Nội dung chính của chiếu cần vương là gì năm 2024

Dù vậy hầu hết các nhà nghiên cứu cho rằng bản Dụ Cần vương thứ nhất ban hành ngày 2 tháng 6 niên hiệu Hàm Nghi thứ nhất [1885] là chân thực, các văn bản ban hành ngày 11 tháng 8 năm Ất Dậu [1885] và ngày 6 tháng 6 năm Kỷ Sửu [1889] là bản ngụy tạo.

Bài viết xin được trở lại câu chuyện Dụ Cần vương, đồng thời công bố một bản Dụ Cần vương duy nhất có niên hiệu Hàm Nghi nằm trong khối tài liệu Châu bản triều Nguyễn, từ đó đối chiếu làm rõ hơn phần nào vấn đề văn bản học của các bản Dụ đã công bố.

1. Bối cảnh ra đời của Dụ Cần vương

Sau khi vua Kiến Phúc mất, ngày 12 tháng 6 năm Giáp Thân [1884] vua Hàm Nghi chính thức lên ngôi kế vị tại điện Thái Hòa trong bối cảnh triều chính vô cùng rối ren. Chỉ trong vòng 1 năm từ tháng 6 năm Quý Mùi [1883] đến tháng 6 năm Giáp Thân [1884] đã có đến 3 vua lên ngôi rồi bị phế, bị giết hoặc chết đầy bí ẩn. Cũng giống như 3 vị vua trước là Dục Đức [làm vua 3 ngày], Hiệp Hòa [4 tháng 10 ngày], Kiến Phúc [8 tháng], Hàm Nghi lên ngôi theo sự sắp đặt của Hội đồng Phụ chính và thực chất không có quyền lực.

Ngay sau tiếng súng xâm lược đầu tiên của liên quân Pháp-Tây Ban Nha bắn vào cửa Đà Nẵng tháng 8 năm 1858, cán cân chính trị tại An Nam đã nghiêng hẳn về phía Pháp. Liên tiếp các Hòa ước bất bình đẳng được người Pháp ép buộc triều đình Huế ký kết. Năm 1862 với Hòa ước Nhâm Tuất toàn bộ vùng đất 3 tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa và đảo Côn Lôn đã thuộc về chủ quyền của Pháp. Năm 1874 Hòa ước Giáp Tuất đã buộc triều đình nhà Nguyễn chấp nhận mất toàn bộ Nam kỳ.

Tuy nhiên không dừng ở đó, ngay sau khi vua Tự Đức mất, lợi dụng lúc triều đình nhà Nguyễn còn đang lúng túng trong việc chọn người kế vị và nội bộ mâu thuẫn lục đục, quân Pháp bất ngờ đánh chiếm cửa biển Thuận An cửa ngõ vào Kinh đô Huế, sau đó buộc triều đình Huế ký bản Hòa ước ngày 25 tháng 8 năm Quý Mùi [còn gọi là Hiệp ước Harmand] thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp trên toàn cõi, ngoài ra người Pháp có quyền đặt các Tòa Công sứ tại các tỉnh Bắc kỳ và xứ thuộc địa Nam kỳ được mở rộng tới Bình Thuận. Năm 1884 với Hòa ước Patenôtre một lần nữa người Pháp khẳng định quyền bảo hộ trên mọi phương diện tại An Nam.

Sau Hòa ước Patenôtre triều đình Huế vốn đã chia rẽ nay càng phân hóa mạnh mẽ thành hai phe chủ hòa và chủ chiến. Đứng đầu phe chủ chiến là Tôn Thất Thuyết, một Phụ chính đại thần của triều đình. Ông đã ngấm ngầm xây dựng cơ sở Sơn phòng tại Quảng Trị để chuẩn bị cho kháng chiến. Đêm 22 rạng sáng ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu [mồng 4 tháng 7 năm 1885], lợi dụng việc Khâm sứ Trung kỳ Champeaux mở tiệc nghênh tiếp Toàn quyền De Courcy đến thăm Huế, Tôn Thất Thuyết ra lệnh tấn công Tòa Khâm sứ quyết một phen sống chết với quân Pháp. Tuy nhiên cuộc tấn công ngay lập tức thất bại và bị quân Pháp tấn công trở lại, Kinh thành Huế chìm trong lửa máu. Trong bối cảnh đó, Tôn Thất Thuyết đành phải đưa vua Hàm Nghi rời Kinh thành chạy ra căn cứ Quảng Trị. Tại đây Tôn Thất Thuyết thay mặt nhà vua ban Dụ Cần vương, kêu gọi quan lại, binh lính, nhân dân đồng lòng phò vua chống Pháp.

