Những dấu hiệu sắp sinh trước 1 ngày

Bài viết này được tham vấn y khoa bởi Bác sĩ Bùi Thị Thu Hà - bác sỹ chuyên khoa chăm sóc tiền sản của bệnh viện Từ Dũ TP.HCM.

Chúc mừng mẹ! Mẹ đã đi đến những tuần cuối của hành trình thai kỳ đầy kỳ diệu và chuẩn bị được đón bé chào đời, gặp con lần đầu tiên. Đây cũng là thời điểm nhiều mẹ bắt đầu lo lắng và băn khoăn về các dấu hiệu sinh mà mẹ sắp sửa trải qua. Vậy những dấu hiệu đó cụ thể là gì để mẹ có sự chuẩn bị chu đáo và chủ động hơn? Huggies mời mẹ tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

>> Tham khảo:

  • Dấu hiệu chuyển dạ chính xác và những điều mẹ cần biết
  • 10 Dấu hiệu sinh non dễ phát hiện mẹ cần chú ý ngay
  • Sự phát triển của thai nhi theo tuần như thế nào?
  • 9 dấu hiệu sắp sinh con trước 1 tuần rõ ràng nhất

    Sa bụng dưới

    Vào giai đoạn cuối thai kỳ, thai nhi sẽ di chuyển dần xuống khu vực xương chậu của người mẹ để dễ dàng đi qua âm đạo trong lúc sinh. Hiện tượng này thường xảy ra trước một vài tuần hoặc thậm chí vài giờ trước khi quá trình chuyển dạ thật sự diễn ra. Các mẹ bầu sinh con đầu lòng đặc biệt dễ dàng nhận biết hiện tượng sa bụng bầu hơn. Vì thế, đây là một trong những dấu hiệu sắp sinh con so trước 1 tuần chính xác, thường gặp nhất. Đối với các mẹ mang thai lần thứ 2 (con rạ) trở đi, dấu hiệu này có thể gặp hoặc không gặp do thai nhi lọt xuống tiểu khung chỉ xảy ra khi bước vào chuyển dạ sinh thật sự.

    Ở thời điểm này, mẹ bầu thường xuyên đi tiểu, di chuyển cũng khó khăn và nặng nề hơn trước. Nguyên do là đầu của thai nhi đã tụt xuống, đè lên bàng quang của mẹ. Tuy nhiên, vào lúc này, mẹ bầu sẽ cảm thấy dễ thở hơn vì thai nhi không còn chiếm không gian phổi. Đồng thời, điều này cũng sẽ làm giảm áp lực lên lồng ngực của mẹ.

    Xuất hiện cơn gò tử cung - Dấu hiệu sắp sinh con so chính xác nhất

    Cơn gò tử cung hay còn gọi là cơn gò Braxton Hicks ngày một nhiều hơn, cảm giác của mẹ sờ trên bụng gò cứng, nhưng hoàn toàn không đau. Cơn gò này sẽ giúp cho ngôi thai bình chỉnh tốt hơn. Chính cơn gò này giúp thai nhi trong tử cung của mẹ sẽ lọt xuống tiểu khung, để trình diện eo trên của khung chậu mẹ, để có một ngôi thai thuận đó là ngôi chỏm.

    Cơn gò chuyển dạ và cơn gò sinh lý khá giống nhau nên mẹ bầu cần đặc biệt chú ý để nhận biết đúng đặc điểm của cơn gò chuyển dạ thật.

    Khác với con gò sinh lý, cơn gò chuyển dạ chỉ thường xuất hiện ở những tháng cuối của thai kỳ. Cơn gò sinh lý không tăng theo thời gian, trong khi cơn gò chuyển dạ sẽ diễn ra liên tục, đầu dặn với tần suất nhiều hơn. Lúc đầu, cơn gò chuyển dạ sẽ xuất hiện cách 5-10 phút, kéo dài từ 30-60 giây. Sau đó tần suất tăng dần, cách khoảng 2-3 phút sẽ có 1 cơn co thắt. Cơn gò sinh lý sẽ không khiến cho mẹ bầu cảm thấy quá đau mà chỉ gây ra cảm giác khó chịu cho mẹ. Còn cơn gò chuyển dạ sẽ co thắt liên tục nhằm mở rộng cổ tử cung, sẵn sàng cho việc bé chào đời. Vì vậy, mẹ bầu có thể thông qua sự khác nhau đó để nhận biết cơn gò chuyển dạ thật sự.

