Ngành khảo cổ học Ai Cập

" ...Đá sẽ kêu lên"
(Lu-ca 19:40)

Có nhiều pho sách đã viết về sự tương quan giữa khảo cổ học và Cựu Ước. Trong giới hạn của chương này, chúng ta chỉ có thể định nghĩa về khảo cổ học, chỉ rõ giới hạn của khoa học, và chứng minh khoa học đã hỗ trợ cho Cựu Ước như thế nào.

Định Nghĩa

Khảo cổ học (archeology) là "khoa nghiên cứu về các việc đời xưa." Trong thực tế, ngành học này giới hạn vào việc nghiên cứu lịch sử thời xưa bằng cách đào bới những thành phố, những mồ mã, hoặc các di tích cũ. Khảo cổ học Kinh Thánh chủ yếu nghiên cứu khảo cổ tại vùng Palestine, Ai Cập và Mê-sô-pô-tami.

Nhà khảo cổ tiến hành công việc bằng cách cẩn thận đào bới tàn tích cũ, chụp hình ghi nhận một cách thật chính xác những gì tìm thấy và giải thích kết quả cũng như phiên dịch và nghiên cứu những văn kiện cổ.

Lịch Sử

Trong thời Trung Cổ, các họa phẩm và tác phẩm trong đền thờ của người Ai Cập được coi là có mãnh lực huyền bí và được dùng trong khoa luyện kim. Khoảng năm 1700, các nhà khảo cổ khám phá ra được Tảng Đá Rosetta, viết bằng ba thứ tiếng, có cả Hy Lạp. Dây là chìa khóa để hiểu được ngôn ngữ Ai Cập.

Trong thế kỷ thứ 19, bảng bia khắc Behistun của Đa-ri-út Đại Đế được chuyển nghĩa. Bia này cũng được viết bằng ba ngôn ngữ và là chìa khóa để hiểu ngôn ngữ Assyrian - Babylonian thời xưa. Ngày nay các học giả gọi đó là ngôn ngữ của người Accadian, dựa theo tên của thành phố Accad có đề cập đến trong Sang 10:10. Để viết ngôn ngữ Accadian, người dùng một mũi đục khắc nhiều dấu (marks) gần nhau trên những miếng đất sét cỡ cục xà phòng. Các miếng đất sét này được đem phơi khô, nhờ vậy chúng được bảo tồn khá tốt. Cách viết như thế này gọi là tiết hình tự (cuneiform).

Ở Palestine và Ai Cập hầu hết các bản văn được viết trên giấy chỉ thảo, một thứ nguyên liệu giống như giấy làm bằng cây cỏ chỉ thảo. Giấy chỉ thảo này rất dễ nát vụn dễ dàng do khí hậu ẩm ướt trong mùa đông mưa gió ở Palestine, cho nên chỉ có một số rất ít là còn giữ lại trong vùng này, ngoại trừ một khám phá mới đây về các cuộn giấy da và các mảnh vụn trong các hang động nơi vùng khô nóng trong Biển Chết. Các cuộn giấy da này có từ thế kỷ thứ 2 T.C. Ngoài các cuộn này, văn tự ở Palestine chỉ được viết trên những tấm bia, con dấu và ít chữ viết trên đồ gốm mà thôi.

Các nhà khảo cổ đầu tiên làm việc chưa được khéo léo và có phương pháp khoa học. Họ cho đào xuyên qua các tàng tích cổ hy vọng có thể tìm thấy các văn kiện, các tượng thờ, hoặc kho tàng. Cuối cùng họ khám phá ra rằng các thành phố cổ ở Palestine và vùng Mesopotamia được xây dựng chồng lên nhau, lớp này chồng lên lớp khác. Các thành phố đầu tiên bị bỏ phế vì chiến tranh, đói kém hoặc dịch lệ. Các nhà cửa bằng đất sét các nhà tường thành bằng đất sụp đổ. Sau đó, những người khác đến san bằng những gì còn đổ nát, rồi xây dựng một thành phố khác lên trên. Có chỗ người ta thấy có tới 23 lớp chồng chất lên nhau như vậy. Khi việc này được mọi người biết, thì các nhà khảo cổ học về sau này đã cẩn thận gỡ những tàn tích này từng lớp một. Nhờ thế họ có thể họ khám phá được những mối liên hệ giữa nhóm dân cư này với nhóm dân cư khác.

