Nhạc sĩ Trần Hoàn được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm nào

Có 2 tác giả của nghệ thuật múa gồm GS-TS-NSND Lê Ngọc Canh với các cuốn sách nghiên cứu về nghệ thuật múa chèo và dân tộc Mạ; NSND Chu Thúy Quỳnh với các tiết mục múa như Hoa xuân đất nước, Hầu văn Xá Thượng Ngàn.

Kịch ghi tên 2 tác giả là TS Trần Đình Ngôn với nhóm kịch bản sân khấu Duyên nợ ba sinh, Nàng chúa ong, Những vần thơ thép và nhà nghiên cứu sân khấu Mịch Quang với những cuốn sách về tuồng và mỹ học dân tộc. GS-NGND Trọng Bằng được vinh danh với nhóm ca khúc Bão nổi lên rồi, Chúng ta là chiến sĩ công an, Vang mãi bản tình ca, Giao hưởng thơ Người về đem tới niềm vui, Hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng: Trường ca Tây Bắc - Điện Biên Phủ. Nhạc sĩ, TS Doãn Nho được vinh danh với thanh xướng kịch: Trẩy hội Đền Hùng, Hoa Lư Thăng Long - Bài ca dời đô… PGS Chu Minh được vinh danh nhờ các ca khúc Tên người đẹp mãi Bến Tre, Non nước tên Người.

3 tác giả được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh gồm: nhà văn Nguyễn Xuân Thiều với cụm tác phẩm Khúc hát mở đầu, tiểu thuyết Huế mùa mai đỏ]; Nhà văn Trần Hữu Mai với tiểu thuyết Đêm yên tĩnh, Người lữ hành lặng lẽ; nhạc sĩ Hoàng Hà với giao hưởng hợp xướng Côn Đảo, ca khúc: Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn, Cùng hành quân giữa mùa xuân, Đất nước trọn niềm vui, Tiếng rừng dương.

Bên cạnh đó Chủ tịch nước cũng quyết định trao Giải thưởng Nhà nước cho 56 tác giả, đồng tác giả và 11 cố tác giả có đóng góp xuất sắc cho nền văn học, nghệ thuật nước nhà.

Dự kiến, lễ trao giải thưởng diễn ra ngày 11.3 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Tin liên quan

Vào năm 1995 [đợt 1] và năm 2000 [đợt 2], Nhà nước đã trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật cho 14 nhạc sĩ tiêu biểu, những người có nhiều đóng góp cho sự phát triển nền âm nhạc Việt Nam. Dưới đây là thông tin về 14 nhạc sĩ [thứ tự các nhạc sĩ được xếp theo năm sinh].

Nguyễn Xuân Khoát [1910-1994]

Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát được mệnh danh là Người anh cả của nền tân nhạc Việt Nam. Ông kiên trì bảo vệ và phát huy tính dân tộc trong âm nhạc từ những ngày đầu sáng tác cho đến lúc vĩnh viễn ra đi. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát là chủ tịch đầu tiên của Hội nhạc sĩ Việt Nam.

Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát sinh ngày 11-2-1910 ở Hà Nội và mất ngày 7-5-1994. Ông hoạt động âm nhạc liên tục suốt từ những năm trước Cách mạng tháng Tám [1945] qua kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ đến những ngày đất nước thống nhất... Ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp âm nhạc, ông đã say sưa tìm hiểu và khai thác cái đẹp của nền âm nhạc dân tộc cổ truyền trong ca trù, trong sân khấu chèo và dân ca... Ông hiểu biết sâu sắc về nhạc cổ truyền. Tác phẩm của Nguyễn Xuân Khoát thường mang tính suy tư sâu sắc với những giai điệu có tính cách riêng, không chải chuốt, mượt mà, không hào nhoáng bay bổng. Ông để lại một số ca khúc như: Thằng Bờm, Con voi, Uất hận, Ta đã lớn, Hò kiến thiết, Theo lời Bác gọi... nhưng đáng kể nhất là bản tổ khúc giao hưởng có tiêu đề Thánh Gióng gồm 6 chương, viết cho dàn nhạc dân tộc. Đặc biệt ông còn thể nghiệm sáng tác hoàn toàn trên các nhạc cụ gõ dân tộc với các tác phẩm như: Tiếng pháo giao thừa, Cúc trúc tùng mai. Ngôn ngữ trong các tác phẩm khí nhạc của ông chắc khoẻ, sâu thẳm, lắng đọng và có sự tìm tòi sáng tạo độc đáo.