2. Về ba văn bản Cần vương đã công bố

Như đã nói ở trên, cho đến nay đã có 3 bản Dụ [Chiếu] Cần vương được công bố, cụ thể:

- Dụ Cần vương thứ nhất ghi niên hiệu ngày 2 tháng 6 năm Hàm Nghi thứ nhất [1885], chưa rõ phát hiện lần đầu tiên khi nào. Toàn văn bản chữ Hán dụ này đã được trang Từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia công bố. Bản Dụ gồm 24 dòng chữ Hán, văn bản không đóng dấu, nội dung nói về việc giặc Tây bức bách triều đình khiến vua quan phải dụng binh, dân tình phải kinh động. Việc thất thủ kinh đô khiến nhà vua cảm thấy xấu hổ, kêu gọi quan binh kẻ sĩ không rời bỏ vua mà đồng lòng bày mưu hiến sức để mong thu lại giang sơn.

Cho đến nay hầu hết các nhà nghiên cứu nhận định đây là bản Dụ Cần vương chính thức được tuyên bố tại Tân Sở, Quảng Trị và là bản xác thực.

Dụ Cần vương thứ nhất ghi niên hiệu ngày 2 tháng 6 năm Hàm Nghi thứ nhất [1885] được công bố trên Wikipedia

- Dụ Cần vương thứ hai ghi niên hiệu ngày 11 tháng 8 năm Ất Dậu [1885] được công bố trong cuốn "Lào và chế độ bảo hộ thuộc Pháp" [Le Laos et le protectorat français] của Gosselin xuất bản tại Paris [Pháp] năm 1900. Bản Dụ này được cho là phát đi từ Hà Tĩnh ngày 19/9/1885 dương lịch. Rất tiếc tại cuốn sách này Gosselin không công bố nguyên bản chữ Hán mà chỉ đưa ra bản dịch tiếng Pháp trong phần phụ lục với nhan đề “Bản tuyên cáo phát đi từ An Nam nhân danh vua Hàm Nghi sau khi rời khỏi Huế” [Proclamation lancée en Annam au nom du Roi Ham Nghi, aprés son départ de Hué].

Nội dung văn bản khá dài, thuật lại tỷ mỷ nước ta từ khi ký Hòa ước để mất 3 tỉnh Nam kỳ, cho đến sự kiện thất thủ kinh đô và quá trình 2 tháng nhà vua bôn tẩu. Đặc biệt bản Dụ chỉ trích nặng nề việc Nguyễn Văn Tường tội phản nghịch vua, hiệp đồng với Pháp khiến cho cuộc tấn công bị thất bại và kêu gọi nhân dân cảnh giác không nghe theo lệnh của Tường, cùng đồng lòng hướng về nhà vua tìm mưu giệt giặc.

Tuy nhiên cho đến nay đa phần các nghiên cứu đều cho rằng đây là bản ngụy tạo. Nhiều điểm đáng ngờ của văn bản này đã được chỉ ra như một số sự kiện nêu trong bản dụ không khớp với chính sử, thể thức hành văn không phù hợp với một văn bản dạng Chiếu Dụ của Hoàng đế.

Cụ thể, Trần Viết Ngạc, Trần Đại Vinh đều chỉ rõ sự phi lý trong thể thức hành văn và sự “xuyên tạc” trong nội dung bản Chiếu. Nguyễn Quang Trung Tiến cũng khẳng định đây là “văn bản giả”. Ví dụ nguyên văn bản Dụ viết “Mới đầu ta nhượng cho chúng 3 tỉnh Nam kỳ, vào khoảng 2 năm sau còn 3 tỉnh nữa chúng lại chiếm nốt”. Trên thực tế sau Hòa ước 1862 ta mất 3 tỉnh miền Đông, 5 năm sau 1867 mới mất tiếp 3 tỉnh còn lại. Kết thúc bản Dụ viết “Những lời nói của Trẫm phải được mọi người biết đến, cả người ở xa cũng như người ở gần. Trẫm nói toàn sự thực, không giả dối chút nào”. Câu nói này không phù hợp với cách hành văn dạng mệnh lệnh của một ông vua.

Dụ Cần vương thứ hai là bản dịch tiếng Pháp ghi niên hiệu ngày 11 tháng 8 năm Ất Dậu [1885] công bố trong cuốn "Le Laos et le protectorat français". Nguồn: Thư viện quốc gia Pháp [gallica.bnf.fr]

Ngoài ra bản Dụ chỉ được công bố một lần duy nhất trong cuốn Le Laos et le protectorat français mà không hề được nhắc đến trong bất cứ tài liệu nào khác. Thậm chí bản thân Gosselin trong cuốn Hoàng đế An Nam [L'Empire d'Annam] ấn hành sau đó 4 năm [1904] đề cập khá nhiều đến vua Hàm Nghi và sự kiện 1885 cũng không nhắc đến bản Dụ này.