Khoa khảo cổ học phát triển chậm chạp đến Đệ Nhất Thế Chiến. Vào thời này, các nhà khảo cổ mới nhận thấy rằng các lớp đất của từng thời kỳ được đánh dấu bằng những đặc điểm tìm thấy trên các loại đồ gốm. Khi cẩn thận khám xét và nghiên cứu các loại đồ gồm này, đặc biệt các bình lọ người ta có thể so sánh được các tàng tích của thành phố này với thành phố nọ. Khi so sánh kỹ hơn, cộng thêm với những bia mộ tìm được người ta có thể định niên hiệu cho các lớp tàng tích này khá chính xác. Cho nên, ngành khảo cổ học trở thành một khoa học vào năm 1920. Các công trình khảo cổ xưa hơn thời điểm đó có thể chứa đựng nhiều tin tức rất giá trị, tuy nhiên chúng phải được nghiên cứu lại bằng những phương pháp và thủ tục chính xác hơn của ngành khảo cổ.

Sự tiến bộ của khoa học trong nửa thế kỷ vừa qua thật lạ lùng. Một trăm năm, ít có ai biết về lịch sử của Ai Cập, Mesopotamia hay Palestine trước năm 800 T.C. Ngày nay người ta có nhiều tin tức về thời đại khoảng 3,000 T.C. hay xưa hơn nữa. Các khoa học gia bây giờ biết cả đến tên của các vị vua ở Ba-by-lôn, Assyria và Ai Cập. Các vua này đã được đề cập trong Kinh Thánh. Tên và hình của họ cũng được khám phá. Các cuộc chiến tranh, luật pháp, ngôn ngữ và văn hóa cổ đã sống dậy nhờ sự kiên nhẫn khám phá.

Các việc này có ích lợi gì với Kinh Thánh? Tự nhiên là có ích rất nhiều. Các khám phá khảo cổ học đã xác nhận và soi sáng Kinh Thánh và trong nhiều trường hợp, đã trả lời cách hữu hiệu đối với sự chỉ trích của những nhà phê bình Kinh Thánh.

KHẢO CỔ HỌC XÁC CHỨNG

Có nhiều chỗ trong Cựu Ước không thể xác chứng được. Không một nhà khảo cổ nào có thể xác chứng rằng "Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi, tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì ?" Khảo cổ học chỉ quan tâm đến lịch sử trong Kinh Thánh. Nó có thể xác nhận các sự kiện trong các sách về lịch sử và tiên tri, nhưng không thể mang lại sự phân biệt thuộc linh.

Các khám phá của khảo cổ học đã xác chứng được cuộc chiến tranh giữa Shishak với Rô-bô-am (1Các vua 14:25-26) đế nghiệp của vua Ôm-ri và quyền lực của vua A-háp (16:25)2Các vua 3:5) sự sụp đổ của thành Sa-ma-ri (18:10) việc đào kinh của Ê-xê-chi-a (20:20) cuộc xâm lăng của Pha-ra-ôn-Nê-cô (23:29) sự sụp đổ của Giê-ru-sa-lem và sự bắt đi lưu đày của vua Giê-hô-gia-kim (24:10-15). cuộc nổi dậy của Mesha ở Mô-áp (

Điều ngạc nhiên nhất khi thấy những chi tiết đã bị mọi người quên lãng từ lâu, ngoại trừ các tác giả Kinh Thánh, bây giờ được xác chứng. Những kết luận như thế biện minh rằng các sách trong Kinh Thánh được viết bởi những nhân chứng, hay bởi những người đã biết rõ sự kiện cách rành mạch và đã sống trong những thời đó. Vài ví dụ điển hình sau đây để có thể làm chứng:

Dấu Niêm Của Ba-rúc

Ba-rúc thư ký của Giê-rê-mi là một nhân vật thứ yếu, chẳng ai biết ông, ngoại trừ một người đồng thời với ông. Ngoài sách Giê-rê-mi thì không thấy tên ông được đề cập đến ở nơi nào khác. Sách Giê-rê-mi có 23 lần nhắc đến tên ông trong các đoạn 32, 35, 43 và 45. Nhưng tại Giê-ru-sa-lem, người ta tìm thấy một con dấu có ghi "thuộc về Ba-rúc con của Nê-ri-a, ký lục." Trong cùng chỗ đó, người ta cũng tìm thấy một con dấu ghi "thuộc về Jerahmeel con của nhà vua" (Xem Giê-rê-mi 36:26, 32). Kết luận đương nhiên là sách Giê-rê-mi được viết bởi một người đồng thời với ông.