Nguyễn Văn Thương [1919-2002]

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương sinh ngày 22-5-1919 tại Hương Thuỷ- Thừa Thiên Huế, sáng tác âm nhạc từ trước cách mạng Tháng Tám. Ông là một trong những nhạc sĩ thế hệ đầu tiên về tân nhạc ở nước ta. Bài Đêm đông [1939] thuộc dòng "nhạc tiền chiến" còn vang vọng đến ngày nay.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông viết Bình Trị Thiên khói lửa gây được ấn tượng mạnh mẽ. Nguyễn Văn Thương là một tác giả đã soạn nhạc cho nhiều điệu múa nổi tiếng như: thơ múa Chim gâu, kịch múa Tấm Cám, múa Chàm rông, Múa ô, Bên hồ sen..., nhạc cho phim Vợ chồng A Phủ [trong đó có bài hát Bài ca trên núi]... Ông còn viết những tác phẩm khí nhạc như Lý hoài nam [độc tấu sáo trúc, cộng tác với Ngọc Phan], Buôn làng vào hội, Quê hương [cùng với Hoàng Dương] cùng những bản nhạc khác như: Ngày hội non sông [độc tấu sáo trúc và bộ gõ], rhapsodie số 2 cho đàn t'rưng và dàn nhạc giao hưởng, Trở về đất mẹ cho violoncell và piano... Đặc biệt, ông có thơ giao hưởng Đồng khởi, một tác phẩm lớn được giới chuyên môn ghi nhận.

Ông vừa là nhạc sĩ vừa là người nhiều năm tham gia công việc quản lý văn nghệ và đào tạo âm nhạc. Nguyễn Văn Thương nguyên là Giám đốc Nhạc Viện Hà Nội. Ông được phong học hàm Giáo sư và Nhà nước tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân trước khi được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật.

Lưu Hữu Phước [1921-1989]

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sinh ngày 12-9-1921 ở huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ, mất ngày 8-6-1989 ở Thành phố Hồ Chí Minh. Lưu Hữu Phước là một trong những nhạc sĩ hàng đầu của giới nhạc sĩ cách mạng Việt Nam. Ông sử dụng âm nhạc như một vũ khí đấu tranh để thức tỉnh, động viên thanh niên tham gia phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do, thống nhất đất nước. Ông là tác giả của những chính ca xuất sắc, có giá trị lịch sử như: Tiếng gọi thanh niên, Lên đàng, Lãnh tụ ca [Ca ngợi Hồ Chủ tịch], Hồn tử sĩ, Giải phóng miền Nam, Khải hoàn ca, Tiền về Sài Gòn, Xuống đường... và nhiều thể loại âm nhạc khác.

Ngay từ khi còn là anh thanh niên 19 tuổi, ngày 20-5-1940, Lưu Hữu Phước đã có “tuyên ngôn” chứa đựng một tư tưởng lớn:

Một cánh tay khoẻ

Một khối óc sáng suốt

Một quả tim dũng cảm

Một mục đích thanh cao

Vốn thông minh và có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc, ngay từ nhỏ Lưu Hữu Phước đã biết đàn ca và tham gia những hoạt động văn nghệ ở trường phổ thông. Sau khi đậu tú tài ở Sài Gòn, Lưu Hữu Phước ra Hà Nội học Đại học Y khoa năm 1940. Hoạt động văn nghệ trong phong trào sinh viên từ những năm đó, Lưu Hữu Phước đã sáng tác nhiều bài hát chứa đựng tình yêu nước, yêu đồng bào, khơi dậy tình cảm và nghĩa vụ của thanh niên trong hoàn cảnh đất nước đang bị thực dân Pháp đô hộ. Đó là những bài Người xưa đâu tá, Quốc dân hành khúc, Bạch Đằng giang, Ải Chi Lăng, Thiếu nữ Việt Nam, Khải hoàn ca, Hồn tử sĩ, Hội nghị Diên Hồng, Xếp bút nghiên, Lên đàng...Nhạc của Lưu Hữu Phước có sức phổ biến rộng rãi đến lớp lớp tuổi trẻ, động viên họ đi theo tiếng gọi cứu nước, đạp đổ ách thống trị của thực dân Pháp. Ảnh hưởng của những tác phẩm của Lưu Hữu Phước vô cùng rộng rãi.

Thời kì kháng chiến chống Pháp [1946-1954], Lưu Hữu Phước có những bài như Tuổi hai mươi, Đông Nam Á châu, Hăng-ri Mác-tanh và đặc sắc nhất là bài Ca ngợi Hồ Chủ tịch [1947]:

Sao vàng phấp phới ánh hồng sáng tươi

Toàn Việt Nam đón chào ngày mới

Hồ Chí Minh dắt toàn dân nước ta

Vững bền tranh đấu cho đời chúng ta...

Bước vào giai đoạn chống Mĩ cứu nước, Lưu Hữu Phước viết Giải phóng miền Nam [lời cộng tác với Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng], ông kí bút danh là Huỳnh Minh Siêng [1961]. Đây là một bài ca hết sức phổ biến và có tác động tới hành chục triệu người dân hai miền Nam Bắc trong cuộc chiến đấu vì sự nghiệp thống nhất Tổ quốc:

Giải phóng Miền Nam chúng ta thề quyết tiến bước

Diệt đế quốc Mĩ phá tan bè lũ bán nước.

Ôi xương ta, máu rơi, lòng hận thù ngút trời

Sông núi bao năm cắt rời...

Sau đó, Lưu Hữu Phước viết những tác phẩm như Giờ hành động, Tiến về Sài Gòn, Xuống đường, Tình Bác sáng đời ta...

Bài Tiếng gọi thanh niên của Lưu Hữu Phước suốt một thời gian dài, Nguỵ quyền Sài Gòn [cũ] đã lấy nhạc, sửa lại lời dùng làm “Quốc ca” để chào cờ “ba sọc”- cờ của chính quyền Sài Gòn cũ. Còn bài Giải phóng Miền Nam trở thành bài ca chính thức của Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam sử dụng trong nghi lễ chào cờ Cách mạng. Trường hợp một tác giả có hai bài hát lại được hai chính quyền đối lập dùng làm lễ ca, trong khi nhạc sĩ- tác giả là người của phe chính nghĩa. Đó là hiện tượng có một không hai trong lịch sử âm nhạc thế giới !

Một số ca khúc thiếu nhi của Lưu Hữu Phước rất gắn bó với tuổi thơ Việt Nam trong nhiều năm qua là Reo vang bình mình, Thiếu nhi thế giới liên hoan, Múa vui... Ngoài ra ông còn viết một số ca cảnh, nhạc cảnh, hợp xướng...

Những sáng tác, nghiên cứu cùng những hoạt động âm nhạc và hoạt động văn hoá xã hội của Lưu Hữu Phước có ảnh hưởng rất sâu rộng đến sự phát triển của âm nhạc Việt Nam hiện đại. Lưu Hữu Phước là một nhà văn hoá, một nhạc sĩ lớn của thời đại Hồ Chí Minh. Ông được phong tặng danh hiệu Giáo sư, Viện sĩ thông tấn. Ông đã từng là Bộ trưởng Bộ văn hoá - Thông tin của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, phó Tổng thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam, Chủ nhiệm Uỷ ban văn hoá giáo dục của Quốc hội Việt Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam...