    Những dấu hiệu sắp sinh trước 1 ngày

    Mẹ bầu có thể sử dụng quy luật 5-1-1 để nhận biết cơn gò tử cung chính xác (Nguồn: Sưu tầm)

    Đau lưng hoặc đau trằn bụng dưới

    Do nội tiết tố thai kỳ làm cho các khớp ở vùng chậu giãn, các dây chằng mềm hơn để cho các đường kính khung chậu của mẹ rộng hơn, giúp cho thai nhi lọt xuống được dễ dàng. Dấu hiệu sắp sinh con này khá rõ khi mẹ di chuyển nhiều thì đau trằn bụng và ngồi lâu thì đau lưng.

    Đi tiểu nhiều lần, đi cầu nhiều hơn ngày thường

    Khi thai nhi đã lọt xuống khung chậu, cụ thể ngôi thai lọt xuống tiểu khung của mẹ sẽ kích thích vào bàng quang ở trước và tạo cho mẹ có cảm giác đi tiểu thường xuyên. Đồng thời, kích thích vào trực tràng ở phía sau nên tạo cảm giác mẹ đi cầu.

    Vùng kín của mẹ sưng nề

    Do kích thích của ngôi thai lớn, do thay đổi nội tiết tố thai kỳ, thay đổi thần kinh làm cho các mạch máu nuôi dưỡng vùng tầng sinh môn, âm hộ và âm đạo giãn rộng. Khi đó, máu nuôi dưỡng đến nhiều hơn để cho đường kính ống âm đạo giãn nở tốt giúp cho thai nhi sổ ra dễ dàng khi vào chuyển dạ sinh.

    Ngừng tăng cân

    Trái với đầu giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3 (3 tháng cuối thai kỳ), thời gian này cân nặng mẹ ngưng tăng cân và có thể giảm đi 1-2 kg. Lý do của việc này là do lượng nước ối của mẹ đang giảm xuống để chuẩn bị cho việc đón bé chào đời. Điều này là hoàn toàn bình thường và không ảnh hưởng đến cân nặng của bé, mẹ yên tâm nhé.

    Hô hấp dễ dàng

    Vị trí của bé yêu lúc này đã tụt xuống thấp, nên áp lực tại cơ hoành và dạ dày của mẹ được giảm đáng kể. Vì vậy, mẹ sẽ dễ dàng hô hấp và chứng ợ nóng trong thai kỳ cũng đột nhiên biến mất.

    Cổ tử cung mở và mỏng hơn

    Có thể trong lần khám thai định kỳ gần nhất, bác sĩ sẽ thông báo độ mở của tử cung để mẹ bầu chuẩn bị tinh thần vượt cạn khi cổ tử cung đã mở đủ rộng. Đây là dấu hiệu sắp sinh con trước 2 ngày hay 1 tuần chính xác nhất, các mẹ bầu có thể tham khảo ngày dự sinh của bác sĩ để chuẩn bị nhé.

    Chuột rút và đau vùng xương chậu

    Càng gần đến ngày sinh, hiện tượng này sẽ diễn ra càng nhiều với tần suất dày đặc hơn. Dấu hiệu sinh con này do các cơ và khớp ở vùng xương chậu được nới lỏng, kéo căng hết mức để chuẩn bị đón bé chào đời.

    >> Tham khảo: Dấu hiệu chuyển dạ giả dễ nhận biết nhất

    Những dấu hiệu sắp sinh trước 1 ngày

    Càng gần đến ngày dự sinh, các mẹ bầu nên chú ý đến dấu hiệu sắp sinh để có sự chuẩn bị tốt nhất (Nguồn: abcnews)

    3 dấu hiệu sắp sinh con không báo trước mẹ nên quan tâm

    Đau bụng từng cơn đều đặn vùng bụng dưới

    Cơ thể mẹ xuất hiện cơn đau bụng đột ngột, với đặc tính cơn đau bụng từng cơn đều đặn, kéo dài khoảng 15 – 20 giây sau đó nghỉ hết đau khoảng 3 – 5 phút. Cơn đau bụng là do cơn gò tử cung tạo ra. Dấu hiệu này là chính thức bước vào chuyển dạ sinh, cơn đau bụng sau đó xuất hiện trở lại và cứ đều đặn như vậy thời gian về sau cơn đau bụng nhiều hơn và thời gian nghỉ ngắn hơn.