Cung Điện Của Sa-gôn

Một thí dụ cổ điển là tên Sa-gôn có nói trong Esai 2:1;. Chỉ có Kinh Thánh đề cập đến tên này, ngoài ra không ai biết đến nhân vật này. Thật vậy, trong các kỳ xuất bản trước của bộ Bách Khoa Từ Điển Anh Quốc, câu Kinh Thánh này được xem là một lầm lẫn. Mãi đến năm 1850, các nhà khảo cổ đã khám phá ra được cung điện huy hoàng của Sa-gôn dưới các đống tàn lụi ở Khorsabad và toàn bộ lịch sử về Sa-gôn đã được sáng tỏ và chấp nhận.

Những Thợ Rèn

Đây cũng là một thí dụ làm bằng chứng nữa được tìm thấy trong 1Sa-mu-ên 13:19-21 nói về việc người Phi-li-tin không cho phép người Y-sơ-ra-ên có thợ rèn, bởi sợ người Y-sơ-ra-ên rèn gươm giáo. Đoạn Kinh Thánh từ lâu vốn là đoạn khó dịch - vì thật là kỳ lạ nếu cả nước Do Thái không có thợ rèn bởi vì việc chế kim khí đã hiện hữu ở vùng Cận Đông hằng mấy thế kỷ trước rồi. Nhờ các tin tức khám phá về sau này chúng ta thấy đó là tình trạng của dân Y-sơ-ra-ên lúc bấy giờ. Người Phi-li-tin bắt đầu Thời Kỳ Kim Khí tại sứ Palestine và lúc đầu họ giữ độc quyền trong sản xuất kim loại. Không có thợ rèn trong nước Y-sơ-ra-ên vì người Phi-li-tin xem việc chế biến kim loại là việc bí mật quân sự. Những chữ "đặng mướn luyện lưỡi cày và cuốc" bây giờ đã sáng tỏ nhờ việc khám phá ra được trái cân có khắc chữ dịch là "cuốc". Hiển nhiên chữ này không có nghĩa là cuốc mà đề cập đến việc mài lưởi cày! Hiểu biết được những tin tức một cách chi tiết chứng tỏ rằng các tác giả của I Sa-mu-ên đã nắm vững các sự kiện mình viết. Những người sao lại về sau này đã không hiểu rõ hình ảnh lúc đó nên đã giải thích sai câu Kinh Thánh. Bây giờ thì chúng ta hiểu rõ tác giả nguyên thủy đã nói gì. Như thế chúng ta có thể dịch tiếng Hy-bá-lai chính xác hơn.

KHẢO CỔ HỌC LÀM SÁNG TỎ

Có những trường hợp điển hình khác của khảo cổ học có thể dùng để dẫn chứng và soi sáng cho Cựu Ước. Những trường hợp này xác chứng lời Kinh Thánh và cho thấy bối cảnh rất thích hợp với kinh văn. Tuy vậy, sự soi sáng cũng rất quan trọng vì không thể biết được giá trị của Kinh Thánh một cách hoàn toàn nếu không hiểu. Có kiến thức vững vàng về vấn đề này sẽ giúp cho học viên tránh khỏi những lỗi lầm đáng tiếc trong việc giải nghĩa. Sau đây là một vài thí dụ để nghiên cứu.

Dân Hô-rít

Có một giống dân gọi là dân Hô-rít hay Hô-rim. Dân tộc này được đề cập đến trong Sáng Thế Ký, Dân Số Ký, Phục Truyền Luật Lệ Ký và hiển nhiên là có quan hệ với dân Ê-đôm. Dân Hô-rít dường như có liên hệ với dân Giê-bu-sít ở Giê-ru-sa-lem. Chữ "Hor" trong tiếng Hebrew có nghĩa là "hang". Vì thế, một trong những quyển tự vị tiêu chuẩn cổ (lexicon - một quyển sách định nghĩa các từ ngữ theo thứ tự abc) như bản của Brown, Driver và Briggs ghi rằng tên Hô-rít "có lẽ chỉ về những người sống trong hang động". Điều này ám chỉ rằng trong thời các tổ phụ tại Palestine có một giống dân chuyên sống trong các hang động. Ngày nay khảo cổ học đã khám phá ra giống dân Hô-rít. Họ không phải là những người sống trong hang động. Họ cũng là người văn minh như bao nhiêu dân tộc đồng thời với họ vì vậy Ap-ra-ham được coi như người có một ngàn năm văn hóa với trình độ cao. Người Hô-rít ngày nay được gọi là dân Hurrians. Công cuộc đào bới ở vùng Mesopotamia thuộc thành phố Nuzi (1929) đã làm sáng tỏ hệ thống pháp luật và các tập tục gia đình của dân tộc này. Ngôn ngữ Hurrians ngày nay được đem dạy trong một số trường đại học.