Tên tuổi và sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước gắn liền với sự nghiệp Cách mạng của nhân dân Việt Nam suốt từ những năm 1940 đến sau những năm 1975- khi nước nhà thống nhất và còn ghi dấu tới ngày nay, tới mai sau...

Đỗ Nhuận [1922-1991]

Bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi

Có rừng dừa xanh xa tít chân trời...

            Câu hát quen thuộc này chắc hẳn mỗi chúng ta đều biết, đó là bài Việt Nam quê hương tôi, một trong những sáng tác rất nổi tiếng của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, bài hát ra đời từ những năm 1960, còn vang vọng đến hôm nay. Mở đầu các buổi phát thanh bản tin thời sự của Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, trong hơn nửa thế kỉ qua chúng ta vẫn thường nghe thấy nhạc hiệu:

Đó chính là khúc dạo nhạc, mở đầu bài Chiến thắng Điện Biên Phủ, sáng tác của Đỗ Nhuận, đã được dùng làm nhạc hiệu cả mấy chục năm nay. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận [1922 - 1991] là một trong những người có nhiều công lao đóng góp cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Ông sinh ở làng Vạc, huyện Bình Gia, tỉnh Hải Dương, nhưng lớn lên tại xóm thợ Lạc Viên, thành phố cảng Hải Phòng. Thuở nhỏ là một thiếu niên ham học hỏi có năng khiếu âm nhạc và rát say mê tự học. Ông hoạt động trong phong trào thanh niên yêu nước và sáng tác âm nhạc từ trước cách mạng Tháng Tám. Tham gia cách mạng, ông bị thực dân Pháp bắt vào nhà tù Hoả Lò, rồi tới nhà tù Sơn La. Ra khỏi nhà tù đế quốc, ông tự lao động, làm thợ in báo, làm diễn viên và sáng tác âm nhạc... Tên tuổi của ông gắn liền với cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ rồi đến thời kỳ xây dựng hoà bình ở nước ta. Viết hàng trăm ca khúc các đề tài khác nhau, tác phẩm của ông gắn bó chặt chẽ với mọi mặt của đời sống chiến đấu và lao động sản xuất, từ anh bộ đội đến người công nhân xây dựng, từ người nông dân trên đồng ruộng đến các anh chị thanh niên xung phong... Những bài hát như Du kích ca, Du kích sông Thao, Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hành quân xa, Thanh niên vui mở đường, Việt Nam quê hương tôi, Em là thợ quét vôi... còn mãi đến ngày nay và nhiều bài hát khác. Ông là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên viết nhạc kịch [Ôpêra], một thể loại âm nhạc lớn, đã trình diễn tại Hà Nội những năm 1960. Đó là vở nhạc kịch Cô Sao và vở Người tạc tượng do chính ông biên soạn kịch bản văn học. Bên cạnh đó ông còn viết một số tác phẩm khí nhạc, các vở ôpêrét, hợp xướng, ca cảnh, hoạt cảnh... Có thể nói, ông là một nhạc sĩ nhiều tài năng, đa dạng, âm nhạc giàu màu sắc dân tộc, một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam dân tộc và hiện đại. Ông đã từng là Tổng thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam [khoá I và khoá II], được nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật [đợt I] và nhiều huân, huy chương cao quý khác. Có một điều đặc biệt là nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam hiện nay [khoá VII, 2005-2010] chính là con trai của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đang nối tiếp bước đường âm nhạc vinh quang mà người cha đã đi mấy chục năm trước.

Văn Cao [1923-1995]

Nhạc sĩ Văn Cao tên đầy đủ là Nguyễn Văn Cao, sinh ngày 15-11-1923 tại Hải Phòng, quê gốc ở Vụ Bản, Nam Định. Tài năng âm nhạc, thơ ca, hội hoạ đã hội tụ trong con người Văn Cao, tuy vậy âm nhạc là đỉnh cao trong sự nghiệp của ông.

