Mức trần đóng bảo hiểm thất nghiệp là bao nhiêu?

Theo luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội, theo quy định tại Khoản 1 Điều 57 Mục 5 Chương 6 Luật Việc Làm [Luật số: 38/2013/QH13 ngày 16 tháng 11 năm 2013] thì mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp [BHTN] được quy định như sau:

a] Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng;

b] Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia BHTN;

c] Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những người lao động đang tham gia BHTN và do ngân sách Trung ương bảo đảm.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh trao đổi với người lao động về các chính sách bảo hiểm [Ảnh minh họa. Nguồn: baochinhphu.vn]

Tuy nhiên, theo Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ quỹ BHTN và Quyết định 28/2021/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ quỹ BHTN thì người sử dụng lao động được hỗ trợ giảm mức đóng BHTN từ ngày 1/10/2021 đến 30/9/2022.

Cụ thể, người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia BHTN. Trong đó, nhóm đối tượng được giảm 1% mức đóng BHTN theo Nghị quyết 116/NQ-CP là người sử dụng lao động đang tham gia BHTN trước ngày 1/10/2021.

Người sử dụng lao động nêu trên không bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang Nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Luật sư Trương Anh Tuấn cho biết, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, BHTN là phần trách nhiệm của đơn vị, doanh nghiệp được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh, giá thành để kê khai tính giảm trừ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Do đó, việc giảm mức đóng BHTN cho người sử dụng lao động thời gian qua là để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn do dịch bệnh COVID-19.

Tuy nhiên, hiện tại hầu hết các hoạt động kinh tế đã diễn ra bình thường, mức đóng BHTN quay lại như trước khi dịch bệnh xảy ra là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo nguồn quỹ BHTN đủ để chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia.

Như vậy, từ ngày 1/10/2022, tổng mức đóng của người sử dụng lao động sẽ là 21,5%, trong đó 14% cho quỹ hưu trí; 3% cho quỹ ốm đau - thai sản; 0,5% cho quỹ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, 1% cho quỹ BHTN, và 3% cho quỹ bảo hiểm y tế. Trong khi đó, người lao động vẫn tiếp tục đóng 10,5% trong đó 8% cho quỹ hưu trí, tử tuất; 1% cho quỹ BHTN, và 1,5% cho quỹ bảo hiểm y tế./.

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa trong năm 2023

Phúc Minh -

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp trong năm 2023 sẽ tùy thuộc vực hưởng theo chế độ tiền lương cơ sở tại khu vực Nhà nước, hay lương tối thiểu vùng ở khu vực doanh nghiệp. Khi lương cơ sở tăng từ 1/7 tới, dự kiến mức hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng tăng theo…

Ảnh minh họa.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Việc làm 2013 thì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.

Tuy nhiên, mức hưởng tối đa còn phụ thuộc vào khu vực hưởng. Trong đó, đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở. Mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng, tương ứng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa là 7.450.000 đồng.

Theo Nghị quyết 69/2022/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 11/11/2022 đã quy định tăng mức lương cơ sở lên 1.800.000 đồng/tháng kể từ ngày 1/7/2023. Như vậy, cùng với tăng lương cơ sở, mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp cũng sẽ tăng lên. 

Đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng.

Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP, mức lương tối thiểu tháng như sau: Vùng I: 4.680.000 đồng; vùng II: 4.160.000 đồng; vùng III: 3.640.000 đồng; vùng IV: 3.250.000 đồng.

Tương ứng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lần lượt là không quá 23.400.000 đồng đối với vùng I; không quá 20.800.000 đồng đối với vùng II; không quá 18.200.000 đồng đối với vùng III; không quá 16.250.000 đồng đối với vùng IV.

Để được hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2023, người lao động cần đáp ứng các điều kiện là người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc sau: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn; hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.

Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp gồm: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

Người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm 2013.  Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm 2013.

Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm 2013.

Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp gồm: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; tử vong.

Theo số liệu thống kê của bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong năm 2022, số người có quyết định hưởng mới trợ cấp thất nghiệp do cơ quan Bảo hiểm xã hội tiếp nhận từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh là 963.550 người, trong đó nam 394.579 người với mức hưởng bình quân là hơn 23,2 triệu đồng; lao động nữ với 568.971 người, mức hưởng bình quân hơn 21 triệu đồng. Thời gian được giải quyết hưởng bình quân là 5,54 tháng đối với nam, 5,56 tháng với nữ.

Số người có quyết định hưởng mới hỗ trợ học nghề do cơ quan Bảo hiểm xã hội tiếp nhận từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh là 20.397 người, trong đó nữ 12.274 người, nam 8.105 người. Mức hưởng bình quân theo quyết định hưởng đối với lao động nam là gần 6 triệu đồng/tháng với thời gian được giải quyết hưởng bình quân 3,99 tháng; nữ trên 5,2 triệu đồng với 3,61 tháng.

Xét theo nhóm tuổi, nhóm hưởng trợ cấp thất nghiệp cao nhất là từ từ 30 – 40 tuổi với 397.731 người, tiếp theo là nhóm từ 20 – 30 tuổi với hơn 318.800 người; từ 40 – 50 tuổi là hơn 160.300 người; từ 50 đến dưới 60 tuổi với hơn 61.700 người; từ 20 tuổi trở xuống 16.755 người, thấp nhất là nhóm trên 60 tuổi với hơn 8.000 người.

Chủ Đề