    Mất nút nhầy cổ tử cung

    Trong thời gian mang thai, cổ tử cung luôn luôn đóng kín và được bịt kín bởi một nút nhầy cổ tử cung. Chính nút nhầy cổ tử cung là cái hàng rào vững chắc ngăn cản không cho mọi tác nhân từ âm đạo xâm nhập vào buồng tử cung. Vào khoảng tuần 37 – 40 trong thai kỳ, dưới tác dụng của cơn gò tử cung, nút nhầy được thoát ra, hòa lẫn ít máu bởi sự vỡ một số các mao mạch trên cổ tử cung, tạo ra dịch nhầy màu hồng. Đây gọi là hiện tượng bong nút nhầy cổ tử cung, “dọn đường” cho bé yêu chào đời.

    Dấu hiệu ra nước ối

    Dấu hiệu sắp sinh con này hoàn toàn đột ngột thường xảy ra vào ban đêm, khi mẹ đang ngủ, có cảm giác ra nước ướt quần và có mùi tanh nồng của dịch ối. Đây là triệu chứng của ối vỡ sớm, báo hiệu dấu hiệu sắp sinh. Chỉ 8 - 10% mẹ bầu gặp hiện tượng vỡ ối sớm. Và cũng tùy vào cơ địa mỗi mẹ bầu mà nước ối có màu vàng nhạt hay trắng đục, lượng nhiều hay ít. Thời điểm chuyển dạ từ lúc vỡ ối có thể khác nhau tùy vào mỗi mẹ, nhưng thông thường là từ 12 - 24 giờ từ lúc vỡ ối. Mẹ có thể liên lạc với bác sĩ hộ sản và chuẩn bị túi đồ dự sinh ngay khi bị vỡ ối. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu vỡ ối trước tuần thứ 37 của thai kỳ thì mẹ nên cực kỳ cẩn trọng và báo ngay với bác sĩ.

    >> Tham khảo: Đa ối là gì, liệu có nguy hiểm? Dấu hiệu chứng đa ối mẹ cần biết

    Các dấu hiệu sắp sinh khác

    Dấu hiệu phù 2 chân

    Nguyên nhân do phù bởi tử cung khi mang thai lớn, nặng đè vào tĩnh mạch chủ dưới làm cho máu về tim giảm ứ trệ gây ra phù 2 chân hoặc do mẹ đứng lâu cũng gây ra phù. Trên thực tế dấu hiệu phù 2 chân có thể xảy ra cho mẹ trước đó vài tuần, rồi tự xẹp (hết phù) sau đó xuất hiện lại. Một khi xuất hiện lại phù là có dấu hiệu sắp sinh.

    Mẹ bầu mất ngủ

    Cảm giác của mẹ sắp đến ngày sinh tự nhiên ban đêm không ngủ được. Mặc dù đã biết trước ngày dự sinh và đã được bác sĩ tư vấn không nên lo lắng, nhưng một số mẹ vẫn ngủ không được.

    Những dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh con so trong 1 tuần rõ ràng nhất

    Dấu hiệu và thời gian chuyển dạ sinh con ở mỗi phụ nữ là khác nhau tùy vào cơ địa của cả mẹ và bé. Đối với những mẹ sinh con đầu lòng thường có chung đặc trưng là thời gian mở cổ tử cung lâu, tầng sinh môn còn rắn, vì thế, thời gian chuyển dạ thường 16 đến 24 giờ trong khi đối với con rạ sẽ ngắn hơn chỉ từ 8 đến 16 giờ.