Văn Cao sáng tác Tiến quân ca [nay là Quốc ca Việt Nam] khi mới 21 tuổi.

Trước cách mạng Tháng Tám ông đã có những ca khúc nổi tiếng [sau này gọi là nhạc tiền chiến] như: Thiên Thai, Suối mơ, Đàn chim Việt, Trương Chi...

Nhiều tác phẩm của Văn Cao được viết trong cuộc kháng chiến chống Pháp còn sống mãi như: Làng tôi, Trường ca sông Lô, Tiến về Hà Nội, Ngày mùa..., bài Mùa xuân đầu tiên viết khi đất nước thống nhất [1975].

Âm nhạc của Văn cao khi giàu chất trữ tình lãng mạn, khi hào hùng khí thế, lúc mang tính ngợi ca, sử thi. Ca từ trong các bài hát của ông là những lời thơ đẹp, giàu hình tượng và sâu sắc.

Nhạc sĩ Văn Cao là một tài danh của đất nước trên lĩnh vực sáng tạo âm nhạc. Ông mất ngày 10-7-1995 tại Hà Nội. Đã có đường phố ở Hà Nội, Hải Phòng mang tên Văn Cao.

Phan Huỳnh Điểu

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sinh ngày 11-11-1924 tại Đà Nẵng, ông là tác giả của nhiều ca khúc được phổ biến rộng rãi, được đông đảo công chúng yêu thích. Suốt chặng đường dài chống Pháp, chống Mĩ, Phan Huỳnh Điểu đã viết đến hàng trăm ca khúc, trong đó có những tác phẩm tiêu biểu như: Đoàn vệ quốc quân, Cuộc đời vẫn đẹp sao [thơ Dương Hương Ly], Hành khúc ngày và đêm [thơ Bùi Công Minh], Những ánh sao đêm, Bóng cây kơ-nia [thơ Ngọc Anh], Anh ở đầu sông em cuối sông [thơ Hoài Vũ], Sợi nhớ sợi thương [thơ Thuý Bắc], Thuyền và biển [thơ Xuân Quỳnh]... Bài hát cho thiếu nhi có: Đội kèn tí hon, Nhớ ơn Bác, Những em bé ngoan, Ngày vui mới... Giai điệu trong sáng tác của Phan Huỳnh Điểu giàu chất trữ tình, thiết tha, duyên dáng, nhẹ nhàng, bay bổng, lãng mạn, lạc quan. Những bài hát đậm chất tình ca là nét nổi bật trong tác phẩm của ông. Lịch sử âm nhạc Việt Nam hiện đại ghi nhận Phan Huỳnh Điểu là một trong những gương mặt sáng giá với những ca khúc đậm đà bản sắc dân tộc.

Nguyễn Văn Tý

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh ngày 5-3-1925 tại Vinh- Nghệ An nhưng quê ở xã Phú Cường, Sóc Sơn, Hà Nội. Ông là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng từ thời kháng chiến chống Pháp. Năm 1949 Nguyễn Văn Tý viết bài Dư âm còn vang vọng tới ngày nay. Suốt nhiều năm gắn bó với âm nhạc, Nguyễn Văn Tý là một tác giả viết ca khúc có bề dày đáng trân trọng, nhiều tác phẩm của ông đã để lại dấu ấn một thời. Có thể kể: Mẹ yêu con, Bài ca năm tấn, Bài ca phụ nữ Việt Nam, Em đi làm tín dụng, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Quảng Nam - Đà Nẵng đất nặng nghĩa tình, Mùa xuân cô nuôi dạy trẻ, Gương mặt Kiên Giang và đặc biệt là bài Dáng đứng Bến Tre.

