt - Phỏng vấn là một phương pháp thu thập tư liệu, nhằm cung cấp thông tin bổ sung từ những nguồn thông tin và tài liệu khác [sách, báo...], làm cho bài báo của bạn sống động hơn.

Phỏng vấn cũng là một nguồn không thể thiếu cho dạng bài chân dung hay phóng sự hiện trường.

- Phỏng vấn là một thể loại báo chí riêng biệt, tức là một cách thức giới thiệu thông tin được xây dựng xung quanh những câu hỏi và câu trả lời xen kẽ. Nếu bạn sử dụng thể loại này, hãy luôn tự hỏi đâu là giá trị mà nó mang lại. Nếu cảm thấy không nhất thiết phải dùng thể loại này thì tốt nhất hãy bỏ qua.

Vậy, phỏng vấn là gì?

* Theo định nghĩa khẳng định, phỏng vấn là:

- Sự lựa chọn của phóng viên [với mục đích nghề nghiệp, nhằm đem lại một điều gì đó cho độc giả].

- Người sẽ đặt câu hỏi [PV giữ vai trò chủ động].

- Cho một nhân vật có địa vị, nổi tiếng hoặc tiêu biểu [PV chọn người mà mình phỏng vấn].

- Để làm người được phỏng vấn nói ra [PV dùng khả năng của mình để làm cho nhân vật "nói"].

- Những thông tin, những lời giải thích hay ý kiến [điều này tùy thuộc ở kiểu phỏng vấn mà phóng viên tiến hành].

- Chỉ có giá trị khi được nhân vật nói ra [thông tin thu thập được phải hay, hấp dẫn và làm sáng tỏ vấn đề.

- Sau đó PV thuật lại [viết, biên tập].

- Cho một đối tượng nhất định [PV viết cho độc giả chứ không phải cho một nhóm những người biết rõ về chủ đề liên quan].

- Thông thường bằng cách trực tiếp [trích dẫn người được phỏng vấn].

* Còn định nghĩa phủ định thì phỏng vấn "không phải là":

- Phỏng vấn không phải là một bài tổng hợp: Hãy dùng cách viết trực tiếp, sinh động, sử dụng những từ được nói ra và nghe thấy.

- Đây không phải là một cuộc hội thoại, hay một kiểu trò chuyện trong phòng khách. Vì thế, đừng quên độc giả. Các phát biểu được thu thập cho độc giả, để thỏa mãn sự quan tâm của họ. Vì vậy, phải đặt những câu hỏi mà độc giả sẽ hỏi.

- Đây không phải là một tuyên bố, cũng không phải là một bài giảng: PV không phải là một khán giả đơn thuần, càng không phải là một cái máy ghi âm.

- Đây không phải là một bài tập đánh bóng: Việc chiều ý [người được phỏng vấn] không đi đôi với tính đáng tin cậy. Đương nhiên, PV phải chấp nhận những phát biểu của người mình phỏng vấn, song không có nghĩa vụ tâng bốc nhân vật.

- Đây không phải là một cuộc hỏi cung: Gây gổ không có lợi. Người được phỏng vấn phải cảm thấy được thừa nhận, được tin tưởng. Phóng viên không được làm cho người trả lời phỏng vấn thấy "đau".

Những lợi thế của phỏng vấn

Phỏng vấn vận dụng cách biểu đạt bằng lời nói, tức là hình thức giao tiếp đầu tiên. Vì thế, thông thường nó đơn giản một cách tự nhiên. Với điều kiện là PV và người được phỏng vấn hiểu luật chơi. Cũng có khi phát biểu không đạt, hoặc là do PV chọn không đúng đối tượng mà mình phỏng vấn, người đó không có gì hay để nói, hay không biết cách diễn đạt, hoặc do phóng viên không khéo léo khi phỏng vấn, không biết cách đặt câu hỏi.