Sa-lô-môn

Sa-lô-môn nổi tiếng nhờ sự khôn ngoan của mình. Tuy nhiên, lịch sử thời xa xưa đều im lặng cho nên một số học giả đã thắc mắc không biết sự giàu có và khôn ngoan của ông có phải là do các nhà ký thuật Kinh Thánh thêm thắt vào không. Tuy nhiên, một số khám phá mới đây đã minh chứng và xác quyết về sự ký thuật của Kinh Thánh, mặc dù khảo cổ học không tìm ra được bảng đá hoặc bia mộ nào của Sa-lô-môn. Thứ nhất, là thành phố Mê-ghi-đô được đào bới từ năm 1925 đến 1939. Lớp đất bụi thời Sa-lô-môn bao gồm các chuồng ngựa nổi danh của ông ta. Cách kiến trúc cho thấy khả năng và sở thích của Sa-lô-môn trong ngành kiến trúc. Chúng cũng xác nhận việc Sa-lô-môn cho lập các thành chứa xe để dùng vào việc quốc phòng (1Các vua 10:26). Thật thích thú khi thấy có dấu hiệu ngôi sao sáu góc đánh dấu trên một dinh thự tại Mê-ghi-đô. Đây là cái khiên của Đa-vít - ngày nay đã xuất hiện trên cờ của Do Thái. Các cuộc đào bới sau này ở Hazor thuộc Ga-li-lê (1955-59) được xem là giống y như cửa khẩu của Sa-lô-môn ở Mê-ghi-đô.

Các cuộc nghiên cứu phía Nam Biển Chết của Nelson Glueck là một bằng chứng nữa về thời đại Sa-lô-môn. Glueck tìm ra một số mỏ đồng với những lò nấu đồng trong một thung lũng Nam của Biển Chết. Các đồ gốm ở đó cho thấy là các mỏ đồng này đã hoạt động từ thời Sa-lô-môn. Đồng sau đó được chở đến Ê-xi-ôn Ghê-be (ngày nay là Eilat) ở cánh phía Đông của Biển Đỏ. Glueck đào bới (1938) và khám phá được một thành phố có cách sắp đặt và tổ chức như một hãng sản xuất. Kinh Thánh cho biết rằng các tàu của Sa-lô-môn rời Ê-xi-ôn Ghê-be đến những hải cảng xa và chở về các báu vật (1Các vua 9:26-28). Khảo cổ học đã xác quyết sự thật có ghi trong Kinh Thánh. Các tàu của Sa-lô-môn xuất cảng đồng thời mang lợi tức về. Ông ta chính là vua đồng thời cổ!

Trả Lời Những Chỉ Trích

Thượng phê bình được phổ biến bởi những học giả phái tự do luôn luôn tạo ra sự hồ nghi. Dầu có điều tra cẩn thận quyền tác giả và niên hiệu của các sách thánh, nó cũng đã đưa đến những hậu quả đáng buồn cho việc Cơ Đốc giáo dục.

Thượng phê bình nổi lên trong một thời mà người ta không để ý đến các bối cảnh của Kinh Thánh. Người ta cứ phỏng định và dạy rằng xứ Palestine và vùng Mesopotamia là lạc hậu, như Hy Lạp khoảng 1,500 T.C. Họ dạy rằng Môi-se không biết viết. Các câu chuyện về các tổ phụ được xem là không đáng tin và là thần thoại hoang đường của dân Hy-bá-lai khoảng 900-700 T.C. Đấy chỉ là những chuyện đặt ra để giải thích mà thôi, giống như người da đỏ Hoa Kỳ có những chuyện về lý do tại sao con gấu mất đuôi. Các nhà phê bình tự do cũng cho rằng các chuyện trong Sáng Thế Ký không nhằm gì khác hơn là cố gắng giải thích thế nào gia đình bắt đầu..., tại sao phụ nữ ghét rắn, và đại loại như thế.