    Trong số những dấu hiệu đã liệt kê ở trên, nhiều mẹ bầu sinh con so cho rằng họ gặp các dấu hiệu dưới đây:

  • Ra nhớt hồng âm đạo: Đây là dấu hiệu báo việc chính thức đến giai đoạn chuyển dạ.
  • Cơn gò tử cung: Dấu hiệu này xuất hiện ở tháng cuối thai kỳ, càng đến ngày sinh cơn gò càng đều đặn hơn.
  • Chảy nước ối: Đây là dấu hiệu chuyển dạ chung ở tất cả phụ nữ. Khi có dấu hiệu sắp sinh con so này, mẹ nên đến bệnh viện ngay.
  • >> Tham khảo: Chứng thiếu ối ở mẹ bầu, phải làm sao khi thiếu ối?

    Những dấu hiệu sắp sinh trước 1 ngày

    Dấu hiệu sắp sinh con nào báo hiệu nên đến bệnh viện? (Nguồn: Sưu tầm)

    Những dấu hiệu sắp sinh con trong 24 giờ cần đến bệnh viện ngay

  • Co thắt bụng: Là một trong những dấu hiệu sắp sinh rõ nhất mà bạn cần phải đặc biệt lưu ý. Bạn cần tính thời gian giữa những lần co thắt và thời gian của mỗi cơn co thắt. Nếu là các cơn co thắt nhẹ, chúng thường cách nhau từ 15 – 20 phút, mỗi cơn kéo dài từ 60 – 90 giây. Các cơn co thắt sẽ dồn dập hơn khi cách nhau chỉ 5 phút. Mẹ bầu cần ngay lập tức đến viện khi gặp cơn co thắt mạnh kéo dài 45 – 60 giây, cách nhau 3 – 4 phút.
  • Dịch tiết âm đạo bất thường: Cơn co thắt trước tuần 37 thì các dấu hiệu sinh non thường gặp bao gồm dịch tiết âm đạo bất thường, chảy máu âm đạo, đau lưng, đau bụng, đau vùng xương chậu.
  • Rò rỉ nước ối hay vỡ ối: Trong trường hợp nước ối có màu xanh lục hay vàng nâu thì đây là dấu hiệu của phân su nên mẹ cần lập tức báo ngay cho bác sĩ. Nước ối có màu máu cũng đặc biệt khẩn cấp nên mẹ cần sự giúp đỡ của bác sĩ càng sớm càng tốt.
  • Chảy máu âm đạo: Khi có dấu hiệu chảy máu âm đạo đi kèm với đau bụng dữ dội, liên tục và sốt mẹ cần đến bệnh viện ngay để được thăm khám kịp thời.
  • Các triệu chứng tiền sản giật như đau đầu nặng và kéo dài: Bên cạnh đó, đau ở vùng bụng trên, bị sưng, thay đổi thị lực hay các triệu chứng liên quan cũng cần được chuyên gia theo dõi.
  • Thai nhi trong bụng hoạt động ít hơn mọi ngày: Nếu thai nhi thường xuyên vận động trong bụng bạn nhưng đột nhiên tần suất lại ít hơn ở những tuần dự “vượt cạn” thì mẹ cũng nên thăm khám bác sĩ ngay.
  • Bác sĩ Bùi Thị Thu Hà giải thích về tầm quan trọng của việc theo dõi thai máy như sau:

    Những dấu hiệu sắp sinh trước 1 ngày

    Đây là một vấn đề mà nhiều thai phụ còn chưa thật sự quan tâm, mẹ chỉ thường để ý bé đạp khi có thời gian rảnh rỗi trong ngày. Việc theo dõi thai máy đặc biệt còn quan trọng hơn với các thai kỳ có bệnh lý ở mẹ như tiền sản giật, đái tháo đường, bệnh toàn thân, hay các thai kỳ có bệnh lý ở con như thai châm tăng trưởng trong tử cung, thiểu ối, dây rốn quấn cổ nhiều vòng, thai có các dị tật kèm…

    Cử động thai là khi thai có những cử động khua tay chân, xoay trở mình, cử động toàn thân. Theo SGOC 2007 (Hiệp Hội Sản Phu khoa Canada), cử động thai là bình thường khi có tối thiểu 6 cử động thai trong vòng 2 giờ. Nếu cử động thai giảm, nghĩa là test tầm soát sức khỏe thai dương tính, mẹ nên khám thai ngay để tìm các phương pháp khác đánh giá sức khỏe thai phù hợp như siêu âm Doppler.