- Chiếu Cần vương thứ ba ghi niên hiệu ngày 6 tháng 6 năm Hàm Nghi thứ 5 [1889] được công bố lần đầu do TS. Võ Quang Yến, thành viên của Hội Pháp - những người bạn Viễn Đông đăng tải trên Huế Xưa Nay, số 15, tháng 2 năm 1996 với nhan đề “Một bức chiếu chỉ Cần vương”. Nội dung bài viết nêu rõ, văn bản này được tìm thấy tại bảo tàng gia đình ông Thierry d'Argenlieu, một cựu Linh mục, nguyên Cao ủy Pháp ở Đông Dương, bức Chiếu do Giáo sư Léon Vandermeersch phát hiện và dịch ra tiếng Pháp.

Bức Chiếu được mô tả chi tiết về hình thức gồm bề ngang 70cm, cao 57cm; các ấn triện [con dấu] gồm có: 1 ấn lớn hình chữ nhật gần vuông, ngang 115mm, cao 110mm; 9 triện vuông nhỏ 18x18mm đóng trên từng phần nội dung và 9 triện tròn đường kính 43mm đóng dưới triện nhỏ. Ấn lớn ghi chữ “Hàm Nghi bảo ấn”, triện nhỏ hình vuông ghi chữ “Hoàng Đế”, triện tròn ghi chữ “Phúc Minh chi ấn”.

Văn bản được trang trí xung quanh diềm bằng 2 đôi rồng 4 móng và một số họa tiết khác như quạt, sách, quả bầu. Vẫn như các văn bản trước, bản Chiếu kể tội quân Pháp, ngoài ra hàm ý kêu gọi sĩ phu nhân dân Nam kỳ xuất của cải để giúp nhà vua phục quốc. Điều đặc biệt bản Chiếu nói rõ việc vua Hàm Nghi đã sang nước Đức để cầu viện giúp đỡ và được nước ấy chấp thuận.

Chiếu Cần vương thứ ba ghi niên hiệu ngày 6 tháng 6 năm Hàm Nghi thứ 5 [1889] được tìm thấy tại bảo tàng gia đình ông Thierry d'Argenlieu. Nguồn: Sưu tầm

Ngay sau khi công bố, bản Chiếu Cần vương này đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của giới nghiên cứu. Hầu hết đều khẳng định đây là “văn bản giả mạo”. Sự việc sau đó đã lắng xuống và chỉ được khơi lại khi một bài viết của Thái Lộc với nhan đề Tìm thấy nguyên bản Chiếu Cần vương đăng trên Tuổi trẻ cuối tuần số ra ngày 11/5/2008. Ngay lập tức nhiều chuyên gia nghiên cứu về triều Nguyễn đã đăng đàn chỉ ra những sai sót không thể chấp nhận của văn bản này.

Các nhà nghiên cứu gồm Phan Thuận An, Chương Thâu, Hà Văn Thịnh, Nguyễn Quang Trung Tiến, Trần Xuân An… đều đồng loạt chỉ ra những lỗi cơ bản nằm ngay trong thể thức và nội dung của bản Chiếu này. Cụ thể:

+ Về thể thức, một văn bản Hán Nôm nói chung và Chiếu Dụ nói riêng, con dấu và lạc khoản thường nằm ở cuối văn bản tức ở bên trái của tờ giấy, với lý do văn bản Hán Nôm đọc từ phải sang trái, nhưng ở đây thể thức văn bản được sắp xếp ngược hoàn toàn.

+ Về con dấu, ấn lớn đóng trên bản Chiếu đề “Hàm Nghi bảo ấn”, xét các quy định về ấn triện dưới triều Nguyễn chưa từng có con dấu ghi niên hiệu nhà vua, càng không thể có con dấu đề “Phúc Minh chi ấn”, bởi lẽ Phúc Minh là tên húy của vua Hàm Nghi theo quy định là điều cấm kị.

+ Về hình thức trang trí một bản chiếu như vậy cũng hoàn toàn không hợp thức. Theo mô tả, văn bản trang trí hình rồng 4 móng trong khi quy định đối với các vua nhà Nguyễn phải là rồng 5 móng và thường trên các bản Chiếu Sắc không trang trí các họa tiết kiểu như quạt, sách hay quả bầu.

+ Về thời gian, bản chiếu ghi năm Hàm Nghi thứ 5 [tức năm 1889] cũng hoàn toàn không hợp lý, bởi lẽ vua Hàm Nghi bị thực dân Pháp bắt từ cuối tháng 9 năm Mậu Tí [1888], cho đến lúc ban chiếu này nhà vua đã bị đưa đi lưu đày khoảng 7 tháng, vì vậy gần như không thể có chuyện sang Đại Đức cầu viện rồi về Quảng Đông như bản Dụ đã nêu. Hơn nữa thời điểm đó người Việt hầu như chưa biết đến nước Đức, vua Hàm Nghi lúc đó mới 17 tuổi chưa từng xuất ngoại và cũng không thể có bất cứ mối quan hệ nào với chính quyền nước Đức.