Lầm lỗi như thế thật khó trả lời trong thời mà lịch sử thời cổ của vùng Cận Đông gần như không được biết đến. Ngày nay không thể nghi ngờ, vì người ta đã chứng minh được rằng trong thời của Môi-se, một người tri thức có thể biết ba, bốn ngôn ngữ. Các tổ phụ đã sống trong một thế giới đầy quyền lực và văn hóa tiến bộ.

Đặc biệt là các tiến bộ mà khảo cổ học đã tìm ra về thời các tổ phụ và về ngôn ngữ Hy-bá-lai. Năm 1929, một thành phố cổ tên Nuzi ở phía bắc Mesopotamia đã được khám phá. Người ta thấy có nhiều bảng đất sét nung, có niên hiệu khoảng 1,500 T.C. Các bảng này cho biết về đời sống cũng như những tập tục luật lệ của dân tộc Hurrian và vòng cung phì nhiêu ở phía Bắc. Các nhà khảo cổ trứ danh như E .A. Speiser, W. F. Albright, và một số khác đã cho thấy thể nào những tập tục này đã ủng hộ và giải thích cả đến chi tiết, nhiều tập tục kỳ lạ của các tổ phụ. Chẳng hạn, hôn ước của người tại Nuzi nói nếu người vợ son sẻ, thì người vợ sẽ đưa người đầy tớ gái của mình đến ăn nằm với chồng hầu sinh ra kẻ kế tự. Đứa con như thế sẽ có quyền trưởng nam. Nhưng nếu người vợ chính sau này có con, thì quyền đó lại về con của người vợ chính. Những tập tục này và các tục lệ khác nữa đã rất đúng với các trường hợp gia đình của các vị tổ phụ, nhưng lại không đúng với tập tục của người Do Thái khoảng 900-700 T.C. Các học giả, vì thế đã tin tính chất lịch sử của Sáng Thế Ký.

Ngày nay, thật khó cho những người có đầu óc hoài nghi dung hòa được sự ủng hộ của khảo cổ học cho Sáng Thế Ký với cái nhìn phê phán riêng của họ cho rằng một phần của Sáng Thế Ký được viết khoảng 850 T.C., phần khác 750 T.C. và một phần nữa khoảng 450 T.C. Luận cứ rất vững vàng đến nỗi một số học giả đã nói trắng ra rằng thượng phê bình của Wellhausen đã chết tiêu rồi. Các khám phá của khảo cổ học đã đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi này cũng như làm thay đổi thái độ đối với các sách khác của Cựu Ước.

Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà khảo cổ đều đồng ý về việc linh cảm từng lời từng chữ. Có nhiều điều trong Cựu Ước không thể chứng minh bằng khảo cổ học được. Con cái Chúa phải chấp nhận bằng đức tin thôi, cứ tin cậy những gì mà Chúa Giê-xu đã chấp nhận. Trong khi đó, các khám phá của khảo cổ học chưa đòi hỏi các học giả phái chính thống phải thay đổi quan điểm về tính chính xác của lời Đức Chúa Trời. Chúng ta có lý do để nói rằng khảo cổ học sẽ càng ngày càng xác chứng và làm sáng tỏ.

Ngữ Vựng

  • Khảo cổ học (archeology),
  • tiết hình tự (cuneiform),
  • tự điển cổ ngữ (lexicon),
  • bảng đất sét nung (tablets).

Sách Tham Khảo

  • Albright, William F. Recent Discoveries in Bible Lands . Supplement of Young’s Analytical Concordance to the Bible. Rev. ed. Grand Rapids: Wm B.Eerdmans Pub. Co., 1955.
  • Free, Joseph P. Archaeology and Bible History . Wheaton, IL: Scripture Press, 1969.
  • Finegan, Jack. Light from the Ancient Past: The Archaeological Background of Jusdaism and Christianity . 2nd ed. 2 vols. Princeton, NJ: Princeton University Press, 1970.
  • Thomson, J. A. The Bible and Archaeology . Rev. ed. Grand Rapids: Wm.B. Eerdmans Pub. Co., 1972.
  • Unger, Merrill F. Archaeology and the Old Testament . Grand Rapids: Zondervan Pub. House, 1954.