    Những dấu hiệu sắp sinh trước 1 ngày

    Những dấu hiệu sắp sinh trước 1 ngày

    Khi xuất hiện những dấu hiệu này thì thời gian mẹ gặp em bé đã đến gần rồi đấy (Nguồn: Huggies)

    Mẹ nên làm gì khi những dấu hiệu sắp sinh con gây khó chịu

    Theo dịch vụ y tế hoàng gia Anh, để giảm thiểu tâm trạng căng thẳng, khó chịu với những dấu sinh, chuẩn bị đón bé chào đời thoải mái, mẹ nên:

  • Nghỉ ngơi: nên nghỉ ngơi và không làm việc nhiều ở thời điểm sắp sinh này, vẫn làm việc nhẹ nhàng như ngồi đọc sách, nghe nhạc, nấu ăn và đi bộ. Không thức khuya quá 22 giờ, tránh căng thẳng, hạn chế ngồi lâu trên máy vi tính hay ngồi lâu trước màn hình tivi trên 2 tiếng đồng hồ, tránh xem các phim bạo lực, phim tình cảm có tính chất gây buồn phiền.. Thay vào đó nên xem phim ca nhạc, phim hài mang tính chất hưng phấn, vui vẻ.
  • Tư thế nằm: Khi mẹ nằm nghỉ hay ngủ, nên nằm nghiêng trái, điều này sẽ tránh được tử cung lớn đè vào động mạch chủ, giúp cho máu đến nuôi dưỡng thai nhi được tốt.
  • Ngâm mình hoặc tắm nước nóng: Giúp mẹ thư giãn tinh thần.
  • Ăn vặt lành mạnh: Nếu mẹ đang buồn miệng hoặc thấy thèm.
  • Theo dõi cử động thai: Khi mẹ thức thai nhi cũng thức theo mẹ, khi mẹ ngủ thai nhi cũng ngủ theo mẹ. Mẹ cần theo dõi cử động thai máy, mỗi 2 giờ thai nhi sẽ máy và sẽ cử động đạp tay chân làm cho mẹ có cảm giác bé vận động 1 lần. Trung bình một ngày thai nhi sẽ cử động ít nhất là 5 lần. Khi cảm giác của mẹ thấy thai nhi cử động ít hơn hay không cử động, mẹ nên đến ngay bệnh viện có khoa sản để bác sĩ chuyên khoa sản kiểm tra sức khỏe thai nhi nhé.
  • >> Tham khảo: Dấu hiệu chuyển dạ sớm và hiện tượng đau đẻ

    Những dấu hiệu sắp sinh trước 1 ngày

    Mẹ bầu cần giảm thiểu tâm trạng căng thẳng, khó chịu với những dấu sinh để chào đón con (Nguồn: Sưu tầm)

    Chuẩn bị đồ dùng cần cho mẹ và bé khi có những dấu hiệu sắp sinh

    Biết được các dấu hiệu sắp sinh, mẹ sẽ có kế hoạch chuẩn bị đồ dùng sinh cho bé và cho mẹ cũng như chuẩn bị kỹ lưỡng các hồ sơ và giấy tờ cần thiết để đi sinh.

  • Đồ dùng của bé: gồm quần áo, tã lót, khăn bông, khăn giấy, vớ, nón mũ. Bình sữa, sữa hộp dành cho bé sơ sinh.
  • Đồ dùng của mẹ: quần áo, khăn, vớ chân, bình nước nguội và bình nước sôi. Trên thực tế hiện nay một số các bệnh viện đã chuẩn bị tất cả các đồ dùng của bé và đồ của mẹ rồi, nên khi chọn bệnh viện để sinh thì mẹ cũng cần tìm hiểu. Nếu mẹ đi sinh nơi bệnh viện có khoa sản đã cung cấp đầy đủ đồ dùng của mẹ và bé thì mẹ không cần phải mang đi.
  • Giấy tờ và hồ sơ theo dõi quá trình thai nghén: Toàn bộ hồ sơ khám thai mẹ cần sắp xếp thứ tự, từ đầu thai kỳ đến cuối thai kỳ, được để trong túi hồ sơ, mẹ phải mang đi. Cần photo giấy chứng minh nhân dân của mẹ, sổ hộ khẩu thường trú có tên mẹ, giấy bảo hiểm y tế, giấy bảo hiểm của các công ty chỉ trả viện phí cho mẹ, mẹ cần mang đi khi sinh.
  • Một số câu hỏi thường gặp