+ Về giả thuyết cho rằng văn bản này có thể do Tôn Thất Thuyết lấy danh nghĩa nhà vua để ban chiếu cũng không phù hợp, bởi Tôn Thất Thuyết là một đại thần đã làm quan nhiều năm trong triều đình không thể ngây thơ không có chút kiến thức nào về thể thức văn bản hành chính đến như vậy.

Nhận định chung của các nhà nghiên cứu thì đây là một văn bản được ngụy tạo khá vụng về, thậm chí thời gian văn bản có thể ra đời khá muộn sau này. Như nhà nghiên cứu Phan Thuận An khẳng định thì “hiện vật này có quá nhiều điểm bất thường”…

Đón xem Kỳ 2: Trở lại câu chuyện Chiếu Cần vương và bản Dụ Cần vương duy nhất trong Châu bản triều Nguyễn

Tài liệu tham khảo:

1. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, cơ sở dữ liệu Châu bản triều Nguyễn.

2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục [chính biên].

3. Kỷ yếu Hội thảo khoa học lịch sử "Nhóm chủ chiến triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường", Đại học Sư phạm tp.HCM, 1996.

4. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 140, 1971.

5. Tạp chí Xưa & Nay, số 128, 2002.

6. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 3 [563], 2023

Cần Vương [勤王] chỉ việc bề tôi tận tâm với nhà vua và triều đình, đồng thời chỉ phong trào nổi dậy của các sĩ phu yêu nước giai đoạn cuối thế kỷ 19 ủng hộ vua Hàm Nghi chống Pháp. Dụ Cần vương là lời hiệu triệu kêu gọi nhân dân đồng lòng phò vua chống giặc.

Châu bản triều Nguyễn [阮朝硃本] là khối tài liệu hành chính hình thành trong hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền triều Nguyễn từ 1802 đến 1945, có bút tích phê duyệt trực tiếp của các Hoàng đế trên từng văn bản.

Trần Viết Ngạc, "Chiếu hay Dụ Cần vương?", Kỷ yếu Hội thảo khoa học lịch sử "Nhóm chủ chiến triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường", Đại học Sư phạm tp.HCM, 1996; Tạp chí Xưa & Nay, số 128, 2002, tr.9-11. Nguyễn Quang Trung Tiến, Chỉ có chiếu Cần Vương lần thứ nhất là thật, Thể thao & Văn hoá Online, ngày 3/6/2008 [do Khang An ghi].

Đại úy Charles Gosselin, một người khá có ảnh hưởng trong chính quyền thuộc địa Pháp tại Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ 19, ông là tác giả cuốn Lào và chế độ bảo hộ thuộc Pháp [Le Laos et le protectorat français] xuất bản tại Paris [Pháp] năm 1900 và cuốn Hoàng đế An Nam [L'Empire d'Annam] xuất bản năm 1904.

Nội dung cơ bản của chiếu Cần Vương là gì?

Tổng quan, Chiếu Cần Vương không chỉ kêu gọi văn thân và nhân dân đứng lên giúp vua cứu nước, mà còn thể hiện sự tố cáo thống kê âm mưu xâm lược của Pháp, lên án sự phản bội và tính bất hợp pháp của triều đình Đồng Khánh, và khích lệ mọi người cả nước quyết tâm kháng chiến chống Pháp.

Nội dung cơ bản nhất của chiếu Cần Vương 13 tháng 7 năm 1885 là gì?

Nội dung cơ bản nhất của chiếu Cần vương [13 – 7 – 1885] của vua Hàm Nghi là kêu gọi nhân dân cả nước vì vua mà đứng lên kháng chiến chống Pháp.

chiếu Cần Vương ngày bao nhiêu?

Tại đây, ngày 13-7-1885, vua Hàm Nghi ban chiếu Cần vương. Hưởng ứng chiếu Cần vương, nhân dân ta ở khắp mọi nơi, dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu văn thân yêu nước đã sôi nổi đứng lên chống Pháp.

Ý nghĩa của chiếu Cần Vương cuối thế kỷ 19 ở Việt Nam là gì?

Chiếu Cần Vương có tác dụng kêu gọi toàn bộ nhân dân cả nước đứng lên cùng đoàn kết để giúp vua chống lại thực dân. Chính lời kêu gọi đó đã dẫn lên một phong trào chống Pháp mạnh mẽ khắp cả nước.

Chủ Đề