Giai điệu trong sáng của Nguyễn Văn Tý giàu chất trữ tình, mượt mà, tinh tế, đậm màu sắc dân ca và lắng sâu suy nghĩ. Nhiều ca khúc của ông được phổ biến sâu rộng và có sức sống bền lâu làm phong phú thêm những bài hát viết về đề tài nông thôn, về phụ nữ, về các ngành nghề và các địa phương trên cả nước.

Huy Du [1926-2008]

Nhạc sĩ Huy Du sinh ngày 1-12-1926, quê ở huyện Từ Sơn, Bắc Ninh. Cuộc đời của Huy Du gắn liền với cách mạng. Nhiều năm sống trong quân đội, ông đã mang quân hàm đại tá. Âm nhạc của Huy Du đằm thắm, thiết tha, giàu chất trữ tình, lạc quan. Ông sáng tác ca khúc từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp nhưng đến thời kỳ chống Mĩ cứu nước tác phẩm của ông mới nở rộ và có nhiều ca khúc xuất sắc. Với tình cảm thắm thiết, với cảm xúc phong phú thể hiện thành những giai điệu ấm áp, ngọt ngào, phóng khoáng, hào hùng, là phong cách khá nổi bật trong âm nhạc Huy Du. Những bài hát để lại nhiều dấu ấn có thể kể: Anh vẫn hành quân [thơ Trần Hữu Thung], Bạch Long Vĩ đảo quê hương, Nổi lửa lên em [thơ Giang Lam], Đường chúng ta đi [thơ Xuân Sách], Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, Việt Nam ơi mùa xuân đến rồi... Về khí nhạc của Huy Du có Miền Nam quê hương ta ơi viết cho violon và piano, tam tấu violon, violoncell và piano Kể chuyện sông Hồng...

Nhạc sĩ Huy Du đã từng làm Tổng thư kí Hội nhạc sĩ Việt Nam và Phó chủ nhiệm Uỷ ban văn hoá- Giáo dục của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được tặng thưởng nhiều huân chương cao quí của Nhà nước.

Hoàng Việt [1928-1967]

Nhạc sĩ Hoàng Việt sinh năm 1928 ở xã An Hựu, huyện Cái Bè, Tiền Giang. Ông hi sinh ngày 31-12-1967 ở miền Nam, trong trận ném bom của không quân Mĩ khi trên đường đi công tác.

Hoàng Việt là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu cho lòng yêu nước thiết tha, thể hiện cả trong cuộc sống cũng như trong tác phẩm. Trong kháng chiến chống Pháp rồi chống Mĩ, nhạc sĩ đã để lại những ca khúc nổi tiếng như: Lá xanh, Nhạc rừng, Lên ngàn và đặc biệt là Tình ca...

Ông là một trong những nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên viết giao hưởng, Quê hương là bản giao hưởng 4 chương đầu tiên của Việt Nam. Bản nhạc diễn tả truyền thống đấu tranh anh dũng bất khuất của đồng bào miền Nam chống giặc ngoại xâm. Trong khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp của miền đất Nam Bộ có những người dân giàu lòng yêu nước, cần cù lao động và sẵn sàng hi sinh tất cả cho Tổ quốc Việt Nam độc lập, thống nhất, hoà bình.

Trần Hoàn [1928-2003]

Nhạc sĩ Trần Hoàn tên thật là Nguyễn Tăng Hích, sinh năm 1928, quê ở Hải Lăng, Quảng Trị. Nguyên là Bộ trưởng Bộ Văn hoá-Thông tin. Ông mất ngày 23-11-2003 ở Hà Nội.

Nhạc sĩ Trần Hoàn tham gia hoạt động âm nhạc từ trong kháng chiến chống Pháp với những ca khúc như: Sơn nữ ca, Lời người ra đi... Trong kháng chiến chống Mĩ, ông có tác phẩm Lời ru trên nương [thơ Nguyễn Khoa Điềm] khá ấn tượng.