    Đau đẻ có giống đau bụng kinh hay đi ngoài không?

    Trên thực tế, hiện tượng đau đẻ gần giống với đau bụng kinh hay đi ngoài. Tuy nhiên, đau bụng đi ngoài thường là những cơn đau nhẹ, xuất hiện và gây khó chịu ở vùng hậu môn. Còn hiện tượng đau bụng đẻ xuất hiện ở tử cung với tần suất và cường độ nhiều hơn. Đồng thời, mẹ bầu sẽ cảm thấy khó chịu ở cả phần bụng, háng và đùi cùng những cơn đau cao độ do thai nhi đã nằm theo hướng đường sinh, đè lên dây thần kinh của mẹ.

    Em bé đạp nhiều có phải sắp sinh?

    Nếu thai nhi đã ở tuần thai thứ 36 trở lên thì hiện tượng em bé đạp nhiều cũng là một trong những dấu hiệu sắp sinh. Nếu em bé đạp nhiều đi cùng các dấu hiệu như sa bụng bầu, cổ tử cung bắt đầu mở rộng, tần suất chuột rút và đau lưng nhiều hơn, bị tiêu chảy, dịch âm đạo biến đổi màu sắc, cơn co thắt tử cung ngày càng nhiều và rõ rệt và hiện tượng rỉ nước ối có nghĩa là mẹ bầu sắp đến thời gian sinh.

    Đau bụng lâm râm có phải sắp sinh không?

    Vào những tuần thai cuối, đau bụng lâm râm cũng có thể là dấu hiệu sắp sinh. Cơn đau này gần giống đau bụng kinh nhưng nó xảy ra kém với các dấu hiệu như: bụng dưới nặng hơn, dịch âm đạo tiết ra màu trắng nâu sẫm, mất nút nhầy tử cung, vỡ ối. Khi nhận thấy hiện tượng đau bụng lâm râm kèm các dấu hiệu trên, mẹ bầu cần báo ngay cho người thân và bác sĩ sản khoa của mẹ.

    Nước ối sắp sinh có màu gì?

    Nước ối sắp sinh thường có màu hồng hoặc màu nâu nhạt hoặc giống màu nước ối bình thường. Đôi khi, vỡ ối có thể kèm theo chút máu. Mẹ bầu cần chú ý đến màu nước ối để báo ngay cho bác sĩ. Màu của nước ối bình thường là màu trong đến vàng nhạt. Tuy nhiên, mẹ cần báo ngay cho bác sĩ nếu nước ối có màu nâu hoặc xanh lá hoặc đỏ nâu. Nước ối màu nâu hoặc xanh lá cho thấy em bé đã đi phân su khi còn trong bụng mẹ. Việc này sẽ gây ra các vấn đề về hô hấp của trẻ. Còn nếu nước ối có màu đỏ nâu đồng nghĩa với việc nhau thai đang có vấn đề.

    Tham khảo thêm thông tin chuẩn bị túi đồ đi sinh và cũng đừng quên đăng ký thành viên để tham gia vào câu lạc bộ các mẹ Huggies® nhé!

    Nếu như mẹ vẫn đang có những thắc mắc trong việc phục hồi sức khỏe sau khi sinh thì tham khảo chuyên mục Chăm sóc sau sinh hoặc đừng ngần ngại gửi ngay câu hỏi của mẹ về Góc Chuyên Gia của HUGGIES® để được các bác sĩ giải đáp nhé.

    Để bé yêu luôn khỏe mạnh, mẹ hãy tham khảo chuyên mục Cách chăm sóc bé hoặc tìm hiểu Bảng cân nặng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.