Phỏng vấn thiết lập mối quan hệ gần gũi, thậm chí thân thiết giữa độc giả và người được phỏng vấn. PV là trung gian. Khi phỏng vấn được viết ra với những lời trích dẫn, chỉ còn lại độc giả và người được phỏng vấn. Độc giả phải thấy dễ chịu, thậm chí thích thú khi đọc nó vì họ thu nhận được rất nhiều từ những sự việc hoặc từ chính những nhân vật [thông thường là cả hai].

Phỏng vấn cho phép PV thể hiện sự táo bạo. Phép lịch sự không ngăn cản PV nghiêm khắc khi đặt câu hỏi.

Khi phỏng vấn được viết dưới dạng hỏi - đáp, nó giúp độc giả đọc dễ dàng, bởi nó đưa ra nhiều lối vào tiếp cận với lời phát biểu thông qua những câu hỏi- mà trên nguyên tắc phải ngắn gọn. Câu hỏi được xem như những tít xen.

Các dạng phỏng vấn

Phỏng vấn tin tức [hay phỏng vấn - điều tra]

Một nhân vật hoạt động xã hội tiết lộ hoặc giải thích về một dự án, một quyết sách trong lĩnh vực của anh ta. Tít bài có thể viết theo kiểu: "Ông Martin thông báo- hay khẳng định...". Với tính độc quyền và hấp dẫn, dạng phỏng vấn này có giá trị phát hiện và có thể được các báo khác dùng lại

Phỏng vấn nhân chứng [hay phỏng vấn - phóng sự]:

Một người tham gia hay chứng kiến kể lại một câu chuyện hoặc những tình huống. Cũng có thể anh ta miêu tả một địa điểm, một khoảng thời gian, một nghề nghiệp,... mà anh ta có kinh nghiệm. Trong trường hợp này, tít bài có thể viết: "Ông Martin nhớ lại- kể- chứng kiến...".

Bạn đọc rất chuộng kiểu phỏng vấn này, nó gợi trí tò mò và đôi khi gây xúc động.

Phỏng vấn chân dung [hay phỏng vấn - gặp gỡ]

Một người đàn ông hay một người phụ nữ, nổi tiếng hoặc không, tiết lộ tất cả hoặc một phần những đặc điểm tính cách của mình. Mục đích là để khám phá kỹ hơn một nhân vật, qua những câu trả lời vào những câu hỏi ít nhiều riêng tư và tế nhị. Kiểu phỏng vấn này thường có tiêu đề "Trò chuyện", "Gặp gỡ" hoặc "Một giờ với...".

Phỏng vấn giám định [hay phỏng vấn - tư liệu]

Một chuyên gia giải thích một sự việc, một tình huống, một vấn đề, một dữ liệu kỹ thuật để giúp độc giả hiểu. Lời giải thích có thể do PV đưa ra, nhưng việc hỏi ý kiến chuyên gia làm tăng độ tin cậy của thông tin. Tuy nhiên, câu hỏi của PV sẽ tùy thuộc ở sự chờ đợi của độc giả. Động từ "giải thích" có thể xuất hiện trong tít.

Phỏng vấn ý kiến

Người được phỏng vấn đưa ra ý kiến, bày tỏ thái độ, bình luận về một sự kiện thời sự. Quan điểm của anh ta phải có ý nghĩa. Phải chọn lựa đối tượng được phỏng vấn một cách thích đáng.

Phỏng vấn phản ứng [hay điều tra nhanh - một phút]

Người được hỏi bày tỏ ngắn gọn phản ứng tức thì của mình trước một sự kiện hoặc một tình huống. Dạng phỏng vấn thường được áp dụng với nhiều người được phỏng vấn và trở thành dạng micro vỉa hè. Phỏng vấn phản ứng thường được thực hiện qua điện thoại, nhưng cũng có thể "tại chỗ", tức thì.

[Theo cuốn "Kỹ thuật và thể loại báo in"]

Đón đọc kỳ sau: Chuẩn bị phỏng vấn và cách đặt những câu hỏi hay.

Theo Nội san Thông tấn, số 10/2011

Video liên quan

Chủ Đề