Là một nhà hoạt động chính trị, xã hội nhưng ông vẫn liên tục sáng tác. Nhiều ca khúc của Trần Hoàn khó quên như: Lời Bác dặn trước lúc đi xa [thơ Quý Doãn], Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm, Thăm bến Nhà Rồng, Một mùa xuân nho nhỏ [thơ Thanh Hải], Tình ca mùa xuân [lời Nguyễn Loan]...

Âm nhạc của Trần Hoàn đằm thắm, ngọt ngào, sâu lắng. Một số bài hát của ông đậm đà âm hưởng dân ca miền Trung, có sức lay động lòng người và được công chúng rất mến mộ.

Xuân Hồng [1928-1996]

Nhạc sĩ Xuân Hồng tên đầy đủ là Nguyễn Xuân Hồng, sinh ngày 12-2-1928 tại xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.

Từ nhỏ Xuân Hồng đã được học nhạc cụ dân tộc và tham gia các hoạt động văn nghệ trong kháng chiến chống Pháp. Thời kì đấu tranh thống nhất và giai đoạn chống Mĩ cứu nước, Xuân Hồng có nhiều bài hát nổi tiếng như: Bài ca may áo, Xuân chiến khu, Chiếc khăn tay, Hành quân đêm [viết cùng Trí Thanh] và đặc sắc nhất là Tiếng chày trên sóc Bom Bo.

Năm 1975, ông có ca khúc Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh và sau đó là Cây đàn ghi-ta của đại đội ba, Mùa xuân bên cửa sổ [thơ Song Hảo], Người mẹ của tôi. Giai điệu trong những ca khúc của Xuân Hồng đầy chất trữ tình tha thiết, mang đậm màu sắc dân ca Nam Bộ và có tính tạo hình sắc nét.

Sở trường về sáng tác ca khúc, dùng tiếng hát để nói lên những điều tự thân cuộc sống muốn nói là thế mạnh của ông. Tiếng hát từ sáng tạo của Xuân Hồng đã đi vào lòng người, được đông đảo công chúng yêu thích.

Bên cạnh những bài hát có giá trị để lại cho đời, Xuân Hồng còn là một người tổ chức, lãnh đạo các hoạt động văn hoá, văn nghệ trong thời gian tại ngũ quân giải phóng Miền Nam Việt Nam. Nhạc sĩ Xuân Hồng đã từng là Phó Tổng thư kí Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Văn học- Nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Ông mất năm 1996.

Nguyễn Đức Toàn

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn sinh ngày 10-3-1929, quê ở Hà Nội. Ông là một nhạc sĩ quân đội với quân hàm đại tá. Nguyễn Đức Toàn còn là một hoạ sĩ, đã có phòng tranh triển lãm. Suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ ông liên tục hoạt động âm nhạc phục vụ bộ đội. Những ca khúc nổi tiếng của Nguyễn Đức Toàn có thể kể: Quê em, Mời anh đến thăm quê tôi, Biết ơn Võ Thị Sáu, Đào công sự, Khâu áo gửi người chiến sĩ, Tình em biển cả, Chiều trên bến cảng, Hà Nội- một trái tim hồng... Nguyễn Đức Toàn còn viết những tác phẩm khí nhạc như: Giao hưởng Tổ quốc, sonate cho violon, các bản hợp xướng Bài ca xây dựng, Tiếng hát buổi bình minh...

Âm nhạc của Nguyễn Đức Toàn phóng khoáng, tươi trẻ, đậm chất trữ tình và lạc quan, trong sáng.

Hoàng Vân

Nhạc sĩ Hoàng Vân tên thật là Lê Văn Ngọ, sinh ngày 24-7-1930 ở Hà Nội. Ông tham gia bộ đội từ kháng chiến chống Pháp. Kết thúc cuộc kháng chiến bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Hoàng Vân đã để lại tác phẩm vượt thời gian, bài Hò kéo pháo. Thời kỳ hoà bình trên miền Bắc, những năm 1960 vẫn có nhiều tác phẩm ghi dấu ấn như Nhớ [thơ Nguyễn Đình Thi], Tôi là người thợ mỏ, Hà Nội- Huế- Sài Gòn, hợp xướng Bài thơ gửi Thái Nguyên...

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mĩ, từ 1964 và tiếp những năm sau ngày đất nước thống nhất, sáng tác của Hoàng Vân càng được công chúng mến mộ với Quảng Bình quê ta ơi, Hai chị em, Người chiến sĩ ấy, Nổi trống lên rừng núi ơi, Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng, Tình yêu của đất và nước. Bài ca xây dựng, Tình ca Vũng Tàu, Hát về cây lúa hôm nay, Tình ca Tây Nguyên, hợp xướng Vượt núi...

Bên cạnh lĩnh vực thanh nhạc, Hoàng Vân còn viết nhiều tác phẩm khí nhạc với các thể loại như: phức điệu cho piano, tổ khúc cho obois và piano, rhapsodie cho violon, độc tấu kèn basson Hành khúc con voi... Về nhạc giao hưởng, ông viết giao hưởng thơ Thành đồng Tổ quốc, vũ kịch Chị Sứ. Nhạc phim có: Nổi gió, Chim vành khuyên, Mối tình đầu và vở operet Nỗi nhớ Mai Lan... Hoàng Vân còn có nhiều bài hát cho thiếu nhi rất phổ biến như: Ca ngợi Tổ quốc, Em yêu trường em, Con chim vành khuyên, Mùa hoa phượng nở...

Hoàng Vân là một nhạc sĩ sáng tác đa năng, đã từng thành công trên nhiều lĩnh vực sáng tạo âm nhạc, đóng góp không nhỏ cho nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam suốt nửa thế kỷ qua.

Hoàng Hiệp

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp tên thật là Lưu Trần Nghiệp, sinh ngày 1-10-1931 tại An Giang. Tham gia cách mạng từ Tháng 8-1945, hoạt động văn nghệ ở Nam bộ rồi ra tập kết ở miền Bắc từ năm 1955. Ca khúc Câu hò bên bờ Hiền Lương [lời Hoàng Hiệp- Đằng Giao] gây được ấn tượng với công chúng từ năm 1956. Gần 20 năm sống ở Hà Nội, Hoàng Hiệp viết được khoảng vài chục ca khúc, trong số đó nhiều bài được đông đảo người nghe yêu thích. Mảng đề tài lớn nhạc sĩ thường đề cập đến trong ca khúc là đề tài xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc và đề tài chiến đấu chống Mỹ cứu nước giải phóng Miền Nam. Hoàng Hiệp có nhiều ca khúc thành công ở mảng đề tài thứ hai hơn, có thể kể: Cô gái vót chông [thơ Molôyclavi], Ngọn đèn đứng gác [thơ Chính Hữu], Đất quê ta mênh mông [thơ Dương Hương Ly], Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây [thơ Phạm Tiến Duật], Lá đỏ [thơ Nguyễn Đình Thi]...

Sau ngày đất nước thống nhất, về thành phố Hồ Chí Minh, Hoàng Hiệp tiếp tục viết hàng trăm ca khúc, viết cho sân khấu và nhiều tác phẩm cho điện ảnh.

Những ca khúc nổi tiếng tiếp theo của Hoàng Hiệp như: Mùa chim én bay [thơ Diệp Minh Tuyền], Chút thơ tình người lính biển [thơ Trần Đăng Khoa], Về đất Mũi, Con đường có lá me bay, Em vẫn đợi anh về [thơ Lê Giang] và đặc biệt là bài Viếng Lăng Bác [thơ Viễn Phương]...

Ca khúc của Hoàng Hiệp gần với chất thơ, chất trữ tình. Ông là một nhạc sĩ đã phổ nhạc nhiều bài thơ thành công.

Video liên quan

Chủ Đề